Để tưởng nhớ Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ
nhân một năm ngày Ngài cao đăng Phật quốc (22.2.2020 - 22.2.2021):
ĐẠI LÃO HOÀ THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ
VÀ CUỐN TỪ ĐIỂN LÀM TRONG TÙ
Cuốn "Phật Quang Đại Từ Điển" do Hoà Thượng Thích Quảng Độ phiên
dịch vừa được in xong và phát hành tại hải ngọai. Đây là một tài liệu
tra cứu quý giá cho những ai quan tâm về Phật Giáo, từ các tông phái đến
các thuật ngữ và tư tưởng.
Ỷ Lan, thông tín viên RFA
RFA
2008-11-26
Hoà Thượng Quảng Độ,
hiện là Viện Trưởng Viện Hóa Đạo và Xử Lý Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam Thống Nhất, đã bắt đầu công trình phiên dịch từ đầu những Năm 1980 trong những
điểu kiện và hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, và công trình cũng bị gián đọan nhiều
lần.
Thông tín viên Ỷ Lan của Ban
Việt Ngữ (Đài Á Châu Tự Do) có cuộc phỏng vấn với Hoà Thượng về những bước gian
truân ấy. Mời quý thính giả theo dõi.
Ỷ Lan : Kính bạch Hoà Thượng Thích Quảng Độ, bộ "Phật Quang Đại
Từ Điển" gồm 6 tập, gần 8.000 trang, ấn loát đẹp, trên bìa da mạ vàng và
giấy quý, lại có minh hoạ cho các thuật ngữ, tông phái, tư tưởng Phật
Giáo, và được phát hành tại hải ngoại. Kính xin Hoà Thượng cho biết là Hoà Thượng
bắt đầu công trình này từ lúc nào?
Hoà Thượng Thích Quảng Độ : Bộ
"Phật Quang Đại Từ Điển" tôi bắt đầu phiên dịch khi còn đang bị quản
thúc, lưu đày ở Vũ Đoài vào Năm 1990. Lúc đó mới làm được một ít, mà ngoài đó
thiếu phương tiện, nên tôi quyết định phải đi về trong Miền Nam mới có phương
tiện để làm.
Tôi về Miền Nam vào Năm 1992. Tôi tiếp tục làm bộ từ điển đó và đến
1994 thì tôi có gửi cho ông Đỗ Mười một tập nhận định về những sai lầm tai hại
của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với dân tộc và Phật Giáo Việt Nam.
Sau đó tôi ra
tôi đi cứu trợ. Năm ấy ở Miền Nam, vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long có lụt lớn. Cứu
trợ được một vài chuyến thì Ngày 4-1-1995 họ bắt, tới 15 Tháng Tám họ mới đưa
ra toà xét xử thì tôi với Hoà Thượng Không Tánh bị mỗi người 5 năm tù giam, 5
năm quản chế.
Cuốn
từ điển làm trong tù
Ỷ Lan : Như vậy là công trình làm từ điển chưa xong theo ý định mà
còn tiếp tục sau ngày bị bắt vào Năm 1995. Xin Hoà Thượng hoan hỉ kể cho thính
giả biết rõ hơn hoàn cảnh trong tù khi Hoà Thượng dịch tiếp bộ "Phật Quang
Đại Từ Điển" như một kỳ công hy hữu mà hiện nay người học Phật phải tri
ân.
Hoà Thượng Thích Quảng Độ :
Trước khi vào tù, tôi đã nói khó với họ là để xin đưa theo bộ từ điển Phật
Quang mà tôi đang làm dở đó là rất đặc biệt lắm, mà tôi hối họ bao nhiêu lần vẫn
khó khăn. Tôi nói rằng công việc này ông cứ xem đi, nó có 7 tập, mỗi tập một
nghìn trang bằng chữ Hán, ông cứ xem.
Ông cứ về Thanh Minh Thiền Viện, thầy
Thanh Minh sẽ đưa cho ông xem, ông đưa về nhà ông xem, xem từng trang một,
xem rằng có giấu giếm cái gì đó không. Ông thấy rằng không có hại gì và không
có chứa đựng gì trong đó thì cho đưa vào tù để tôi làm. Tôi ngồi trong tù có việc
cho tôi làm, đồng thời để giúp cho các thế hệ tương lai họ có tài liệu để tham
khảo và tra cứu mà học tập.
Tôi có nói rõ như thế. Thế mà mãi mấy lần người ta
mới xét; họ bàn nhau xem sao rồi họ mới đồng ý cho. Cho đưa vào thì đến lúc mà
tôi không kháng án thì họ quyết định đưa ra ngoài Ba Sao. Ngày hôm sau tôi đi
thì ngày hôm trước thầy Thanh Minh đưa bộ từ điển ấy vào cho tôi để đưa ra Miền
Bắc để mà làm việc. Thế nhưng mà họ không cho tôi cầm theo mà chính công an cầm
theo.
Ra đến trại Ba Sao thì mấy
hôm sau họ mới đưa vào cho, thì không phải chỉ có 7 tập đại từ điển không mà
còn một trăm tập vở nữa, một trăm tập vở học trò loại lớn, dài như trang giấy
dùng bây giờ đây này, khổ cũng rộng, có kẽ dòng thôi chứ không có đánh số
trang. Thì vào đấy một tuần sau thì tôi mới hỏi họ rằng bây giờ ông cho đưa bộ
từ điển vào đây để tôi bắt đầu làm việc thì họ đưa có một tập thôi.
Tôi bảo một
tập không đủ, đưa cả 7 tập bởi vì một tập một mà nó có nhiều cái từ liên
quan đến tập 2, tập 3, tập 4 thì phải trông vào đó mới làm được. Và vở và bút nữa:
bút cũng sắm đủ một trăm cây bút nguyên tử, bút máy đó, và một trăm tập giấy
như vậy, thì thầy Thanh Minh xách vào. Đưa vào thì họ giữ hết, trừ có 7 tập từ
điển là họ đưa cho tôi một lúc để mà tham khảo, còn một trăm tập giấy là họ giữ,
bút họ giữ.
Giấy mỗi lần họ phát cho mình một tập, họ đánh số vào đó mỗi một tập
80 trang. Thế rồi họ phát cho một cây bút. Thế rồi họ đề ngoài cái trang bìa
ngoài cùng là ông cán bộ nào mà trực nhật ngày đó có trách nhiệm trông coi tù
nhân ngày đó thì ông phải viết trong đó là cán bộ tên gì, chức vụ gì, rồi giao
ngày nào, tháng nào, tập có 80 trang, ghi rõ như thế. Rồi họ mới giao cho mình
cái tập đó.
Thế hết tập đó thì mình mới trả để họ giao tập mới, Bút cũng thế,
viết hết mực thì phải trả quản bút hết mực cho họ, họ mới cho bút mới. Đấy, họ
kiểm soát như thế đấy.Kiểm soát thế cũng tốt bởi vì tôi có công việc làm.
Cán bộ giữ cuốn từ điển thì làm lại cuốn khác
Tôi làm hết ở trong tù tất cả
đến ngày đặc xá 2-9-1998, nhưng khi về thì họ lại không trả, mấy chục tập, gần
một trăm tập mà tôi đã dịch rồi, có chữ hết rồi. Họ bắt phải làm đơn xin, làm
đơn cho cái ông trưởng trại ấy để mà xin đưa cái tập đó về.
Tôi nói thật bất hợp
lý bởi vì cái này tôi xin ông cho đưa vào, nhưng tôi làm ở đây thì đến
lúc tôi về thì ông phải trả vì dây coi như một cái của mà tôi gửi ông
thôi. Mà tôi cũng không gửi, ông giữ chứ tôi có gửi ông đâu?
Cũng như các tư
trang khác là quần áo, tiền nong ở ngoài người ta tiếp tế cho tôi, bây giờ còn
thừa chưa tiêu hết thì ông trả lại chứ tôi có phải làm đơn xin đâu, tại sao cái
tập này phải làm đơn xin? Cho nên, nếu như thế thì tôi không xin đâu. Các ông để
lại mà dùng, tôi về tôi làm lại.
Thế là tôi về tôi phải làm lại mất 2 năm trời.
Những công việc mà tôi đã làm trong nhà tù họ bắt phải làm đơn xin,
tôi không xin. Vô lý! Việc gì phải xin. Họ giữ của mình, khi vào tù họ giữ tất
cả. Tiền nong của ai đưa vào đấy họ cũng thu giữ hết. Họ giữ hết rồi họ lấy cái
vốn đó mà mượn đầu heo nấu cháo.
Họ mượn tất cả tiền của tù nhân trong trại tù
đó để họ mở căng-tin rồi bán hàng cho mình. Họ đi mua hàng ở ngoài về, quả chuối
ở ngoài giá giả dụ một đồng bạc thì họ về họ bán cho người tù 5 đồng bạc. Đấy,
họ ăn như thế đấy! Nhưng cái giấy này thì họ giữ vì nhai giấy không được, nhưng
họ gây phiền hà để ra cái chuyện họ có quyền bắt mình làm cái gì thì mình phải
làm, nên bắt tôi xin thì tôi không xin.
Tôi về tôi bỏ ra 2 năm trời tôi làm lại,
tôi không xin ai hết. Xin nó phải hợp lý cơ. Như mình đói mình đi xin ăn, người
ta cho, mình cảm ơn. Còn ở đây là của mình mà họ giữ chứ mình có
gửi đâu!
Kính lạy hương hồn đại sư. Cầu chúc hương hồn Ngài vãng sinh nơi cõi Phật, hộ trì cho đất nước trường tồn. Ngài là biểu tượng cao quý và bất tử của tinh thần Phật Việt.
Trả lờiXóaCác bậc tu hành trí lự đã lần lượt ra đi, để lại một khoảng trống vắng bao la trên bầu trời Phật Việt. Có lẽ sau khi vài vị chân tu, quảng trí, thạc đức còn lại nhập tịch, thì Phật Việt sẽ không còn ai nối ngọn đèn pháp. Xét hàng giáo phẩm bây giờ, rặt một phường ngu si, xôi thịt, giá áo túi cơm, bảo sao Phật Việt không suy đồi. Đến khi nào Phật Việt chấn hưng? Đau đớn thay!
Thật kính phục sức làm việc của HOÀ THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ ! Tấm gương của ngài mãi ngời sáng trong tâm hồn trí thức Việt Nam.
Trả lờiXóaVô cùng kính nể và phục Đại Hòa Thượng về tấm lòng cũng như sự kiên trì của ngài
Trả lờiXóaCác vị Bồ Tát đều phải qua bao kiếp nạn mới thành chính quả. Đại lão hoà thượng Thích Quảng Độ chính là một trong những vị Bồ Tát. Còn ai trong giới tu hành nước Việt xứng đáng hơn thầy?
Trả lờiXóa