Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

QUÂN ĐỘI, CÔNG AN ĐƯỢC DÙNG ĐẤT QUỐC PHÒNG ĐỂ LÀM KINH TẾ

  Khu đất tại khu Ba Son, Q.1, TP.HCM đang được TP.HCM đề nghị Bộ Quốc phòng bàn giao lại cho địa phương để đầu tư dự án tôn tạo, bảo tồn phát huy giá trị di tích Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh Độc Lập

Quân đội, công an được dùng đất quốc phòng, an ninh xây dựng kinh tế

Lê Hiệp
Thanh Niên
21:19 - 24/12/2020  

Nghị quyết của Quốc hội vừa thông qua chính thức luật hóa việc quân đội, công an sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế - điều chưa được quy định trong luật Đất đai 2013.

Nghị quyết Thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua hôm 17.11 tại kỳ họp 10

Nghị quyết gồm 8 điều, quy định từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, chế độ, trách nhiệm của bộ trưởng các bộ Quốc phòng, Công an, quyền nghĩa vụ của các doanh nghiệp quân đội, công an cũng như việc xử lý đối với các dự án hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện từ trước khi có nghị quyết.

Phải nộp tiền sử dụng đất hàng năm 

Theo đó, nghị quyết quy định, về nguyên tắc, việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh phải bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh là chính; trường hợp sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh. 

Đất quốc phòng, an ninh sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh và phương án sử dụng đất được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt. 

Nghị quyết nêu rõ, không được sử dụng đất quốc phòng, an ninh để góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết. 

Nghị quyết cũng quy định, dơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải lập phương án sử dụng đất trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt. 

Nghị quyết của Quốc hội quy định, nếu sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để tổ chức lao động, giáo dục, giáo dục cải tạo, rèn luyện, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống, dịch vụ hỗ trợ hậu cần - kỹ thuật thì không phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm. 

Các trường hợp còn lại phải nộp tiền sử dụng đất hàng năm được xác định trên cơ sở diện tích đất sử dụng, giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai và tỷ lệ doanh thu ngoài nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh. Tiền này phải được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước và phải lập dự toán thu, chi theo quy định của luật Ngân sách nhà nước.

Không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất quốc phòng, an ninh 

Nghị quyết cũng giao Bộ trưởng Quốc phòng, Công an trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. 

Bên cạnh đó, tổ chức rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, bảo đảm quỹ đất dự trữ lâu dài cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh. 

Cụ thể, đối với khu đất có giá trị từ 500 tỉ đồng trở lên không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng đất để phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất

Đối với khu đất không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì bàn giao cho UBND cấp tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội và quản lý theo quy định của pháp luật. 

Nghị quyết cũng quy định, các đơn vị, doanh nghiệp của quân đội, công an được sử dụng đất quốc phòng, an ninh và tài sản gắn liền với đất để thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế và nộp tiền sử dụng đất hàng năm theo quy định. 

Tuy nhiên, nghị quyết nêu rõ, các đơn vị, doanh nghiệp không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Bên cạnh đó, không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất. 

Chấm dứt dự án liên doanh, liên kết sai phạm, không hiệu quả 

Nghị quyết của Quốc hội cũng dành 1 điều riêng quy định về việc xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn. 

Cụ thể, nghị quyết yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát, đánh giá hiệu quả về quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội, môi trường của dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện trước ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành; lập báo cáo rà soát và đề xuất phương án xử lý. 

Theo đó, đối với dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết sai phạm, không hiệu quả thì chấm dứt, thanh lý, thu hồi dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết; đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an và tổ chức, cá nhân thực hiện theo phương án xử lý đã được phê duyệt, khắc phục triệt để những tồn tại, vi phạm. 

Đối với dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch của địa phương và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết đã ký kết. 

Không cần cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì giao lại cho địa phương 

Nghị quyết cũng quy định về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn. Cụ thể, đối với vị trí, diện tích đất không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì đưa ra khỏi quy hoạch đất quốc phòng, an ninh và chuyển giao cho UBND tỉnh quản lý, sử dụng. 

Đối với vị trí, diện tích đất quốc phòng, an ninh cần thiết cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì thực hiện theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt. 

Đối với hợp đồng sử dụng đất, thuê đất quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã ký với doanh nghiệp quân đội, công an đã thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trước ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành mà diện tích đất phải dự trữ lâu dài cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn hợp đồng. 

Nghị quyết cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về việc xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn. 

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ 1.2.2021 và hết hiệu lực khi luật Đất đai 2013 được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.

12 nhận xét :

  1. Từ khi mà bộ đội và công an được làm kinh tế thì các tướng tá có vòng bụng tăng trưởng cứ tăng lên. Giờ có nghị quyết này thì vòng 3 còn tăng nữa .

    Trả lờiXóa
  2. Lực lượng vũ trang đi làm kinh tế là hạ sách,nguy cơ mất nươc là hiện hữu !

    Trả lờiXóa
  3. Một người línhlúc 07:59 26 tháng 12, 2020

    Vì làm kinh tế mà đất nước mất bai nhiêu ông Tướng, thay vì bảo vệ Tổ Quốc, phải ở tuyến đầu thì họ lại chui vào an dưỡng trong nhà tù. Vì làm kinh tế mà cựu BT QP phùng quàng thanh và con trai cùng nhóm lợi ích quân đội suýt bán chủ quyền dân tộc cho giặc tàu

    Trả lờiXóa
  4. Vừa đá bóng vừa thổi còi là đặc điểm của các chính sách kinh tế thị trường định hướng xhcn

    Trả lờiXóa
  5. Kinh nghiệm sống và đối chiếu thực tế bao nhiêu năm đã qua, ai đọc cái tựa đề bài báo “Quân đội, công an được dùng đất quốc phòng, an ninh xây dựng kinh tế.” đều biết tỏng tòng tong THÂM Ý là gì rồi. Tướng lĩnh và một số sĩ quan cao cấp nhất là bên quân đội đã từng giàu to nhờ sử dụng đất quốc phòng, nay thì tha hồ tiếp tục làm giàu. Bây giờ lại thêm cả công an nữa cũng lại tha hồ làm giàu.
    Công an và quân đội là “lá chắn và thanh kiếm” bảo vệ đất nước. Thực tế là như cậy và quốc gia nào cũng như vậy. Nhưng nó không phải kiểu như ngày xưa, một ông vua ban thái ấp lãnh địa cho cho tướng lĩnh để bảo vệ ngai vàng.
    Sự thật mất lòng, nghĩ sao mình nói vậy. Trên thế giới không có một quốc gia nào mà quân đội và công an lại được ưu ái như vậy.

    Trả lờiXóa
  6. Họ muốn xoá Tội Ác Đồng Tâm bằng nghị quyết, quá trơ trễ lố bịch.

    Trả lờiXóa
  7. Tha hồ ăn. Ăn thoải mái.

    Trả lờiXóa
  8. Vì co làm kinh tế mà nhóm lợi ích Quốc Phòng đã “ăn” hết 1/5 đất sân bay Tân Sơn Nhất, bây giờ đường kẹt, máy bay chậm, sân bay ngập nước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ăn 4/5 nhé!!! "GS TSKH Lê Huy Bá cho rằng ...Đến trước năm 1975, Tân Sơn Nhất có diện tích gấp 4-5 lần hiện nay" https://vnexpress.net/vi-sao-san-bay-tan-son-nhat-ngap-nang-3468939.html

      Xóa
  9. Người thì sinh sôi, đất thì chỉ có thế, cứ lấy mãi thì dân ở đâu? Ngày xưa nói đói thì cạp đất mà ăn. Ngày nay đất cũng không còn! Cụ Tú Xương đã đưa ra giải pháp ' Bồng bế nhau lên chúng ở non", bây giờ non cao rừng bị phá, núi sạt lở, dân chết như hôm rồi cả hơn trăm mạng người! Vậy thì dân sống thế nào? Quốc hội là của dân, do dân vì dân mà không thấy có một ý nào trong cái nghị quyết này bàn về sự sống của dân là sao? Chỉ nhăm nhăm đến đất! Thật oái oăm!

    Trả lờiXóa
  10. Vấn đề là phải đưa ra được chính sách mở mang kinh tế, phát triển bền vững, muốn vậy phải có nhân lực. Muốn có nhân lực tốt thì công tác nhân sự phải chuyên nghiệp, công tác nhân sự đâu phải là chức tước địa vị hư danh! Vua chèo còn chẳng ra chi, quan chèo chi nữa khác chi thằng hề. Ăn thật làm giả thì đi ăn cướp!

    Trả lờiXóa
  11. Nhân Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng biện pháp tịch thu tài sản tham nhũng không cần thông qua thủ tục kết tội và buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc tài sản.

    Cho hỏi "người kế thừa không chứng minh được nguồn gốc tài sản" có phải liên đới chịu trách nhiệm & bị tịch thu tài sản không, vì nếu không, quan tham sẽ cố tình bảo vệ nhau kéo dài vụ việc đến khi người phạm tội già & chết để "chết là hết"? Nếu có điều luật này thì các vụ việc vụ án sẽ được quan tham tự giác đẩy nhanh hơn!

    Trả lờiXóa