Thứ Tư, 13 tháng 11, 2019

GIÁO VIÊN ĐANG BỊ “MÓC TÚI”


GIÁO VIÊN ĐANG BỊ “MÓC TÚI”

Đỗ Huy Tấn

Theo quy định, giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp mới được xét thăng hạng, được hưởng lương đúng như bằng cấp mà họ đang có. Quy định này có nhiều bất cập đang gây bức xúc cho giáo viên phổ thông hiện nay, bởi đại đa số giáo viên làm trong môi trường không sử dụng ngoại ngữ thường xuyên nhưng lại yêu cầu họ phải có chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng ở Việt Nam. Với nhiều giáo viên, để có được chứng chỉ này còn khó hơn cả thi đại học. Đây chính là lý do mà họ phải tìm mọi cách, kể cả gian lận, chấp nhận sự “dối trá” để có được chứng chỉ. “Có cầu ắt có cung”, thời gian qua, các loại “cò bằng cấp”, “cò chứng chỉ” đã xuất hiện và có “đất” để trục lợi. Tình trạng chứng chỉ “thật – giả” xuất hiện tràn lan, qua các “cò” cũng nhiều loại giá cả khác nhau. Một cảnh “chợ trời” diễn ra không kém phần sôi động trong dịp hè nóng bỏng vừa qua, với những tình huống dở khóc, dở cười của nhiều giáo viên mà không sao kể hết.

Đặc biệt, tình trạng “chứng chỉ thật”, nhưng “học giả” đã diễn ra ở rất nhiều nơi (do các Phòng giáo dục cấp huyện, thị tổ chức cho giáo viên MN, TH, THCS). Chỉ học tập trung vài ba ngày mà biết được ngoại ngữ, tin học ư? Sự khốn nạn nằm ở chỗ, chỉ học cấp tốc vài ba ngày mà mức “học giá” theo hướng “tính đúng, tính đủ” (giá dịch vụ đào tạo) đến cả 1 tháng lương cho 1 chứng chỉ với giáo viên có mức lương thấp, (ví dụ ở TP. CL học giá là 3 triệu đồng/1 chứng chỉ). Nhà giáo vốn dĩ đồng lương đã ít ỏi, khó sống nay lại mất thêm khoản chi phí không cần thiết này thì khó khăn lại thêm chồng chất. Thử hỏi, các nhà giáo có thể hít khí trời, uống nước lã để tận tâm với nghề được không? Làm sao đòi hỏi nâng cao chất lượng giáo dục? Cứ đà này GDVN sẽ còn tiếp tục đi xuống, vốn đang bung bét và từ lâu đã lắm hệ lụy. 

Ngoài ra, còn sự bất công khác: Thông tư số 13/2019/TT- BGDĐT “Không yêu cầu ngoại ngữ với lãnh đạo, mà chỉ bắt buộc với giáo viên”, đây rõ ràng là buông với lãnh đạo nhưng bắt buộc với giáo viên càng làm cho các nhà giáo phẫn nộ bởi sự phân biệt đối xử không công bằng này. 


Tôi thiết nghĩ, không bàn về sai lầm của mô hình GDVN hiện nay mà chấp nhận hiện tại thì chuẩn hóa đội ngũ giáo viên là chủ trương đúng, nhất là khi chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế. Nhưng với các quy định yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học như hiện nay, để xét, thi thăng hạng giáo viên là chưa phù hợp với thực tiễn, rất cần phải xóa bỏ ngay. Đề nghị Bộ GD&ĐT yêu cầu những nơi và những cơ sở đào tạo đã thu tiền và cấp chứng chỉ này cần phải hoàn trả tiền ngay cho giáo viên, bởi bây giờ có xóa bỏ hai loại chứng chỉ đó thì họ đã trục lợi bội tiền. Muốn chuẩn hóa đội ngũ thì phải có lộ trình dài hạn. Trong thời gian tới cần yêu cầu cử nhân sư phạm, trước khi làm giáo viên phải đạt được yêu cầu gì, chứ không phải đề ra quy định rồi yêu cầu các giáo viên thực hiện ngay. Ngoài ra, muốn chuẩn hóa giáo viên, phải chuẩn ngay từ khâu đào tạo ở các trường sư phạm. Thứ nữa, không nên coi giáo viên như một viên chức đơn thuần, để họ bị chi phối bởi các quy định của Luật Viên chức về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, thi nâng ngạch, thăng hạng. Cái thứ quy định này chưa thấy hết và không khuyến khích được sự cống hiến, đóng góp của thầy cô giáo với sự nghiệp “trồng người”.

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2019
Đ.H.T

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét