Biến cố thảm khốc ở Đồng Tâm:
Từ bàng hoàng, phẫn nộ đến tỉnh thức
Trọng Thành
RFI 18/01/2020
Vụ tập kích của an ninh Việt Nam vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, khiến một cụ già 84 tuổi và 3 sĩ quan công an thiệt mạng, gây chấn động các mạng xã hội. Trong lúc chính quyền bưng bít thông tin, nhiều người tiếp tục tìm hiểu lý do dẫn đến cuộc can thiệp thảm khốc này.
Hơn một tuần sau vụ can thiệp của an ninh Việt Nam tại thôn Hoành, xã
Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngày 09/01/2020, công luận vẫn chưa thôi bàng
hoàng về một biến cố chưa từng có tại Việt Nam.
Truyền hình Nhà
nước phổ biến đoạn phim, vào giữa trời đêm, cảnh sát cơ động xả súng dữ
dội vào một ngôi nhà dân bình thường ở Đồng Tâm, như thể tấn công vào
một hang ổ mafia. Một ngày sau, công an trả lại xác của người thủ lĩnh
tinh thần cuộc đấu tranh giữ đất Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình, 84 tuổi,
với nhiều vết đạn. Thi thể bị mổ phanh. Hàng chục người dân bị bắt giữ,
bị khởi tố về tội chống lại người thi hành công vụ, chống lại một quyết
định giải tỏa đất của chính quyền. Sau cuộc tập kích trong đêm, Đồng Tâm
tiếp tục bị phong tỏa. Ba viên sĩ quan công an thiệt mạng, sau khi bị
rớt xuống ''giếng trời'' trong nhà dân, ngay lập tức được chủ tịch Nước truy tặng huân chương. Lực lượng công an phát động phong trào học tập ''gương hy sinh'' của ba chiến sĩ.
Đối
với rất nhiều người, rất khó tin được biến cố thảm khốc này lại xảy ra
trong một thời kỳ mà Việt Nam đang cố gắng hội nhập với thế giới dân
chủ, phát triển, đúng vào thời điểm Việt Nam đảm nhận chức chủ tịch luân
phiên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Cũng đúng vào ngày 09/01 này,
Liên Hiệp Quốc thảo luận về dự thảo tuyên bố ''Tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế'', do Việt Nam chủ trì. Tuyên bố nhận được sự ủng hộ kỉ lục của các thành viên Liên Hiệp Quốc.
Tâm sự của tiến sĩ kinh tế học Nguyễn Ngọc Chu có lẽ nói thay cho rất nhiều người: ''Mấy
lần ngồi xuống để viết về Đồng Tâm mà không thể. Nghẹn ngào trào lên.
Đau xót. Phải để lắng đi một tuần mới lấy lại được chút tĩnh tâm. Tranh
chấp 59 héc ta đất Đồng Sênh ở Đồng Tâm là tranh chấp kinh tế, dân sự.
Nhưng nó lại được giải quyết bằng súng đạn. Vào đầu thế kỷ 21 rồi mà một
tranh chấp kinh tế dân sự lại phải mở cuộc hành quân cả ngàn cảnh sát
cơ động với vũ khí làm phương tiện giải quyết, dẫn đến 4 người thiệt
mạng, thì thật là đau xót. Trong khi cuộc tấn công 22 quả tên lửa của
Iran không làm cho một người lính Mỹ nào bị thiệt mạng…. nghĩ đến cách
chết của 4 người ở thôn Hoành trong đêm mồng 09/01/2020 mà nước mắt trào ra. Lẽ ra họ đã không phải chết.'' (Bài ''Đồng Tâm : Đừng để ‘Oan oan tương báo’ !'').
''Cố tạo ra cái vực thẳm ngăn cách giữa chính quyền và nhân dân ư? Tôi thực sự không hiểu họ nghĩ gì?'' (họa sĩ Lê Quảng Hà). ''Đốt lò để lấy lại niềm tin của dân, rồi lấy nước mắt hờn căm của dân dội cho tắt ngấm cái lò đáng nể ấy. Lú hay minh? '' (nhà văn Nguyễn Quang Lập) (''Đốt lò''
là cụm từ ông Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch Nước và lãnh đạo đảng Cộng Sản
Việt Nam dùng để chiến dịch thanh trừng tham nhũng trong nội bộ Đảng.
''Lú'' là một biệt danh mang tính khinh thị mà nhiều người dùng để chỉ lãnh đạo đảng).
Nhát chém ''cắt đứt sợi dây liên kết cuối cùng giữa Dân và Đảng''?
Nhận
xét trên đây của một Facebooker có lẽ tóm lược rõ ý nghĩa chấn động của
cuộc can thiệp thảm khốc, có thể đã xóa bỏ đi nốt chút ảo tưởng cuối
cùng của nhiều người trong xã hội Việt Nam, vẫn còn giữ một chút niềm
tin tưởng mơ hồ vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng (''Nhân dân Đồng Tâm tuyệt đối tin tưởng vào chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước'' là một trong các khẩu hiệu tranh đấu của dân làng Đồng Tâm).
''Suốt
hơn hai năm qua, có cả một ngàn cách để tháo gỡ ngòi nổ Đồng Tâm trong
hòa bình, trong tình đồng bào. Nhưng chính quyền đã lựa chọn giải pháp
dùng sức mạnh của công cụ chuyên chính. Họ chỉ không tính được rằng, sau
cú hạ sát kẻ cầm đầu, thì chính kẻ đó từ nay sẽ bất tử trong kí ức hàng
triệu, hàng triệu người…. người nông dân Lê Đình Kình vụt trở thành một
biểu tượng của chống lại áp bức, một nhân vật bi kịch, một nhân vật
lịch sử, một nhân vật văn học đẹp lộng lẫy và vô cùng hấp dẫn… '' (Bài ''Phát súng lịch sử'' của nhà văn Tạ Duy Anh).
''Ngọn
lửa Lê Đình Kình đang sáng chói! Cái chết của cụ đã vạch mặt sự dã man
tàn bạo của chế độ cộng sản Việt Nam. Cái chết của cụ không vô ích. Cụ
chết đi để cho nhiều người dám vượt qua nỗi sợ hãi để sống cho ra người!
'' (Bài ''Cụ sẽ mãi là biểu tượng của tự do'' của nghệ sĩ Kim Chi).
Đi tìm nguyên nhân cuộc can thiệp thảm khốc
Về
các nguyên nhân đã dẫn đến can thiệp thảm khốc tại Đồng Tâm, nhiều
người cho rằng sẽ phải hàng chục năm nữa, vụ thảm án này mới có thể được
làm sáng tỏ. Tuy nhiên, không có gì cản trở nhiều giả thiết được nêu
ra. Nhà báo Võ Văn Tạo đặc biệt lưu ý đến hai nguyên nhân chính, một
nguyên nhân xa và một nguyên nhân trực tiếp.
''Để dẫn đến sự kiện này, cái quan trọng nhất theo tôi là sự kiện
ngày 15/04/2017. Để chống lại việc Nhà nước đem lực lượng vũ trang vào
đàn áp người dân thôn Hoành (xã Đồng Tâm). Như người ta nói con giun xéo
mãi cũng quằn, họ nổi khùng lên, đã bắt 38 cán bộ, chiến sĩ, cảnh sát
cơ động, trong đó có cả cán bộ huyện nữa làm con tin. Họ đòi ông chủ
tịch Hà Nội, hoặc cấp trên nữa phải về để đối thoại với dân, để giải
quyết dứt điểm chuyện Đồng Sênh. Từ lúc nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
ra đời, và từ sau 1975, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng do
đảng Cộng Sản Việt Nam cai trị, thì chưa có một vụ nào mà người dân táo
gan làm như thế.
Nếu để ý kỹ đến vụ này mới thấy người
dân Đồng Tâm đã đối xử rất tốt với các cảnh sát cơ động trong thời gian
bị bắt làm con tin. Đến khi thả ra, những người bị bắt làm con tin không
giận, mà chắp tay vái lạy. Nghĩa là đội ơn người dân ở Đồng Tâm. Trong
những ngày đó, người dân Đồng Tâm đối xử rất tử tế, nuôi nấng rất đàng
hoàng, đối xử rất tình cảm với anh em. Nhưng với thế lực diều
hâu, bảo thủ, trong Đảng và Nhà nước Việt Nam, sự biến đó là không thể
chấp nhận được. Họ sẽ tìm cách trả thù khi có dịp.
Về
mặt thời điểm, trên mạng có một số người đưa ra giải thích thế này, tôi
cũng thấy có lý. Khi lữ đoàn được giao quản lý dự án sân bay Miếu Môn
ngày xưa, người ta quyết định xây bức tường, người ta chỉ bảo vệ 47
hecta trước đây đã được quy hoạch vào sân bay (bức tường được khởi công
hồi giữa năm 2018), còn phần còn lại 59 hecta bên ngoài, họ không xây
tường. Việc này sẽ làm lộ ra chuyện chính quyền Hà Nội nhập nhèm chuyện
59 hecta. Cụ Kình cũng không che giấu gì cụ có đầy đủ tài liệu để chứng
minh số đất này là đất nông nghiệp của xã, chứ không phải của bên quốc
phòng (trong một phát biểu hồi tháng 5/2019, đại biểu Quốc Hội Việt Nam,
ông Dương Trung Quốc, cũng ghi nhận: ''Gót chân Asin của Chính phủ trong vụ Đồng Tâm là không đưa ra được bản đồ'').
Cụ Kình là một người thông thái, mẫn tiệp, cụ là một nhân chứng sống,
tuổi thọ cao, lại có uy tín nữa, lại có tài liệu để chứng minh, cho nên
người ta cố tình, càng sớm càng tốt giết người bịt khẩu. Tôi nghĩ rằng
chuyện bắt sống đâu có gì khó. Chỉ cần một quả đạn hóa học bắn vào nhà
cụ Kình thôi. Hơi cay làm cho mọi người mê man hết. Tại sao họ không làm
như thế? Rõ ràng là họ cố bắn cho chết ! Đây là cố sát ! ''.
''Hành động vì Đồng Tâm'': Tìm công lý cho các nạn nhân ở cả phía người dân, cả phía công an
Tại
Việt Nam, trong lúc chính quyền tìm mọi cách bưng bít thông tin, có
nhiều nỗ lực từ phía xã hội để làm sáng tỏ sự thực. Nhóm ''Hành động vì Đồng Tâm'', được thành lập ít ngày sau vụ này, đã hoàn thành một bản báo cáo sơ bộ bằng tiếng Anh, mang tựa đề ''Fighting over Senh Field. A report on the Dong Tam Village Attak'',
gửi đến cộng đồng quốc tế, 7 ngày sau vụ án. Báo cáo dài 28 trang thuật
lại ngọn ngành cuộc chiến pháp lý của người Đồng Tâm và vụ can thiệp
ngày 09/01/2020. Nhóm ''Hành Động vì Đồng Tâm'' cũng kêu gọi mọi người tham gia đóng góp, phổ biến thông tin, bảo vệ các nhân chứng, đấu tranh nhằm phục hồi công lý.
Nhóm Hành động vì Đồng Tâm cho biết những khó khăn của việc thu thập bằng chứng, trong đó có việc ''suốt từ vụ tấn công vào đêm mồng 8, rạng ngày 09/01/2020, đến nay, nhà cầm quyền vẫn đang bao vây làng Đồng Tâm, cắt điện, cắt internet…''. Theo
một thông tin trên mạng Facebook, thì chính quyền đã thành công trong
việc gây sức ép buộc Facebook phải xoá bỏ nhiều video và bài đăng về sự
kiện Đồng Tâm, còn đội ngũ dư luận viên đã khiến cho nhiều tài khoản
Facebook bị ngưng hoạt động thông qua các chiến dịch tấn công phối hợp.
Công an VN giỏi thật, 1 trung đoàn cảnh sát cơ động tấn công dân giữa đêm khuya mà bị dân (hay tự bị) chết 3 người, trong đó có 1 trung đoàn phó, còn bên dân chỉ bị chết 1 người. Đó là cảnh sát được trang bị tận răng còn dân chỉ có dao phóng và chai xăng!!!
Trả lờiXóaThế này mà đánh Tàu thì đánh sao được???