Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

CÓ ĐÚNG LÀ KHÔNG CÓ CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI SỞ HỮU ĐẤT...?

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bên hành lang Quốc hội ngày 27/5. 

'Không có cá nhân nước ngoài sở hữu đất khu vực trọng yếu'

VNE
Thứ năm, 28/5/2020, 00:00 (GMT+7)

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định không có người nước ngoài nào được cấp quyền sở hữu đất ở khu vực trọng yếu về quốc phòng an ninh.
 

Trong báo cáo trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Quốc phòng cho biết năm 2011-2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển Đà Nẵng có 134 lô, một thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, "núp bóng" sở hữu và thuê của UBND Đà Nẵng.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời VnExpress về vấn đề này.

- Tại nghị trường, nhiều đại biểu cho rằng việc người nước ngoài "núp bóng" mua đất đang tồn tại nhiều địa phương, chứ không riêng Đà Nẵng. Với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý tài nguyên, đất đai, ông nói gì về điều này?

- Sáng 27/5, Tổng cục Quản lý đất đai làm việc với Bộ Quốc phòng về vấn đề này. Báo cáo của Bộ Quốc phòng là tổng hợp từ thông tin trinh sát, phát hiện có tính chuyên biệt từ các đơn vị đóng trên địa bàn. Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước điều tra, xác minh. 

Luật Đất đai 2013 quy định cá nhân người nước ngoài không được cấp quyền sử dụng đất, vì vậy, không bao giờ có chuyện người Trung Quốc sở hữu đất vị trí trọng yếu. Chỉ có doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam hoặc mua cổ phần, liên doanh mới được quyền thuê đất. Đây là chính sách, cơ sở pháp lý bình đẳng, thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài. Tất nhiên, các dự án ở khu vực quy hoạch liên quan đến các vị trí chiến lược, an ninh quốc phòng thì phải xin ý kiến của Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Công an.

Khi Luật Đất đai 2013 ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra, rà soát trên cả nước, đặc biệt là vị trí tiền tiêu, chiến lược như hải đảo, biên giới. Riêng ở Đà Nẵng, năm 2019, tôi đã chỉ đạo kiểm tra trên toàn thành phố, phát hiện một số khu liên quan đến an ninh quốc phòng có doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, họ không vi phạm giao đất cho cá nhân mà đều cho pháp nhân - doanh nghiệp. Cũng có trường hợp giao cho tổ chức nhưng đó là đất ở, không thể kinh doanh được... 

Sau kiểm tra, chúng tôi làm việc với Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Quốc phòng, Công an để có biện pháp xử lý. Dự án nào phù hợp sẽ cho tiếp tục, không đúng chức năng thì yêu cầu thay đổi hoặc chuyển giao cho Việt Nam.

Theo báo cáo của Đà Nẵng, đến nay, toàn bộ dự án có yếu tố người nước ngoài có sai phạm đã được khắc phục. Những vị trí nhạy cảm đã chuyển giao cho người Việt Nam.

Chúng tôi không loại trừ có chuyện "núp bóng" - nhờ một người khác đứng tên mua đất, nhưng pháp luật Việt Nam từ luật dân sự đến kinh tế đều chỉ bảo vệ người đứng tên là người Việt.

- Năm 2018, trước Quốc hội, Bộ trưởng trả lời chưa thấy việc người nước ngoài mua đất tại Việt Nam, đại biểu nào thấy hãy báo cho Bộ. Với báo cáo của Bộ Quốc phòng, ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi nói dựa trên số liệu. Cho đến giờ, tôi bảo lưu ý kiến này. Tôi chưa thấy cá nhân nước ngoài nào được cấp quyền sử dụng đất ở Việt Nam. Nếu ai thấy hãy báo, tôi sẽ xử lý người cấp sổ đỏ ngay vì đây là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Chỉ có pháp nhân (doanh nghiệp) mới được cấp đất để sản xuất, kinh doanh.

Luật Đất đai 2003 còn sơ hở là không quy định xin ý kiến Bộ Quốc phòng khi thực hiện dự án ở những khu vực trọng yếu, nhưng luật bổ sung ban hành năm 2013 đã có những quy định hoàn chỉnh. Từ đó đến nay, chúng tôi liên tục tổng kiểm tra, như ở Đà Nẵng phải đến lần thứ ba mới phát hiện ra, nhưng cũng không có chuyện cá nhân được cấp quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, quan điểm Bộ Tài nguyên và Môi trường là không chủ quan, không loại trừ điều gì. Luật Đất đai được cho là đã hết sức chặt chẽ, nhưng cuộc sống còn thay đổi và không có luật pháp nào dự báo hết thực tiễn. Tôi không loại trừ chuyện núp bóng, không loại trừ cơ quan nhà nước chưa hiểu làm thế nào để hoá giải được để người nước ngoài lợi dụng nên cần phải tiếp tục nghiên cứu. 

Người dân yên tâm là có bất cứ chuyện gì thì Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ ngành đều biết chứ không bị động. Nhưng cách thức xử lý hiện nay là phải tôn trọng pháp luật và đảm bảo không phân biệt đối xử, tránh những tác động không có lợi.

Nếu đất đai khu vực trọng yếu rơi vào tay cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài như báo cáo của Bộ Quốc phòng, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?

- Chúng ta phải xem xét dự án đó thực hiện trước hay sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực. Nếu sai sót về hành chính, doanh nghiệp đồng ý rút thì cán bộ có thể bị phê bình. Tuy nhiên, cũng có khả năng doanh nghiệp sẽ khởi kiện.

Như tôi nói ở trên, Luật Đất đai 2013 rất chặt chẽ, nếu địa phương vẫn để xảy ra sai sót thì trách nhiệm thuộc về địa phương vì Bộ Tài nguyên và Môi trường không cấp bất cứ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ai. 

Chính phủ có nhiều chính sách mở để thu hút đầu tư nước ngoài song nhiều nhà đầu tư lợi dụng việc này để thu gom đất ở những vị trí trọng yếu. Theo Bộ trưởng, làm sao để giải quyết bài toán hài hòa giữa lợi ích kinh tế và an ninh quốc phòng?

- Bộ Tài nguyên và Môi trường đang làm ở mức cao nhất để ngăn chặn chuyện núp bóng sở hữu đất trọng yếu, nhưng để thực hiện thì không chỉ có pháp luật đất đai mà còn luật đầu tư, nhà ở. Vì vậy, chúng ta cần nhất quán vấn đề này trên quan điểm có tính nguyên tắc là vừa tạo điều kiện thông thoáng để thu hút đầu tư nước ngoài, vừa đảm bảo quốc phòng an ninh vì vừa qua, chúng ta phát triển được là nhờ sử dụng tốt nguồn lực đất đai. 

Chúng tôi đang nghiên cứu để tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai. Ví dụ, trong quy hoạch thì xác định vùng có vị trí địa thế chiến lược về quốc phòng an ninh để đưa ra cơ chế đặc biệt trong vấn đề giao đất, cho thuê đất và cấp quyền sử dụng đất, thống nhất với các luật khác như pháp luật về đầu tư, nhà ở, hôn nhân gia đình. Hiện nay, Luật Đất đai quy định không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài, nhưng Luật Nhà ở thì người nước ngoài có điều kiện được mua nhà, mua căn hộ. 

Các tiêu chí để hạn chế các quyền tiếp cận đất đai, kể cả người trong nước và người nước ngoài sẽ được xây dựng để kiểm soát. Đối với những khu vực trọng yếu, chúng ta vẫn phải kết hợp kinh tế với an ninh quốc phòng chứ không thể cứ giữ đất vì cho rằng đó là vùng trọng yếu. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tính toán cơ chế đặc thù, tránh chuyện núp bóng. Ví dụ, giao đất những khu vực này cho doanh nghiệp quốc phòng để vừa làm kinh tế nhưng khi cần thiết có thể trở thành căn cứ quân sự.

Cũng có đề xuất quy định người Việt Nam mua thì phải chứng minh được dòng vốn, một người không được mua nhiều đất ở những nơi trọng yếu. Các khu đất này sẽ không được quyền chuyển nhượng, hoặc chuyển nhượng phải có điều kiện.

Chúng tôi cho rằng cần phải quy hoạch rõ những vùng trọng điểm an ninh quốc phòng, ít nhất cơ quan quản lý nhà nước nắm được, có cơ chế rõ ràng chứ không phải dự án nào cũng phải hỏi Bộ Quốc phòng. Các chính sách với người nước ngoài phải bình đẳng, công khai, không được phân biệt đối xử. 

Hoàng Thùy

Bài liên quan: 
Người Trung Quốc đầu tư nhiều lô đất vị trí trọng yếu ở Đà Nẵng
Đề nghị tổng rà soát việc mua bán đất ở vị trí trọng yếu
'Cần quy định điều kiện về quốc phòng đối với dự án đầu tư'
Đà Nẵng khẳng định 'không giao đất cho người nước ngoài'

 

6 nhận xét :

  1. Ai cũng biết. Chỉ mình ông cố tình không biết. Người China mua cổ phần ở những cty có các khu đất ở vị trí trọng yếu, rồi dần chiếm cty. Đó là pháp nhân mang danh Việt Nam. Người tàu thừa biết quy định người nước ngoài không được mua và sở hữu đất đai. Nhưng có ai cấm vợ chồng họ là người Việt mua và sở hữu đâu? Từ ngàn xưa, những bài học mất nước là đều từ các chàng rể Tàu mà ra đấy thôi. Chẳng ai quên bài học chàng rể Trọng Thủy của An Dương Vương đâu. Hay chỉ có mình ông Hà quên?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sao không cho kiểm tra các vi bằng tại các phòng công chứng ở Đà Nẵng, Nha Trang? Nếu kiểm tra sẽ biết ngay có bao nhiêu người Tàu làm vi bằng bảo đảm quyền sở hữu đất khi nhờ người Việt đứng tên. Dễ thôi. Quan trọng là bộ trưởng có muốn làm hay không mà thôi.

      Xóa
  2. Trông cái mồm mà không thể tin được.

    Trả lờiXóa
  3. Ông Hà này nói lấy được và giả vờ ngây thơ để chối bỏ trách nhiệm của mình: "Người dân yên tâm là có bất cứ chuyện gì thì Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ ngành đều biết chứ không bị động. Nhưng cách thức xử lý hiện nay là phải tôn trọng pháp luật và đảm bảo không phân biệt đối xử, tránh những tác động không có lợi".
    Pháp luật do các ông soạn ra, soạn ngu đến nỗi để bọn Tàu núp bóng Hoa kiều mua đất trọng yếu của VN, giả vờ lập doanh nghiệp, dự án ma để sử dụng đất trọng yếu của VN. Người dân, quân đội tại chỗ đều biết. Trên báo Thanh niên ngày 17/5/2020, Bộ Quốc phòng đã công bố hầu hết các lô đất do các cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc đứng tên sử dụng đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ. Trong đó có 41 lô ở vị trí quan trọng về quốc phòng.
    Cái này chắc là ông Hà biết nhưng giả vờ ngây thơ "em chưa biết, ai biết chỉ cho em biết, mà em biết rồi em xem tụi nó định làm gì...".
    Đến khi Tàu nó hiếp dâm cho vào mặt thì em mới "hết biết". Bộ trưởng ngu như ông thì nên từ chức đi cho dân nhờ!!!
    https://thanhnien.vn/thoi-su/bo-quoc-phong-canh-bao-ca-nhan-dn-trung-quoc-su-dung-dat-trong-yeu-1224864.html

    Trả lờiXóa
  4. Trong ngày 25/5, khi trả lời pv báo Người Lao Động, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Người Trung Quốc thuê, mua đất đai là "không sai theo Luật Đất đai"!.
    Phải chăng Bộ trưởng Trần Hồng Hà đang bao biện và muốn hợp thức hóa cho việc người Tàu đang thâu tóm những khu đất rộng lớn và có giá trị chiến lược trên đất Việt Nam?
    Đến ngày 28/05/2020, trả lời báo Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Không có người nước ngoài nào sở hữu đất, ai cấp báo tôi xử lý ngay”: "Họ mua, thuê không liên quan đến nội dung Luật Đất đai quy định. Theo Luật đầu tư, theo Luật nhà ở họ hoàn toàn được làm. Còn Luật Đất đai không cấp giấy quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nước ngoài"(8).
    Cũng trong ngày 28/5, trả lời báo Đầu Tư, ông Trần Hồng Hà nói: “Tôi chưa thấy cá nhân người nước ngoài nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Ở đây ông Trần Hông Hà đã cố tình nói việc cá nhân người nước ngoài không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, mà lại giấu, không nói đến việc người Trung Quốc góp vốn, đóng cổ phần nên được đứng tên trong giấy CNQSDĐ.
    Đến đây thì “con tắc kè hoa có làn da biến đổi theo môi trường” đã lộ nguyên hình. Cách trả lời của ông Bộ trưởng Bộ TN&MT nghe cứ lúng ta lúng túng như gà mắc tóc.
    Trước thì ông Trần Hồng Hà nói “Người Trung Quốc thuê, mua đất đai là "không sai theo Luật Đất đai". Sau đó lại nói “Luật Đất đai không cấp giấy quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nước ngoài". Còn việc người Trung Quốc được đứng tên chủ quyền sử dụng đất do góp vốn đầu tư, liên doanh liên kết thì ông ỉm đi không đề cập đến.
    Nhiều người đặt câu hỏi: Là người chịu trách nhiệm chính về quản lý tài nguyên quốc gia là đất đai, mà ông Trần Hồng Hà không biết hay giả vờ không biết việc người Trung Quốc đang nấp bóng đủ các kiểu, các loại hình để thâu tóm tài nguyên đất đai nước ta, thì ông quản lý cái gì? Nếu cứ chờ cho các địa phương nắm tình hình và báo cáo thì giải tán ngay cái bộ tài môi vô tích sự này đi.

    Trả lờiXóa
  5. Tất cả nhân dân đều biết người Trung Quốc mua đất ở nhiều vị trí chiến lược, nguy hiểm tới an ninh quốc gia, nhưng riêng BT Nguyễn Hồng Hà thì không biết. Do đó có thể kết luận: Nguyễn Hồng Hà không xứng đáng là bộ trưởng tài nguyên môi trường mà chỉ xứng đáng là một tên Việt Gian bán nước.

    Trả lờiXóa