Thứ Năm, 26 tháng 12, 2019

XIN HỎI ÔNG NGUYỄN GIA ĐỐI, VIỆN TRƯỞNG VIỆN KHẢO CỔ HỌC


Lê Văn Sinh

CÓ THẬT NHỮNG CÂY GỖ Ở BÃI CAO QUỲ LÀ CỌC 
- CHIẾN CỤ TRONG TRẬN ĐÁNH 1288?

Trong bài báo 'Kết Luận Về Bãi Cọc Cao Quỳ: Cần Cẩn Trọng' (Thiên Điểu) đăng trên Tuổi Trẻ Online, ngày 24/12/2019, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam TS Nguyễn Gia Đối vẫn khẳng định đó là những cọc gỗ liên quan chặt chẽ đến trận chiến thắng quân Nguyên Mông, năm 1288, sau khi chúng tôi đặt câu hỏi liệu các nhà khảo cổ học đưa ra kết luận có tính khẳng định như vậy có quá sớm hay không.

Xin trích ý kiến của ông Nguyễn Gia Đối: "Sử học còn nhiều quan điểm chưa thống nhất về cuộc chiến chống quân Nguyên của nhà Trần, nhưng sự hiện diện của bãi cọc cùng kết quả giám định niên đại phóng xạ tuyệt đối khiến viện tin tưởng bãi cọc liên quan chặt chẽ đến trận thắng quân Nguyên Mông lần 3 năm 1288". (hết trích)

Cứ cho rằng các nhà khảo cổ học đã tiến hành giám định niên đại của 27 mẫu vật gỗ ở bãi Cao Quỳ và tất cả chúng có niên đại phù hợp niên đại cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, thưa ông Nguyễn Gia Đối.

Vì sự tôn kính sự thật mà khoa học lịch sử tôn thờ, vì danh dự của Viện Khảo cổ học Việt Nam, tôi xin nêu ra mấy câu hỏi với ông Quyền Viện trưởng Nguyễn Gia Đối để ông giải đáp cho chúng tôi vững tin, rằng bãi cột/cọc gỗ vừa được Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật từ ngày 17/11 đến ngày 19/12/ chính là những cọc gỗ của quân đội nhà Trần giăng ra trong trận đánh chiến thuyền Nguyên Mông năm 1288.

1. Bãi Cao Quỳ có phải là dòng sông hồi thế kỷ XIII?

2. Bằng cách nào cha ông ta có thể đóng cây " cọc " lớn như ta thấy trong bức ảnh dưới đây xuống lòng sông để cản phá thuyền chiến đi biển của giặc Nguyên Mông?

Nếu được, xin các ông thực nghiệm giống như cảnh sát hình sự thời nay dựng lại hiện trường vụ án.

3. Chứng minh những mẫu vật gỗ vừa phát hiện ở Cao Quỳ chính là cọc gỗ / chiến cụ của quân đội nhà Trần?

Không phải bất kỳ bãi cột gỗ nào ở ven hoặc dưới lòng sông đều là chiến cụ.



Lịch sử Việt Nam chỉ có ba lần dân ta dùng gỗ làm chiến cụ cắm xuống lòng sông. Lần gần nhất là năm 1288, cách nay trên 700 năm. Dùng gỗ làm vũ khí chống thuyền giặc là vạn bất đắc dĩ và hiếm hoi. Dùng gỗ cho đời sống dân sinh là phổ biến trong trường kỳ lịch sử Việt. Các ông có nghĩ rất nhiều công trình được cha ông ta làm bằng vật liệu gỗ?

Thưa ông Nguyễn Gia Đối. Không phải là tôi không có lòng tin. Nhưng niềm tin chỉ đến khi các mẫu vật các ông vừa khai quật ở bãi Cao Quỳ được chứng minh một cách không thể bác bỏ rằng đó đích thực là chiến cụ được dùng trong trận đánh chiến thuyền giặc năm 1288.
_______

1 nhận xét :

  1. Nơi đó cách mặt nước biển bao cao? Nếu trước đây là sông tàu có thể qua lại được, chắc chắn là phải dưới mặt nước biển.

    Trả lờiXóa