Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

TỪ ĐẠI DỊCH, VIỆT NAM - TRUNG QUỐC NHÌN RÕ NHAU HƠN?

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. 

Từ đại dịch, Việt Nam–Trung Quốc ‘nhìn rõ nhau hơn’?

Khánh An-VOA
05/04/2020

Những động thái quyết liệt gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời điểm cả thế giới đang tập trung chống dịch Covid-19 đang tác động xấu lên mối quan hệ chiến lược vốn còn “rất ít niềm tin” giữa Việt Nam và Trung Quốc, một chuyên gia nghiên cứu nhận định với VOA, đồng thời dự báo rằng hành động “không hòa bình” có thể sẽ xảy ra trong một vài tuần tới nếu Bắc Kinh tiếp tục gây hấn.

Thông tin trái ngược

Mới nhất hôm 3/4, sau khi công bố thông tin về sự kiện Trung Quốc trao trả 8 ngư dân Việt Nam sau khi đâm chìm tàu cá của họ ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết “đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu Hải cảnh” đã gây ra sự việc trên, và “không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam”.

Trước đó một ngày, truyền thông Việt Nam đưa tin tàu cá của ngư dân Trần Hồng Thọ (ở tỉnh Quảng Ngãi) đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm và bắt đi toàn bộ 8 ngư dân. Tàu Trung Quốc sau đó còn tiếp tục truy đuổi và lai dắt 2 tàu cá đến “cứu hộ” của các ngư dân khác về đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền song trên thực tế do Bắc Kinh kiểm soát từ năm 1974.

“Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo ngày 3/4.

Đáp lại, khi được hỏi về sự kiện trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo cùng ngày, đưa ra một phiên bản thông tin hoàn toàn trái ngược.

Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói rằng tàu hải cảnh Trung Quốc đã bắt gặp tàu cá của Việt Nam đánh bắt bất hợp pháp trong khu vực quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa) của Trung Quốc vào sáng 2/3 nên đã kêu gọi tàu này dời đi. Nhưng tàu cá Việt Nam không chịu dời đi và “bất ngờ quay ngoắt về phía tàu Trung Quốc” khiến cho tàu hải cảnh đâm vào tàu cá “dù đã cố hết sức để tránh”.

Người phát ngôn của Trung Quốc nói thêm rằng phía Trung Quốc sau đó lập tức cứu hộ 8 ngư dân Việt Nam và để cho họ trở về sau khi thực hiện các thủ tục điều tra và thu thập chứng cứ.

Trước đó một tuần, hôm 24/3, Trung Quốc công bố khánh thành hai “trạm nghiên cứu”, mà báo chí quốc tế gọi là các cơ sở quân sự mới, trên Đá Chữ Thập và Đá Subi ở Trường Sa, cũng là nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền, khiến Hà Nội phải lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh “tôn trọng chủ quyền”.

Những sự việc liên tiếp trên xảy ra chỉ vài tháng sau một chuỗi đụng độ vào mùa hè năm ngoái khiến cho mối quan hệ Việt – Trung trở nên căng thẳng cực độ, xuất phát từ việc tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính, gần quần đảo Trường Sa, và ngang nhiên hoạt động tại đây trong nhiều tháng với lý do “khảo sát địa chất”.

Qua nhiều chuỗi sự kiện, hành động, phản ứng và trao đổi qua lại giữa Hà Nội và Bắc Kinh, với những phiên bản thông tin trái ngược, cũng đã trở nên quen thuộc với giới quan sát và truyền thông quốc tế. Tờ International Business Times hôm 4/4 thậm chí còn đưa ra “khuôn mẫu” cho những sự kiện kiểu này, nói rằng “Ngư dân Việt Nam thì sẽ tường thuật câu chuyện cho giới hữu trách địa phương để trình lên các cấp trên. Còn phía Trung Quốc thì thường giữ im lặng. Và bởi vì Việt Nam không thể đọ được với Trung Quốc về mặt quân sự, nên vụ việc sẽ dần dần lắng xuống khi cả thế giới phải lo đối phó với dịch Covid-19”.

Việt Nam đã ‘lường trước’ và ‘chuẩn bị’?

Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu an ninh và chính trị khu vực của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS- Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, tình hình ở Biển Đông hiện nay “rất khó khăn” cho phía Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đang diễn ra đại dịch.

Theo tiết lộ của nhà nghiên cứu này, Trung Quốc không chỉ công khai khánh thành trạm nghiên cứu hay đâm chìm tàu cá ngư dân Việt, mà còn gây ra “một số chuyện nữa” mà sẽ “dần dần được nói ra”.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới quốc gia Việt Nam, thì nhận định với VOA rằng việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam là “câu chuyện không mới”, và Bắc Kinh thường sử dụng chiêu thức tung tin “vu khống” hay “đổ lỗi” cho phía Việt Nam trước khi thực hiện một hoạt động gây hấn hay xâm lấn trên Biển Đông.

Theo cả hai nhà nghiên cứu Việt Nam, những động thái quyết liệt của Trung Quốc gần đây cho thấy Bắc Kinh đang có “mưu toan rất lớn”, không chỉ ở Biển Đông mà cả trong khu vực, chẳng hạn như vấn đề Đài Loan.

“Trong bối cảnh toàn thể thế giới đang lao đao vì đại dịch, mà xuất phát từ Trung Quốc, tôi nghĩ họ đang tính toán những bước phiêu lưu mới”, TS. Trần Công Trục nói với VOA.

Tuy nhiên, hai nhà nghiên cứu trên cho rằng Việt Nam đã “lường trước” và “chuẩn bị kỹ” cho những tình huống xấu có thể xảy ra sắp tới.

“Việt Nam sẽ ứng xử lại bằng hành động chứ họ không nói nhiều nữa đâu”, TS. Hà Hoàng Hợp nói, trong khi TS. Trần Công Trục cho rằng “Việt Nam sẽ có những biện pháp đấu tranh mạnh mẽ, kể cả trên phương diện pháp lý, truyền thông chính trị lẫn trên thực tế”.

Trong vụ việc lần này, có thể thấy phản ứng công khai của phía Việt Nam gần như diễn ra ngay lập tức, khác hẳn với những lần khác trong quá khứ, mà gần đây nhất là vụ bãi Tư Chính với khoảng một tuần sau, hoặc kín đáo và chậm chạp hơn nữa trong những vụ việc xa hơn.

Chỉ “ngoại giao”

Một sự trùng hợp là sự kiện Trung Quốc trao trả 8 ngư dân lại được truyền thông Việt Nam đưa tin trong cùng một ngày (3/4) với sự kiện Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường để “bàn cách hợp tác chống dịch Covid-19”.

Trang thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam nói trong cuộc điện đàm, ông Phúc còn ca ngợi “thành quả to lớn” mà Trung Quốc đã đạt được trong việc chống dịch Covid-19, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Quốc vụ viện Trung Quốc. Ông Phúc cũng cảm ơn sự hỗ trợ của Bắc Kinh qua hình thức chia sẻ kinh nghiệm và một số địa phương đã hỗ trợ vật tư y tế cho Việt Nam.

Mặc dù trên bình diện thông tin, hai sự kiện trên là hoàn toàn tách biệt, nhưng theo nhận định của TS. Hà Hoàng Hợp, chúng thực chất “có liên quan với nhau”.

Ông giải thích: “Về mặt hợp tác, vì hai nước có ‘hợp tác đối tác chiến lược’, trên nền tảng hai nước đều là thành viên của Liên Hiệp Quốc thì phải có những hợp tác giúp nhau chống dịch bệnh, thiên tai. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gọi điện cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chắc là có thỏa thuận với nhau gì đó về chuyện bên Trung Quốc sẽ gửi một số vật tư y tế để giúp Việt Nam chống dịch này. Từ trước tới giờ là không có. Kể từ khi bùng phát dịch thì chưa thấy có gì cả, bây giờ thì lại có. Theo tôi biết thì thủ tướng Việt Nam có nêu chuyện Biển Đông nhưng không thấy báo chí nêu”.

Theo TS. Hà Hoàng Hợp, những lời ca ngợi của thủ tướng Việt Nam về thành tựu của Trung Quốc trong việc phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua chỉ “hoàn toàn là ngoại giao”.

“Vì ở Việt Nam giờ chả ai tin người Trung Quốc”, TS. Hà Hoàng Hợp khẳng định.

Theo ông, những vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19 như khi nào dịch thuyên giảm, chấm dứt hay sẽ bùng phát trở lại là những câu hỏi mà không ai hiện giờ có thể trả lời.

“Thế thì khi người Trung Quốc họ nói rằng họ ngớt dịch, rồi hết dịch, từ đó họ làm chuyện nọ chuyện kia… thì khen họ chả mất gì cả nên ông [thủ tướng] cứ khen thôi”.

Thêm vào đó, theo nhà nghiên cứu này, nếu Trung Quốc thực sự hết dịch thì “Việt Nam cũng được nhờ” và chuyện “mừng cho anh cũng có nghĩa là mừng cho tôi”.

“Vì nếu Trung Quốc không hết dịch thì nó lại lây sang Việt Nam. Đợt vừa rồi, 16 người đầu tiên là từ Trung Quốc, từ Vũ Hán sang”, TS. Hà Hoàng Hợp nói thêm.

Quan hệ Việt – Trung đã thay đổi?

Theo lời TS. Hà Hoàng Hợp – mà ông khẳng định không phải là “suy đoán” – thì trong câu chuyện “ngoại giao” giữa hai nguyên thủ quốc gia còn kèm theo một nội dung từ phía Việt Nam.

“Đó là dù thế nào thì dù, Trung Quốc không nên lấy chuyện chống được dịch để gây ra những chuyện lớn ở Biển Đông. Đấy là thông điệp mà tôi chắc là thủ tướng Việt Nam đã nói với ông kia [thủ tướng Trung Quốc]”.

Nhà nghiên cứu của Viện ISEAS khẳng định mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện giờ “đã thay đổi”, và ngôn ngữ “ngoại giao” trao đổi giữa hai bên đôi khi không nói lên thực chất của mối quan hệ, mà chỉ là “nói với nhau vậy thôi”.

“Bây giờ quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thay đổi nhiều rồi, việc nào phải ra việc đấy thôi. Nhân vụ đại dịch này thì người ta nhìn rõ nhau hơn”, TS. Hà Hoàng Hợp nhận định.

Nhà nghiên cứu này khẳng định Việt Nam giờ chỉ xem Trung Quốc là quốc gia “đối tác”, và vì đối tác này luôn sẵn sàng “gây sự” bất cứ lúc nào nên “không tin được nhau” và “niềm tin chiến lược bây giờ còn rất ít”.

“Trong khi đó, niềm tin đối với Mỹ thì ngày càng tăng, nhưng tăng đến mức trở thành đồng minh với nhau thì chưa thấy”, TS. Hà Hoàng Hợp bình luận thêm.

Theo dự đoán của ông, nếu Trung Quốc tiếp tục lấn tới trong hoạt động nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, thì những động thái “không hòa bình” có thể sẽ diễn ra trên thực tế trong vài tuần sắp tới.

4 nhận xét :

  1. Tôi cũng đồng ý nhận xét: Ở NV chẳng ai tin TQ, nhưng bọn phò Tàu để trục lợi, thậm chí làm tay sai cho Tàu vì lợi ích phe nhóm thì đầy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tướng Trương Giang Long đã nói khá rõ rồi

      Xóa
  2. Sau trận dịch này, rõ ràng là VN phải thay đổi cách tiếp cận với TQ: có cần phải bám theo TQ để bán được hàng không? Ví dụ mỗi năm ta xuất sang TQ khoảng 70% hàng rau quả khoảng độ 3 - 3,5 tỷ USD, nhưng toàn là xuất thô và hàng chất lượng trung bình.
    Vậy tại sao không học theo Israel làm nông nghiệp công nghệ cao, xuất đi Mỹ, Âu, Nhật, Hàn, số lượng ít nhưng giá trị xuất khẩu gấp 10 lần sang TQ. Vấn đề là VN vẫn chưa có cách quản lý và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giao bộ NNPTNT cho những ông như Nguyễn Xuân Cường, có bằng TS nông nghiệp (trong nước, tại chức) mà tư duy chỉ là một ông nông dân làng xã thì làm sao hiểu được công nghệ cao.
    Thế mới chết cho đất nước VN, phải phụ thuộc vào TQ trong kinh tế thì sẽ phụ thuộc về chính trị và lép vế về quân sự.
    Cần thay đổi theo CMCN 4.0, nhưng đó chỉ là thủ tướng nói chứ không thấy ai làm được cả? Có giám giao kinh tế đất nước này cho các tập đoàn tư nhân không và thay đổi định hướng kinh tế sang Mỹ, EU, Nhật Hàn không? Làm được thế này mới thoát Trung được, chứ lâu nay nhiều nhân sĩ trí thức hô hào thoát Trung mà không chỉ ra được cách nào. Thoát Trung và kinh tế trước, sau đó mới thoát được sự phụ thuộc vào chính trị rồi mới tính đến dám đòi lại bằng quân sự biển đảo đã bị xâm chiếm.

    Trả lờiXóa
  3. Đâu phải cần tới lúc này mới "nhìn rõ nhau hơn" trừ khi đó là những con bò sở hữu bộ óc lợn mới không biết dã tâm của lũ lưu manh tầu cộng thôi! Ai đời, một đất nước có truyền thống đánh bại quân xâm lược phương bắc (không phải một lần)! Một đất nước có lịch sử của lòng tự trọng, danh dự .... chứ đâu phải là một đất nước của những kẻ hèn, không có lòng tự trọng...?! Một đất nước từng được chú trọng việc học và hiểu sử môt cách tường tận để hiểu thế hệ cha ông đã làm những gì để giữ nước và để đánh bại kẻ thù đặc biệt là lũ giặc đến từ phương bắc?! .... Những thứ đó ngày càng bị mai một. Ai đời, những Người dân lên tiếng phản đổi hành vi lưu manh mang ý đồ đen tối của lũ tầu cộng thì đều bị bắt bớ, bỏ tù ... với những cáo buộc không thuyết phục lòng người .... những bộ trang phục đẹp, sang, những bộ kính/đồng hồ có tên tuổi .... không thể giấu được cải cảm giác nhục và hèn khi đứng trước anh em bè bạn năm châu ...! Càng nghĩ càng thấy đau!

    Trả lờiXóa