Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2020

KHAI BÚT MỒNG MỘT TẾT CANH TÝ - Nguyễn Xuân Diện


Khai bút Mồng 1 Tết Canh Tý, và xin thỉnh ý kiến chư vị:

VỀ CÂU THƠ "ĐÌNH TIỀN TẠC DẠ NHẤT CHI MAI" 
VẪN ĐƯỢC DỊCH LÀ "ĐÊM QUA XUÂN TRƯỚC MỘT CÀNH MAI"

Nguyễn Xuân Diện

CÁO TẬT THỊ CHÚNG* - Mãn Giác Thiền sư thời Lý.

Nguyên văn bài thơ:

告疾示眾

春去百花落,
春到百花開。
事逐眼前過,
老從頭上來。
莫謂春殘花落盡,
庭前昨夜一枝梅。


CÁO TẬT THỊ CHÚNG
Tác giả: Mãn Giác Thiền sư)

Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.


Dịch nghĩa: CÓ BỆNH BẢO VỚI MỌI NGƯỜI

Xuân đi, trăm hoa rụng,
Xuân đến, trăm hoa nở.
Việc đời theo nhau ruổi qua trước mắt,
Tuổi già hiện đến từ trên mái đầu.
Đừng cho rằng xuân tàn thì hoa rụng hết,
Đêm qua, một cành mai đã nở trước sân.

Dịch thơ

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua – sân trước – một cành mai.

(Ngô Tất Tố dịch thơ)

* Đầu đề là do Lê Quý Đôn đặt.
Nguồn: Thơ văn Lý Trần (tập I), NXB Khoa học xã hội, 1977.

------

Lời bàn của Nguyễn Xuân Diện

Hai câu thơ cuối:

莫謂春殘花落盡,
庭前昨夜一枝梅。

Âm Hán Việt:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Dịch nghĩa:
Đừng cho rằng xuân tàn thì hoa rụng hết,
Đêm qua, một cành mai đã nở trước sân.

Dịch thơ:
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua – sân trước – một cành mai.


Chữ “Nhất Chi mai” vẫn được hiểu và dịch là “Một cành/ nhành mai”. Nhưng có lẽ phải hiểu là cành mai này là giống Nhất Chi Mai, tên một giống hoa.

Vì xuân đã tàn, tức là đã hết mùa xuân, và các loài hoa đều rụng hết (kể cả các loài mai bình thường), như câu thơ nói. Khi ấy, chỉ có giống Nhất Chi Mai nở hoa. Khi mùa Xuân đã gần hết, Nhất Chi Mai mới tái nở hoa vào tháng hai (âm lịch), sau khi tàn đợt nở đón xuân lần thứ nhất. Đúng lúc xuân tàn, thiên hạ đã hết hoa mai rồi, thì Nhất Chi Mai tái nở với những chồi lộc non tươi. Vì Nhất Chi Mai nở hai lần, nên gọi là Nhị Độ Mai (Mai nở hai lần).

Vì vậy, phải hiểu Nhất Chi Mai trong câu thơ trong bài “Cáo tật thị chúng” của Thiền sư Mãn Giác là nói đến hoa của loài hoa Nhất Chi Mai mới đúng!
____________

Tham khảo trên mạng về giống Nhất Chi Mai:

"Cây nhất chi mai còn gọi là Mai trắng (Bạch mai, Hàn mai, Lưỡng nhị mai, nhị độ mai). Tên khoa học là Prunus mume Sieb. & Zucc, thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Ở đây cần phân biệt rõ, tuy tên dân dã là mai nhưng thực sự là một loài cùng họ với đào, anh đào, mơ, mận. Nó hoàn toàn khác với giống mai vàng miền Nam có tên khoa học là Ochna integerrima thuộc chi Mai (Ochna), họ Mai (Ochnaceae).

Cây nhất chi mai là loài mai quý hiếm, chỉ sống ở những nơi có mùa đông và giá lạnh. Nhất Chi Mai chậm lớn, gốc xù xì, thân đen óng, nụ màu đỏ, khi nở thì chuyển dần sang màu trắng với nhiều tầng cánh xếp vào nhau và cũng là lúc đẹp nhất, tàn thì lại chuyển dần về màu đỏ. Nhất Chi Mai không có quả, việc chiết giống cũng rất khó khăn. Nhưng nếu bén rễ đâm chồi được, thì sức sống rất mãnh liệt, phi thường. Dường như, tiết trời càng lạnh, thì lại càng có sức sống hơn, thật kì lạ!


Chỉ cây nhất chi mai mới tái nở hoa vào tháng hai (âm lịch), sau khi tàn đợt nở đón xuân. Đúng lúc xuân tàn, thiên hạ đã hết hoa mai rồi, thì Nhất Chi Mai tái nở với những chồi lộc non tươi. Lần hai là chính vụ, còn lần đầu ví như Nhất Chi Mai nở để cổ vũ họ hàng hoa mai mà thôi. Có lẽ, đó là điều đặc biệt hơn cả, giống như tuyết rơi giữa mùa hè vậy…"(Hết trích).




Ảnh: Hình ảnh cây Nhất Chi Mai chơi Tết của tôi, do bạn Nguyễn Đình Hiệp tặng tôi chơi Tết Canh Tý.

Thành thực xin ý kiến của chư vị học giả, giáo sư và anh chị em về ý kiến này.

1 nhận xét :