Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Ổ DỊCH BỆNH VIỆN BẠCH MAI & VAI TRÒ CỦA TƯỚNG CHUNG


Nguyễn Hoàng Dũng

Ổ DỊCH BỆNH VIỆN BẠCH MAI & VAI TRÒ CỦA TƯỚNG CHUNG

Có thể có nhiều người còn chưa hài lòng về mặt này mặt nọ, trong cách thức quản trị, điều hành của ông Nguyễn Đức Chung, CT UBND TPHN. Tuy nhiên, trong công tác phòng chống dịch COVID-19 từ 23/01/2020 tới nay ở Hà Nội, không ai làm tốt hơn ông cả. Đi lên từ nghiệp vụ công an điều tra, nên cái nhìn của ông về nguyên nhân và nguy cơ lây lan dịch bệnh này rất sắc bén! Những đề nghị của ông cho cấp trên và chỉ đạo cho cấp dưới thể hiện tính cấp thời, hiệu quả, đồng thời cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của ông.


Còn nhớ, khi bệnh nhân (BN) 21 được xác nhận ngày 07/03/2020 thì ông đã chỉ ra ngay nguy cơ lây nhiễm cộng đồng từ 96 ca tiếp xúc trực tiếp và trên 400 ca F2 với BN này, chủ yếu ở Viện Hàn Lâm KHXHVN và Hội Đồng Lý Luận Trung Ương, toàn là quan chức. Hành động thông tin cho báo chí về BN21 cùng những hệ luỵ lây nhiễm mà ca dương tính này có thể gây ra, đã đánh động được ý thức cảnh giác phòng ngừa của người dân, dù chắc chắn đây là một hành động động chạm đến và làm phật lòng nhiều quan chức liên đới.

Tiếp theo, khi ca nhiễm 86 được công bố là “được lây nhiễm từ nguồn trong nước chưa xác định” ngày 19/02/2020, thì tướng Chung (ông mang hàm thiếu tướng CA) đã đề nghị phong toả Bệnh Viện Bạch Mai (BVBM), hay ít nhất là cách ly vài khoa liên quan để khoanh vùng dịch bệnh ngay trong bệnh viện để tránh lây lan và lây nhiễm chéo, vì BN86 là y tá làm việc trong BVBM. Lúc đó, bằng các nghiệp vụ điều tra, ông Chung đã có thông tin rằng “từ 9-14/3, BN86 đã phát thuốc cho khoảng 2.000 bệnh nhân HIV”. Phát thuốc cho ngần ấy người nằm điều trị tại chỗ trong khi mình đã nhiễm virus COVID-19 thì đương nhiên BN86 đã có thể vô tình lây bệnh cho họ rồi! Dù vậy, đề nghị của ông không được chấp thuận! 







Thế thì tại sao lãnh đạo Bộ Y Tế và lãnh đạo BVBM không chịu cho cách ly ngay từ ngày 19/03 để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, tránh không phải trở thành một ổ dịch như hiện nay? Chưa hết, kể từ 20/03, lãnh đạo BVBM lại cho phân tán 5.113 bệnh nhân đang khám và điều trị tại đây về khắp các tỉnh thành phía Bắc, trong đó riêng Hà Nội thôi đã tiếp nhận 1.592 trường hợp, mà trước đó không xét nghiệm xem họ có nhiễm COVID-19 không. Hành động này xem ra không khác gì đi gieo rắc mầm bệnh rộng thêm ra trong cộng đồng!

Tuy nhiên, quan trọng nhất là ở vấn đề nêu sau đây. Có rất nhiều ca được xét nghiệm dương tính, được báo cáo lên cho Ban Chỉ Đạo COVID-19 (BCĐ), nhưng vài ngày sau đó, BCĐ mới cho công bố, thế là thế nào? Chúng ta còn nhớ BN142 ở Bình Chánh, TPHCM và BN167 người Đan Mạch ở Hà Nội chứ? Kết quả dương tính 2 ca này đã được lan truyền trên các mạng xã hội, được báo chí đăng tải, nhưng mãi 3-4 ngày sau BCĐ mới cho công bố trên website và Facebook của Chính phủ. Như vậy là quá chậm trễ!

Chính vì vậy, tướng Chung đã phải kiến nghị Thủ Tướng “cho phép Hà Nội công bố ca bệnh Covid-19”. Mấu chốt vấn đề ở đây là sự lấn cấn trong thẩm quyền và thủ tục công bố bệnh nhân COVID-19. Trong khi việc xét nghiệm và phân lập dịch tễ (F1, F2, F3) đã được phân cho các cơ sở y tế địa phương và chính quyền địa phương thực hiện, nhưng địa phương phải báo cáo kết quả cho Trung Ương (BCĐ) chứ không được công bố kết quả xét nghiệm. Đợi đến lúc BCĐ công bố thì nhiều khi việc truy vết dịch tễ (tìm các F1, F2, F3) đã trễ mất rồi. Chống dịch như chống giặc, cho nên thông tin và giải pháp phải được đưa ra tức thời. Vì vậy, đề nghị của tướng Chung rất hợp lý và bức thiết.

Nói gì thì nói, chính sự chậm trễ của BCĐ mà BVBM phải bị phong toả và thân nhân của các y bác sĩ của bệnh viện này phải bị cách ly, gây ra thiệt hại rất lớn về nguồn lực y tế, vì BVBM là bệnh viện tuyến cuối. Nếu họ chấp thuận đề nghị phong tỏa của tướng Chung ngày 19/03 thì tình hình giờ đây có lẽ đã khác. Với 20 bệnh nhân được xác nhận dương tính từ nhiều nguồn (y tá, công ty Trường Sinh, Căng-tin bệnh viện...), và có thể còn thêm nhiều ca nữa trong những ngày sắp tới, BVBM đã trở thành một ổ dịch vô cùng nguy hiểm cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Nếu tính luôn 5.113 trường hợp được “di tản” có khả năng chứa mầm bệnh, thì nhận định của ông Chung rằng, “Ổ dịch Bạch Mai phức tạp hơn 3 bệnh viện Mỹ, Ý, Hàn” là rất chính xác.

Ngay từ giai đoạn đầu phòng chống dịch bệnh COVID-19 tới giờ, chúng ta chỉ thấy vai trò của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và CTUBNDHN Nguyễn Đức Chung là rõ ràng và hiệu quả. Thủ Tướng thì chạy đôn chạy đáo, chỉ đạo từ việc dập dịch cho tới vấn đề an ninh lúa gạo và cả việc nhập thịt heo từ Nga để an lòng dân. Tướng Chung thì theo sát từng ca bệnh, đưa ra các đề xuất hợp tình hợp lý, tức thời và có viễn kiến. Trái lại, các ông như Phó Thủ Tướng kiêm Bộ trưởng BYT Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên...chỉ lo chống dịch bằng khẩu hiệu và ý chí chính trị, hoặc đưa ra các phát biểu huênh hoang là chỗ này chỗ kia, hay thời điểm này thời điểm nọ sẽ hết dịch.

Đã đến lúc người dân Hà Nội phải chấp nhận một thực tế là dịch COVID-19 đã lan ra trong cộng đồng không như mong đợi, vì sự yếu kém và có phần tắc trách của BCĐ. Chắc chắn Chính phủ sẽ mổ xẻ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan. Ngay lúc này, có lẽ chúng ta cần có một tư lệnh mới cho BCĐ, không chỉ tận tâm mà phải còn quyết đoán, không chỉ biết phân tích tình hình dịch hiện tại, mà còn có khả năng dự báo đường lây nhiễm của dịch trong tương lai, để đưa ra các quyết định phù hợp. Nếu vậy, cần lắm một người có tố chất như tướng Chung ngay bây giờ.

NHD

6 nhận xét :

  1. Đây ko phải là BỐC THƠM anh Chung mà đang BỐC THỐI anh chủ tịch đây mà. Vụ Nhật Cường vụ công ty con trai Đức Hạnh của ông chưa có kết luận thỏa đáng. Mấy hành động hô khẩu hiệu chống dịch không át được đâu.

    Trả lờiXóa
  2. Kể từ ngày “thiếu tướng công an” Nguyễn Đức Chung giữ chức Chủ Tịch thành phố Hà nội cho tới nay thì có lẽ, đây là việc làm đầu tiên đồng bào Thủ đô thấy hài lòng. Đó chính là kết quả ban đầu trong việc làm chậm lại sự lây lan của dịch Vũ Hán ở Hà nội; dẫu biết rằng, có được kết quả đó, không thể thiếu được sự cộng tác của người đứng đầu nghành y tế, của người chịu trách nhiệm về vấn đề dịch tễ, của giám đốc và nhân viên bệnh viện, của bên quân đội, công an và sự hợp tác của ..... Người dân Thủ Đô! “thiếu tướng” Chung là Chủ Tịch thành phố Hà nội (tuy chưa hết nhiệm kỳ) nhưng cũng đã được ít năm rồi, Ông là người như thế nào, làm việc ra sao, dân Thủ đô đã rất rõ thông qua những việc làm cụ thể chứ không đơn giản chỉ nghe nói!! Dịch Vũ Hán còn đang diễn biến rất phức tạp. Hơn bao giờ hết, dân Thủ Đô hiện đang rất cần một tập thể thống nhất trong mọi hành động mới mong có hy vọng chặn đứng được dịch Vũ Hán!

    Trả lờiXóa
  3. ông Chung là tướng công an nên chỉ phù hợp cho các hoạt động thời chiến mà thôi, như việc dập dịch cúm Tàu này là 1 ví dụ, chống dịch như chống giặc thì ông Chung làm tốt. Nhưng mà những việc khác về quản lý kinh tế xã hội của thủ đô thì ông Chung là công an lại không phù hợp.

    Trả lờiXóa
  4. Thế nhưng chưa thấy báo chí mổ xẻ trách nhiệm?

    Trả lờiXóa
  5. Lẳng lặng mà coi chúng Oánh nhau ... !

    Trả lờiXóa
  6. Thời xưa, vua chúa Vn chỉ ngự trị trên ngai vàng có kẻ bưng bô, hầu hạ, thi thoảng lại phóng xuống những chiếu chỉ chứ không phải cực nhọc gì. Thời hiện tại, không còn vua chúa nữa, thực tình, tui cũng không rõ nhiệm vụ của TT Việt nam là gì để chia xẻ với Nguyễn Hoàng Dũng và cộng đồng Tễu. Được biết, Việt nam có tới 5 Phó TT + 17 bộ trưởng và thứ trưởng. Nhiệm vụ của mỗi vị trí này là gì? Nếu tui nhớ không nhầm thì, Phó TT Vũ Đức Đam được giao trách nhiệm mảng Gd và y tế?! 2 nhiệm vụ này có liên quan gì tới việc TT phải "chạy đôn đáo" lo việc xuất nhập gạo? việc mua đồ ăn ở Liên xô? ... thiệt tình, tội cho ông TT. Không biết có phải do năng lực lãnh đạo của TT? hay do những nguyên nhân gì khác? Khó hiểu!?

    Trả lờiXóa