Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

PHẢI THẬN TRỌNG VỚI ĐỀ NGHỊ NGHỈ HỌC CỦA UBND TP HCM


PHẢI THẬN TRỌNG VỚI ĐỀ NGHỊ NGHỈ HỌC 
CỦA UBND TP HCM 

Nguyễn Ngọc Chu

I. SỰ “NÁO LOẠN” CỦA TP HCM VỀ CHO NGHỈ HỌC

1. Phải xem nguy cơ dịch bệnh như nguy cơ chiến tranh. Nếu quán triệt điều này ngay từ đầu, thì Việt Nam đã hạn chế được dòng người đến từ ổ dịch ngay khi biết tin có dịch. Chậm nhất là đóng cửa biên giới về hành khách từ 23/01/2020 khi Trung Quốc thông báo ngừng đưa khách đến Việt Nam vì dịch. Thế nhưng Việt Nam hành động quá chậm.

Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây Việt Nam đã nhận thức được nguy cơ và hành động quyết liệt. Đó là điều rất mừng.

2. Ở mặt ngược lại, nhân dân phản ứng rất kịp thời. Qua truyền thông, nhân dân đã “gây sức ép” lên Chính Phủ về chống dịch virus corona. Trong đó rất quyết liệt là về việc cho học sinh tiếp tục nghỉ học ngay sau dịp Tết Nguyên Đán.

Một số trường đại học và một số địa phương ngay trong tháng 1/2020(đang trong dịp nghỉ Tết) đã kịp thời thông báo bằng văn bản hay ‘truyền miệng” về tiếp tục nghỉ thêm 7- 10 ngày ngay sau nghỉ Tết. Cụ thể như các trường ĐH Mỏ - Địa Chất, Xây Dựng… đã có công văn nghỉ học từ ngày 31/01/2020.

3. Trong khi đó thì đến giữa tuần đầu tháng 2 rồi mà TPHCM vẫn chưa động tĩnh gì về nghỉ học. Chỉ đến ngày 06/02/2020 Sở GD -ĐT TPHCM mới có công văn gửi UBND TP HCM cho học sinh nghỉ 1 tuần đến ngày 16/02/2020.

Ở tuần thứ 2 của tháng 2, trong khi các địa phương đã có thông tin về nghỉ tiếp thêm 1 tuần cho đến ngày 23/02/2020, thì TP HCM vẫn không thay đổi lịch nghỉ. Thậm chí đến ngày 12/2 UBND TPHCM còn có văn bản khẩn gửi các Sở Ngành liên quan về báo cáo việc chuẩn bị cho học sinh đi học lại vào ngày 17/2.

Chỉ đến chiều ngay 14/2/2020, sau phát biểu của PTT Vũ Đức Đam “ Chưa làm cho phụ huynh và học sinh an tâm, chưa nên cho đi học trở lại” và khi đồng thời biết thông tin Bộ GD – ĐT có công văn gửi các địa phương cho nghỉ học đến hết tháng 2, thì TP HCM mới cho nghỉ học đến ngày 29/2/2020.

Ba quyết định nêu trên cho thấy TP HCM phản ứng rất chậm và cầm chừng, không tiên đoán được nguy hại và tiến triển của dịch cúm virus corona.

4. Trong ba ngày qua, thống kê của WHO cho thấy ca nhiễm bệnh ở Hồ Bắc đang giảm rất nhanh: từ 1807 trường hợp ngày 17/2 xuống 1693 ngày 18/2, và xuống tới 393 ngày 19/2. Nghĩa là lây lan dịch bệnh có khuynh hướng được khống chế. Thống kê nhiễm dịch ở Việt Nam cũng không tăng.

Thế nhưng ngược lại, không biết dựa vào đâu, hôm nay 20/2/2020 TP HCM lại đột ngột có công văn kiến nghị Chính Phủ cho phép nghỉ học đến hết tháng 3/2020.

Bốn quyết định trên cho thấy “sự náo loạn” trong phản ứng của lãnh đạo TP HCM với dịch bệnh virus corona.

II. ĐỀ XUẤT

1. Tính mạng học sinh là quan trọng, chừng nào chưa an toàn vẫn phải cho học sinh tiếp tục nghỉ học.

2. Nhưng diễn biến dịch bệnh không thể nhìn xa, mà việc học lại rất cấp thiết. Không thể chờ đến hết dịch bệnh mới đi học. Cũng không thể dễ dàng xáo trộn lịch học. Càng không đơn giản muốn kết thúc năm học lúc nào cũng được. Điều quan trọng là cách ly được nguồn gây nhiễm chứ không phải chờ hết dịch hoàn toàn mới đi học.

3. Bởi vậy, việc quyết định cho ngừng học chỉ nên từng tuần một. Với các tỉnh thành không có dịch và sự cách ly nguồn dịch an toàn thì có thể cho học sinh đi học đúng theo lịch đã định trước. Nghĩa là có thể giữ nguyên lịch học từ 24/2 hay 1/3. Việc có cho nghỉ học tiếp hay không còn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát cách ly dịch bệnh ở Việt Nam và tình hình dịch bệnh ở Hồ Bắc. Nếu tình hình không tốt thì đến ngày 28/2 quyết định nghỉ thêm 1 tuần cũng chưa muộn.

4. Chống dịch như chống giặc. Hành động quyết liệt nhưng không náo loạn. Đề nghị Chính Phủ và Bộ GD – ĐT thận trọng với đề nghị cho nghỉ học của UBND TP HCM.
 

 
 

1 nhận xét :

  1. Việc hàng chục triệu học sinh, sinh viên được nghỉ học là một hành động đúng để phòng dịch. Đó là “tự cách li” có hiệu quả nhất. Nó góp phần hạn chế hàng chục triệu cá nhân HS, SV tiếp xúc với nhau. Nhưng HS, SV không chỉ tiếp xúc với nhau, mà còn kéo theo sự tiếp xúc của hàng chục triệu cá nhân khác tham gia vào các dịch vụ, phục vụ mọi nhu cầu của HS, SV. Nguy cơ lây nhiễm dịch không trong phạm vi nhà trường mà tới toàn xã hội. Không ai có thể trả lời và quyết định bao giờ thì có thể cho phép HS, SV đi học trở lại ngoài các cơ quan chuyên môn và chính phủ: Chỉ khi nào an toàn về dịch bệnh! Chính phủ phải chịu trách nhiệm và quyết định việc này dựa trên các luận chứng khoa học, chứ không phải chỉ dựa vào dư luận xã hội.

    Trả lờiXóa