Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

CẤP BÁO: THÁNG 6 GIẶC CHÂU CHẤU CÓ THỂ SẼ VÀO VIỆT NAM

Tại một ổ dịch châu chấu ở Phú Thọ năm 2017 - Ảnh: Cục Bảo vệ thực vật
 
Châu chấu sa mạc có thể vào VN tháng 6:
Phải phòng ngừa từ xa 
 
Tuổi trẻ
24/03/2020 10:12 GMT+7


TTO - Theo nhận định của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Trung Quốc, dịch châu chấu sa mạc có thể xâm nhập vào Việt Nam khoảng tháng 6, do nền nhiệt độ cao và hướng gió phù hợp.

Cào cào, châu chấu như mưa tàn phá Đông Phi, hàng triệu người có nguy cơ thiếu đói
Châu chấu phủ như mây mù lên các sòng bài Las Vegas
'Binh đoàn' châu chấu áp sát Trung Quốc 

Dịch này đang bùng phát tại một số quốc gia. Việt Nam đã lên kế hoạch ứng phó khẩn.

Không thể chủ quan

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết ngày 22-2, tờ South China Morning Post dẫn lời Ma Wenfeng (chuyên gia phân tích nông nghiệp thuộc Công ty Nông nghiệp tổng hợp Bắc Kinh) cho rằng khu vực biên giới giữa Tây Tạng, Pakistan, Ấn Độ, Nepal đang là những điểm bùng phát nạn dịch châu chấu. Trong thời gian tới có khả năng đàn châu chấu tại khu vực này có thể di cư đến các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây qua bán đảo Đông Nam Á, tương tự con đường sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại năm 2019.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho hay đã kiểm chứng phía Trung Quốc và khẳng định hiện châu chấu sa mạc từ các quốc gia đang có dịch chưa xâm nhập vào Trung Quốc.

Theo nhận định của FAO và các chuyên gia Trung Quốc, nguy cơ đàn châu chấu xâm nhập và gây hại từ khu vực biên giới Pakistan - Ấn Độ tới Trung Quốc, Việt Nam và các nước lân cận rất thấp. Nguyên do là dịch tại Ấn Độ đã được dập, dãy núi Himalaya với độ cao và nhiệt độ không khí lạnh cũng không thuận lợi để di cư vì chúng thích hợp với nơi có nhiệt độ cao và độ ẩm không khí thấp.

"Nguy cơ xâm nhập đàn châu chấu sa mạc vào Việt Nam thấp, nhưng không thể chủ quan vì điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay rất khó lường. Đặc biệt, giống như sự xâm nhập, lây lan nhanh chóng và gây hại nặng của châu chấu tre lưng vàng và sâu keo mùa thu di cư tại Việt Nam trong thời gian qua, để giảm thiểu thiệt hại và chủ động chống dịch, chúng ta cần có kế hoạch ứng phó khi châu chấu sa mạc xâm nhập" - ông Hoàng Trung, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển mông thôn), nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Văn Liêm (viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho hay dịch châu chấu sa mạc nguy hiểm ở chỗ khi điều kiện thức ăn khan hiếm, chúng sẽ tạo thành một tập tính tập trung thành các đàn lớn để di chuyển, có thể bay xa 150km/ngày, và bay ở độ cao dưới 2.000m so với mực nước biển. Do đó, dịch châu chấu sa mạc là mối đe dọa rất lớn cho sản xuất nông nghiệp ở nhiều nước thuộc châu Phi, Trung Đông, Nam Á và Đông Nam Á.

"Dịch châu chấu sa mạc rất khác với các dịch khác mà Việt Nam đã có kinh nghiệm phòng chống. Do đó cần có cách ứng xử, phòng trừ khác nhau. Đặc biệt, phải có biện pháp can thiệp tầm quốc gia rất mạnh" - ông Liêm nhấn mạnh.
 
Khả năng tiêu thụ thức ăn của châu chấu - Đồ họa: T.ĐẠT

Sử dụng rađa quân sự để phát hiện

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn dẫn nhận định của FAO và Trung Quốc, trường hợp xấu nhất châu chấu sa mạc di cư vào Việt Nam khoảng tháng 6 do nền nhiệt độ cao và hướng gió phù hợp. Khu vực phía Tây Bắc của Việt Nam là nơi có khả năng đàn châu chấu có thể di chuyển qua.

Trước tình hình này, ông Hoàng Trung cho biết hiện cục đang theo dõi sát tình hình và các cảnh báo về hướng di chuyển và gây hại của châu chấu sa mạc, nếu chúng xâm nhập vào các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia hay Thái Lan thì cục sẽ có các thông tin, chỉ đạo các biện pháp phòng chống để các địa phương chủ động dập dịch.

Nếu có nguy cơ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ trao đổi, đề nghị với Bộ Quốc phòng sử dụng rađa quân sự phát hiện, xác định hướng và đo kích thước đàn châu chấu khi chúng di chuyển và sử dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp dịch trên diện rộng. Nếu dịch lây lan trên diện rộng, Thủ tướng chỉ đạo chống dịch.

Đe dọa lớn cho sản xuất nông nghiệp

Theo FAO, dịch châu chấu sa mạc bắt nguồn từ tháng 5-2019 ở khu vực các nước Trung Đông, sau đó bùng phát và lan rộng ra các nước châu Phi và Tây Á, Nam Á. Từ tháng 1 đến tháng 2-2020, phát triển nhanh bất thường tại một số quốc gia Trung Đông như Ai Cập, Saudi Arabia, Yemen..., các nước Nam Á như Pakistan, Ấn Độ, đã phá hoại sản xuất nông nghiệp và đe dọa đến an ninh lương thực của nhiều quốc gia.

Hiện dịch châu chấu tại Đông Phi đang ở tình trạng tồi tệ nhất trong 25 năm qua. Đàn châu chấu với số lượng ước tính hàng trăm triệu con di chuyển giữa các quốc gia Đông Phi với tốc độ lên đến 13km/h. Dừng chân tại chỗ nào, chúng tàn phá cây trồng, đe dọa nghiêm trọng an ninh hàng không. Nếu không được kiểm soát, FAO lo ngại có thể đe dọa an ninh lương thực cho khoảng 13 triệu người.

TS Nguyễn Văn Liêm cho biết châu chấu sa mạc là một trong những loài sâu hại di cư có sức tàn phá thực vật lớn nhất, nguy hiểm nhất. "Chúng là loài sâu hại đa thực, ăn bất kỳ loại cây xanh nào mà chúng bắt gặp như cây trồng, đồng cỏ, cỏ khô và ăn tất cả các bộ phận trên mặt đất của cây như chồi non, hoa, lá, hạt, vỏ cây, thân cây" - ông Liêm nói.

Theo ông Liêm, mỗi con châu chấu sa mạc trưởng thành tiêu thụ bình quân 200mg chất xanh/ngày. Trong khi đó, mật độ phân bố một đàn có thể lên tới 150 triệu con/km2, ước tính một đàn 1km2 có thể tiêu thụ lượng thức ăn 1 ngày tương đương lượng thức ăn của 35.000 người.

Một trong những đặc điểm đáng sợ của châu chấu sa mạc là khả năng tạo đàn cực lớn, diện tích đàn tính theo kilômet vuông, tổng đàn lên tới cả trăm tỉ con và di cư rất xa.
 

  
Chí Tuệ

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét