Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

"TIẾNG HÁT LÊN TRỜI"... NAY ĐÃ BÌNH AN VỀ TRỜI...


Nam Phan

“Tiếng hát lên trời” nay đã bình an về trời…

Năm 10 tuổi, mình biết đến tên của Bà, nhờ câu hát “Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca Biệt ly” qua tiếng hát của Nhạn trắng Gò Công Phương Dung.

Quê nghèo, dân lao động tứ xứ đổ về chạy ăn từng bữa, những bài hát bolero một thời vàng son giúp người ta vơi bớt nỗi nhọc nhằn hiện tại. Một buổi tối, nghe lén đài tiếng nói Hoa kỳ, mình được nghe Bà hát lần đầu tiên, “…Biết ái tình ở dòng sông Hương, sống no đầy là nhờ Cửu Long, máu sông Hồng đỏ vì chờ mong …”, nhưng với 1 đứa trẻ hơn 10 tuổi đầu, lại mê bolero từ nhỏ, mình chỉ thích lời bài hát thôi chứ không thích giọng hát của Bà. Lên Saigon học, một đêm đi dạy kèm về, đạp xe qua phố vắng, tình cờ được nghe lại tiếng ca ngày cũ, “…Bên tê thành phố tráng lệ, giai nhân nằm khoe lõa thể, bên ni phố vắng ôi lòng ngoại ô…”, Saigon hoa lệ, nhưng hoa cho ai còn lệ cho ai, bất chợt thấy lòng rưng rưng muốn khóc.


Ngày mình lên đường qua xứ sở sương mù, trong hành trang có thêm mấy đĩa nhạc mp3, nhớ nhà quay quắt, nghe bolero nhớ lại càng thêm nhớ, nên tìm nhạc của Bà ra nghe. Đôi mắt người Sơn Tây, lần đầu tiên biết đến bài hát này dù mình đã từng đọc “Mắt người Sơn Tây” và “Đôi bờ” khá kỹ, và mình nghe Bà hát bài này nhiều lần đến nổi sau đó mình bỏ công tìm hiểu thêm 1 đoạn đời đau thương của nhà thơ Quang Dũng mà sách vở chưa bao giờ viết, thật thương cảm cho số phận một nhà thơ tài hoa. Cái thưở ban đầu bao giờ cũng lưu luyến đến ngàn năm, nên cho đến giờ này mình chỉ thích Bà hát “Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai, sông xa từng lớp lớp mưa dài …” thôi, mình không thích ai hát bài này ngoài Bà, kể cả ca sỹ Ý Lan con gái của Bà.

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, có lẽ chỉ có 3 danh ca vinh dự được nhắc tên đích danh trong lời bài hát. “Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca Biệt ly” trong Giọt buồn không tên của nhạc sỹ Anh Bằng là bài nổi tiếng nhất cho đến nay. Tiếng hát liêu trai Thanh Thúy cũng được gọi tên trong bài hát Thúy đã đi rồi của nhạc sỹ Y Vân với lời ca “Thúy đã đi rồi, những ngày băng giá không tiếng cười …”, nói thay cho tiếng lòng của tài tử si tình Nguyễn Long. Sau này, trong bài hát Saigon niềm nhớ không tên, nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn đã viết “Saigon ơi, đâu những ngày mưa mùa khoác áo đi, tay cầm tay nói nhỏ câu gì, đâu quầy hoa quán nhạc đêm về, đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly” để nhớ về Nữ hoàng chân đất một thời ở Saigon.


Thú vị, dù bản gốc là “Đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly”, nhưng hầu hết các ca sỹ đều tự sửa lời thành “Đâu rộn ràng giọng hát Thái Thanh”, version của Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Hương Lan, Ngọc Lan, Kiều Nga, Phương Khanh đều vậy. Dù lời bài hát bị sửa, dù “Khánh Ly” hợp vần hơn “Thái Thanh”, nhưng khán giả vẫn thích. Có lẽ ca sỹ Khánh Ly cũng không phiền lòng gì, vì đối với Cô, “Thái Thanh là ngọn hải đăng của tôi”, cũng như với nhiều ca sỹ khác của Saigon, Việt Nam chỉ có 1 người xứng đáng được gọi là diva, đó là Thái Thanh, Việt Nam chỉ có 1 tiếng hát vượt thời gian, đó là Thái Thanh.Cũng như lời thơ “Từ em tiếng hát lên trời…” viết cho ca sỹ Thanh Thúy, nhưng người ta đều gọi tiếng hát Thái Thanh là “Tiếng hát lên trời”.

Saigon thay tên, Bà ngừng xuất hiện 10 năm, cho đến khi ra hải ngoại. Có lẽ những người trẻ ở miền nam cũng ít người nhớ đến tiếng hát của Bà, những người trẻ ở miền bắc lại càng không. Khi nhạc sỹ Phạm Duy trở về cố hương, nhiều đêm nhạc Phạm Duy được tổ chức, đã có những ca sỹ trẻ thay Bà hát nhạc Phạm Duy. Mình có 1 người bạn miền bắc, cũng thuộc loại hoài cổ, thích nghe Buồn tàn thu version của ca sỹ Ánh Tuyết, Hướng về Hà Nội của ca sỹ Hồng Nhung, Tình ca của ca sỹ Mỹ Linh, Nửa hồn thương đau của ca sỹ Thanh Lam. Có lần mình cho bạn nghe version Thái Thanh của những bài hát này, bạn tiếc nuối vì sao sống đến gần nửa đời người mới được biết đến tiếng ca thuần Việt của Bà, và bạn nói, dù sao muộn vẫn còn hơn không.

Vài dòng viết vội, vòng tay cúi đầu tiễn Bà nhẹ gót về trời …

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét