Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020

Dấu lặng cuối tuần: NGỘ NHẬN CHỮ NGHĨA


NGỘ NHẬN CHỮ NGHĨA 
Đỗ Đức

Những ngày bao cấp nhà tôi ở trong Cầu Giấy, thi thoảng anh vẫn đến chơi. Học vị tiến sĩ về nôm Tày, thời ấy là hiếm. Anh thuộc dòng thế phiệt trâm anh nên sống cũng yếm thế bởi cái thời buổi lý lịch hàng đầu . Anh thích nói chuyện, nhất là về nho học. Tôi chơi thân với anh cũng chỉ vì chuyện chữ nghĩa. 

Một lần cao hứng thư pháp, tôi mài mực cùng anh thử bút. Anh viết “ Phong nguyệt vô biên”( gió trăng không biên giới), chữ như mây bay gió thổi. Giờ xem lại thì không hẳn thế, nhưng lúc ấy thấy tuyệt làm sao. Anh lại viết “Mỹ nhân như ngọc” ca ngợi người đẹp. Có bạn nhà nho sau này bàn: hay nhưng thô, lộ liễu quá. Nhưng chỉ là nhời bàn sau lưng.


Chúng tôi chơi với nhau thi thoảng như thế. Anh người viện Hán Nôm. Viện ấy nghiên cứu gì tôi không rõ, cũng như không tường việc của anh. Thời bao cấp, ai biết việc người nấy, chả mấy khi tìm hiểu làm gì. Rồi nghe anh nghỉ hưu, tiền nong chẳng bao nhiêu. Anh nghèo, giống như giới trí thức ở ta, về chỉ trông vào đồng lương, còn biết kiếm gì ra tiền.

Năm đôi ba lần gặp, mỗi lần đều cùng nhau nhâm nhi ly rượu trắng, chuyện vãn về nhân tình thế thái. Anh vẫn là người lành trong mắt tôi. Anh chẳng yêu ai nhiều , cũng chẳng ghét ai lắm, cứ nhàn nhạt bình bình như chén rượu cuối vế lấy thêm.

Rồi vào ngày tết 2008 tôi bắt gặp trên trang Multiply mấy tấm ảnh anh bị công an Văn Miếu thu giấy bút. Chuyện ầm ĩ đến mức chính quyền phải lên tiếng dàn xếp xoa dịu dư luận. Mấy công an viên phường Văn Miếu đã hành động đúng như được đào tạo, cần là ra tay rất cương quyết. Còn anh lúc ấy râu tóc hom hem tã tượi, giấy bút tung tóe, bất lực. Phản ứng của dân mạng cũng gay gắt với thái độ giữ trật tự kiểu vũ lực với người già..

Sau này mới biết thêm, mấy năm trước anh là người đầu tiên rải chiếu bên thềm Văn Miếu cho chữ như thơ Vũ Đình Liên viết trong bài thơ “ ông đồ ”. Ngày tết thì màu giấy điều và chữ nho dễ gợi cảm để nhớ lại cả một thời Hán học trị vì. Lúc ấy viết chữ chưa có giá. Người chơi cũng vì tò mò , người viết cũng là quyến luyến với chữ nghĩa mà ra phơi nắng mưa, có thêm tí cải thiện.

Vài tết sau

Đám nho học ở đâu mọc ra như nấm gặp mưa rào. Văn Miếu bất ngờ thành cái chợ chữ và hơi đồng đã đánh thức người có chút vốn liếng nho học rùng rùng kéo ra.

Từ đấy, tết tôi chăm ra. Mỗi lần ra gặp, anh bỏ bút ngồi cùng tôi trò chuyện lan man. Vẫn như xưa, anh có duyên ăn nói. Nhưng khẩu khí giờ khoáng đạt hơn nhiều. Tử vi người ta nói là lưu hà đóng ở miệng. Anh nói thì mọi người lắng nghe. Thực tình cũng có cái chuẩn, cũng có cái là tán hạt tiêu cho dậy mùi. Nhưng dân ta đâu có sành về nho y lý số , nên nghe thế nào cũng hay.

Sau đấy mấy năm.

Một lần tết ra chợ chữ. Lúc này chợ đông ngàn ngạt những người là người.Tôi len vào chiếu của anh định trò chuyện thì bỗng bị một thằng choai gạt ra. Lúc này tôi mới nhận ra anh có hai tiểu đồng, một nam một nữ. Anh thì viết, còn tiền nong thì chúng lo nhận. Anh đã bắt đầu có giá.

Tôi trừng mắt: Đừng láo nào, ông ấy là bạn tao, chúng mày định giở trò gì. Nghe tiếng ồn tôi quát nạt, anh ngẩng mặt lên xuýt xoa nửa đùa nửa thật: ông Đức à, vào đây, ông nói với hai tiểu yêu: đây là thủ trưởng của tôi. (Chả là tôi là chi hội trưởng chi hội , hội Văn hóa dân gian mà ông cùng sinh hoạt)! Hai đứa nhỏ im thóc, hết thói chó cậy chủ.

Sau lần ấy, mỗi mùa tết tôi không vào với anh nữa, để dành thời gian cho anh viết chữ cho khách. Tiền với anh vũng càn lắm chứ!. Những lần đi qua thấy chiếu chữ của anh rất đông cũng mừng. Đúng là xúm đông xúm đỏ. Nhưng nghe nói chữ anh cho giờ cứ phải dăm trăm anh mới phóng bút. Là đám tùy tòng lo, còn anh viết vô tư, như các thủ trưởng kí vô tư. Việc sau lưng có thư kí lo vậy.

Tôi có dự cảm anh đã bị đồng tiền cuốn theo, rồi được đám giúp việc góp thêm vào nữa. Anh cũng già đi nhiều, dù cuộc sống ham vui dành cho anh trong tháng tết có dịp ra nơi đô hội cũng tốt. Anh trở nên một thương hiệu trong làng chữ thì giờ phải nhao theo nó và mặc nhiên thành giá. Âu cũng là thói thường của người đời. Anh đâu là tiên là phật!

Năm nay tôi không ra chợ chữ, nhưng được một bạn trẻ tâm sự:

“ Năm nay ra xin chữ, thấy cụ treo biển" một chữ ngàn vàng". Hỏi ra mới biết chữ ngàn vàng nhưng cụ chỉ lấy giá 1 chỉ vàng. Đành dời đi vì năm nay duyên hơi hơi mỏng!”

Tôi bảo: Thế thì cụ ấy bị bọn đệ tử lũng đoạn rồi, giờ cũng buông theo tiền và ngộ nhận về năng lực của mình, thôi chú bỏ là phải

Cậu ấy nói thêm:

“ Thực lòng cháu mong các giá trị tinh thần được trân trọng và cũng đáng giá nếu có thể quy ra tiền. Và người làm nghệ thuật có thể sống khỏe với nghiệp của mình. Nhưng sao ấy nhỉ? Tại cháu chưa đủ giàu để trả cho một thú vui tao nhã ngày xuân hả chú?”

Bạn trẻ ấy thật rộng lượng.

Còn tôi, tôi buồn, vì hình như anh ấy cũng trượt ra ngoài lằn ranh của người có chữ nghĩa. Có lẽ cũng chỉ vì sự xưng tụng xung quanh mà anh thành ngộ nhận và tệ hơn, sự ngộ nhận đó đang được tung hô nên anh đang vui thú trong ánh hào quang giả tạo.

1/2/2020

2 nhận xét :

  1. Các bác dạy chữ Tàu ở các trường học hồi 79 – 80 thật khốn đốn, nếu không chuyển sang chữ Tây được thì đành coi thư viện hay đánh kẻng. Bây giờ, mỗi chữ đáng chỉ vàng, thật đáng ơn các bác tứ hảo, thập lục kim tự.

    Trả lờiXóa
  2. Tết tới tôi ra chợ viết thư pháp bằng Tiếng Anh cho nó thời đại kim tiền!

    Trả lờiXóa