Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2020

RFA: VỤ ĐỒNG TÂM ĐƯỢC NÊU RA VỚI ĐẠI SỨ QUÁN MỸ

Anh Trịnh Bá Phương và bà Michele Roulbet trưởng bộ phận nội chính phòng chính trị 
của Đại sứ quán Hoa Kỳ hôm 6/2/2020.

Vụ Đồng Tâm được nêu ra với Đại sứ quán Mỹ

RFA 
2020-02-06

Anh Trịnh Bá Phương, một người đấu tranh giữ đất ở Dương Nội và cũng là người đưa tin về vụ việc Đồng Tâm, vào ngày 6 tháng 2 có cuộc gặp với một số viên chức Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội. Tại cuộc gặp anh Trịnh Bá Phương cho biết đã trình bày cặn kẽ về vụ việc cũng như chuyển đến những vị này thư kêu cứu của Cụ bà Dư Thị Thành, vợ của cụ ông Lê Đình Kình, người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công Đồng Tâm hôm rạng sáng ngày 9 tháng 1 vừa qua.


Trả lời RFA vào tối ngày 6/2/2020, anh Trịnh Bá Phương cho biết:

“Vào 2 giờ chiều hôm nay có 3 viên chức của Đại sứ quán Mỹ đã gặp em, trong đó có đại diện là bà Michele Roulbet trưởng bộ phận nội chính phòng chính trị của Đại sứ quán Hoa Kỳ. Trong buổi làm việc này, Đại sứ quán Mỹ chủ yếu làm việc liên quan vụ việc diễn ra ở Đồng Tâm.”
Trong thời gian làm việc 2 tiếng đồng hồ, tôi có trao đổi tất cả thông tin vụ việc mà tôi nắm bắt được, cũng như là chuyển được bức thư của cụ bà Dư Thị Thành (vợ của cụ Lê Đình Kình) gởi đến Đại sứ quán Mỹ.
-Trịnh Bá Phương
Buổi làm việc giữa anh Trịnh Bá Phương và các viên chức ĐSQ Hoa Kỳ kéo dài hai tiếng đồng hồ, nội dung làm việc theo anh Phương là phía Mỹ tìm hiểu về toàn cảnh vụ Đồng Tâm hôm 9/1/2020, cũng như nhận thư kêu cứu của cụ bà Dư Thị Thành gởi đến các viên chức ĐSQ Hoa Kỳ. Anh Phương nói tiếp:

“Bên phía Đại sứ quán Mỹ rất quan tâm đến vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm hôm 9/1. Trong thời gian làm việc 2 tiếng đồng hồ, tôi có trao đổi tất cả thông tin vụ việc mà tôi nắm bắt được, cũng như là chuyển được bức thư của cụ bà Dư Thị Thành (vợ của cụ Lê Đình Kình) gởi đến Đại sứ quán Mỹ, là thư kêu cứu dài bốn trang giấy, trong đó có nói đến tất cả tình tiết mà bà chứng kiến hôm 9/1. Nguyện vọng của cụ bà, của cá nhân tôi, những người khác, muốn chuyển đến ĐSQ Mỹ là mong muốn vụ việc ở Đồng Tâm có được một cuộc điều tra độc lập. Ngoài ra cũng mong muốn quốc tế cũng như chính phủ Hoa Kỳ, theo dõi vụ việc này, để áp lực đưa được vụ Đồng Tâm ra ánh sáng, vì hiện nay Việt Nam chỉ muốn bưng bít và chỉ đưa thông tin theo một chiều của họ.”

Trang 4 thư kêu cứu của Cụ bà Dư Thị Thành. Courtesy Trịnh Bá Phương


Cụ thể theo thư kêu cứu của Cụ bà Dư Thị Thành, vợ của cụ ông Lê Đình Kình, người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công Đồng Tâm của công an hôm 9/1/2020, được anh Trịnh Bá Phương đăng lên mạng xã hội, Bà Thành tường trình diễn biến cuộc tấn công của công an vào Đồng Tâm hôm 9/1/2020 mà bà chứng kiến.

Trong thư kêu cứu, Bà Thành cho biết khi bản thân bà bị đánh và lôi ra thì chồng bà là ông Lê Đình Kình vẫn còn sống. Bà cũng cho biết nhiều người khác bị đánh, bị bắn, nhiều người bị mất tài sản, tiền bạc, giấy tờ… nhưng sau đó chỉ được trả lại giấy tờ.

Đài Á Châu Tự Do hôm 6/2 đã tìm nhiều cách liên lạc với Cụ bà Dư Thị Thành nhưng không thể kết nối.

Một người dân Đồng Tâm, có người nhà đang bị công an bắt giữ, không muốn nêu tên, nói với RFA hôm 6/2:

“Trong số những người bị bắt cũng có người nhà của tôi, từ hôm bắt đi đến giờ chính quyền cũng không có một thông báo nào đến gia đình. Không biết những người bị bắt nhốt ở đâu, tôi cũng có đi tìm các trại giam nhưng cũng không có thông tin gì, mình cũng chỉ đi tìm mò. Mọi người đang rất lo lắng, hôm bị bắt đi như thế, nhiều người bị đánh đậo thương tích nặng, không biết hiện giờ tình hình sức khỏe của mọi người như thế nào? Các gia đình hiện rất lo lắng, muốn biết người thân đang bị bắt giữ ở đâu để tiếp tế, vì sợ mọi người không có sức khỏe.”
Mọi người đang rất lo lắng, hôm bị bắt đi như thế, nhiều người bị đánh đậo thương tích nặng, không biết hiện giờ tình hình sức khỏe của mọi người như thế nào? Các gia đình hiện rất lo lắng, muốn biết người thân đang bị bắt giữ ở đâu để tiếp tế, vì sợ mọi người không có sức khỏe.
-Người dân Đồng Tâm
Trong thư kêu cứu, Cụ bà Dư Thị Thành cho biết, đến nay vụ việc công an tấn công vào nhà bà đã xảy ra được gần 1 tháng, nhưng gia đình bà và các gia đình khác trong xã Đồng Tâm vẫn chưa có thông tin gì về những người bị bắt hôm 9/1, không biết hiện giờ ai sống, ai chết cả. Bà Thành cũng nêu tên cụ thể 27 người ở Đồng Tâm trong đó có con, cháu bà bị bắt.

Để tìm hiểu thêm, RFA hôm 6/2 đã liên lạc Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người đã có chuyến thăm đến xã Đồng Tâm vào ngày 1/2/2020, và được ông kể lại như sau:

“Khi tôi gặp bà con ở Đồng Tâm, thì những người có thân nhân bị bắt, rất là lo lắng. Bởi vì cho đến bây giờ, họ không hề biết một tin gì của người thân của họ, trừ những tin được đưa trên TV. Việc bắt họ như thế nào, đang giữ ở đâu, luật sư có được tiếp xúc hay không, người thân có được tiếp xúc hay không, tình trạng của họ như thế nào? Thật sự không có ai ở Đồng Tâm được biết cả. Đấy là một cái rất là bức xúc của bà con ở Đồng Tâm.”

Cuối thư kêu cứu, Cụ bà Dư Thị Thành khẩn cầu tất cả mọi người, tất cả các ĐSQ hãy cứu những người con, những người cháu của bà, cũng như những người dân Đồng Tâm đang bị giam cầm.

Bà Thành mong muốn ĐSQ Mỹ và quốc tế có thể lên tiếng để có một cuộc điều tra độc lập về vụ việc tại Đồng Tâm hôm 9/1/2020 và gia đình bà mong muốn đạo luật Magnitsky được áp dụng trong vụ việc này, công an đã đàn áp, giết người bằng vũ khí quân dụng, đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Cũng trong buổi gặp mặt trực tiếp viên chức ĐSQ Hoa Kỳ, anh Trinh Bá Phương cho biết, anh đã nêu lên tình tiết phía Bộ công an đã đưa ra nhiều kịch bản trong vụ việc ở Đồng Tâm, kể cả kịch bản về cái chết của cụ Kình, cũng như kịch bản 3 viên cảnh sát mà họ cho rằng đã chết ở Đồng Tâm… Anh Trinh Bá Phương cũng đã đề nghị ĐSQ Mỹ xem những tình tiết đó là cơ sở để lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản VN phải cho phép điều tra độc lập vụ việc. Anh Phương nói tiếp:

“Tôi cũng có nêu với ĐSQ Mỹ, là sau khi tôi đưa tin về Đồng Tâm, thì Bộ công an, Đài truyền hình VTV, báo Công an Nhân dân, liên tục có những đe dọa, vu khống, chụp mũ tôi, nói tôi đã kích động chống phá chính quyền, xâm phạm an ninh quốc gia. Phía ĐSQ Mỹ cũng lo lắng sự đe dọa này sẽ khiến tôi bị bắt, họ nói sẽ theo dõi và sự giúp đỡ cần thiết, để đảm bảo công bằng cho tôi nếu tôi bị bắt.”

Sau khi đề xuất các nguyện vọng và trao thư kêu cứu của cụ bà Dư Thị Thành, Anh Phương cho biết phía ĐSQ Mỹ không hứa trước điều gì, nhưng họ cho biết sẽ làm việc và nghiên cứu rất kỹ, về các yêu cầu của Anh Phương cũng như của các gia đình ở Đồng Tâm.

4 nhận xét :

  1. Có ai cùng giúp anh Trịnh Bá Phương việc này không? anh Phương có vẻ đơn độc quá. Các tổ chức nhân quyền của người Việt trong và ngoài nước hãy chung tay giúp anh Phương đưa vụ Đồng tâm ra thế giới và trụ sở LHQ, nơi VN đang là 1 thành viên và đang tự hào về điều này một cách lố bịch!!!

    Trả lờiXóa
  2. Từ đây, sau khi đã bình tâm để quan sát và phân tích toàn cảnh về các vấn đề liên quan đến thảm kịch Đồng Tâm vừa rồi ta có thể thấy rằng thảm kịch ở Đồng Tâm là một hệ quả tất yếu và hoàn toàn phù hợp với sự độc đoán, lạnh lùng và tàn nhẫn của những con người trong “hệ thống” lãnh đạo cấp cao của Đảng ta hôm nay.
    Hay nói khác đi, cái chết của ông Lê Đình Kình cùng với việc bắt giam toàn bộ những người gắn bó mật thiết với ông ấy (con cái và một số người dân khác), không đơn giản chỉ để giải quyết tranh chấp đất đai giữa chính quyền Hà Nội và người dân Đồng Tâm mà quan trọng hơn đó là một mệnh lệnh chính trị bắt buộc nếu không muốn nói là rất “tài tình và sáng suốt” của “Đảng ta” trong bối cảnh ngày kỷ niệm Đảng tròn 90 tuổi và các công tác chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 13 đang cận kề. Đó là về nhận thức còn về phương pháp là “tiên hạ thủ vi cường”, “đánh rắn phải đập đầu” và hốt trọn ổ để diệt trừ hậu họa.
    Thế nên, dù cho xuân về Tết đến thì cái chết của cụ Kình dường như là kịch bản đã được sắp đặt và lựa chọn. Nhưng có lẽ Đảng tính vẫn không qua Trời tính, cái chết của 3 chiến sĩ công an (cho đến nay vẫn còn nhiều nghi vấn vì chỉ có thông tin một chiều từ phía công an) là một mất mát rất oan uổng và nằm ngoài dự tính của chính quyền. Vì lẽ ấy mà ngay lập tức ông Trọng, ông Phúc không thể không ký quyết định phong tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất và phong hàm vượt cấp cho những chiến sĩ vắn số và không may mắn kia.

    Trả lờiXóa
  3. Việc kêu cứu bên ngoài vào cuộc là hành động đúng đắn chúc mừng bà! Vẫn biết rằng,chỉ có một dúm ĐBQH khả kính đại diện cho dân nhưng tới giờ này (kể từ khi Cụ Kình bị giết hại tại nhà riêng lúc nửa đêm) vẫn chưa có ý kiến gì về việc này. Hổ thẹn khi nghĩ về đất nước! Chúc bà khỏe mạnh, may mắn và bình an để vững vàng trên con đường đi tìm công lí!

    Trả lờiXóa
  4. Không hiểu sao đến giờ này sau hơn 1 tháng vụ việc tại Đồng Tâm vẫn không thấy bác Quốc, bác Nhưỡng nói gì nhỉ? Họ đơn giản là không quan tâm nữa hay vì lý do nào khác? Những ĐBQH này ít ra cũng đã biết thực trạng Đồng Tâm từ những ngày đầu và đã lên tiếng với tư cách ĐB hay cá nhân. Thế nhưng sự im lặng quá lâu của họ xem ra thật bí hiểm. Hay là họ cũng đang lánh nạn hoặc bị bịt miệng mãi mãi? Xem ra ở đất nước này làm người tử tế khó quá, nói chi đến đại biểu nhân dân!

    Trả lờiXóa