Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2020

Dấu lặng cuối tuần: VÔ PHÚC

Luật sư Ngô Anh Tuấn. Ảnh FB Tuan Ngo

VÔ PHÚC

LS. Ngô Anh Tuấn


Hôm nay, văn phòng chúng tôi tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một đương sự (nguyên đơn) trong một vụ án dân sự thuộc diện hàng hiếm: Bố kiện đòi con gái ruột trả lại đất mà cô này đã chiếm dụng trái phép của ông.

Toà cấp sơ thẩm tuyên ông thua kiện vì khẳng định rằng ông đã tặng cho con gái và cô đã sử dụng ổn định lâu dài từ năm 1998 tới nay. Dù không có văn bản và người chứng kiến nhưng lời khai của các nhân chứng đã đủ để HĐXX đưa ra nhận định và ra bản án như trên. Ông kháng cáo và đi nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi của mình.


Ông trình bày, ông có hơn 2.600m2 đất và đã chia đều cho con cái, gái cũng như trai, con ruột cũng như con nuôi (4 đứa con riêng của vợ) và chỉ giữ lại một lô nhỏ để ở. Miếng mà con gái ruột ông đang tranh chấp với ông chính là phần mà ông khai hoang để trồng cây, làm vườn. Điều này được hàng xóm và địa chính xã xác nhận - tuy nhiên, các con của ông thì nói ngược lại - họ khẳng định rằng mảnh đất này nằm trong phần diện tích mà ông đã cho cô con gái trước đây. Trong quá trình tranh chấp, con gái ông nhiều lần đánh đập ông gây thương tích, đặc biệt, có lần cô đá vào bộ hạ của ông khiến ông phải nằm viện tỉnh 16 ngày. Khi tôi hỏi, lý do gì mà gia đình lại mâu thuẫn tới mức trầm trọng như vậy thì ông thành thật trả lời là do vợ ông mất lâu rồi, con cái ai lo việc nấy nên có người thương ông nên ông cưới làm vợ để nương tựa nhau lúc tuổi già. Từ đó, con cái ông lo bị mất tài sản vào tay người khác nên chống đối kịch liệt. Ông nói rằng các con không chăm sóc được bố thì người ta chăm sóc mà bọn chúng không nghe, bọn chúng chỉ sợ mất đất thôi...

Qua nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi nhận thấy có nhiều mâu thuẫn, đặc biệt là lời khai của các nhân chứng từng thuê nhà (căn nhà nhỏ được xây dựng lên trên mảnh đất mà ông khai hoang) của ông nhưng lại khai rằng đã thuê nhà của con gái ông, đó là căn cứ để toà xác nhận rằng cô đã sử dụng ổn định, lâu dài. Nhân chứng này chỉ khai nhưng không có mặt để đối chất tại phiên toà sơ thẩm. Trong phiên phúc thẩm này, nếu nhân chứng này tiếp tục vắng mặt thì chúng tôi sẽ đề nghị toà dẫn giải họ tới phiên toà, còn ông, ông sẽ tố cáo về hành vi khai báo gian dối của họ tới cơ quan có thẩm quyền vì những giấy tờ ghi nhận việc người này thuê nhà, trả tiền cho ông hiện tại ông vẫn giữ, ông đã cung cấp cho toà cấp sơ thẩm nhưng không được xem xét...

Ông nói với tôi, nếu con gái nó ăn năn, xin lỗi tôi, có thể tôi sẽ bỏ qua nhưng khi nó không còn đạo đức thì tôi không thể tha thứ được.

Trong lúc chờ HĐXX ra làm việc, tôi viết lại câu chuyện này và tôi tự tin, sự việc sẽ được làm sáng tỏ tại phiên toà hôm nay và ông bố kia sẽ không thua kiện còn cô con gái kia cùng anh chị em của họ đã thua, thua từ lúc ngay khi phiên toà chưa bắt đầu...

P/s: Chủ toạ phiên toà vừa mời ông vào phòng gặp riêng trước khi xử nhưng ông không đồng ý!

1 nhận xét :

  1. Nguyên chánh án Tòa án tối cao Trịnh Hồng Dương đã từng có câu trước Quốc hội để đời cho nghành Tòa án VN và có lẽ nên làm luôn kết luận cho bài viết này của luật sư „Án dân sự xử sao cũng được“. Còn câu cuối „Chủ toạ phiên toà vừa mời ông vào phòng gặp riêng trước khi xử nhưng ông không đồng ý!“ tôi hiểu đó là mấu chốt của việc ông thua kiện, vì nếu Ông vào phòng và hứa sẽ cám ơn hậu hĩnh hơn hẳn những người khác (có mức cụ thể cao hơn mức đối phương là tối ưu) nếu thắng (đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn) thì tôi nghĩ Ông đã có nhiều cơ hội thắng!

    Trả lờiXóa