Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

ĐÔI ĐIỀU VỀ CHỨC DANH TỔNG BÍ THƯ CỦA ĐẠI HỘI 13


ĐÔI ĐIỀU VỀ CHỨC DANH TỔNG BÍ THƯ CỦA ĐẠI HỘI 13

Nguyen Ngoc Chu

1. Báo VietNamNet ngày 02/02/2020 có đăng ‘Toàn văn Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý vừa được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành’(https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/toan-van-quy-dinh-214-cua-bo-chinh-tri-ve-khung-tieu-chuan-chuc-danh-lanh-dao-613168.html).

Ai sẽ quan tâm đến Quy định 214 này?

Trước hết đó là những người liên quan trực tiếp - tức là những người muốn có được tối thiểu một vị trí thuộc diện TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong Đại hội 13. Trong số đó - quan trọng nhất là các vị trí Tổng Bí Thư, Chủ Tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, và Ủy viên Bộ Chính Trị.

Dẫu có phải đảng viên hay không, dẫu có thích hay không thích, thì cũng phải thừa nhận một thực tế, rằng trong tất cả các vị trí thì vị trí thì Tổng Bí Thư trong Đại hội 13 vẫn là vị trí ảnh hưởng nhiều nhất đến mỗi người dân trên mảnh đất hình chữ S này. Xin trích nguyên văn yêu cầu vị trí Tổng Bí thư từ Quy định 214.

“2.3. Tổng Bí thư
 
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân; là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước… Có bản lĩnh chính trị, tư duy nhạy bén, năng lực nghiên cứu, phát hiện, đề xuất và quyết đoán; bình tĩnh, sáng suốt trước những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc. Có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có năng lực lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm, cán bộ chủ chốt. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định”.

2. Có thể thấy từ đoạn trích dẫn trên, các quy định đều không thể định lượng, ngoại trừ đoạn sau đây:

“Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên, trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định”.

3. Như vậy, Tổng Bí Thư của Đại hội 13 tuy chưa diễn ra nhưng hầu như đã biết trước, gần như tuyệt đối, chỉ có thể là một trong các ủy viên Bộ Chính trị của Đại hội 12.

4. Quy định “tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định” còn dành cho các vị trí Chủ Tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc Hội.

Nghĩa là các chức danh quan trọng nhất trong Đại hội 13 - có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của Đất nước giai đoạn 2021 – 2025 về cơ bản đều đã được dành trước cho các UV BCT của Đại hội 12.

5. Mặc dù có câu “trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định”, nhưng quy định “tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên” chính là hạn chế lớn nhất trong tìm kiếm một Tổng Bí thư thực sự tài năng.

“trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định” cũng khẳng định rằng chức danh Tổng Bí thư sẽ được bàu từ ban Chấp hành Trung ương, chứ không phải bàu trực tiếp từ các Đại biểu Đại hội. Đây tiếp tục là một hạn chế lớn nữa trong việc lựa chọn Tổng Bí thư.

6. Đất nước muốn đổi thay mạnh mẽ để trở nên giàu có hùng cường thì nhất thiết phải có lãnh đạo giỏi. Muốn có lãnh đạo giỏi thì phải thay đổi đột phá trong phương thức lựa chọn lãnh đạo. Bới thế, rất cần có sự thay đổi, dẫu không đươc toàn cục là bàu cử trực tiếp từ đảng viên toàn đảng, thì cũng là cục bộ tại Đại hội 13. Đó là:

- Tổng Bí thư được bàu trực tiếp từ toàn thể các đại biểu tham dự hội nghị, chứ không từ BCH TƯ.

- Cần tối thiểu là 2 ứng viên cho chức danh Tổng Bí thư để lựa chọn.

- Không đòi hỏi phải là ủy viên BCT một nhiệm kỳ.

Với yêu cầu Ủy viên Bộ Chính trị, cũng cần loại bỏ đòi hỏi phải là UVTƯ trọn một nhiệm kỳ.

Hy vọng các Đại biểu dự Đại hội 13 nhìn thấy được sự cần thiết phải thay đổi phương thức lựa chọn lãnh đạo mà quyết định tại Đại hội 13. Có như vậy thì Dân Chủ trong Đại hội 13 mới được phát huy tốt hơn, mà từ đó chọn được Tổng Bí thư giỏi hơn.

7. Để minh chứng cho sự hạn chế nêu trên, xin viện dẫn World Cup về bóng đá.

Nếu cứ bắt buộc rằng nhà vô địch World Cup 2022 tại Qatar phải được lựa chọn chỉ trong 4 đội vào bán kết tại World Cup 2018 là Pháp, Croatia, Bỉ, Anh – thì có còn World Cup nữa hay không?

2 nhận xét :

  1. Góp ý của Nguyễn Ngọc Chu rất đúng, nhưng không khả thi vì đại hội 13 là đại hội của đảng CSVN, mà đã là CS thì làm theo luật rừng là đương nhiên, họ sẽ chọn TBT theo cách mà trùm CS NP Trọng muốn.

    Trả lờiXóa
  2. Nếu có đa đảng thì bầu cử để tìm ra nhân tài, còn độc tôn một đảng, một mình một chợ thì bầu bán, đại hội làm gì cho hao tốn? Lừa dân một vài lần đã quá lắm rồi, đằng này lại lừa tới 13 lần thì quả là ớn tận xương tủy. Thôi cụ Trọng làm luôn đi.

    Trả lờiXóa