Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2019

Luân Lê: KHÔNG THỂ XEM NỔI PHIM VIỆT

 
KHÔNG THỂ XEM NỔI PHIM VIỆT

Luân Lê
 
Nghe những lời thoại và xem các hoạt cảnh phim Việt, các nhân vật được nhận diện như những con búp bê đọc lời thoại. Nó ngô nghê, cứng đơ, hời hợt, tủn mủn, ngôn từ nghèo nàn, rời rạc, thậm chí là đảng hoá tới mức kỳ quái.

Xem phim Việt như xem mấy bức tranh hoạt hoạ. Phim quanh chuyện đàn ông đàn bà gạt nhau, bồ bịch, đánh ghen, phá đám hạnh phúc, nàng dâu mẹ chồng, bếp núc, gái điếm...nội dung các câu chuyện lẫn lời thoại như mấy đứa trẻ nói chưa sõi vậy, nhưng không phải trẻ phương Tây đâu, vì chúng giao tiếp hay hơn nhiều.

Phiên toà ở cái phim Sinh Tử đúng đặc chất Việt Nam, cứ thế mà đọc, mà khai, mà kết tội, không có chút gì học thuật, không kịch tính, chẳng có diễn biến gì mang tính luật pháp hay công lý. Trông thảm hại đến cùng cực. Nó làm gì có tính chất nào của một chu trình tố tụng hình sự khoa học - nó như một cuộc họp có trên có dưới với phẩm chất Xã hội chủ nghĩa vậy. Thẩm phán ngồi thỉnh thoảng lại gọi cảnh sát tư pháp vào làm việc giữ trật tự phiên toà. Kiểm sát viên đọc cáo trạng như là máy đọc chữ. Bị cáo cứ răm rắp, khúm núm nhận tội như phận con kiến, một phẩm tính đặc trưng xứ An Nam.

Nhất là các cuộc thoại và liên kết hoạt cảnh trong phim, buồn cười lắm.

Lối giao tiếp người Việt là bằng ngôn từ trực quan, thẳng vào cái đang nói, nên nó không có gì để phải diễn đạt và cũng không cần phải sâu sắc hay mang nhiều tầng ý nghĩa. Thành ra câu chuyện đơn điệu, tẻ nhạt, nông cạn và dễ hết chuyện. Những ngôn từ, cách hành văn, không làm cho người ta phải suy nghĩ nhiều, không gợi mở ra được phạm vi và đối tượng khác - nó không thể trả lời theo cách dùng cái thứ ba, gián tiếp hoặc nhảy bước, cách đoạn. Chính vì điều này, nó thể hiện đặc trưng rằng, tư tưởng của xã hội nghèo nàn và đơn điệu, và đương nhiên rồi, nó dẫn tới bị chậm tư duy và trễ về sự phát triển.

Ví dụ:

Nhân viên hỏi bạn khi tới uống cà phê: Chắc anh làm việc gần đây phải không?

Thay vì thông thường người Việt sẽ đáp “Cũng không gần lắm” hoặc “Anh ở cách một vài ngã tư”, ta có thể trả lời: Khoảng cách không phải là vấn đề. Nó vừa hàm ý cà phê ngon (vì khiến người ta không coi khoảng cách là một trở ngại), nó vừa trả lời gián tiếp về nơi làm là xa quán này, vừa gợi mở về một người nhiệt tình ủng hộ thứ gì đó khi người trả lời đã thích thú.
__________
 
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng có 2 câu thơ nói về điện ảnh nước mình, rất hay:
 
Ngồi buồn cởi cúc xem chim
Còn hơn vào rạp xem phim nước mình!
 

2 nhận xét :

  1. Ngồi buồn cởi cúc xem chim
    Còn hơn mở máy xem phim truyền hình.

    Trả lờiXóa
  2. Hai câu thơ trong bài là của Trần Bảo Sinh được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đưa vào đầu một chương trong truyện Tuổi hai mươi yêu dấu! Tâm của Khoa không viết được những câu thơ như vậy!

    Trả lờiXóa