. . .
TIN BUỒN
Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: Giáo sư - Tiến sĩ NGÔ ĐỨC THỊNH Sinh năm 1944 Quê quán: Xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, Nam Định. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian
(Nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa),
Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Dân gian, Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á, Giám đốc TT văn hóa tín ngưỡng VN Học giả tiên phong trong nghiên cứu Nông cụ, Trang phục, Hát văn, Lên Đồng và Đạo Mẫu. Đã từ trần hồi 06h30 ngày 06.06.2020
(tức ngày Rằm tháng Tư nhuận, năm Canh Tý)
tại Hà Nội. Hưởng thọ 77 tuổi. Lễ viếng cử hành từ 9h30 tới 10h45 Thứ Hai, Ngày 8 tháng 6 năm 2020 tại Nhà tang lễ BQP, số 5 Trần Thánh Tông, HN Lễ truy điệu hồi 10h45 tới 11h45 cùng ngày, Hóa thân về cõi vĩnh hằng tại Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển, Hà Nội Sau đó an táng tro cốt tại quê nhà. *******
|
PGS.TS Vương Xuân Tình
NGÔ ĐỨC THỊNH - NGƯỜI ANH LỚN CỦA TÔI TRONG KHOA HỌC
Vào lúc 7 giờ 20 phút sáng nay, ngày 6/6/2020, GS.TS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (nay là Viện Nghiên cứu văn hóa) thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã về với thế giới của người hiền, hưởng thọ 76 tuổi.
GS.TS. Ngô Đức Thịnh là một nhà nghiên cứu văn hóa có tầm vóc, trên nền tảng của một nhà dân tộc học. Ông từng có nhiều năm công tác ở Viện Dân tộc học, bởi vậy, những công trình nghiên cứu của ông khó bóc tách đâu là dân tộc học, đâu là văn hóa dân gian. Vả chăng, ranh giới giữa hai ngành khoa học này cũng mỏng manh.
Có lẽ với gốc nguồn và bối cảnh như thế nên mặc dù GS.TS. Ngô Đức Thịnh có cống hiến lớn trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, đặc biệt trong những năm tháng ông là Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (1994-2004), và khi nghỉ hưu, là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam - một tổ chức NGO, song chúng tôi vẫn luôn nhận ông là người của dân tộc học.
Với dân tộc học Việt Nam, nếu tính từ GS.TS. Nguyễn Văn Huyên, người có công khai mở cho ngành khoa học này, GS.TS. Ngô Đức Thịnh được coi là thuộc thế hệ thứ ba, sau những tên tuổi lớn của thế hệ thứ hai, như các nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi, Đặng Nghiêm Vạn, Phan Hữu Dật, Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Diệp Đình Hoa, Mạc Đường…
Với tôi, GS.TS. Ngô Đức Thịnh là một người anh lớn trong khoa học, và chắc nhiều người thế hệ tôi cũng ngưỡng mộ ông.
Trí lự và sắc bén. Trong phạm vi của dân tộc học, GS.TS. Ngô Đức Thịnh quan tâm rất nhiều lĩnh vực, như trang phục, nông cụ, ẩm thực, luật tục, sử thi, tín ngưỡng dân gian. Có cảm tưởng rằng, bất kỳ lĩnh vực nghiên cứu nào mà ông để mắt tới cũng sẽ gặt hái được thành tựu. Song trong nhiều lĩnh vực như đã nói, kết quả nghiên cứu về luật tục, sử thi và tín ngưỡng dân gian thể hiện rõ nhất trí lự, sắc bén của ông, kể cả tổ chức nghiên cứu và học thuật.
Nghiên cứu luật tục, GS.TS. Ngô Đức Thịnh đã truyền cảm hứng, kết nối nhiều ngành khoa học trong và ngoài nước tham dự, như văn hóa dân gian, dân tộc học, sử học, luật học, môi trường, nông nghiệp. Là người đặt nền tảng quan trọng cho nghiên cứu sử thi Tây Nguyên, ông và cộng sự đã góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa độc đáo của các tộc người khu vực này. Nghiên cứu Đạo Mẫu, ông đã có đóng góp lớn để UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể. GS.TS. Ngô Đức Thịnh còn được xem là một trong những người có tầm ảnh hưởng trong vận dụng và xây dựng lý thuyết nghiên cứu, thể hiện qua các công trình “Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam”, “Hệ giá trị văn hóa Việt Nam”.
Trí lự và sắc bén như vậy, nên chắc không quá lời khi ví ông như chim đại bàng trong một lĩnh vực khoa học.
Song vẫn còn thiếu nếu không nhắc đến công lao đào tạo của ông. Có lần ông chia sẻ với tôi, đại ý: Trong cơ chế này, khó đào tạo người kế nhiệm mình, song vẫn có thể đào tạo đội ngũ khoa học kế cận mình.
Tôi tin rằng, nhiều học trò và cộng sự của GS.TS. Ngô Đức Thịnh thấm thía điều đó.
_________
NGÔ ĐỨC THỊNH - NGƯỜI ANH LỚN CỦA TÔI TRONG KHOA HỌC
Vào lúc 7 giờ 20 phút sáng nay, ngày 6/6/2020, GS.TS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (nay là Viện Nghiên cứu văn hóa) thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã về với thế giới của người hiền, hưởng thọ 76 tuổi.
GS.TS. Ngô Đức Thịnh là một nhà nghiên cứu văn hóa có tầm vóc, trên nền tảng của một nhà dân tộc học. Ông từng có nhiều năm công tác ở Viện Dân tộc học, bởi vậy, những công trình nghiên cứu của ông khó bóc tách đâu là dân tộc học, đâu là văn hóa dân gian. Vả chăng, ranh giới giữa hai ngành khoa học này cũng mỏng manh.
Có lẽ với gốc nguồn và bối cảnh như thế nên mặc dù GS.TS. Ngô Đức Thịnh có cống hiến lớn trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, đặc biệt trong những năm tháng ông là Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (1994-2004), và khi nghỉ hưu, là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam - một tổ chức NGO, song chúng tôi vẫn luôn nhận ông là người của dân tộc học.
Với dân tộc học Việt Nam, nếu tính từ GS.TS. Nguyễn Văn Huyên, người có công khai mở cho ngành khoa học này, GS.TS. Ngô Đức Thịnh được coi là thuộc thế hệ thứ ba, sau những tên tuổi lớn của thế hệ thứ hai, như các nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi, Đặng Nghiêm Vạn, Phan Hữu Dật, Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Diệp Đình Hoa, Mạc Đường…
Với tôi, GS.TS. Ngô Đức Thịnh là một người anh lớn trong khoa học, và chắc nhiều người thế hệ tôi cũng ngưỡng mộ ông.
Trí lự và sắc bén. Trong phạm vi của dân tộc học, GS.TS. Ngô Đức Thịnh quan tâm rất nhiều lĩnh vực, như trang phục, nông cụ, ẩm thực, luật tục, sử thi, tín ngưỡng dân gian. Có cảm tưởng rằng, bất kỳ lĩnh vực nghiên cứu nào mà ông để mắt tới cũng sẽ gặt hái được thành tựu. Song trong nhiều lĩnh vực như đã nói, kết quả nghiên cứu về luật tục, sử thi và tín ngưỡng dân gian thể hiện rõ nhất trí lự, sắc bén của ông, kể cả tổ chức nghiên cứu và học thuật.
Nghiên cứu luật tục, GS.TS. Ngô Đức Thịnh đã truyền cảm hứng, kết nối nhiều ngành khoa học trong và ngoài nước tham dự, như văn hóa dân gian, dân tộc học, sử học, luật học, môi trường, nông nghiệp. Là người đặt nền tảng quan trọng cho nghiên cứu sử thi Tây Nguyên, ông và cộng sự đã góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa độc đáo của các tộc người khu vực này. Nghiên cứu Đạo Mẫu, ông đã có đóng góp lớn để UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể. GS.TS. Ngô Đức Thịnh còn được xem là một trong những người có tầm ảnh hưởng trong vận dụng và xây dựng lý thuyết nghiên cứu, thể hiện qua các công trình “Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam”, “Hệ giá trị văn hóa Việt Nam”.
Trí lự và sắc bén như vậy, nên chắc không quá lời khi ví ông như chim đại bàng trong một lĩnh vực khoa học.
Song vẫn còn thiếu nếu không nhắc đến công lao đào tạo của ông. Có lần ông chia sẻ với tôi, đại ý: Trong cơ chế này, khó đào tạo người kế nhiệm mình, song vẫn có thể đào tạo đội ngũ khoa học kế cận mình.
Tôi tin rằng, nhiều học trò và cộng sự của GS.TS. Ngô Đức Thịnh thấm thía điều đó.
_________
TS Dương Hoàng Lộc
Vĩnh biệt Thày- GS.TS Ngô Đức Thịnh
Sáng nay, cô bạn dạy ở Trường ĐHSP Hà Nội I báo tin GS.TS Ngô Đức Thịnh đã ra đi, vĩnh biệt người thân, các thế hệ học trò. Bỗng dưng, tôi thấy lòng buồn vô hạn vì mất đi một người Thày tài năng, đức độ và hiền hậu, luôn truyền cảm hứng say mê nghiên cứu cho các học trò của mình.
Mừời lăm năm trước, tôi được học Thày hai môn học Văn hoá dân gian, Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá VN. Những bài giảng của Thày khúc chiết, uyên bác và định hướng phương pháp tiếp cận cho người học. Còn nhớ, một lần trên lớp, Thày nói những lý thuyết sẽ bị thay thế theo qui luật, nhưng tư liệu mang sức sống bền bĩ, nghiên cứu văn hoá cần coi trọng tư liệu, nhờ đó, công trình mới có giá trị. Ngoài ra, Thày khuyên mỗi người hãy chọn cho mình một địa bàn nghiên cứu, gắn bó thật lâu để am tường, trở thành nơi thân thuộc của mình. Sau này, khi biết tôi làm công tác giảng dạy, Thày nhắc xem việc soạn bài, giảng bài là cơ hội hệ thống, củng cố kiến thức của mình, đưa hơi thở thực tế vào buổi học của sinh viên để giúp các em say mê, hứng thú. Tôi luôn ghi nhớ những lời chỉ dạy này, xem đó là kim chỉ nam trong công việc nghiên cứu, giảng dạy của mình.
Nhiều lần ra Hà Nội công tác, buổi tối, tôi hay đến thăm Thày tại căn hộ chung cư bên Hồ Giảng Võ. Có lần, Thày đi xuống tận đường để đón trong buổi tối mùa đông vì sợ không tìm ra. Lúc nào Thày cũng ân cần và niềm nở, tự tay pha trà đãi khách, dành nhiều thời gian hàn huyên, tận tình chỉ bảo những thắc mắc mà tôi gặp trong chuyên môn. Cách đây 3 năm, lần cuối cùng tôi gặp Thày thì sức khỏe Thày đã kém, đi lại khó khăn, nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn. Gần đây, anh bạn của tôi được Thày hướng dẫn Luận án TS hay nhắn tin báo về tình hình sức khỏe của Thày. Cả hai vừa buồn vừa lo, thỉnh thoảng gọi điện thăm hỏi Thày.
Với đồng nghiệp, học trò trong Nam mỗi khi ra Bắc gặp gỡ, Thày rất chu đáo, quí mến. Năm 2012, Thày tổ chức Hội thảo về quốc tế về đạo Mẫu ở Nam Định. Thày quan tâm khâu tiếp đón, rồi đi chung xe với đoàn miền Nam và tận tình hướng dẫn, giới thiệu các di tích thờ Mẫu tại Nam Định. Sáng hôm đoàn về, lúc 3G sáng, Thày đã xuống cửa khách sạn tiễn đoàn ra sân bay Nội Bài. Đoàn lần đó có Thày Trần Ngọc Thêm, Cô Trần Hồng Liên, Anh Trương Văn Món, Anh Nguyễn Ngọc Thơ, Anh Nguyễn Thanh Lợi,...
Thày là nhà nghiên cứu đa tài, để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu văn hoá, nhưng nổi bật nhất là Đạo Mẫu. Những nghiên cứu của Thày đã xuất bản có giá trị lớn cho thế hệ tiếp nối sau này.
Hôm nay, Thày đã vĩnh viễn rời khỏi cõi nhân gian, nhưng tài năng và nhân cách vẫn tiếp tục tỏa sáng trong lòng những thế hệ học trò từng được Thày dìu dắt.
Cầu mong Thày an nghỉ nơi vĩnh hằng.
____________
Kỷ niệm của Nguyễn Xuân Diện với Giáo sư Ngô Đức Thịnh tại Trung tâm Văn hóa Pháp:
Xin chia buồn với gia đình Giáo sư, cầu mong hương linh Giáo sư sớm an nghỉ cõi vĩnh hằng.
Trả lờiXóa