Vũ Sơn
18 - 1 - 2020
1. chuyện tây
18 - 1 - 2020
1. chuyện tây
- Bà Hoàng Thị Thế (1901-1988) là con gái út của Anh hùng nông dân Hoàng Hoa Thám (1858-1913) lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Thế, đã từng đánh quân Pháp nhiều trận thất điên bát đảo. Bà bị quân Pháp bắt cùng mẹ là bà Ba Cẩn năm 1909. Mẹ bà bị đưa đi đày ngoài đảo, còn bà không những không bị thực dân Pháp và triều đình fong kiến hồi đó giết, hoặc giam giữ mà được giao cho một gia đình quan lại người Việt nuôi, sau đó sang Pháp học, làm việc và xây dựng gia đình. Toàn quyền Đông Dương A. Sarraut đã nhận bà làm con nuôi, và Tổng thống Pháp P.Doumer hồi đó là cha đỡ đầu!
- Ông Ngô Gia Tự (1908-1935) là một trong những nhà hoạt động cách mạng tiền bối của Việt Nam, quê Từ Sơn, Bắc Ninh, tham gia hoạt động chính trị từ năm 1927.
...”Ngày 1 tháng 5 năm 1929, Đại hội toàn quốc của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội họp ở Hương Cảng. Đoàn đại biểu miền Bắc mà vai trò kiên quyết Ngô Gia Tự đưa ra đề nghị giải tán Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, thành lập đảng cộng sản. Sau đó thực hiện chủ trương "vô sản hóa" Ngô Gia Tự đã vào Sài Gòn làm phu đẩy xe than, làm công nhân khuân vác ở các bến tàu. Qua công việc, ông đã giác ngộ được nhiều công nhân lao động về con đường Cách mạng sau đó.
Tháng 3 năm 1929, ông giúp thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời của Đảng bộ Nam Kỳ”.(*)
Năm 1930 ông bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, tháng 5-1933 bị đày ra Côn Đảo. Đầu năm 1935 ông vượt ngục và bị mất tích cùng với các bạn tù khác.
Điều đáng nói là, ông Ngô Gia Tự theo cộng sản, hoạt động cách mạng bị thực dân Pháp bắt tù nhưng gia đình và các anh em ông không bị thực dân, fong kiến truy bức. Anh trai là Ngô Gia Lễ khi ấy đang làm quan huyện (phủ) ở địa phương cũng không bị làm khó dễ, không bị cách quan vì có em là Ngô Gia Tự làm cách mạng, chủ trương lật đổ chế độ thực dân, fong kiến!
- Gần đây nhất là ông Phạm Xuân Ẩn (1927-2006) thiếu tướng tình báo, Anh hùng quân đội. Suốt mấy chục năm hoạt động trong lòng địch, ông đã lập được nhiều kì tích tình báo:
“ Những tin tức và phân tích tình báo chiến lược của Phạm Xuân Ẩn được bí mật gửi cho bộ chỉ huy quân sự ở miền Bắc thông qua Trung ương cục Miền Nam. Chúng được cho là sống động và tỉ mỉ đến mức người ta kể rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã reo lên: Chúng ta đang ở trong phòng hành quân của Hoa Kỳ[5]. Tổng cộng, Phạm Xuân Ẩn đã gửi về căn cứ 498 báo cáo bao gồm tài liệu nguyên gốc đã được sao chụp, các thông tin mà ông thu lượm cùng phân tích và nhận định của bản thân.Cụ thể là:
Giai đoạn 1961-1965: những bản tài liệu nguyên bản về chiến lược chiến tranh đặc biệt như Tài liệu McGarr; tài liệu Staley, tài liệu Taylor, tài liệu Harkins; tài liệu Ấp chiến lược... Ông gửi về nguyên bản kế hoạch kế hoạch Staley-Taylor.
Giai đoạn 1965 - 1968: các kế hoạch liên quan đến chiến lược chiến tranh cục bộ, phục vụ chiến thuật cho Mậu Thân 1968;
Giai đoạn 1969 - 1973: những tài liệu liên quan đến chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh.
Giai đoạn 1973 - 1975: hàng trăm bản tin nguyên bản "phục vụ trên hạ quyết tâm giải phóng miền Nam"...(**)
Sau 5/1975 khi biết ông PXA là tình báo cộng sản, bạn bè quen biết ông đều tỏ thái độ. Một số giận dữ, lên án ông nhưng rất nhiều người hiểu ông, thông cảm cho ông vì ông chỉ làm công việc của một người yêu nước. Khi con ông Ẩn là Phạm Xuân Hoàng Ân có ý định sang Mỹ tu nghiệp, những người bạn này đã quyên góp tiền bạc giúp con ông. Và chính phủ Mỹ vẫn cấp visa cho con trai ông vào Mỹ...
Phạm Xuân Hoàng Ân là người phiên dịch trong cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Hoa Kỳ George Bush năm 2006 khi ông Bush tới Hà Nội.
2. chuyện ta
- Anh Phạm Gia Huân, trung uý, trợ lý tuyên huấn thuộc Ban Chính trị trung đoàn 88, quân khu 7 ( những ai từng công tác tại Ban Chính trị trung đoàn 88 từ năm 1979 trở về trước chắc đều biết anh PGH). Anh Huân quê Hà Nội và sinh ra ở đó. Năm 1954, không rõ vì sao anh lọt lại khi bố mẹ anh di cư vào nam, nghe nói sau này dưới chế độ VNCH bố anh Huân là sỹ quan cảnh sát. Sau tháng 5/75 khi đơn vị vào SG anh Huân đã gặp lại mẹ, và tôi, trong lần về SG công tác năm 1979 đã nhìn thấy mẹ anh Huân khi bà đứng bán tại xe bánh mỳ ở cổng cư xá Đô Thành, Sài Gòn trên đường Điện Biên Phủ...
Ở lại miền Bắc anh Huân lớn lên, đi bộ đội, vào nam, công tác, chiến đấu, được kết nạp đảng và khi tôi gặp anh ở Ban Chính trị trung đoàn, anh mang hàm trung uý, trợ lý tuyên huấn. Anh là người hướng dẫn tôi cách căng phông màn, trang trí hội trường, đóng đinh leo thang, cắt khẩu hiệu...
Năm 1979, thời kì trung đoàn đứng chân tại Ăngkor Vat anh Phạm Gia Huân bị buộc phải ra khỏi quân đội theo quy định của Chỉ thị 192 Đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi đảng, vì bố anh Huân là sỹ quan cảnh sát chế độ VNCH!
Vậy là anh Huân đã buộc phải ra khỏi đảng, ra khỏi quân đội vì tội của bố anh. Cái tội ấy, chỉ sau tháng 5/75 khi gặp lại gia đình tại SG anh mới biết và sau đó khai bổ sung vào lí lịch! Nhưng quy định của đảng là thế, vì tự trong máu anh Huân đã mang gen của địch?
Sau khi ra khỏi quân đội về SG, cuộc đời anh Huân đã rẽ quặt sang một phía khác rất thương tâm và đau đớn...
- Cuối năm 1973 tôi vào học ở Từ Sơn, trường Cán bộ TDTT TW (bây giờ là Trường Đại học TDTT). Được vài tháng tôi phải rời trường vì vẫn còn nằm trong diện quân dự bị của địa phương, sẽ lên đường nhập ngũ bất cứ lúc nào, theo yêu cầu. Cùng rời trường với tôi còn có vài người nữa, trong đó có Đặng Thế Ất Quý một bạn cùng phòng quê ở Hà Nội, Quý bị cho về với lý do lý lịch. Tôi được biết, bố Quý trong kháng chiến 9 năm vốn là sỹ quan trong quân đội Pháp, ông đã dẫn cả đơn vị theo về Việt Minh và vẫn được giữ cương vị chỉ huy cũng như cấp hàm. Nhưng sau năm 1954, hoà bình lập lại thì mọi chuyện khác hẳn. Ông bị đưa ra khỏi quân đội và chịu nhiều o ép. Để bảo đảm tương lai cho con cái, cụ thể là Quý, ông bà đã li dị và Quý ở cùng mẹ. Tuy vậy, tội lỗi của người cha - nếu có thể gọi là như vậy - vẫn giáng xuống đầu đứa con của ông.
Tôi còn nhớ, hôm tôi đạp xe của mẹ Quý chở bà tới 35 NQ để đưa đơn thư cho QH, mẹ Quý nói với người của văn phòng ubtv qh nhận đơn của bà, đại ý: Con tôi sinh ra và lớn lên trong chế độ xhcn, chịu ơn đảng, chính phủ. Học hành, phấn đấu tu dưỡng để đền đáp công lao của đảng và nhân dân. Cháu bước vào đời với suy nghĩ trong sáng như thế, lẽ nào bây giờ cháu lại bị đẩy ra ngoài đường. Sao cháu phải chịu cái tội mà cháu không biết, không làm?
...Sau này, khi chuẩn bị vào bộ đội lần 2, tôi đã nhận được thư của Quý báo tin sau nhiều lần đi lại, lên xuống đấu tranh và cả nhờ cậy nữa Quý đã được đi học Lớp Đại học xây dựng vừa học vừa làm...và tôi với Quý bặt tin nhau từ ngày ấy!
...
Những số phận như anh Phạm Gia Huân, như Đặng Thế Ất Quý dưới chế độ ta có nhiều, từ thời chỉnh huấn chỉnh quân trong kháng chiến chống Pháp, trong ccrđ và sau này...Nhưng tôi chỉ kể chuyện của anh Huân, của Quý là những người có thời gian cùng chung đơn vị, chung phòng, đã từng ăn cùng mâm, ở chung nhà, là người thật, việc thật...
Việc ngân hàng Vietcombank vừa qua theo chỉ đạo của cơ quan chức năng fong tỏa tiền của nhiều người gửi qua một tài khoản phúng điếu cụ LĐK tử nạn trong vụ ĐT làm tôi nhớ đến cách hành xử ân oán xưa nay của tây và của ta và nhặt ra một vài ví dụ để chúng ta cùng nghĩ...và ngẫm?
(*),(**): trích vikipedia.
Nhân dân đã sáng mắt sáng lòng rồi
Trả lờiXóa