Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên tiếp xúc với người dân, gần 3 tuần sau khi chính quyền công bố dịch, Bắc Kinh ngày 10/02/2020. Xinhua via REUTERS
Khủng hoảng virus corona có thách thức
sự tồn vong của chế độ Bắc Kinh?
Trọng Thành
RFI 14/02/2020
Virus corona làm rung chuyển Trung Quốc. Cuối tháng 1/2020, chỉ sau vài ngày công bố dịch, Bắc Kinh phải ra lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán, rồi tỉnh Hồ Bắc hơn 50 triệu dân, để ngăn chặn, nhưng dịch tiếp tục lan rộng. Số người nhiễm, người chết tăng vọt hàng ngày. Giữa tháng 2/2020, Bắc Kinh vẫn lúng túng trước làn sóng bất bình trong nước. Nhiều người dùng hình ảnh con virus nhỏ đe dọa chế độ độc tài cộng sản.
Khủng hoảng virus corona có thực sự thách thức sự tồn vong của chế độ
Bắc Kinh? Khủng hoảng dịch bệnh do virus corona Covid-19 làm lộ rõ
những khuyết tật trầm trọng của hệ thống chính trị Trung Quốc, đặc biệt
là tình trạng thông tin về thực trạng dịch bệnh bị bưng bít khiến ngành y
tế trở nên thụ động, bộ máy chính quyền quan liêu hóa cao độ, một mặt
răm rắp thực thi chỉ thị từ trung ương, mắt khác bịt tai, nhắm mắt trước
các đòi hỏi của xã hội dân sự tại chỗ. Ba tuần lễ sau khi dịch lan ra
khắp Trung Quốc, lo sợ trước virus mới, hàng loạt địa phương, trong đó
có nhiều thành phố lớn khác như Bắc Kinh, Thượng Hải cũng bị ''phong tỏa một phần'', để phòng dịch.
Hiện
chưa rõ virus corona tác hại đến đâu đối với xã hội Trung Quốc, nền
kinh tế Trung Quốc. Nhiều người dự đoán tổn thất kinh tế nặng nề sẽ làm
mất tính chính danh của chế độ độc tài toàn trị, vốn được xây dựng dựa
trên những hứa hẹn sẽ mang lại sự thịnh vượng cho dân chúng. Lãnh đạo
tối cao Tập Cận Bình sẽ mất đi ''mệnh Trời''. Trung Quốc đang
đứng trước một cuộc thay đổi lớn. Tuy nhiên, một số nhà quan sát đưa ra
góc nhìn khác, với dự đoán. Đó là chế độ toàn trị Trung Quốc sẽ vượt qua
cuộc khủng hoảng này, và gia tăng được khả năng kiểm soát đối với toàn
xã hội.
Cuộc họp chưa từng có của Bộ Chính Trị
Trong
một bài trả lời phỏng vấn báo mạng Pháp Challenge.fr (ngày 11/02/2020),
nhà sử học François Godement, chuyên gia về Trung Quốc và vùng Đông Á,
thừa nhận trước hết là, đối diện với cuộc khủng hoảng dịch bệnh chưa
từng có, thoạt tiên lãnh đạo tối cao Trung Quốc tỏ ra thận trọng. Ngày
25/01, ''trong cuộc họp của Ban thường vụ Bộ Chính Trị (cơ quan lãnh
đạo tối cao của đảng Cộng Sản), một video lần đầu tiên cho thấy 7 thành
viên đều lên tiếng. Dường như, với hình ảnh này, ông Tập Cận Bình muốn
đột ngột chứng tỏ với công chúng cơ chế lãnh đạo tập thể của hệ thống
quyền lực Trung Quốc. Đây là một điều hiếm có và có thể là sự thừa nhận
cho một tình thế mong manh nhất định'' từ phía người nắm quyền tối cao.
Tạp
chí về các điều tra kinh tế nổi tiếng Tài Tân (Caixin) tung ra hàng
loạt bài viết mô tả tình trạng thê thảm tại các bệnh viện tại Vũ Hán,
nhiều báo khác cũng đồng loạt lên tiếng phê phán dữ dội. Kiểm duyệt báo
chí được nới lỏng một phần trong khoảng thời gian từ ngày 23/01 đến
03/02. Tuy nhiên, trong những ngày sau đó, lãnh đạo tối cao Trung Quốc
khẳng định ''phải gia tăng kiểm soát các phương tiện truyền thông và internet'', phê phán trên báo chí cũng trở nên ít mạnh mẽ hơn nhiều so với trước. Mục tiêu của ban lãnh đạo Bắc Kinh là ''không để khủng hoảng y tế trở thành một khủng hoảng chính trị'', mà để làm được điều này, kiểm soát truyền thông là khâu quyết định.
Sau
cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người đầu tiên lên
tiếng cảnh báo về hiểm họa virus với bạn bè, đồng nghiệp, có thể nói
trên các mạng xã hội tại Trung Quốc dấy lên một làn sóng phẫn nộ chưa
từng có. Trong đêm thứ Năm qua ngày thứ Sáu 07/02, hơn một tỉ rưỡi lượt
người vào xem các thông tin về cái chết của người bác sĩ, được coi là
''anh hùng'' dân tộc.
Nắm lại truyền thông
Ngày
10/02, lần đầu tiên truyền hình đưa hình ảnh chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình tiếp xúc với dân chúng tại một khu phố cổ ở Bắc Kinh, với khẩu
trang phòng dịch. Cùng với sự xuất hiện trở lại của Tập chủ tịch, nhiều
quan chức lãnh đạo ngành y tế và lãnh đạo đảng tỉnh Hồ Bắc và thành phố
Vũ Hán bị cách chức. Lãnh đạo tối cao Trung Quốc tuyên bố sẽ đưa ra các
biện pháp mạnh mẽ hơn. Chính quyền Bắc Kinh tổ chức điều tra về cái chết
của bác sĩ Lý Văn Lượng. Ông Tập Cận Bình dường như đang lấy lại thế
thượng phong.
Làn sóng bất bình dâng cao tại Trung Quốc về tình
trạng bệnh viện tại Vũ Hán quá tải, phương tiện xét nghiệm không đủ,
khiến nhiều bệnh nhân không được công nhận nhiễm virus, buộc phải ở nhà,
nhiều người qua đời mà không được coi là nạn nhân của virus Covid-19,
nguy cơ lây lan ra cộng đồng khôn lường. Ngày 13/02/2020, chính quyền
Trung Quốc quyết định thay đổi cách tính, khiến số người được coi là
nhiễm Covid-19 tăng vọt lên 15.000 chỉ trong một ngày (tăng gấp 10 so
với hôm trước).
Thực
hư về số lượng người bị nhiễm và chết vì virus corona mới tại Vũ Hán là
bao nhiêu? Rất nhiều người nghi ngờ con số thống kê của chính quyền
Trung Quốc, vì không có các nguồn độc lập để kiểm chứng. Tuy nhiên, cho
dù sự thay đổi gây bất lợi trước mắt cho hình ảnh của chính quyền, ngay
cả việc thay đổi cách tính, dẫn đến số lượng nạn nhân tăng vọt, cũng
rất có thể sẽ được Bắc Kinh sử dụng như một biện pháp tuyên truyền, nhằm
phê phán năng lực điều hành, quản lý phòng chống dịch của chính quyền
địa phương, hợp thức hóa việc cách chức một số lãnh đạo địa phương,
được sử dụng làm dê tế thần, để xoa dịu dư luận.
Covid-19 có giống Tchernobyl ?
Về
ảnh hưởng của dịch virus corona mới đến sự tồn vong của chế độ toàn trị
Trung Quốc, nhật báo Le Monde có bài phân tích đáng chú ý của nhà báo Sylvie Kauffman,
so sánh cuộc khủng hoảng do virus Covid-19 tại Trung Quốc hiện nay, với
thảm họa hạt nhân Tchernobyl, được coi là đã dẫn đến sự sụp đổ của nước
Liên Xô cộng sản. Bài viết mang tựa đề ''Pour l’instant, la gestion du coronavirus par la Chine relève plus d’Orwell que de la glasnost''
(tạm dịch là Trong hiện tại, cách Trung Quốc xử lý khủng hoảng virus
corona gần với tiểu thuyết giả tưởng của Orwell về chế độ toàn trị, hơn
là giai đoạn Glasnost/minh bạch hóa thời Gorbachev).
Nhà báo Le
Monde trước hết ghi nhận rất nhiều điểm tương đồng giữa dịch Covid-19
hiện nay với thảm họa hạt nhân Tchernonyl năm 1986. Cùng sự che giấu
thông tin từ phía chính quyền, cùng một lối tuyên truyền bất chấp sự
thật, cũng mối hoài nghi trong một bộ phận người dân. Số phận bi tráng
của bác sĩ Lý Văn Lượng - người lên tiếng cảnh báo, bị chính quyền trừng
phạt, và chỉ được phục hồi ít ngày trước khi chết, và đúng vào lúc dịch
bệnh đã trở nên một vấn đề quốc tế - được so sánh với cái chết thảm
thương của 12 nhân viên cứu hỏa, được điều đến nhà máy Tchernobyl, mà
không hề được trang bị phương tiện bảo hộ…
Cái chết của bác sĩ Lý Văn
Lượng và sự bất minh của chính quyền trong việc đối phó với dịch bệnh có
thể dấy lên một làn sóng phẫn nộ ghê gớm tại Trung Quốc. Nhiều người
cho rằng các phản ứng dây chuyền có thể thách thức đến tận gốc rễ uy thế
của chế độ cộng sản toàn trị, tương tự như thảm họa Tchernobyl năm xưa.
Nhiều năm sau sự sụp đổ của Liên Xô, cựu tổng thống Mikhail Gorbatchev nhận xét, ''nguyên
nhân thực sự của sự sụp đổ của Liên Xô 5 năm sau đó, có phần do thảm
họa Tchernobyl nhiều hơn là do chính sách cải tổ Perestroika''.
''Minh bạch dưới sự quản lý của Đảng''
Tuy
nhiên, nhà bình luận chính trị Le Monde nhấn mạnh đến sự khác biệt cao
độ về chiến lược quyền lực của hai nhà lãnh đạo Gorbatchev và Tập Cận
Bình. Theo nhiều nhà quan sát, chiến lược của lãnh đạo tối cao Trung
Quốc, ngược hẳn với Gorbatchev, luôn luôn tìm cách thâu tóm quyền lực
đến mức tối đa, dập tắt mọi tiếng nói phản kháng, khi nào tình hình cho
phép. ''Cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay thậm chí còn mang lại cho ông ta một cơ hội'',
để trắc nghiệm các phương tiện và gia tăng khả năng kiểm soát xã hội,
đặc biệt với các biện pháp như cô lập, phong tỏa hoàn toàn một bộ phận
dân cư lớn.
Bộ máy chính quyền, thông qua các công nghệ tân tiến
thời kỹ thuật số, đang dần dần được áp dụng tại Trung Quốc, rất có khả
năng sẽ ngày càng đặt xã hội Trung Quốc dưới sự kiểm soát toàn diện hơn,
sau cuộc khủng hoảng dịch Covid-19. Chính quyền sẽ chứng minh với đông
đảo dân chúng là họ rất minh bạch, tuy nhiên, đây là ''sự minh bạch được quyết định từ bên trên'', ''sự minh bạch do Đảng quản lý''.
Kịch bản này càng có nhiều khả năng trở thành hiện thực bởi, ngược hẳn
với Liên Xô cách nay ba thập niên, Trung Quốc hiện nay là một cường quốc
đang lên.
TQCS đang bị thế lực thù địch nCoV đánh cho tơi tả!
Trả lờiXóaNhân dân TQ phải lôi đầu Tập xuống để người khác lên thay mới may ra minh bạch thông tin mới có giải pháp đầy đủ của chính TQ và công đồng thế giới hỗ trợ.
Trả lờiXóa