Lễ ký hòa ước Quý Mùi 25.8.1883 giữa Việt và Pháp.
Nhiều ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền câu hỏi (đố) đại ý như sau: “Trước thế kỷ 20, cuộc xâm lược cuối cùng của Trung Quốc vào Việt Nam là cuộc xâm lược nào? Ai là tổng chỉ huy của quân đội Trung Quốc? Ai là người đánh bại đội quân xâm lược đó?”
Người đặt ra câu đố cố sử dụng hai từ “xâm lược” với dụng ý để cho người nghe liên tưởng đến những cuộc xâm lược có qui mô lớn, có kế hoạch hẳn hoi của quân Nguyên Mông vào thế kỷ XIII, quân nhà Minh vào thế kỷ XV, quân nhà Thanh vào thế kỷ XVIII, cuối cùng hả hê tiết lộ rằng cuộc “xâm lược” đó là cuộc xung đột Pháp-Thanh xảy ra vào giữa thập niên 1880, dẫn đến việc ký kết hòa ước Thiên Tân ngày 9.6.1885.
Quả thật là những thập niên kể từ sau ngày thực dân Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, tình hình vô cùng rối ren, ngoài hai thế lực chính đối đầu nhau là quân Pháp và quân Việt Nam, còn có sự tác động của lực lượng chính qui của nhà Mãn Thanh và các nhóm thổ phỉ chuyên cướp bóc để tồn tại. Chính trong khung cảnh phức tạp này mà một số bài viết đã có nhận định chưa thật thấu đáo về một số sự kiện và nhân vật lịch sử đương thời.
Trong những bài viết dạng này, có bài của tác giả KN từ Đại học Oregon, được nhiều trang Facebook phổ biến lại, đã cung cấp các chi tiết lịch sử như sau:
1) Lưu Vĩnh Phúc vốn là quân Thái Bình Thiên Quốc, bị triều đình Mãn Thanh đánh bại, chạy sang Việt Nam làm thổ phỉ, gây ra vô số tội ác cho dân chúng. Triều đình Huế không thể đánh dẹp, phải nhờ Mãn Thanh đánh giúp. Nhưng khi triều đình Mãn Thanh cử quân đội vào Việt Nam để đụng đầu với Pháp, quân đội triều đình Mãn Thanh đã thâu nạp luôn đội quân thổ phỉ Lưu Vĩnh Phúc, ban cho phẩm hàm triều đình, thay vì tiêu diệt nó.
2) Sách giáo khoa sử lớp 7 hiện nay ở Việt Nam dùng khái niệm “quân ta” để gọi Lưu Vĩnh Phúc, có đúng không?
3) Hiệp ước Pháp - Thanh 1885 mở ra trang sử mới của Việt Nam. Pháp xâm lược Việt Nam, rồi đột nhiên Mãn Thanh xuất hiện ký một hiệp ước quyết định số phận chúng ta.
4) Cuộc chiến Pháp -Thanh và sự thất bại của Việt Nam khi bị kẹt giữa hai siêu cường.
Từ những chi tiết lịch sử nêu trên, chúng ta thấy có hai vấn đề lớn cần được làm sáng tỏ trong một thời khoảng lịch sử kéo dài hơn 20 năm, đó là:
- Vị thế của thủ lãnh quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc trong quan hệ với triều đình Việt Nam và nhà Mãn Thanh; những hoạt động của họ Lưu trong cuộc kháng chiến chống Pháp và tiêu diệt các nhóm thổ phỉ của quân ta.
- Vai trò và vị thế của triều đình Huế trong cuộc chiến Pháp-Thanh dẫn đến hòa ước Thiên Tân 1885.
VỀ ĐIỂM I – Lịch sử Trung Quốc ghi nhận một biến động quan trọng vào năm 1849, khi một tổ chức có tên Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Toàn lãnh đạo nổi lên chống lại chính quyền nhà Mãn Thanh và chiếm giữ nhiều địa phương phía Nam sông Trường Giang. Triều đình nhà Thanh đã phải sử dụng đến nhiều tướng lãnh tài ba như Lý Hồng Chương, Tăng Quốc Phiên … mà mãi đến năm 1863 mới tiêu diệt được Thái Bình Thiên Quốc. Hồng Tú Toàn dùng độc dược tự tử, nhiều thuộc hạ cao cấp bị bắt giữ, một số người trốn thoát.
Một trong những thuộc tướng của Hồng Tú Toàn là Ngô Côn đã chạy sang Việt Nam, xin hàng phục triều đình vào năm 1868, song không lâu sau, lại trở mặt, đánh chiếm nhiều địa phương ở phía Bắc.
Tuy vậy, ngay trong thời gian đầu, đã có ba nhóm quân tách khỏi lực lượng của Ngô Côn gồm nhóm Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, nhóm Cờ Vàng của Hoàng Sùng Anh (sách Đại Nam Thực Lục chép là Hoàng Anh) và nhóm Cờ Trắng của Bàn Văn Nhị. Để có thể tồn tại, họ đánh phá nhiều tỉnh thành phía Bắc và cướp bóc tài sản của dân, gây rất nhiều tổn thất và xáo trộn trong sinh hoạt của dân chúng.
Ở điểm này, đã có sự nhầm lẫn quan trọng của cả sách giáo khoa tại miền Nam những năm trước 1975 lẫn các tài liệu phổ biến gần đây. Đó là sự đồng nhất hóa hoạt động của các nhóm thổ phỉ thuộc ba loại cờ kể trên. Thực tế lịch sử khác hẳn như thế. Theo những gì được ghi chép trong chánh sử, ngay từ trước tháng 2 âm lịch (AL) năm 1868, Lưu Vĩnh Phúc đã đem đạo quân Cờ Đen qui phục triều đình và đã lập công đánh giặc Mèo, được thưởng hàm bá hộ (Đại Nam Thực Lục – Tập VII - NXB Giáo dục – 2006, trang 1103).
Cũng trong thời gian đó, quan quân Việt Nam liên hệ với chính quyền Mãn Thanh, yêu cầu hội tiễu (phối hợp tiễu trừ thổ phỉ). Nhà Thanh đã cử Đề đốc Quảng Tây Phùng Tử Tài sang phối hợp cùng các tướng Việt Nam tiễu trừ không riêng gì các nhóm Cờ Vàng và Cờ Trắng mà còn nhiều nhóm giặc cướp khác hoạt động gần vùng biên giới hai nước. Viên tướng nhà Thanh này qua lại Việt Nam thường xuyên trong suốt 16-17 năm, với các mục tiêu phối hợp khác nhau, tùy vào tình hình mỗi thời điểm, song có điều là chưa bao giờ ông ta trực tiếp sử dụng lực lượng Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc và càng không bao giờ đề nghị triều đình nhà Mãn Thanh phong chức quan cho họ Lưu như nhận định của tác giả KN.
Trong suốt 15 năm trời đó (1868-1883), Lưu Vĩnh Phúc là thủ lãnh người Tàu duy nhất phục vụ cho đạo quân Việt Nam và nhận được sự phong chức hay ban thưởng từ triều đình nhà Nguyễn. Những ghi chép dưới đây của bộ Đại Nam Thực Lục đủ để minh họa những đóng góp công lao to lớn của họ Lưu trong một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử triều Nguyễn:
- Những năm 1869-1873, đạo quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc phối hợp với quân triều đình đánh vào tận sào huyệt nhóm Cờ Vàng của Hoàng Sùng Anh (ĐNTL – tập VII, trang 1189 – 1389)
- Tiêu diệt Đại úy Pháp Francis Garnier và một số sĩ quan, binh lính Pháp tại Ô Cầu Giấy, sau khi Pháp đánh chiếm thành Hà Nội ngày 20.11.1873.
- Lúc đầu, vua Tự Đức vẫn rất thận trọng khi sử dụng và khen thưởng Lưu Vĩnh Phúc, song sau những chiến công vang dội của ông, và căn cứ vào đề nghị của Thống đốc quân vụ đại thần Hoàng Tá Viêm, tháng 2 AL 1874, nhà vua quyết định phong họ Lưu làm Phó Lãnh binh, hàm tòng tam phẩm (Đại Nam Thực Lục – Tập VIII – 2007 – trang 18).
- Tháng 8 AL 1874, sau những trận đánh lớn nhằm tiêu diệt nhóm Cờ vàng của Hoàng Sùng Anh, Lưu Vĩnh Phúc được thăng Lãnh Binh, rồi Phó Đề đốc (tòng nhị phẩm) (Đại Nam Thực Lục – Tập VIII – trang 67,77).
Trong suốt những năm này, Hoàng Tá Viêm là người theo sát, điều động đạo quân Cờ Đen một cách có hiệu quả và đề nghị thăng thưởng cho họ Lưu xứng với công lao đóng góp của ông.
- Tháng 4 AL 1883, sau những năm tháng hết lòng phụng sự các mục tiêu do triều đình đề ra, với chiến công để đời là loại trừ ra khỏi vòng chiến Đại tá Pháp Henri Rivière, người đã đánh chiếm thành Hà Nội năm 1882, cùng nhiều sĩ quan, binh lính Pháp, Lưu Vĩnh Phúc được triều đình Huế vinh thăng Đề đốc, được ban mũ áo chánh nhị phẩm, và không lâu sau được phong tước Nghĩa Lương nam.
- Trước những thất bại về chiến thuật, Pháp mở cuộc tấn công lớn vào cửa Thuận An, trong một trận đánh mà Pháp chỉ có khoảng 10 người bị thương, còn phía Việt Nam có 1.200 lính tử trận và 1.500 người bị thương!(Nguyễn Phương – 82 năm Việt sử 1802-1884 – NXB Đại học Sư phạm Huế - 1963 – trang 129).
Đây là trận đánh mở đầu cho hòa ước Quý Mùi ngày 25.8.1883, sau khi vua Tự Đức đã thăng hà, và hai quan Phụ chánh Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết nắm hết mọi quyền bính trong triều. Bản hòa ước có ít nhất hai điều khoản quan trọng, đó là khoản 1 qui định việc Việt Nam công nhận quyền bảo hộ của Pháp, Pháp chủ trì các mối liên lạc giữa Việt Nam với nước ngoài, kể cả Trung Hoa; và khoản 23 nêu rõ “ nước Pháp sẽ một mình mang lấy trách nhiệm đuổi quân Cờ Đen ra khỏi Bắc Kỳ …” (Nguyễn Phương – sđd – trang 212, 215).
Khoản này của hòa ước như một nhát chém định mệnh lên cuộc đời của Đề đốc Lưu Vĩnh Phúc. Để thi hành văn kiện này, triều đình Huế buộc lòng phải rút các đạo quân chống Pháp ở rải rác các nơi về, và phải cách ly đạo quân của Lưu Vĩnh Phúc ra khỏi hệ thống quân triều. Và để có thể tồn tại, Lưu Vĩnh Phúc và đạo quân của ông đã phải chống Pháp trong tình trạng đơn độc trong suốt hai năm trời.
Sau hòa ước Thiên Tân ký vào tháng 6.1885 giữa đại diện chính quyền thực dân Pháp và đại diện triều đình nhà Mãn Thanh, mọi cơ hội tồn tại không còn nữa, Lưu Vĩnh Phúc giải thể đạo quân Cờ Đen và trở về Quảng Đông, sống tại thành phố Sán Đầu. Năm 1888, Đề đốc Trần Xuân Soạn trên đường sang Tàu tìm Tôn Thất Thuyết, có ghé nhà ông. Lúc ấy ông đã bỏ lại sau lưng những năm tháng nhiều kỷ niệm với vị tướng quân Việt Nam Hoàng Tá Viêm, một con người đầy tài năng và nhân cách. Trước sau gì, Lưu Vĩnh Phúc cũng chỉ là một quan lại Việt Nam trên danh nghĩa và trong thực tế lịch sử những năm tháng cam go nhất của đời ông.
Như vậy, việc sách giáo khoa lịch sử lớp 7 gọi lực lượng của Lưu Vĩnh Phúc là “quân ta” là không có gì sai sót như tác giả KN đã phê phán.
VỀ ĐIỂM II – Trước tiên cần khẳng định rằng sự hiện diện của lực lượng quân Mãn Thanh dưới quyền Đề đốc Quảng Tây Phùng Tử Tài từ năm 1868 đến ngày ký hòa ước Thiên Tân 1885 chẳng nhuốm màu sắc “xâm lược” nào, mà thực chất là thỏa thuận phối hợp để tiễu trừ các nhóm thổ phỉ phần lớn xuất phát từ lãnh thổ Trung Quốc.
Tất nhiên, mục tiêu sâu xa của nhà Thanh là muốn tiếp tục đưa Việt Nam vào quỹ đạo của mình mà không phải đụng chạm với Pháp.Thực dân Pháp cũng biết rõ điều đó nên tìm mọi cách để ngăn trở sự hợp tác Việt-Thanh. Khi phía Việt Nam bị thất bại nặng nề trong trận đánh Thuận An và buộc phải chấp nhận ký hòa ước Quý Mùi ngày 25.8.1883, Pháp cho đây là cơ hội tốt nhất để thực hiện ý đồ của họ. Bằng điều khoản số 1 của hòa ước, họ thành công trong việc tách rời Việt Nam ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc, song văn kiện này không có tác dụng gì đối với các đạo quân nhà Thanh còn đóng rải rác tại các tỉnh phía Bắc.
Về phía quân đội nhà Nguyễn, dựa vào sự hiện diện của quân Thanh và đạo quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, nhiều tướng sĩ không thu quân về theo lệnh triều đình mà tiếp tục chống Pháp. Nhiều cuộc đụng độ nổ ra giữa Pháp và các tổ chức kháng cự thuộc cà ba thành phần kể trên, trải dài trên các địa bàn Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Tuyên Quang. Sau nhiều cuộc tiếp xúc qua lại, ngày 11.5.1884, Trung tá Fournier, đại diện chính phủ Pháp, ký với Lý Hồng Chương, đại diện triều đình nhà Thanh, một định ước (được gọi là định ước Fournier), trong đó điều khoản chủ yếu nêu rõ cam kết của quân Thanh rút khỏi lãnh thổ Việt Nam và công nhận việc Pháp bảo hộ Việt Nam.
Nhận được lời cam kết của phía nhà Thanh trong hòa ước Fournier, Pháp vẫn chưa yên tâm, lại áp lực phía Việt Nam ký tiếp hòa ước Giáp Thân ngày 6.6.1884 (còn gọi là hòa ước Patenôtre, người đại diện về phía Pháp), khẳng định một lần nữa việc từ bỏ hoàn toàn mọi quan hệ đối ngoại, đặc biệt với nhà Thanh. Trong ngày ký hòa ước, hai bên mang chiếc ấn quốc vương nhà Thanh đã cấp cho vua Gia Long năm 1804 ra nấu chảy (chuyện này đã được đề cập trong một bài viết riêng).
Mọi việc tưởng như đã kết thúc, không ngờ sau đó còn tệ hại hơn: khi quân Pháp lên tiếp quản các thành lũy tại Lạng Sơn, Cao Bằng …theo tinh thần định ước Fournier thì nảy sinh sự bất đồng giữa hai bên và xung đột tiếp tục nổ ra. Cuộc chiến Pháp-Hoa mở rộng và kéo dài, những tổn thất của phía Pháp làm rúng động Paris, những bất đồng nội bộ khiến nội các Jules Ferry phải từ chức. Pháp đã chọn lựa biện pháp trả đũa bằng cách đánh lấy thủ phủ Phúc Châu của tỉnh Phúc Kiến và bao vây đảo Đài Loan của Trung Quốc.
Cuối cùng thì hai bên cũng đi đến một sự dàn xếp với sự nhân nhượng lẫn nhau, thể hiện qua hòa ước Thiên Tân 1885, trong đó, nhà Thanh công nhận hoàn toàn quyền bảo hộ của Pháp đối với Việt Nam, rút quân về nước, phía Pháp không đòi bồi thường binh phí như đã đòi, hai bên sẽ xác định lại đường biên giới Việt-Hoa… Đến lúc đó, cuộc chiến Pháp-Thanh mới thực sự kết thúc.
Chính hòa ước này đã ngăn cản mọi nỗ lực các nhà ái quốc Việt Nam, từ Tôn Thất Thuyết đến Phan Bội Châu, nhằm vận động sự hỗ trợ của nhà Thanh cho công cuộc phục hồi nền độc lập của xứ sở.
Những sự kiện nêu trên cho chúng ta thấy ít nhất 2 sự thật:
- Chẳng có sự “xâm lược” nào ở đây hết. Quân nhà Thanh đã có mặt ở miền Bắc từ năm 1868, theo yêu cầu của phía Việt Nam để phối hợp tiễu trừ các nhóm thổ phỉ từ lãnh thổ Trung Quốc xâm nhập vào nước ta. Trong suốt 15-16 năm, họ thường xuyên vào ra biên giới hai nước nhiều lần trong mục tiêu phối hợp đó. Các cuộc đụng độ đã xảy ra giữa quân Pháp và các nhóm quân Thanh có mặt từ lâu tại miền Bắc, chủ yếu để buộc nhà Thanh phải công nhận quyền bảo hộ của Pháp đối với Việt Nam, một vấn đề mà chính nước chủ nhà đã thỏa thuận bằng một hòa ước chính thức.
- Khi các biến động diễn ra dẫn đến hòa ước Thiên Tân 1885 giữa hai nước Pháp-Hoa, Việt Nam đã nằm gọn trong vòng tay bảo hộ của Pháp, mọi việc đối ngoại đều do Pháp quyết định, không có chuyện “đột nhiên Mãn Thanh xuất hiện ký một hiệp ước quyết định số phận chúng ta”. Số phận chúng ta đã được chúng ta quyết định từ hòa ước Giáp Thân 6.6.1884 rồi!
Lê Nguyễn
19.12.2019
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét