Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

CỤ ÔNG MONG NHẬN ĐƯỢC TIỀN BỒI THƯỜNG KHI CÒN SỐNG

 
Ông Trần Ngọc Chinh đòi VKSND tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường số tiền gần 12 tỷ 870 triệu đồng vì bị hàm oan nhưng sau 37 năm mới được xin lỗi, cải chính công khai.
 
Cụ ông đòi 12 tỷ bồi thường oan sai: 
Mong nhận được tiền khi còn sống!
 
Dân trí 
Chủ nhật 28/06/2020 - 06:57 
 
Sau khi được xin lỗi công khai, gia đình các cụ ông bị truy tố oan tội “Giết người” ở Vĩnh Phúc lại tiếp tục ngược xuôi, “5 lần 7 lượt” bị yêu cầu, bổ sung giấy tờ để thụ lý việc đòi tiền bồi thường. 
 
>>Vụ 2 gia đình đòi 38 tỷ tiền oan sai: Sẽ thương lượng số tiền thỏa đáng
>>Vụ 3 cụ ông mang án oan gần 40 năm: Hai gia đình đòi bồi thường gần 38 tỷ
>>Ba cụ ông được xin lỗi công khai sau gần 40 năm mang án giết người

Như Dân trí đã đưa tin, sau gần 9 tháng tổ chức xin lỗi công khai, cuối cùng thì vào ngày 25/6 vừa qua, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã thụ lý đơn yêu cầu bồi thường của các gia đình cụ ông bị truy tố oan tội “Giết người”.

Theo ông Trần Ngọc Chinh (79 tuổi, trú tại xã Đồng Thịnh, 1 trong 3 cụ ông bị hàm oan), hồi tháng 10/2019, tại buổi xin lỗi công khai, đại diện VKSND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết sau đó sẽ tiếp tục làm thủ tục bồi thường cho gia đình các nạn nhân.

Tuy nhiên, một vài tháng sau đó, VKSND tỉnh hoàn toàn “im ắng, không liên lạc gì”. Vì vậy, gia đình ông bắt đầu làm đơn yêu cầu bồi thường gửi TAND tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong khi đó, theo anh Trần Văn Mạnh (45 tuổi, con trai ông Trần Trung Thám - người đã mất năm 1982, trong thời gian bị giam), sau vài lần chạy ngược, chạy xuôi bổ sung đầy đủ giấy tờ để khởi kiện, các gia đình được tòa án thông báo phải gửi đơn đến VKSND tỉnh Vĩnh Phúc mới đúng thẩm quyền.

“Rồi mỗi lần làm đơn gửi VKS lại có công văn trả lời hồ sơ thiếu này, thiếu nọ. Hai gia đình tiếp tục ngược xuôi xin xác nhận ở UBND xã, đi nộp đơn cũng 5- 6 lần rồi mới được thông báo đủ giấy tờ để bắt đầu thụ lý” - anh Mạnh cho hay.

Ngồi trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, ông cụ 79 tuổi đăm chiêu kể, sau mấy chục năm cùng con cháu đi gõ cửa kêu oan khắp nơi, giờ đây, ông đã già yếu, sức khỏe đã giảm sút rất nhiều.
 
 
Trụ sở VKSND tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: Nguyễn Trường).

“Trầm trọng nhất là ngày xưa tôi bị công an đánh đập, 1 mắt bị dập nên thị lực chỉ còn 2/10. Mắt còn lại thì mù tịt. Đối với việc bồi thường oan sai, tôi mong các cơ quan giải quyết càng sớm, càng nhanh càng tốt” - ông Chinh chia sẻ thêm.

Nghĩ lại biến cố xảy ra với bản thân vào năm 1980, khi bị khởi tố về tội “Giết người”, ông Chinh vẫn nguyên một nỗi uất ức vì sự ghẻ lạnh của hàng xóm láng giếng vì mọi người cho rằng, ông hết hạn tù nên về nhà.

Trong khi đó, cả 2 anh em cùng “lăn lưng ra các ngả đường của tổ quốc” suốt 10 năm tham gia chiến tranh, vừa trở về thì bị bắt vào trại giam.

“Việc cứ vòng vo mãi, tôi nghĩ uất và chán lắm” - ông Chinh nhắc lại nguyện vọng nhận được tiền bồi thường, trong khi “còn sống là tốt nhất”.

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV Dân trí, Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Tất Hiếu cho biết, sau khi nghiên cứu hồ sơ, áp dụng luật để tính toán, cơ quan này sẽ có buổi làm việc với các gia đình bị hàm oan để thỏa thuận, thống nhất mức tiền được bồi thường theo đúng quy định của Nhà nước.

Ngược lại, khi không thống nhất được mức giá đền bù, các gia đình sẽ có quyền khởi kiện vụ việc ra tòa án.

“Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết trách nhiệm, đạo lý nhưng mức bồi thường phải phù hợp, tương xứng với pháp luật” - ông Hiếu khẳng định.

Như Dân trí đã đưa tin, hồi tháng 10/2019 vừa qua, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các cơ quan có liên quan đã tổ chức buổi cải chính, xin lỗi công khai đối với ông Trần Ngọc Chinh, ông Trần Trung Thám (đã mất năm 1982) và ông Khổng Văn Đệ. 
 
Vợ ông Trần Trung Thám ôm di ảnh của chồng ngồi cạnh ông Trần Ngọc Chinh (giữa) và ông Khổng Văn Đệ tại buổi cải chính công khai hồi tháng 10/2019 (Ảnh: Nguyễn Trường).

Nguyên nhân vì vào tháng 1/1980, cả 3 ông cùng bị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) khởi tố, bắt tạm giam oan về tội “Giết người”.

Sau đó, quá trình điều tra xác định chỉ một mình ông Nguyễn Đình Ký là hung thủ giết ông Chu Văn Quản (Bí thư chi bộ thôn).

Ngày 10/10/1982, ông Chinh được VKSND tỉnh Vĩnh Phú ra quyết định đình cứu vì không phạm tội giết người.

Sau đó, ông Chinh và ông Đệ lần lượt được trả tự do vì không liên quan đến vụ án ông Quản bị sát hại. Riêng ông Thám đã bị chết trong quá trình bị tạm giam.

Tuy nhiên, khi được trả tự do, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Vĩnh Phú không hề xin lỗi hoặc cải chính công khai về vụ việc oan sai, khiến cả 3 người cùng gia đình chịu sự tủi nhục, sống trong sự kỳ thị của hàng xóm, láng giềng đến tận bây giờ.

Sau khi được xin lỗi công khai, các gia đình đã làm đơn yêu cầu VKSND tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường. Trong đó, 2 gia đình anh em ông Chinh yêu cầu bồi thường số tiền gần 38 tỷ đồng.

Nguyễn Trường

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét