Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

XÂY BẢO TẢNG TÔN ĐỨC THẮNG - TỐN HƠN 270 TỶ ĐỒNG

 

Phối cảnh bảo tàng Tôn Đức Thắng mới. Ảnh: Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

Hơn 270 tỷ đồng xây bảo tàng Tôn Đức Thắng

VNE
Thứ hai, 12/10/2020, 18:38 (GMT+7)

TP HCM - Bảo tàng Tôn Đức Thắng mới gồm 5 tầng, diện tích trưng bày lớn gấp 5 lần bảo tàng hiện hữu, tổng kinh phí xây dựng gần 276 tỷ đồng.

Sáng 12/10, bảo tàng Tôn Đức Thắng được khởi công xây mới tại số 5 đường Tôn Đức Thắng, quận 1, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư.

Công trình mới đáp ứng trưng bày 5 chủ đề thường xuyên, các trưng bày ngắn hạn, các hoạt động trải nghiệm. Bảo tàng gồm một tầng hầm, 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn 8.500 m2, khi hoàn thành có đầy đủ các khu chức năng, không gian trưng bày, kho hiện vật, phòng xử lý kỹ thuật phim ảnh, không gian làm việc... Trong đó, diện tích trưng bày rộng 2.000 m2.

Bảo tàng hiện có khoảng 16.000 tư liệu, hiện vật được lưu trữ, trong đó hơn 1.170 hiện vật gốc nhưng do cơ sở vật chất đã xuống cấp, không gian bố trí hạn chế. "Việc xây dựng bảo tàng là cần thiết và cấp bách để đảm bảo an toàn cho hiện vật, tư liệu", Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm nói.

Theo ông Liêm, bảo tàng là nơi duy nhất của cả nước giới thiệu khá đầy đủ, hệ thống về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Ông đề nghị các đơn vị trong quá trình thi công đảm bảo giữ nguyên trạng của hiện vật.

Sở Văn hóa - Thể thao sẽ tổ chức trưng bày chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sức hấp dẫn cho khách tham quan khi công trình hoàn thành.

Bảo tàng Tôn Đức Thắng thành lập năm 1988 nhân dịch kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông với tên gọi ban đầu là Nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Bảo tàng có 5 phòng trưng bày, từ khi thành lập đã đón hơn 1,5 triệu lượt khách trong và ngoài nước tham quan.

Tôn Đức Thắng (1888-1980) là Chủ tịch nước thứ hai của Việt Nam từ năm 1969 đến khi qua đời. Trước đó, ông là Phó chủ tịch nước giai đoạn 1960 -1969.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng quê ở An Giang, thường được người dân gọi thân mật là Bác Tôn. Ông sinh trong một gia đình nông dân khá giả, nên được học hành cao. Năm 24 tuổi, ông tham gia tổ chức công nhân bãi công, rồi hoạt động cách mạng.

Hà An

3 nhận xét :

  1. Có lẽ sắp tới đây còn phải xây dựng bảo tàng Lê Duẩn , Phạm Văn Đồng , Nguyễn Văn Linh, Đỗ mười ,...cũng nên ? Nếu vậy các hiện vật như dép cao su, mũ cối , bi đông ,... lại đắt giá .

    Trả lờiXóa
  2. Bác Tôn không cần bọn mày xây bảo tàng cho Bác.

    Trả lờiXóa
  3. Tại sao không xây dựng những hạ tầng cơ sở chính yếu và thiết thực hơn như: đường xá, cầu cống. Ngày nào cũng ùn tắt giao thông, tốn kém xăng dầu, thời gian, sức khỏe thể chất lẫn tâm thần, ô nhiễm môi trường..., và cũng cứ mưa là phải lội, ướt bệnh, xe chết máy, bức xúc...Phục chính tôi và dân ta quá mức, vẫn chưa lên cơn điên với phẫn uất hàng ngày tích lũy. Dân số ngày mỗi tăng, đất mỗi ngày một teo tóp vì những công trình tượng đài, sân cù, lăng mộ của các ngài (đến chết rồi cũng cố hại cú chót và miên viễn trong thể chế)...ta khai thác quá mức đất cũng bạc màu, các nước Âu châu nuôi trồng chăm sóc diện tích đất khai thác rất kỹ. Hầu như các nước khác bao gồm cả nước lạ cũng đang tìm kiếm sẵn nơi khai thác thực phẩm cho dân mình. Vậy mà Việt Nam ta cứ thản nhiên cắt xén đất đai tuỳ tiện. Thật là đất nước mà chỉ số hạnh phúc cao thì hành xử có khác! Cũng như ta nói “thừa giấy vẽ voi”, nhưng với “đất nước có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay” thì không có giấy vẫn vẽ cá nhà táng được, nói chi đến con voi bé bé ấy, nhẫy!

    Trả lờiXóa