Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

NGƯỜI NGẬM OAN 43 NĂM ĐÃ CHẾT, CHƯA ĐƯỢC BỒI THƯỜNG

 
Người bị oan đã chết, 
gia đình mòn mỏi chờ bồi thường 

Pháp luật TP HCM
Thứ Hai, ngày 8/6/2020 - 07:00 


(PL)- Đến giờ, sau hơn 43 năm mang án oan giết vợ, bi kịch của ông Mưu Quý Sường vẫn chưa thể khép lại.

Tin liên quan
Bộ Công an khác quan điểm, nỗi oan thêm kéo dài
Chưa được bồi thường vì công an tỉnh và bộ khác quan điểm


Hơn hai năm trời đằng đẵng trôi qua kể từ thời điểm được Công an tỉnh Bắc Giang xin lỗi công khai (khi ông Sường đã qua đời) về việc đã giam oan ông tới bảy năm bốn tháng nhưng hiện gia đình ông vẫn chưa được bồi thường các khoản thiệt hại.
Sau mấy lần thương lượng, Công an tỉnh Bắc Giang đồng ý bồi thường cho gia đình ông Sường hơn 4,9 tỉ đồng. Trong đó có khoảng 2,4 tỉ đồng để bù đắp tổn thất về tinh thần cho hai người con của ông Sường và để bồi thường thiệt hại về vật chất cho những người đã nuôi dưỡng các con của ông.

Có điều là lấn cấn đã phát sinh do Bộ Công an không đồng ý với con số 2,4 tỉ đồng nêu trên. Về lý do, Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (V03) cho biết Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) không quy định cụ thể hai khoản bồi thường đó.

Vì có nhiều tương đồng, án oan của ông Sường gợi nhớ ngay một số vụ án oan đình đám đã được bồi thường xong trong các năm trước. Chưa rõ dựa vào điều khoản nào của luật mà trong mấy vụ án oan đó, người bị kết án oan đã được nhận tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần dành cho thân nhân của họ. Giờ sao trong vụ của ông Sường, Bộ Công an lại làm khác đi?

Người bị oan đã mất, gia đình mòn mỏi chờ bồi thường - ảnh 1  
Anh Mưu Văn Thắng (con ông Mưu Quý Sường) cầm di ảnh của cha trong ngày cha mình được công khai xin lỗi. Ảnh: BTP

Thuộc một trong các trường hợp được bồi thường khoản này có ông Huỳnh Văn Nén, người bị kết án oan trong hai vụ án giết người xảy ra tại Bình Thuận. TAND tỉnh Bình Thuận đã chấp nhận bồi thường hơn 10 tỉ đồng đối với nhiều khoản thiệt hại liên quan đến hơn 17 năm tù oan của ông. 

Ngoài các thiệt hại của chính ông Nén (như thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe, do thu nhập thực tế bị mất, do tổn thất về tinh thần…) thì còn có thiệt hại của người thân của ông Nén. Tòa án tỉnh đã bồi thường cho ông Nén hơn 5,2 tỉ đồng thiệt hại về tinh thần (phần của ông là hơn 1 tỉ đồng + phần của cha, mẹ, vợ và ba người con của ông là 4,2 tỉ đồng).

Kế tiếp, vụ ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh) bị kết án tử hình oan về tội giết người cũng có việc gật, lắc tựa như vụ ông Sường. Với hơn năm năm sáu tháng tù oan, ông Thêm được TAND Cấp cao tại Hà Nội đồng ý bồi thường hơn 6,7 tỉ đồng. Trong số này, có hơn 1,7 tỉ đồng là thiệt hại về tinh thần của thân nhân ông Thêm. 

Cũng cho rằng khoản bồi thường này không được pháp luật quy định, Vụ 1 - TAND Tối cao đã đề nghị các bên thương lượng lại… Sau cùng, chưa rõ khoản thiệt hại về tinh thần của thân nhân ông Thêm có được chấp nhận không, cách tính các khoản có thay đổi gì so với biên bản trước đó hay không nhưng con số bồi thường chính thức thì bằng với mức đã thỏa thuận (hơn 6,7 tỉ đồng).

Trở lại lý do mà Vụ 1 - TAND Tối cao có nêu trong vụ ông Thêm và V03 - Bộ Công an đã nêu trong vụ ông Sường, đúng là Luật TNBTCNN 2009 (lẫn năm 2017) không đề cập đến việc bồi thường tổn thất về tinh thần cho thân nhân của người bị kết án (hay bị khởi tố, truy tố…) oan. Vậy nên không thể nói Bộ Công an đã sai khi chiếu theo luật đó để từ chối. Song phải giải thích sao khi cùng khoản bồi thường này mà mỗi cơ quan xử lý mỗi kiểu?

Cần lưu ý là tuy luật không quy định nhưng khoản tiền bồi thường đó có được VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp… quy định trong Thông tư liên tịch 05/2012 để áp dụng trong trường hợp người bị oan khiên đã mất. Theo đó, tiền bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần của người bị oan khiên có cả phần để bồi thường chung cho thân nhân của người bị thiệt hại (vợ/chồng, cha/mẹ đẻ, cha/mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại). Điều kiện kèm theo là những người thân đó phải còn sống tại thời điểm người bị thiệt hại chết. 

Có thể các điều khoản của thông tư liên tịch đó chưa đầy đủ nhưng thật sự là có việc người thân bị tổn thất về tinh thần. Trên thực tế, TAND tỉnh Bình Thuận, Công an tỉnh Bắc Giang cũng đã vận dụng được quy định để giải quyết phải lẽ cho thân nhân của ông Nén, ông Sường. Giờ Bộ Công an có thể xem xét lại để cho phép Công an tỉnh Bắc Giang hoàn tất việc bồi thường nhằm không gây thêm bất lợi cho gia đình người bị oan khiên, được không?

Lại lần nữa, sự dằng dai trong vụ ông Sường càng cho thấy pháp luật về TNBTCNN chưa đủ chặt chẽ, rõ ràng, hợp lý để các cơ quan cùng hiểu, cùng thực thi đúng, tránh lúc cao lúc thấp bất thường. Chắc rằng các cơ quan có thẩm quyền sẽ phải sớm tìm cách khắc phục để có sự định lượng ở mức chấp nhận được đối với những thiệt hại khó đong đếm nhằm thể hiện sự thiện chí, quyết tâm sửa chữa những sai sót đã gây ra trong quá khứ.

NGUYÊN THY

2 nhận xét :

  1. Nếu luật bồi thường nhà nước chưa có. thì các văn bản dưới luật nên bổ sung. Không ai muốn đi tù để nhận bồi thuồng. Những người gây oan sai cho ông Sường cũng đã nghỉ hết rồi. Ông Sường cũng đã chết. Chỉ những người thân của ông là bị ảnh hưởng. Từ khi còn nhỏ phải mang tiếng là con của người cha giết vợ. Rồi đến khi chết được minh oan, nhưng giờ vẫn không nhận được tiền từ chính những người gây oan sai cho mình. Hỏi tính nhân văn, nhân đạo còn không?

    Trả lờiXóa
  2. Bồi thường oan sai là đúng rồi nhưng tiền ở đâu? Phải bắt những người gây oan sai bỏ tiền túi cá nhân ra mà đền thì án oan sai mới giảm.

    Trả lờiXóa