Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

SẬP BẪY TRUNG QUỐC, LÀO ĐỐI MẶT NGUY CƠ VỠ NỢ

 
Lào đã ký với một công ty nhà nước Trung Quốc thỏa thuận truyền tải điện từ các đập trên sông Mekong - Ảnh: BLOOMBERG
 
Lào đối mặt nguy cơ vỡ nợ 

Tuổi trẻ
03/09/2020 11:57 GMT+7

TTO - Các hãng đánh giá tín dụng và cố vấn kinh tế cho Chính phủ Lào cảnh báo nợ công của Vientiane đã vượt ngưỡng nguy hiểm và có nguy cơ vỡ nợ. Lào được cho là đang nhờ sự giúp đỡ từ Trung Quốc, theo Financial Times. 

Theo báo Financial Times, tính đến thời điểm cuối dữ liệu được công bố hồi tháng 6, dự trữ ngoại hối của Lào đã giảm xuống chỉ còn 864 triệu USD, trong khi nợ phải trả của nước này từ nay đến cuối năm 2024 là hơn 1 tỉ USD/năm. Nguy cơ vỡ nợ cao nếu không có sự can thiệp.

Tháng trước, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service đã hạ triển vọng tín nhiệm của Lào từ mức B3 xuống Caa2, tức rủi ro rất cao, cùng với đánh giá "tiêu cực".

Moody's nhận định Lào đối mặt "căng thẳng thanh khoản nghiêm trọng do các khoản nợ lớn đến hạn trả năm nay và kéo dài đến tận năm 2025".

Cũng trong tháng 8, Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó thủ tướng Lào Somdy Douangdy báo cáo trước quốc hội rằng nợ công của nước này có thể tăng lên 65 - 68% GDP trong năm 2020 do nguồn thu quốc gia giảm (khoảng 696 triệu USD), cộng với nợ vay tăng do đại dịch COVID-19.

Financial Times cho biết giới phân tích đặc biệt quan ngại về các khoản vay thương mại của Lào ở thị trường trái phiếu Thái Lan, vốn được huy động thường xuyên những năm gần đây.

"Trong hoàn cảnh này Lào sẽ khó tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế, trong khi triển vọng gia hạn nợ ở thị trường trái phiếu Thái Lan mỗi lúc thêm khó khăn. Vientiane đã cầu viện đến ngân hàng thương mại và các khoản vay song phương để trám vào lỗ trống", ông Jeremy Zook, giám đốc châu Á của hãng đánh giá tín nhiệm Fitch, nhận xét.

Fitch cho Lào mức đánh giá B - cùng triển vọng "tiêu cực" hồi tháng 5.

Dự án đường sắt cao tốc do Trung Quốc làm ở Lào góp một khoản lớn vào nợ công 
của nước này - Ảnh: beltandroad

Ông Toshiro Nishizawa, giáo sư Đại học Tokyo, thành viên tổ tư vấn kinh tế cho Chính phủ Lào, cảnh báo về nguy cơ "tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia" ở Lào trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới.

"Nguy cơ vỡ nợ là mối đe dọa tiềm tàng đối với hoạt động tài chính ở Lào, dẫn đến hậu quả là bao nỗi nhọc nhằn cho người dân. Hiện nợ nước ngoài đã đủ lớn để gây áp lực lên nguồn dự trữ ngoại hối cạn kiệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19", giáo sư Nishizawa giải thích.

Thậm chí trước COVID-19, các hãng đánh giá tín nhiệm và giới ngoại giao phương Tây đã gióng lên cảnh báo về mức nợ công của Lào, vốn bị đội lên nhanh do các dự án thủy điện khổng lồ trên sông Mekong, và một dự án đường sắt cao tốc do Trung Quốc chống lưng.

Hai nguồn tin tiết lộ với Financial Times rằng các quan chức Bộ Tài chính Lào đang tiến hành thương thảo với phía Trung Quốc về khả năng giãn nợ.

Fitch ước tính Chính phủ Lào nợ nước ngoài khoảng 12,6 tỉ USD - tương đương 65% GDP, còn công ty điện lực nhà nước Ėlectricité du Laos (EDL) nợ thêm 8 tỉ USD nữa.

Năm 2018, EDL ký với công ty Trung Quốc China Southern Power Grid hợp đồng xây dựng lưới điện mới do không đủ khả năng truyền tải lượng điện năng khổng lồ từ các đập trên sông Mekong.

Tương tự các nước đang phát triển khác ở châu Á có dự án hạ tầng Trung Quốc, giới quan sát quốc tế lo ngại Lào sẽ chịu sự ảnh hưởng ngày càng lớn từ Bắc Kinh nếu họ không đủ khả năng trả nợ trong các dự án liên doanh, hoặc sẽ bị ép chuyển nợ thành tài sản.

Sri Lanka mất quyền kiểm soát một cảng biển quan trọng vào tay công ty Trung Quốc hồi năm 2017 là một ví dụ điển hình.

Phúc Long

9 nhận xét :

  1. Không có tiền trả nợ thì bán đất đai cho tàu, không thì quy thuận là chư hầu?

    Trả lờiXóa
  2. Là người đã từng cầm súng giúp Lào trong chiến tranh. Thật đau lòng khi thấy Lào đang dần tuột khỏi tay Việt Nam. Lãnh đạo 2 nước vẫn hô hào về tình hưu nghị đặc biệt. Nhưng trên thực tế Lào đã nằm trọn trong vòng tay Trung Quốc từ lâu rồi. Với dân số 7 triệu. Nhưng nợ nước ngoài ( chủ yếu từ Trung Quốc) là hơn 20 ty usd. Nên Trung quốc sai gì, Lào phải làm theo. Lấp sông Me Kong trên thượng nguồn. Biến đồng bằng sông Cửu long thành vùng đất chết. Lãnh đạo Lào chỉ nhớ đến Việt nam khi họ cần tiền mà không xin được Trung quốc mà thôi. Thật bất hạnh cho dân tộc này. Rồi không có tiền thì bán đất cho Trung quốc trả nợ thôi. Để thâu tóm Lào, mấy chục tỷ đối với Trung quốc là quá rẻ!

    Trả lờiXóa
  3. Bất kỳ nước nào "bập" vào chơi với Tầu cộng đều sẽ bị rủi ro. Đến như ông VN ta, với vụ "biểu tượng của tình hữu nghị" (lời tên mật vụ Hùng Ba) đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông cũng đang làm cho mấy ông/bà như đang ngồi trên đống lửa. Nuốt cái "biểu tượng" này không xuôi mà nhả ra cũng chết.
    Bài học nhớ đời nha!

    Trả lờiXóa
  4. Nghèo kiết xác còn đòi làm đường sắt tốc độ cao. Giờ thì đường sắt đó dùng để đưa người China di cư vào Lào và chuyên chở tài nguyên khoáng sản khai thác từ Lào về China. Thật thuận tiện. Lợi thì China hưởng, nợ thì dân Lào gánh. Còn quan chức của Lào thì giàu nứt đố đổ vách. Nhưng cần tiền vẫn sang Việt nam xin. Khốn nạn thế

    Trả lờiXóa
  5. Gieo cây nào thì hái quả ấy . Âu cũng là cái giá phải trả .

    Trả lờiXóa
  6. Sao răng cứ rứa vào môi thế?!

    Trả lờiXóa
  7. Nhớ câu " Đi với bụt mặc áo cà sa nhưng đi với ma ( Tầu cộng ) phải mặc áo giấy " .

    Trả lờiXóa
  8. Rồi một ngày "đẹp trời" , Trung Quốc sẽ công khai cho bàn dân thiên hạ biết đảng và chính phủ VN NỢ họ bao nhiêu, giống như TQ đã từng công bố Hội nghị Thành Đô, Thảm sát Gạc Ma ...Nếu họ không công bố thì dân VN cũng không biết.

    Trả lờiXóa
  9. Sập bẩy cái gì? Chẳng qua là chó tự chui vào cũi vì thấy cục thịt quá to. Việt Nam và Campuchia cũng thế thôi, đừng chê Lào.

    Trả lờiXóa