Thứ Tư, 7 tháng 7, 2021

NGUYỄN DUY - NHÀ THƠ CỦA CHÚNG SINH

Nhà thơ Nguyễn Duy. Ảnh: Văn Bảy.

Nguyễn Duy - nhà thơ của chúng sinh 

Người Đô thị
09:34 | Chủ nhật, 04/07/2021 

Thơ Nguyễn Duy quá quen thuộc với nhiều tầng lớp xã hội trong suốt 50 năm qua. Cũng không ít bài viết, các luận văn từ cử nhân đến tiến sĩ đã chọn đề tài thơ Nguyễn Duy. Nhưng với tập tiểu luận vừa được NXB Khoa học Xã hội ấn hành Nguyễn Duy – Nhà thơ hiện đại Việt Nam, tác giả Lã Nguyên (*) lần đầu tiên mang đến cho người đọc một cái nhìn đầy đủ, toàn cục diện mạo thơ Nguyễn Duy trong dòng chảy của văn học đương đại Việt Nam.

Đây là một vấn đề lớn, nhạy cảm dễ chạm đến quan niệm truyền thống về dòng văn học chủ lưu vốn dựa trên cảm hứng tự hào về Đảng, lãnh tụ, nhân dân trong cuộc đấu tranh trường kỳ giành độc lập tự do cho dân tộc. Nói cách khác, đó như là kim chỉ nam sáng tác cho đội ngũ nhà văn suốt từ sau 1945 đến nay.

Với cách tiếp cận này, tác giả đã lần lượt tách bóc các lớp từ tư duy nghệ thuật đến hình tượng tác phẩm bằng thao tác khoa học thực hành, phân tích diễn ngôn, tạo ra sự tương phản giữa hai bức tranh hiện thực của thời đại: một bên thiên về giọng điệu hào sảng, ngợi ca, bên kia thủ thỉ tâm tình trong nỗi đau riêng tư đời thường khó nói, thậm chí cao cả mà bình dị, như một lẽ sống buộc người dân phải đối mặt. Đấy là tồn tại thực tế, hai bình diện hiện thực của đời sống văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng 8 đến nửa cuối thập niên 80 thế kỷ trước.

Theo GS. Trần Đình Sử: “Lã Nguyên chứng minh tuy hợp lưu với dòng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trong suốt chiều dài lịch sử của nó song đó không phải là thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa (…). Thơ Nguyễn Duy là thơ của chúng sinh, của dân trong suốt đường thơ của ông…” (Lời tựa sách). Khác với cách bình, tán thường thấy, tập sách khiêm tốn dài 250 trang đã tập hợp đầy đủ các dữ liệu để chứng minh về phương diện diễn ngôn đầy sức thuyết phục, làm bật lên giọng điệu thơ Nguyễn Duy tuy cùng song hành với thơ cảm hứng theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng vẫn tạo nên một thế giới riêng biệt mà không hề đối lập, tạo thêm một nét hiện thực tinh tế, sinh động.

Nó cho thấy, đời sống văn học nghệ thuật của một giai đoạn lịch sử hào hùng dân tộc cứ ngỡ chỉ một giọng điệu nhưng hóa ra đa thanh. Có một thời, hình như theo quán tính nào đó mà ta từng bỏ quên, né tránh, thậm chí có lúc phũ phàng với một vài giọng điệu lẻ loi như vậy. Thực tế nó vẫn âm thầm lặng lẽ, bền bỉ tồn tại, chứng minh một chân lý mà Nguyễn Duy đã đúc kết “Ta là dân - vậy thì ta tồn tại” (Nhìn từ xa… Tổ quốc).

Những ai đã từng yêu thơ Tố Hữu, được xem là ngọn cờ đầu của dòng văn học chủ lưu, hiện thực xã hội chủ nghĩa, qua chuyên luận này có dịp xem lại cảm hứng sáng tác và cách biểu đạt của nhà thơ qua sự so sánh, đối chiếu với thơ Nguyễn Duy để hiểu hơn diễn trình loại hình thơ đương đại của thơ Việt Nam trong suốt một chặng đường lịch sử dân tộc.


Trong những năm gần đây, Lã Nguyên cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu lý luận văn học mang tính hàn lâm được học giới quan tâm. Công trình này được tác giả ấp ủ tâm huyết bao năm.

Có thể sẽ có những tranh luận từ những gợi mở mang tính đột phá như thế. Dẫu sao việc phân tích diễn ngôn của Lã Nguyên là bài học bổ ích cho việc đào tạo văn học ứng dụng và những người có nhu cầu tìm lối đi mới trong nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam hiện nay. Bởi vì, như GS. Trần Đình Sử đã viết trong lời tựa tập sách này - “Bên cạnh và ngay trong các nhà thơ kiểu chiến sĩ, bên cạnh sáng tác theo đơn đặt hàng, họ còn sáng tác theo những kiểu nhà thơ khác nhau”. Bởi vì, bên cạnh dòng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, còn có nhiều dòng khác...

Hồ Huy
________

(*) PGS-TS. La Khắc Hòa, giảng viên bộ môn Văn học ứng dụng - Đại học Văn Lang.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét