Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

TRẢ LỜI PV BBC VỀ VIỆC GS NGÔ BẢO CHÂU GIÃ TỪ FACEBOOK

TRẢ LỜI PV BBC VỀ VIỆC GS NGÔ BẢO CHÂU
GIÃ TỪ FACEBOOK

BBC: Cảm giác của ông khi biết Giáo sư Ngô Bảo Châu tạm biệt Facebook?

Nguyễn Xuân Diện (NXD): Tôi biết tin này qua FB của HS Lê Quảng Hà. Hoạ sĩ rất nuối tiếc khi GS Ngô Bảo Châu dừng facebook. Cảm giác của tôi là rất bình thường, vì tôi không theo dõi và không kết bạn với FB của GS Châu. Tôi chỉ vào theo dõi khi cư dân mạng xôn xao về một stt nào đó của GS Ngô Bảo Châu.

BBC: Theo ông, Ngô Bảo Châu có chịu áp lực nào không?

NXD: Tôi nghĩ là có, rất nhiều stt của ông Châu đã lan toả và ảnh hưởng lớn; và rồi gây áp lực trở lại với ông ấy.

BBC: Ông có cho rằng ai cũng có quyền rời bỏ Facebook, nhưng trí thức bỏ mặc cộng đồng lầm than là có lỗi?

NXD: Tôi không nghĩ vậy! Tôi nghĩ là ai cũng có quyền lập và rời bỏ FB. Và trí thức tinh hoa hay nghệ sĩ nổi tiếng cũng đều có quyền rời bỏ FB khi thấy không còn thời gian dành cho nó hoặc chọn các cách tiếp cận cộng đồng hoặc giao lưu khác.

Tuy nhiên, trí thức đã tham gia mạng xã hội khác với người bình thường. Trí thức và nhà chuyên môn khác nhau. Nhà chuyên môn chỉ mãi là nhà chuyên môn, và không thể trở thành trí thức được nếu anh ta không hành xử và tự gánh trách nhiệm như một trí thức.

Trí thức là người có chuyên môn cao về một lĩnh vực; nhưng anh ta phải tự ý thức và có trách nhiệm trước cộng đồng xã hội. Và biểu hiện rõ nhất là phản biện với tinh thần trách nhiệm cao, bất vụ lợi; đặc biệt là phản biện với các chính sách của nhà cầm quyền.

Vì vậy, nhà cầm quyền mạnh và trong sạch thì không bao giờ sợ trí thức hoặc sợ phản biện của trí thức. Và đương nhiên là tôn trọng và lợi dụng các phản biện này để củng cố bộ máy, điều chỉnh chính sách.

BBC: Nếu trí thức Việt Nam vắng bóng trên Facebook thì tác động với công chúng có thể là gì?

NXD: Như đã nói, trí thức là tầng lớp có chuyên môn cao, tầm hiểu biết về xã hội rộng, diện tiếp xúc bao quát, nên họ nắm vấn đề nhanh và luôn muốn đưa ra ý kiến giải pháp cho một câu hỏi nào đó của xã hội. Họ lại có một khả năng thiên phú là biết phân tích và tổng hợp nên đưa ra dự báo rất chính xác, có nhiều khi như là lời tiên tri.

Ý kiến của họ được chia sẻ, đồng thời với việc dân trí được khai sáng và chấn hưng. Vì thế việc vắng bóng các nhà trí thức trên không gian mạng xã hội trước hết là thiệt cho dân, sau đó là cho nhà cầm quyền (ở đây là các nhà cầm quyền lành mạnh, tử tế).

28.6.2021
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57639154...

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét