Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

QUỐC HỘI VN "CẦN ĐÁP ỨNG ĐIỀU CỬ TRI QUAN TÂM"


Quốc hội Việt Nam 
'cần đáp ứng điều cử tri quan tâm'
 
BBC
20 tháng 5 2020

Quốc hội Việt Nam đang nhóm họp kỳ họp thứ 9, khóa XIV với chương trình nghị sự kéo dài thành hai đợt và tập trung với khoảng ba tuần làm việc, khai mạc ngày 20/5/2020 và dự kiến bế mạc ngày 18/6.

Nhân dịp này một nhà quan sát từ Ban nghiên cứu Luật biển và hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nêu bình luận về một số vấn đề và khía cạnh đối nội và đối ngoại mà theo ông đang được cử tri quan tâm.

Luật gia Hoàng Việt bình luận với BBC News Tiếng Việt về việc Quốc hội Việt Nam đề nghị đánh giá tình hình, giải pháp bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông ngay trong một báo cáo được trình bày hôm thứ Tư:

"Thứ nhất, theo tôi động thái này thể hiện sự quan tâm của người dân nói chung và qua ý kiến của người dân thì đến với các Đại biểu Quốc hội.

"Và không phải một lần mà cũng đã nhiều lần Quốc hội cũng đã lên tiếng về vấn đề này, tuy nhiên có lần, hồi đó khi ông Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch Quốc hội, thì ông nói với Quốc hội rằng 'tình hình Biển Đông chưa có gì mới.'

"Thế thì qua lần này, với việc Quốc hội tiếp tục đưa ra và yêu cầu vấn đề này, cho thấy sự quan tâm của người dân càng ngày càng lớn đối với vấn đề Biển Đông.

"Và cũng đặc biệt là bởi vì vấn đề Biển Đông càng ngày càng trở nên căng thẳng hơn do Trung Quốc với sức mạnh của họ, thì họ vẫn đang tiếp tục mở rộng các hành động rất đáng quan ngại của họ trên khu vực Biển Đông.

"Chính vì vậy việc người dân lo ngại về vấn đề Biển Đông và được phản ánh qua Quốc hội là điều tất yếu thôi và Quốc hội cần đáp ứng những điều mà cử tri đã quan tâm chính đáng." 

Phê chuẩn EVFTA và EVIPA

Theo chương trình nghị sự của phiên họp, hai hiệp định ký kết giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu là EVFTA (Hiệp định thương mại tự do) và EVIPA (Hiệp định bảo hộ đầu tư) được đề nghị phê chuẩn.

Bình luận về khía cạnh được cho là đáng quan tâm trong việc bảo đảm cam kết từ phía Việt Nam trong thực thi các hiệp định, ông Hoàng Việt nói:

"Mọi người ở Việt Nam vẫn đang tập trung vào Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và EU. 
 
 
"Còn cái bên cạnh là EVIPA, mọi người rất ít quan tâm. Hiệp định bảo hộ này cũng quan trọng vì nó cũng có thể dẫn tới những vụ kiện mà về phía Việt Nam gọi là vụ kiện nhà đầu tư kiện chính phủ, nếu chính phủ Việt Nam không tuân thủ và làm ảnh hưởng tới đầu tư của họ, thì họ có thể khởi kiện giống như vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam.

"Như vậy trong tương lai, nó sẽ mở đường ra cho rất nhiều vụ kiện tương tự nếu Việt Nam không nghiêm túc và không chuẩn bị tốt, và điều này chắc chắn xảy ra bởi vì hệ thống pháp luật của Việt Nam vô cùng phức tạp và các địa phương được toàn quyền rất nhiều.

"Mà mỗi địa phương xâm phạm đến nhà đầu tư nước ngoài, thì nhà đầu tư không cần phải khởi kiện chính quyền địa phương, mà khởi kiện Chính phủ Việt Nam, những vụ như vậy sẽ xảy ra nhiều trong tương lai và có lẽ chính phủ Việt Nam cần lưu ý nghiêm túc vấn đề này.

Ông Hoàng Việt cũng nhận định về vấn đề công đoàn độc lập.

"Nó không đưa ra các điều khoản riêng, nhưng trong này yêu cầu phải tuân thủ các Công ước của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế), trong đó, trong 8 Công ước cơ bản, Việt Nam đã phê chuẩn 6 và còn hai Công ước thì Việt Nam chưa phê chuẩn, đó là Công ước 105 về Lao động cưỡng bức và Công ước số 87 về quyền của người dân, người lao động tham gia vào công đoàn độc lập.

"Trong công ước 87 của ILO, có quy định rõ là người dân có quyền tham gia vào bất cứ công đoàn nào và cái đấy được cho là một quyền tự do và phải tuân thủ nó, thì chính quyền Việt Nam cho tới nay chưa thông qua cái Công ước 87, tuy nhiên phía Việt Nam tuyên bố rõ là tuy chưa thông qua, nhưng sẽ có kế hoạch thông qua và Việt Nam cam kết là vẫn tuân thủ nó.

"Nhưng tôi phải nói là về mặt thuật ngữ, từ ngữ, trong các dự thảo thì Việt Nam có dịch và sử dụng cụm từ "công đoàn độc lập", song trong bộ Luật Lao động sửa đổi thì họ không dám dùng từ này mà sử dụng cụm từ là "các tổ chức của người lao động".

"Có ý kiến cho rằng chính quyền e ngại sẽ có các công đoàn như công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan trước đây và xã hội dân sự phát triển không thể kiểm soát, gây ra cách mạng màu, cách mạng gia cam, cách mạng dù v.v… và e sợ phương Tây đứng sau giật dây các lực lược chính trị phát sinh từ đó." 
 

Giám sát tư pháp và vụ Hồ Duy Hải

Trong nghị trình làm việc, Quốc hội cũng sẽ dành thời gian xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Liên quan vụ án Hồ Duy Hải đang gây quan tâm, luật gia Hoàng Việt bình luận:

"Mặc dù không phải là chuyên gia về Luật Hình sự, tôi thấy vụ án tử tù này gây ra bức xúc và chia rẽ qua phiên Giám đốc thẩm.

"Thông thường báo chí vẫn có hiện tượng đưa tin cho rằng các cơ quan điều tra 'sử dụng các biện pháp nghiệp vụ' để điều tra phá án, nhưng những 'biện pháp nghiệp vụ' này trong nhiều trường hợp đã được chứng minh và bộc lộ thì hóa ra, như công bố phát hiện sau đó lại là sử dụng các biện pháp tra tấn, bức cung.

"Người dân ngày càng đòi hỏi những phiên tòa luận tội một cách công khai và thuyết phục.

"Mặc dù trên lý thuyết, Quốc hội đóng vai trò quan trọng là giám sát tối cao, nhưng trong thực tế, khả năng này vẫn chưa được thực hiện nhiều.

"Nếu lần này Quốc hội Việt Nam yêu cầu được giám sát tư pháp, thì đó là một bước đáp ứng đòi hỏi từ thực tế của cuộc sống của đất nước."

Dân nguyện và 'Đồng Tâm'?

Trong chương trình của phiên khai mạc, hôm 20/5, Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, và Ban Dân nguyện Quốc hội đã trình bày, báo cáo một số vấn đề về nguyện vọng của cử tri.

Nhân dịp này, nhà nghiên cứu luật học từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh bình luận với BBC về một vụ việc gây quan tâm trong công luận Việt Nam, đặc biệt từ đầu năm 2020 tới nay, đó là vụ việc Đồng Tâm ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội:

"Tôi nghĩ rằng, ở vụ việc Đồng Tâm, vấn đề này cần phải được nêu ra, bởi vì nếu nó có đúng hay có sai, thì cũng phải chỉ ra rõ ràng nó đúng ở chỗ nào, nó sai ở chỗ nào, vi phạm ở chỗ nào, thì nó sẽ thuyết phục hơn cho tất cả mọi người.

"Bởi vì vấn đề tranh chấp đất đai là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất của Việt Nam.

"Những cái căng thẳng trong quan hệ giữa người dân và chính quyền đặc biệt xuất phát rất lớn là từ vấn đề đất đai.

"Cái này không phải là tôi nói mà từ trong báo chí chính thống của nhà nước đã nói, và điều đó cho thấy là nếu Việt Nam không giải quyết được vấn đề này một cách minh bạch, rõ ràng, công bằng, thì nó có khả năng lặp lại những trường hợp xung đột tương tự trong tương lai.

"Và đó là yếu tố dẫn đến sự bất ổn của chế độ và bất an của đất nước," luật gia Hoàng Việt nói với BBC News Tiếng Việt hôm 20/5/2020 trên góc độ quan điểm riêng của ông.

1 nhận xét :

  1. Cũng không thể đòi hỏi quá nhiều ở cái gọi là quốc hội, vì ở đây chỉ mới có "cái gọi là quốc hội" mà chưa phải là quốc hội!

    Trả lờiXóa