Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

NHỮNG CHUYỆN Ở VIỆN HÀN LÂM KHXH VIỆT NAM


Những chuyện ở Viện Hàn lâm KHXH:
Phải chăng “Có công bị trị, có lỗi được thưởng!”? 

 
14/04/2020

GS.TS Nguyễn Đức Tồn, đã được tấn phong cho cái danh hiệu vẻ vang “kẻ đạo văn khổng lồ của mọi thời đại”, rốt cuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho hạ cánh “hơn cả an toàn”: ông Tồn về hưu vì đến tuổi (chứ không phải vì bị kỷ luật), vẫn giữ được học hàm học vị giáo sư tiến sĩ và vẫn giữ chức chủ nhiệm một đề tài cấp Nhà nước những hơn 4 tỷ đồng từ tiền thuế của dân.

Cần lưu ý rằng đề tài của ông về giáo dục ngôn ngữ cho trẻ em dân tộc thiểu số; chức chủ nhiệm đề tài cho phép ông GS.TS “kẻ đạo văn khổng lồ của mọi thời đại” đàng hoàng đến công tác ở Sở Giáo dục của các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số, làm như thể gần 200 bài báo trên 30 cơ quan báo giấy, báo mạng, trong nước có, ngoài nước có, chưa đủ để khiến cho “uy danh” ông vang lừng thiên hạ vậy!

GS Nguyễn Văn Hiệp với GS Halliday

TS Vũ Thị Sao Chi, “truyền nhân đạo văn” của ông thầy Nguyễn Đức Tồn, còn oai hùng hơn, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”: đang khi báo chí còn rùm beng vụ cô này đạo văn đủ các thể loại ỷ vào vị trí Phó Tổng biên tập tạp chí của Viện Ngôn ngữ học, mà Viện Hàn lâm KHXH không lên tiếng giải quyết, xử lý nghiêm minh (hay chỉ đạo giải quyết), nay cô này bỗng được Viện Hàn lâm KHXN giúp cô “rũ bùn” nhảy cao thêm mấy bậc: lên chức Phó Tổng biên tập tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam của cả Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (Quyết định số 1868/QĐ-KHXH ngày 03 tháng 12 năm 2019 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). 
 
Trong lễ bổ nhiệm, TS Vũ Thị Sao Chi còn được lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, tán dương đến tận trời xanh, rằng “với sự nhất trí, đồng lòng và bề dầy kinh nghiệm có được của TS Vũ Thị Sao Chi, Tạp chí sẽ có được những bước phát triển đột phá mới, gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn trong thời gian tới”, và rằng “trong thời gian sắp tới sẽ có nhiều đóng góp tích cực cùng Ban lãnh đạo Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam gặt hái được nhiều thành công hơn trong nhiệm kì công tác của mình, nhất là trong vấn đề phát triển Tạp chí điện tử, nhằm từng bước đưa Tạp chí lên một tầm cao mới, xứng đáng trở thành một trong những cơ quan cơ quan ngôn luận quan trọng của Viện Hàn lâm nói riêng và cả nước nói chung về các ngành khoa học xã hội và nhân văn” (phát biểu trong buổi lễ trao quyết định điều động và bổ nhiệm Phó Tổng Biên tập tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam cho TS Vũ Thị Sao Chi, tổ chức ngày 04 tháng 12 năm 2019, tức là chỉ một ngày sau khi Quyết định được ký). Viện Hàn lâm HKXH trao một cơ quan quan trọng như vậy vào tay một người khét tiếng về thành tích đạo văn như vậy với một sự tin tưởng chất ngất như vậy, thì phải nói thế nào mới xứng?!

 
Hội thảo khoa học thường xuyên được Viện Ngôn ngữ học tổ chức thành công 
với nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia

Ngược lại về phần người lèo lái con thuyền Viện Ngôn ngữ học qua bao sóng gió, chịu đựng việc bị kiện tụng vu cáo, lại phải trực tiếp giải quyết hậu quả các vụ bê bối đạo văn đau đầu buốt óc trong nhiều năm của ông Nguyễn Đức Tồn và bà Sao Chi nói trên, là GS Nguyễn Văn Hiệp thì nay Viện Hàn lâm KHXH tính “điều chuyển” ra khỏi Viện Ngôn ngữ, thay vào phụ trách Viện Ngôn ngữ đó, kỳ lạ thay nghe đâu là một PGS.TS không có chuyên môn Ngôn ngữ học, mà có chuyên môn Văn học! GS Hiệp vượt lên sóng gió, đã thực sự tạo cho Viện NNH một bước phát triển mới, đi đúng hướng phát triển khoa học gắn liền với đời sống, phục vụ đời sống và sự phát triển xã hội, được đông đảo các nhà khoa học NNH trong nước và quốc tế đánh giá là vị Viện trưởng chưa thể thay thế! Thế mà chỉ vì là Viện trưởng đương nhiệm của Viện NNH mà để ông Nguyễn Đức Tồn kiện tụng kéo dài lê thê nhiều năm nên GS Hiệp cũng đành “hưởng” một cái kỷ luật khiển trách, nên ông Hiệp cũng ngậm ngùi tự nhận bản thân không hoàn thành nhiệm vụ năm 2019, dù rằng tất cả các nhiệm vụ chuyên môn và lãnh đạo Viện NNH của GS Hiệp đều xuất sắc cả! Thế mới thấy người làm sai như ông Tồn và cô Sao Chi (đạo văn-tức là ăn cắp công trình khoa học của người khác) thì ngoạn mục thăng tiến và còn được hưởng lợi, còn người chịu nỗi khổ đứng đầu của 2 vị đạo văn sừng sỏ trên thì bị án kỷ luật (tuy chỉ là khiển trách) mà bao công lao đóng góp cho sự ổn định, phát triển của Viện NNH thì không được biết đến!

“Có công bị trị, có lỗi được thưởng”! Cái thực tế khác thường trong công tác tổ chức của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam như vậy có thể chấp nhận được không? Có cấp trên của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, “đèn trời soi xét” không hay là bị dưới che mắt nhỉ!?

Vì những lẽ trên, tôi thiển nghĩ: “Ngày mai tôi đi đạo văn đây!”.

 
Bằng chứng TS Vũ Thị Sao Chi đạo văn

Xin nói thêm: Thông tin về lễ trao quyết định điều động và bổ nhiệm Phó Tổng Biên tập tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam cho TS Vũ Thị Sao Chi trên trang web của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam theo đường link sau đã bị lẳng lặng gỡ đi:

https://vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/HoatDongThuVienTapChi/View_Detail.aspx?ItemID=746


Thôi thì nếu ai đó muốn xem sự thật cho rộng đường dư luận thì tạm đọc ở đây vậy: https://giaovn.blogspot.com/2019/06/ot-lo-va-ao-van-dien-tien-sau-khi-dang.html

PGS-TS Hoàng Dũng

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét