Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

ĐẢ ĐẢO BỌN TRUNG QUỐC TRỒNG RAU Ở ĐẢO HOÀNG SA

Binh lính Trung Quốc đồn trú trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thu hoạch rau xanh trồng trên cát - Ảnh chụp màn hình Hoàn Cầu thời báo

Việt Nam phản đối Trung Quốc trồng rau trái phép ở Hoàng Sa 
 
VNE
Thứ năm, 28/5/2020, 18:00 (GMT+7)
 
Bộ Ngoại giao khẳng định việc Trung Quốc trồng và thu hoạch rau bằng "công nghệ mới" ở Hoàng Sa là vi phạm chủ quyền Việt Nam và luật pháp quốc tế.

"Mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vi phạm luật quốc tế", ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao, nói trong họp báo thường kỳ chiều 28/5.

Tuyên bố được ông Việt đưa ra sau khi tờ Global Times hôm 19/5 đưa tin hải quân Trung Quốc sử dụng công nghệ mới để trồng rau ở Tây Sa, thu hoạch được 750 kg. Tây Sa là cách Trung Quốc gọi tên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Truyền thông Trung Quốc cho rằng việc Bắc Kinh thu hoạch rau ở Hoàng Sa "chứng tỏ thực thể này là đảo", giúp củng cố yêu sách của Trung Quốc ở đây.

Chen Xiangmiao, làm việc tại Viện nghiên cứu Quốc gia Trung Quốc về Biển Đông, cho rằng việc thu hoạch rau ở Hoàng Sa đã "đi ngược với lập luận của cộng đồng quốc tế, trong đó có cả phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực năm 2016, rằng các thực thể ở Biển Đông không có khả năng duy trì điều kiện cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng".

Chen tuyên bố trồng rau là tiền đề để có những bước đi tiếp theo như nuôi lợn, gà nuôi sống dân trên đảo và tạo điều kiện đưa thêm người tới đây. "Một hệ sinh thái sẽ giúp đảo phù hợp hơn cho con người sinh sống lâu dài", Chen nói. 
 
 
 Ảnh vệ tinh đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS.

Trong phán quyết Biển Đông năm 2016, các thẩm phán Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý mà Bắc Kinh tự vẽ ra để đòi yêu sách với gần toàn bộ Biển Đông. Phán quyết khẳng định hầu hết các thực thể ở Biển Đông đều không được coi là đảo theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Điều 121 của UNCLOS quy định tiêu chí xác định "đảo" là vùng đất tự nhiên có nước bao bọc và luôn ở trên mặt nước khi thuỷ triều lên, có khả năng duy trì điều kiện cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng. Các đảo đáp ứng điều kiện này sẽ có đầy đủ các vùng lãnh hải, tiếp giáp, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như lãnh thổ đất liền.

Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974 và triển khai trái phép lực lượng đồn trú tại đây.

"Chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế", ông Việt nói.

1 nhận xét :

  1. Sau đả đảo phải làm gì thiết thực hơn nữa. Đối với bọn Tàu không thể hô khẩu hiệu mà đuổi được chúng đâu.

    Trả lờiXóa