Thứ Hai, 27 tháng 1, 2020

Mạc Văn Trang: ÔNG NỘI

Ảnh chỉ có tính minh họa.

Mạc Văn Trang

ÔNG NỘI

Hôm 27 Tết vừa rồi về thắp hương trước mộ Ông, những ký ức về Ông sống lại vẫn vẹn nguyên, sinh động và đẹp đẽ biết bao.
 
Ông nội mình tên là MẠC VĂN TẠI mất năm 1943, thọ 73 tuổi. Vậy là Ông sinh năm 1870. Ông thuộc dòng dõi Cụ Tổ Mạc Đĩnh Thu, cháu của Viễn Tổ Mạc Đĩnh Chi, từ làng Long Động về ấp Vũ La lập nghiệp…

Lúc mình 4-5 tuổi bắt đầu nhớ những kỷ niệm về Ông. Vừa thích Ông, vừa sợ Ông. Sợ vì thấy Ông khác mọi người. Ông cao hơn mọi người. Tóc Ông búi sau gáy, mọi người bảo là “búi tó”. Ở nhà Ông thường mặc áo màu mỡ gà và quần trắng (thấy Mẹ bảo áo lụa sồi và quần “chúc bâu”). Quần áo của Ông không giặt bình thường như quần áo nâu hay đen của mọi người. Mẹ phải lấy nước tro bếp để ngâm và lấy quả găng cắt ra xát vào, thấy có bọt trắng. Rồi sau đó mới đem ra ao giũ sạch.

Ông có đôi kính trắng, mắt tròn, gọng bằng đồng cũ kỹ, nhưng ông quý lắm, lúc nào cũng để trên cái tráp đựng sách, giữa án thư, không ai dám đụng đến. Ông đi đôi guốc mộc, trông Ông càng cao. Ông chỉ ở nhà “trên” và đôi khi chống cái gậy trúc ra vườn ngắm cây cối. Không thấy Ông xuống nhà “dưới” hay vào bếp. Chả thấy Ông làm việc nhà. Mọi người làm hết mọi việc. Đôi khi thấy ông lấy cái phất trần bằng lông gà, phất phất trên mặt tủ thuốc, trên án thư…

Ông hiền lắm, rất ít nói mà sao ai cũng có vẻ sợ Ông.
Thỉnh thoảng có người đến lấy thuốc. Bọn trẻ tò mò rình xem. Ai cũng chắp tay kính cẩn chào ông. Ông đeo kính vào, cầm tay người bệnh một lúc. Rất yên lặng. Có khi ông bảo người kia thè lưỡi ra. Ông hỏi chuyện một lúc, rồi vừa nghĩ, vừa viết ... Sau đó ông mở từng ngăn kéo nhỏ của tủ thuốc, bốc mỗi thứ một ít bỏ vào tờ giấy màu vàng nhạt. Ông gói lại rất vuông vắn. Thường thấy mỗi người Ông gói cho 3 gói. Có người đến lấy thuốc cho người nhà, chỉ thấy Ông hỏi chuyện và bốc thuốc. Trẻ con thường được uống thuốc bột trăng trắng và thuốc viên có loại to bằng hạt đỗ xanh, có loại viên tròn tròn to như hạt lạc và đen, gọi thuốc tễ…

Sợ, nhưng lại thích Ông lắm, bởi vì gương mặt Ông rất hiền. Ông có đôi ria mép và chòm râu bạc, thưa lơ thơ. Đôi mắt ông ngắm nhìn các cháu hay ngắm cái cây ngoài vườn, thường nhìn lâu lâu, chầm chậm. Không thấy Ông nói to hay quát mắng ai bao giờ.

Mình cứ thích lân la ngoài cửa để được Ông gọi vào cho mấy viên thuốc tròn tròn ăn dẻo ngọt, thơm; đôi khi Ông cho mấy miếng cam thảo, bảo ngậm cho đỡ ho. Có khi ông cho một mẩu quế chi, bảo nhấm nhấm cho ấm người, nhưng không được ăn nhiều sẽ chảy máu cam… Anh Trân hơn mình 4 tuổi hay xui mình giả vờ ho để Ông cho Cam thảo hay viên thuốc, đưa cho anh ăn cùng.

Có lần thấy Ông nằm ngủ trên phản, hai anh em lấy kính của Ông đeo thử. Ôi giời ôi, nhìn xuống nền nhà thấy trũng hoáy, đi loạng choạng, sợ ơi là sợ. Rồi lại xỏ chân vào đôi guốc của Ông, đi loẹt quẹt. Ông thức dậy, nhìn thấy thế, cười không nói gì...

Ông lấy Bà cả sinh được 3 người con là ông Tự (bố mình), cô Vĩnh, ông Vi (chết trẻ). Minh lớn lên thì Bà Nội đã mất, không nhớ hình ảnh bà. Ông lấy bà Hai ở mãi quê cũ gần Long Động, (nay là xã Quốc Tuấn). Bà sinh ra 3 người con là cô Viễn, chú Nhiên, chú Đạt.

Sau này cô VĨNH lấy chồng mãi Phả Lại, cứ gọi là cô Mùi. Hỏi ra mới biết, ngày xưa cô đi cấy “Bắc”, nghĩa là cấy lúa nhà xong, chị em rủ nhau lên mạn Bắc cấy thuê... Rồi chả biết sao lại gặp và lấy ông Mùi, khi ấy ông góa vợ và có 3 người con. Người con gái lớn nhất tên là Mùi. Ông gốc người Nghệ An, có nghề làm nước mắm, cứ gọi là mắm Nghệ. Nhà ông rất khá, vừa có ruộng, vừa có nghề làm mắm cá.

Cô VIỄN lấy chồng ở làng Hóp, Nam Sách. Nghe nói cô lấy chồng làng, được ít lâu thì chồng chết. Cô góa chồng, có một mình, hay về nhà Ông dọn dẹp. Chú Kham ở làng Hóp có nghề nấu rượu nổi tiếng, thỉnh thoảng lại đem rượu ngon bán cho Ông. Thế là ông bảo gả cô Viễn cho. Từ đó cứ gọi cô Kham.

Điều hay nhất, là cô Vĩnh, cô Viễn đều làm vợ kế; chồng đều đã có 3 con (đều 1 gái, 2 trai), nhưng các cô được chồng yêu quý và các con chồng đều gọi là Mẹ và rất gắn bó. Hai cô đều sống sung túc và rất hay về thăm Ông, mang về nhiều quà. Nhưng mình mê nhất là món Mắm Nghệ của cô Mùi. Bữa nào cũng đòi ăn cơm rưới mắm Nghệ của cô Mùi. Sau này mới biết, cô cho loại mắm đặc biệt, hình như là mắm chắt.
Cô Vĩnh sinh mười mấy bận, còn 10 người con. Cố Viễn sinh 3 người con.

Sau này chú Nhiên, chú Đạt lấy vợ, cũng làm nhà ra ở riêng ngay trong vườn của Ông. Chú Nhiên có 3 con gái, chú Đạt lại có 4 con trai. Bố mình có 6 người con. Như vậy Ông nhiều cháu nội, ngoại và rất nhiều chắt.

Kỷ niệm sâu sắc nhất, là ông cho mình lên chơi nhà cô Mùi. Lúc ấy mình 5 tuổi, được đi chơi với Ông sướng lắm. Mẹ mặc cho quần áo nâu, mới. Nhưng đi chân đất lon ton theo Ông. Ông thì mặc áo the đen, quần trắng, đi giầy mỏng, có cái mũ giầy đen để Ông xỏ chân vào. Sau này mới biết, người ta gọi là giầy Gia Định (Có lẽ giống kiểu giầy trong câu chuyên “Cụ Chánh Bá mất giầy” của Nguyễn Công Hoan). Sáng sớm, giữa tiết Xuân, trời mát. Ông dùng cái ô đen cuộn lại làm gậy chống. Hai ông cháu đi hết con đường cái ngoằn nghoèo qua cánh đồng lúa xanh mênh mông thì lên đê. Ông bảo, chịu khó đi tí nữa, có xe tay thì ngồi xe đi nhanh lắm. Hai ông cháu đi trên đường đê khá lâu. Ông đi mỗi lúc một chậm hơn, có vẻ mệt. Mình thì vẫn chạy nhảy tung tăng...

Lúc đến chỗ một cái quán, có mấy người ngồi, ông bảo vào đây. (Sau này mới biết đó là bến Đò Hàn). Quán che bằng phên liếp, tuềnh toàng, có hai hàng ghế đắp bằng đất, người ta lót manh chiếu hay vỉ buồm lên để ngồi.

Ông không ngồi vào ghế. Ông đứng và hỏi chuyện một người đàn ông đang uống nước chè. Người đàn ông còn trẻ, mặt rất hiền, đứng dậy, chắp tay, gật đầu, nói gì đó và dẫn Ông ra xem xe. Hai người nói chuyện, chắc là về tiền công. Ông bảo, được rồi, cứ thư thả uống nước, hút thuốc đi ...

Lần đầu tiên được ngồi trên xe tay, sướng quá. Ông ngồi tựa lưng phía sau, mình ngồi bên cạnh, phía trước, tò mò xem xe “chạy” thế nào. Người phu xe nâng càng xe lên... Ông bảo, ngồi lui vào kẻo ngã đấy. Người phu xe quay lại hỏi Ông, có phải giương mui không cụ? Ông bảo, mát giời, giương làm gì cho nặng...

Thế là xe “chạy”. Hóa ra là người chạy và kéo cái xe lăn đi. Người phu xe đội cái nón bé tí, mặc áo nâu bạc phếch và cái quần nâu, lửng dưới đầu gối. Ngồi trên xe cứ thấy cái đầu người phu xe nhấp nhô, hai tay giữ càng xe, chân chạy đều đều. Thỉnh thoảng cái xe lật bật, lắc lư, cót két... Ôi, sao người phu xe gầy gò mà khỏe thế! Chạy mãi, chạy mãi, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, mà vẫn chạy đều đều. Hình như Ông lim dim ngủ. Còn mình cứ háo hức nhìn ra xung quanh thấy bao nhiêu cảnh lạ...

Mãi rồi cũng đến bến Đò Bình. (Sau này mới biết quãng đường chạy xe chừng 15 cây số). Trong khi người phu xe cầm nón quạt, thở hổn hển, Ông lấy tiền trả và hai người nói gì đấy. (Hồi ấy có thói quen là, khi người lớn nói chuyện, trẻ con không bao giờ được đến gần, nói xen vào. Và ngoan nhất là ra xa, không nghe, không biết người lớn nói gì).

Ngồi đò thích quá. Ông bảo đây là sông Cái, thảo nào to rộng thế, gấp mấy lần sông Trâm Kiều sau làng mình. Trời nắng. Ông mở ô che cho hai ông cháu. Mình mơ ước, sau này lớn, bơi được qua con sông này thì sướng lắm. Anh Trân đã dạy mình bơi ở ao Ấu, mình không phải bám cây chuối nữa, mà bơi được một cây sào rồi...

Nhà cô chú Mùi ở Đồn Phao (chả biết sao lúc ấy lại gọi Phả Lại là Đồn Phao). Lên bến đò, đi một tí là đến nhà cô Mùi. Hai ông cháu bước vào sân, cả nhà cô Mùi sững sờ rồi vui mừng ríu rít. (Ngày xưa cũng hay, chả có điện thoại hay thư từ báo trước, cứ đột ngột đến thăm, lại bất ngờ thích thú). Cô gọi một lũ trẻ ra xếp hàng, khoanh tay chào Ông. Chú Mùi cũng gầy, người xương xương; Chú mặc áo lụa, quần trắng, đi guốc gỗ, giống Ông. Chú cuống quýt vừa quạt cho Ông, vừa dắt vào nhà. Cô Mùi bảo người nhà bưng lên một chậu thau nước và cái khăn mặt màu tro bếp, bảo, Thày rửa mặt đi cho mát... Rồi Cô nắm hai cánh tay mình nhấc bổng lên, cha bố mày, lớn tướng rồi... Cô lôi ra bể nước, múc mấy gáo rửa mặt mũi, chân tay và bảo cái Súy, thằng Sửu rủ anh ra sân chơi.

Cái Súy bằng tuổi mình, nhưng còm hơn; thằng Sửu hơn mình một tuổi trông cao lớn hơn, nhưng “bé con ông bác, to xác con bà cô”, mình cứ gọi thằng Sửu! Cô mắn lắm, đẻ năm một, nên nhà như vườn trẻ!

Nhà Cô Chú to hơn nhà mình. Sân gạch rộng quá. Hai góc sân để rất nhiều chum đựng cá làm mắm. Buổi trưa trời nắng, một người đàn ông mở nắp chum ra, lấy thanh tre to, dài, ngoáy vào các chum mắm cá. Mùi tanh tanh nồng, thơm thơm bốc lên...

Buổi trưa cơm nhà Cô rất nhiều món. Ông và chú Mùi ngồi trên sập, uống rượu và nói chuyên với nhau. Dưới nền nhà, đàn bà và bọn trẻ con ngồi quây quần hai mâm. Cô xới cơm cho mấy đứa trẻ, gắp thức ăn cho từng đứa. Cô gắp cho mình một con cá Bống vàng ươm, nhìn ngon quá, nhưng ăn thì rất cay... mà không dám kêu. Mình cứ cắn tí một...

Bọn trẻ nhà Cô: Sinh, Chương, Vườn, Sửu lớn hơn mình, cứ gọi mình là anh, xưng em. Mình ngượng ngùng, xấu hổ quá, nhưng không biết làm sao. Thế là cứ quấn quít chơi với bé Súy và Sửu, ngang tuổi mình... Cô bảo, chỉ được chơi ở sân, không ra ngoài. Cô quát bọn trẻ, cấm không được dẫn anh ra bờ sông. Đứa nào không nghe, đánh cho tét đít!...Đứng trên sân nhà Cô cũng nhìn thấy sông mênh mông, rất nhiều thuyền buồm xuôi ngược; thỉnh thoảng lại thấy cái bè gỗ về xuôi…

Buổi tối, Cô lôi mình ra bên bể nước, lột hết quần áo, tắm cho một trận. Ối giờ ôi, Cô cọ bằng hòn đá kỳ, đau ơi là đau, da tay, da ngực đỏ lựng cả lên mà không dám kêu to. Cô lấy quần áo của “em Sửu” mặc cho mình, rộng thùng thình... Cô bảo “em Vườn” lấy cho anh đôi guốc. Ồ, ở nhà Cô, trẻ con cũng được đi guốc. Mà người ta tài thế, làm những đôi guốc bé xíu xinh xinh, có hoa, cho trẻ con, nom thích quá. Nhưng mà chỉ buổi tối, mới rửa chân cho sạch rồi đi guốc lên giường ngủ.

Ở chơi được mấy ngày thì Ông bảo về. Cô Chú Mùi cứ nằn nì giữ, nhưng ông bảo phải về. Sáng sớm mình được ngồi ăn bánh cuốn với Ông và Chú Mùi. Ôi, cả đời sau này mình thích món bánh cuốn cũng là bắt đầu từ bữa sáng hôm đó. Chưa bao giờ được ăn bánh gì ngon như thế!

Ăn xong, mình chạy ra chơi với mấy em. Bây giờ mình đã bớt ngượng ngùng, mạnh bạo hơn... Một lúc, Ông gọi, bảo đi về sớm cho mát. Bọn trẻ lại xếp hàng, khoanh tay chào Ông ạ, chào anh…

Cô Chú Mùi tiễn Ông xuống bến đò, lên thuyền, Cô trao chiếc tay nải cho Ông. Tay nải của Ông bây giờ phồng to hơn lúc đi, hình như Cô Chú may thêm quần áo cho Ông. Vì bây giờ mình cũng được mặc bộ quần áo mới Cô mua cho và được đi guốc hoa nữa. Bộ quần áo cũ, bỏ vào tay nải của Ông....

Qua sông, lên bến đò bên này, ông lại thuê xe tay để hai ông cháu đi. Người phu xe này cao to, già hơn, mặt lởm chởm râu, mình nhìn thấy sợ sợ. Nhưng ông này rất khỏe, xe chạy nhanh hơn và đưa hai ông cháu về tận đầu đường cái vào làng.

Mình đi theo ông được một đoạn thì đau chân quá. Quai guốc cọ vào làm trầy da mu bàn chân và ngón út. Đau quá, sắp khóc... Ông thấy vậy, bảo, bỏ guốc ra xách, đi chân đất thôi. Thế là hai tay mình xách hai chiếc guốc, tập tễnh bước theo Ông...

Đây cũng là kỷ niệm cuối cùng về Ông. Vì ông về nhà được ít lâu thì mất. Đám tang của Ông rất đông người và ồn ào. Người ta làm cỗ, ăn cỗ rất ầm ĩ. Tiếng khóc, tiếng kèn trống, inh ỏi suốt ngày đêm... Rồi người ta khiêng quan tài ông đi dọc con đường cái, mới hôm nào hai ông cháu đi...

Trẻ con vẫn chưa có ý niệm gì về cái chết. Chỉ biết là từ nay vắng Ông...

Thế mà hơn 70 năm rồi, nhưng kỷ niệm về Ông vẫn còn nguyên trong tâm trí.

Hôm 27 Tết vừa rồi về thắp hương trước mộ Ông, những ký ức về Ông sống lại vẫn vẹn nguyên, sinh động và đẹp đẽ biết bao.

Mồng 2 Tết Canh Tý
26/1/2020
Mạc Văn Trang

2 nhận xét :

  1. Những người muôn năm cũ
    Hồn ở đâu bây giờ

    Trả lờiXóa
  2. hay quá bác trang ạ / em năm nay cũng gần 60 đọc bài của bác thấy tuổi thơ của minhf trong đó/

    Trả lờiXóa