Cờ Trung Quốc trước Đại Sảnh Đường Nhân Dân Trung Quốc nhân lễ bế mạc khóa họp Chính Hiệp Trung Quốc tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 13/03/2019.
Mỹ siết quy chế đối với 5 cơ quan báo chí Trung Quốc, Bắc Kinh trả đũa
RFI
19.2.2020
Chính quyền Mỹ hôm 17/02/2020 thông báo sẽ bắt đầu áp dụng quy chế mới tương tự như với ngành ngoại giao đối với năm cơ quan báo chí chính thức của Trung Quốc, trước tình trạng Bắc Kinh ngày càng gia tăng tuyên truyền thông qua các công cụ này. Hôm nay 18/02 Trung Quốc cho rằng quy định mới của Washington « không thể chấp nhận được ».
Các cơ quan Tân Hoa Xã, đài truyền hình CGTN (China Global Television Network), Nhân dân Nhật báo, China Daily và đài phát thanh quốc tế Trung Quốc từ nay muốn mua nhà tại Mỹ phải được sự chấp thuận của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đồng thời phải khai báo danh sách tất cả nhân viên, kể cả nhân viên người Mỹ.
Reuters dẫn lời các viên chức cao cấp của bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết sở dĩ có quyết định trên vì Nhà nước Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát báo chí, và ông Tập Cận Bình ngày càng sử dụng công cụ truyền thông một cách hung hăng để tuyên truyền rộng rãi những gì có lợi cho Bắc Kinh.
Năm cơ quan truyền thông trên đã được thông báo về quy định mới từ sáng hôm qua. Một quan chức Mỹ giấu tên nói với AFP: «Chắc chắn năm cơ quan này thuộc bộ máy tuyên truyền của Nhà nước độc đảng Trung Quốc, và nhận chỉ thị trực tiếp từ lãnh đạo cấp cao ».
Quan chức này nói thêm, mọi người đều biết Bắc Kinh chỉ đạo toàn bộ báo chí Hoa Lục, nhưng việc kiểm soát ngày càng gắt gao hơn và trở nên rất hung hăng từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay cho rằng các quy định mới do Washington áp đặt đối với báo chí nhà nước Trung Quốc tại Mỹ là « không thể chấp nhận được ». Ông Cảnh Sảng cáo buộc « Hoa Kỳ luôn ca ngợi tự do báo chí, nhưng lại cản trở hoạt động của truyền thông Trung Quốc » và cho biết sẽ trả đũa vụ này.
Ngay sau đó AP loan tin Bắc Kinh đã rút thẻ nhà báo của ba phóng viên Wall Street Journal vì tựa đề của một bài trên trang Ý kiến, gọi Trung Quốc là « Người bệnh thực sự của châu Á ». Theo Cảnh Sảng, thì tựa đề này « mang dấu ấn phân biệt chủng tộc », và Wall Street Journal không chịu xin lỗi theo yêu cầu của Bắc Kinh.
Một nhà báo tự do tại Bắc Kinh cho biết cả ba phóng viên trên đều không hề liên quan đến bài viết được nêu. Họ có năm ngày để ra đi, và một trong ba người đang ở Vũ Hán.
Thụy My
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét