Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

NHÀ THƠ NGUYỄN DUY VÀ MÓN QUÀ TỪ SÀI GÒN


NHÀ THƠ NGUYỄN DUY VÀ MÓN QUÀ 
NHƯ CƠN MƯA MÁT GIỮA TRƯA NỒNG HÀ NỘI

Nguyễn Xuân Diện

Hà Nội nóng quá! Ngoài giời dễ đến hơn 40 độ. Trưa nay, nghỉ trưa vừa dậy đã nhận được một phong thư: Nhà thơ Nguyễn Duy gởi sách tặng từ Sài Gòn, bỗng chốc lòng tôi như đang có cơn mưa rào. 

Anh Nguyễn Duy nhắn tin nhấp nhứ khoe cuốn sách từ khi nó vừa ra khỏi nhà in, mà dễ chừng anh chỉ được ngắm nó qua ảnh do La Khắc Hoà tiên sinh gửi. Anh Hoà nhắn tin hỏi địa chỉ để gửi sách, sau lại thấy anh bảo anh gửi đi Sài Gòn cho anh Nguyễn Duy. Thế là sách được anh La Khắc Hoà (Lã Nguyên) ký, rồi chuyển vào Sài Gòn để anh Nguyễn Duy ký rồi mới gửi ra Hà Nội cho Xuân Diện. 

Tôi đã mê thơ Nguyễn Duy từ thời cuối cấp III. Khi ấy, ở góc chợ Nghệ Sơn Tây có một ông lão cao lêu nghêu, có cái mũi dài như ông lão bán đỉa trong Truyện Bu ra ti nô, thường trải một tấm bạt ra để bán sách. Tuy ở tỉnh lẻ nhưng sạp sách của ông lại thường có những cuốn sách mới in, còn thơm mùi mực, rất hợp với bọn học sinh chúng tôi như: "Tình yêu – tình bạn – Thơ" sách khổ nhỏ bìa màu tím, rồi có cả cuốn "Mẹ và Em" của Nguyễn Duy nữa. Tôi quyết mua cuốn sách đó. Sách in ở Nhà xuất bản Thanh Hoá nhưng in đẹp và sang lắm. Bìa là tranh một cô gái khoả thân vẽ màu nước. Đây là lần đầu tiên tôi trông thấy tranh một cô gái khoả thân. Năm ấy tôi 17 tuổi (1987). Trong sách ngay trang đầu là một trang ảnh thủ bút Nguyễn Duy chép bài “Thơ tặng người xa xứ” chữ đẹp tuyệt vời. Cuốn sách in giấy đẹp, các bài thơ trình bày bằng phông chữ nghiêng dễ xem và đơn giản, thông thoáng và dễ chịu lắm. Đặc biệt nhất, tôi bị sốc khi lật bên trong thấy các phụ bản là chùm ảnh của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Văn Mùi nổi tiếng, bộ ảnh Tóc gió, Tâm tư…xem vừa thích thú vừa rợn người, nhất là khi ấy cậu bé nhà quê 17 tuổi tâm hồn đang rất non tơ. Khi tôi vào học Tổng hợp Văn, thỉnh thoảng có trông thấy Anh Nguyễn Duy đến các buổi hội thơ trong ký túc xá Mễ trì, nhưng tôi không dám lại gần bắt chuyện. Năm 1994, trên báo Người Hà Nội tôi có viết bài bình bài thơ “Một góc chiều Hà Nội” của anh.

Vào năm 1997, lúc ấy tôi đã ra trường, lúc đó chưa mua nhà, vẫn ở trọ ở Khương Trung. Một hôm, Đoàn Chèo trung ương về diễn vở Chúa Chổm. Tôi tranh thủ đánh bạo gặp Nghệ sĩ Ưu tú Khắc Tư để trao cho anh văn bản bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của Nguyễn Duy và nói bài này rất hợp để chuyển thành hát Văn, hát Xẩm. (Xin xem video xác nhận của NS Khắc Tư trong phần comments).

Anh Khắc Tư mang về, lồng điệu bẻ làn thành bài hát văn rất hay. Và anh mang bài hát này đi diễn khắp trong Nam ngoài Bắc, trong nước ngoài nước. Đến đâu mọi người cũng thích thú cảm động và hoan nghênh nhiệt liệt. Nhiều, rất nhiều người đã khóc dữ dội khi nghe anh Khắc Tư hát bài này. 

Từ tiếng hát Khắc Tư, bài hát này ngày càng được nhiều nghệ sĩ thể hiện và để lại dấu ấn như NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Ngoan, NSND Thanh Hoài, NSUT Đinh Cương, NSUT Văn Chương, …

Anh Nguyễn Duy biết chuyện và hình như anh có quý mến tôi hơn. Nên mỗi dịp anh ra Hà Nội chơi thường kéo tôi đến uống rượu, các buổi đọc thơ – hát thơ Nguyễn Duy ở Đại học Văn hoá, Đại học KHXH và Nhân văn, ở L’espace Trung tâm Văn hoá Pháp, ở Trung tâm Bảo tồn Phố Cổ Đào Duy Từ…anh đều có gọi điện mời hoặc gửi vé mời tôi đến thưởng thức.

Anh Nguyễn Duy vui lắm! Ngồi ở đâu cũng xôm trò nhất hội. Giọng đọc thơ rất hay. Anh mà đọc bài “Nhìn từ xa Tổ quốc” thì ai nghe cũng …khiếp! Tôi may mắn được anh tặng cho nhiều sách, lần nào cũng ký tên và đề tặng rất thân thiết. 

Nhưng hôm nay, cuốn sách anh tặng là có chữ ký của cả hai: Tác giả và Đối tượng của tác giả, tức là chữ ký của Lã Nguyên và Nguyễn Duy. Cuốn sách có hành trình thú vị: in ở Hà Nội, tác giả Lã Nguyên ký rồi gửi vào Sài Gòn để anh Nguyễn Duy ký rồi gửi ngược trở lại Hà Nội. Chiều qua anh gửi, đầu giờ chiều nay đã nhận được.


Đây là cuốn sách đầu tiên viết riêng về Nguyễn Duy và Thơ Nguyễn Duy. Sách dày 255 trang, khổ 12 x 20 cm nhỏ xinh,và chỉ in 500 bản tại Nhà xuất bản Khoa học xã hội. “Nguyễn Duy – Nhà thơ hiện đại Việt Nam (thực hành phân tích diễn ngôn văn học)” là một cuốn chuyên luận tiếp cận Nguyễn Duy và thơ Nguyễn Duy hoàn toàn mới mẻ và đầy táo bạo, khác lạ. Sách gồm 4 chương, cùng phần Vĩ thanh và Phụ lục. 

Ngay đầu sách, ta gặp bài Tựa của Trần Đình Sử, nhà lý luận hàng đầu hiện nay, giúp độc giả sửa soạn tâm thế để đọc cuốn sách của Lã Nguyên La Khắc Hoà. Đáng lẽ tôi phải gõ và đăng lên đây đủ bài Tựa hơn 6 trang của Trần Đình Sử, nhưng nghĩ gõ hết cả lên thì kinh động quá, nên đành chỉ chép lại một câu đầu tiên “Tập sách nhỏ về thơ Nguyễn Duy của Lã Nguyên nêu ra một vấn đề rất lớn đối với văn học sử đương đại Việt Nam”. 

Thôi, sách vừa in xong, xin không nói nhiều nữa để mọi người mua đọc mới thú vị. 

NXD
22.6.2021.

Nguồn: FB Nguyễn Xuân Diện.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét