Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

HÀ NỘI LẠI BÓC VỈA HÈ HỒ GƯƠM ĐỂ LÁT LẠI

 
Công nhân thi công lát đá tại hồ Gươm sáng 3/6. Ảnh: Giang Huy. 
.
Vỉa hè Hồ Gươm được lát đá hoa cương

VNE
 
Thứ tư, 3/6/2020, 17:34 (GMT+7) 

Mười năm sau khi khởi động và bị dừng, vỉa hè tuyến đường quanh Hồ Gươm tiếp tục được lát đá mới.

Ngày 3/6, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho hay, quận bắt đầu thi công lát đá vỉa hè Hồ Gươm - đoạn gần nhà hàng Thuỷ Tạ, từ cuối tháng 5. Đây là một trong những hạng mục của đề án chỉnh trang Hồ Gươm đã được thành phố phê duyệt.

Kết quả khảo sát hiện trạng của quận Hoàn Kiếm cho thấy, khoảng 20 loại vật liệu ốp, lát, kè quanh Hồ Gươm đã hư hỏng, cong vênh, bong bật... Do đó, hạng mục lát mới toàn bộ đá khi cải tạo hạ tầng khu vực Hồ Gươm là cấp thiết.

Vật liệu lát vỉa hè, đường dạo quanh Hồ Gươm được quận Hoàn Kiếm thông tin là đá hoa cương xuất xứ từ Bình Định. Đá lát và đá bó vỉa được cắt theo thiết kế tại nhà máy để đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật và không gây bụi, ồn nơi thi công.

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho hay, đá hoa cương Bình Định được lựa chọn sau khi quận đã tham khảo nhiều địa phương và thực tế sử dụng trên địa bàn. Trước đó, quận Hoàn Kiếm cũng đã tham vấn các nhà khoa học về vật liệu thích hợp dùng lát vỉa hè Hồ Gươm để đạt các tiêu chí thẩm mỹ, an toàn, không trơn trượt khi trời mưa và bền vững. Đá hoa cương Bình Định được cho đáp ứng được các tiêu chí này.

Những viên gạch cũ được lấy lên khi tiến hành lát đá mới, quận Hoàn Kiếm sẽ tái sử dụng vào các dự án khác trên địa bàn.

Theo Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Quốc Thông, việc thay thế đá ở Hồ Gươm rất cần thiết và là kết quả sau quá trình tranh luận nhiều năm qua giữa các chuyên gia.

Ông Thông nhận xết, quận Hoàn Kiếm đã lắng nghe ý kiến chuyên gia, lựa chọn loại đá không có độ bóng lớn, bề mặt sần, tạo cảm giác ấm áp, gần gũi với không gian Hồ Gươm. Bên cạnh đó, việc thiết kế cảnh quan về màu sắc, hình khối giữa đá lát và các hạng mục khác cũng đã được tính toán hài hòa.

Việc lát đá ở Hồ Gươm được tiến hành từ năm 2010 và được chọn là một trong những công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên việc lát những viên đá xanh cỡ lớn mới, được thực hiện từ đoạn nhà hát múa rối Thăng Long đến nhà hàng Thuỷ Tạ thì phải dừng, do lo ngại lãng phí và loại đá mới có thể gây trơn trượt.

Quận Hoàn Kiếm sau đó đã lập hòm phiếu tại Hồ Gươm (khu vực đường đôi Đinh Tiên Hoàng) để lấy ý kiến người dân. Mặc dù kết quả được Quận thông báo trên 87% người dân đồng tình nhưng dự án vẫn bị dừng.

Năm 2012, quận Hoàn Kiếm có văn bản đề nghị và được thành phố cho tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên lúc này đang có một số nghiên cứu quy hoạch và thiết kế đô thị liên quan đến Hồ Gươm nên dự án tiếp tục bị dừng.

Giữa năm 2015, thành phố có văn bản đồng ý cho quận Hoàn Kiếm triển khai dự án. Tháng 1/2017, quận tổ chức trưng bày phương án thiết kế, lấy ý kiến cộng đồng lần thứ nhất. Sau khi ghi nhận ý kiến của các nhà chuyên môn, sở ngành và người dân, đơn vị tư vấn thiết kế đã tiếp thu, chỉnh sửa và tiếp tục tổ chức lấy ý kiến lần hai vào đầu tháng 3/2018. Tháng 1/2020, lần thứ ba trong 10 năm, quận tổ chức trưng bày và lấy ý kiến người dân về dự án cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Gươm, trong đó có hạng mục lát đá.

Ngày 31/5/2020, quận Hoàn Kiếm bắt đầu tổ chức thi công lát đá vỉa hè và đường dạo quanh Hồ Gươm; dự kiến hoàn thành trước 31/8.
Hồ Gươm hay còn gọi hồ Hoàn Kiếm rộng hơn 115.000 m2. Xung quanh hồ được bó vỉa bằng kè đá, bao quanh là hệ thống vườn hoa, cây xanh. Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm được công nhận di tích quốc gia đặc biệt năm 2013, gồm: hồ, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn và khu tưởng niệm vua Lê.
Võ Hải

3 nhận xét :

  1. lát xong lại bóc , bóc xong lại lát,...có thế mới có cái đút túi .

    Trả lờiXóa
  2. Có hai loại " công trình " dễ ăn và ăn dày : Làm tượng đài và lát hè .

    Trả lờiXóa
  3. Trước khi quyết định thay đá vỉa hè, TP Hà nội nên tổ chức thanh tra đợt lát gần đây nhất là bao lâu? Vì mỗi nhiệm kỳ lãnh đạo, việc đầu tiên là đề xuất thay đá vỉa hè. Ai cũng đưa ra lý do cần phải thay đá mới đẹp hơn, bền hơn, đá Thanh hóa độ bền 50 năm. Nhưng chỉ sau vài năm, lại có đề xuất thay bằng đá hoa cương Bình định. Giờ cuối nhiệm kỳ rồi, phải làm cấp tập. Để nhiệm kỳ sau, còn có đề xuất mới. Lần này có lẽ là đá nhập khẩu từ Lào hay Kampchia... Nhưng chắc chắn phải đắt hơn nhiều lần. ÔI! Tư duy nhiệm kỳ. Tầm nhìn xa từ nhà đến... vỉa hè.

    Trả lờiXóa