Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

TỰ VẤN


Tự vấn

Lê Học Lãnh Vân

1) Sự việc chiếc xe với 39 thi thể chết vì lạnh cóng và thiếu không khí rúng động thế giới. Trong số người chết, tới nay gần như biết chắc có 11 người Việt Nam.

Sự việc quá thương tâm khiến mọi người chú ý. Nhưng, việc di dân bất hợp pháp của người Việt đã xảy ra từ lâu. Không kể đợt thuyền nhân lớn nhất và chấn động thế giới trước và sau năm 1980, trong vòng chục năm lại đây, số người Việt di dân sang Úc, phương Tây vẫn liên tục cho dù hoàn cảnh đi và cơ hội ở lại rất khó khăn. Và nhìn quanh, Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân… có bao nhiêu người Việt bán sức lao động không hợp pháp bên đó?

Xin đừng ai nhắm mắt trước thực trạng này bằng cách cho rằng quốc gia nào mà không có di dân bất hợp pháp. Đúng, nước Anh vẫn có xâm nhập lãnh thổ quốc gia khác bất hợp pháp, như trường hợp gia nhập IS. Đứng trong lãnh vực liên hệ tới kinh tế, không cần viện dẫn các con số chính thức công bố, bạn cũng thấy đại đa số di dân này tới từ những nước như Bangladesh, Pakistan hay các nước Bắc Phi… những quốc gia mà tài nguyên thiên nhiên không tương đương với dân số, hoặc bị chiến tranh tàn phá. Hiện nay, Việt Nam nằm trong danh sách nước có di dân nhiều và số di dân tăng nhanh dù Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Hơn nữa, trước ngày đất nước thống nhất, Việt Nam không có di dân bất hợp pháp.

2) Về mặt tài nguyên thiên nhiên, Việt nam là xứ sở giàu có và đa dạng. Từ giữa thập niên 1980 tới thập niên 2000, trong vòng hai mươi năm có cơ hội làm việc tại nhiều quốc gia, đi đâu tôi cũng nghe nói về sự giàu có tài nguyên của nước Việt. Một số người làm việc tại các Công ty như Hoffman La Roche (dược), Roussel (dược), DuPont (hóa chất), Shell (dầu)… khi nhớ về thời gian được bổ nhiệm tại Sài Gòn thập niên 1960, đều có kỷ niệm về một vùng đất giàu có, xinh đẹp, hiền hòa, văn minh… Người viết bài này, trong thời gian ở Pháp, từng tới những gia đình có cha mẹ xưa kia sống và làm việc tại Hà Nội, trong nhà họ còn những album lưu giữ kỷ niệm một quãng đời không quên!

Đi đâu tôi cũng nghe nói về gương thành công của người Việt ở nước ngoài. Và trong vòng mười lăm năm nay, tôi cũng nghe nói không ít về pháp luật hiện tại trong nước không bảo đảm cho đời sống bình thường của người dân, không bảo đảm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Pháp luật theo nghĩa luật thành văn và sự phân xử của tòa án.

3) Từ ngày 25/10/2019, khi trên Phây dẫn các tờ báo nước có uy tín nước ngoài viết về sự việc, bên cạnh các bộc lộ đau đớn, thương cảm, cho tới nay tôi gặp không ít những bình phẩm (còm) đại loại như ba còm dưới đây:

a) Những người đi tìm nơi sướng, giờ trách ai!, b) Số phận của những người chối bỏ quê hương!, hay, c) Sính ngoại thì trả giá thôi!

Đọc những bình phẩm đó, tôi nghe buồn rũ! Mỗi người có những mục tiêu, lý do khác nhau để đi, người ngoài chưa chắc biết được. Ngay cả khi chấp nhận rằng họ dại dột, họ đã phải trả giá quá đắt rồi, lòng nào trách móc nhau như vậy, lúc này!

Riêng phần tôi, cảm xúc bao trùm là thương xót, thương tới quặn lòng, ngẩn ngơ! Sau đó là Lo Lắng cho tương lai. Và tiếp theo là Tự Vấn.

Đúng là đứng từ góc độ cá nhân, việc cá nhân gây ra, cá nhân phải hứng chịu hậu quả. Nhưng mà, tại sao các đồng bào phải chọn đường đi khủng khiếp đó? Việc đi theo kiểu rất nguy hiểm này là theo đường dây hàng trăm người. Không chỉ tới Anh mà còn tới nhiều nước khác. Không chỉ bây giờ mà đã từ 40 năm trước! Đây là sự việc có tầm xã hội, chính trị quốc gia. Cần giải quyết vấn đề trên tầm đó! Để công dân lâm vào hoàn cảnh như vậy, quốc gia có lỗi!

4) Trong lỗi đó của quốc gia, trách nhiệm lớn nhất và trực tiếp nhất là chính quyền. Bốn mươi bốn năm cai trị đất nước bằng sự lãnh đạo toàn diện và quản lý tuyệt đối, theo nghĩa là không có tam quyền phân lập và không có xã hội dân sự độc lập (cả các hội đoàn chuyên môn cũng, về thực chất hoạt động, trực thuộc chính quyền), thì chính quyền phải có trách nhiệm toàn diện.

Chính quyền nào cũng có trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ, phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa. Chính quyền nào cũng có trách nhiệm nâng cao dân trí. Chính quyền nào cũng có trách nhiệm xây dựng xã hội ấm no và bảo vệ môi trường sống an lành cho dân…

5) Theo những gì tôi hiểu, không ít người ở Việt Nam đã thấy hiện trạng.

Hiện trạng đó là đạo đức suy đồi. Suy đồi tới cả những giá trị rất cốt lõi của dân tộc Việt như lòng Nhân Ái, tính Trung Thực, tình Ái Quốc và quyết tâm bảo vệ lãnh thổ vẹn toàn.

Hiện trạng đó là an toàn và an sinh xã hội không được quản lý tốt. Những mặt có tính sinh tồn của dân tộc, quốc gia đều vượt ngoài năng lực quản trị của quốc gia. Buôn lậu, tham nhũng đều “rất phức tạp và khó kiểm soát”. Chủ quyền lãnh thổ đang chịu uy hiếp nặng nề. Sự an toàn môi trường sống như nước và không khí đã cho thấy các lỗ hổng chết người. Tài chánh, kinh tế, đầu tư FDI, nền sản xuất trong nước… Hàng Việt đang chết trên sân Việt. GDP tăng, xuất khẩu tăng, nhưng phần lớn lợi quốc gia chỉ tăng ở nấc gia công trên dây chuyền giá trị! Tăng trên phân khúc FDI…

6) Hoàn cảnh này, chắc rất nhiều người Việt, cả trong dân chúng lẫn trong chính quyền, muốn có một sự cải tiến mạnh mẽ, muốn có một chính quyền hữu hiệu để đưa quốc gia bứt phá vượt lên xứng đáng với tiềm năng của dân tộc. Tuy nhiên, tới giờ, ngoại trừ vài cải tiến chưa xứng tầm, hình như Việt Nam vẫn còn lay hoay trong “cái hộp” của mình.

Tôi tin rằng để ra khỏi “cái hộp” đó, cần sự hợp tác thành tâm của hai phía, chính quyền và dân chúng. Nói dân chúng là muốn nói thành phần dân chúng tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội.

Về phía dân chúng, người viết, một người hoàn toàn thuộc về dân chúng, xin tự đặt và đặt nhau một số câu hỏi:

6a) Làm sao để dân chúng thuyết phục được chính quyền về lợi ích của một nền chính trị dân chủ và minh bạch cho đất nước?

6b) Làm sao để dân chúng thuyết phục được chính quyền an tâm về một sự thay đổi êm thấm, có thể dựa vào dân mà không sợ bạo loạn lúc giao thời?

6c) Làm sao dân chúng thuyết phục được đa số cùng vào cuộc, tích cực tham gia?

Theo tôi, người Việt cần tìm nguyên nhân và giải pháp cho các câu hỏi trên từ ngay tính cách, mục tiêu, phương pháp của dân chúng.

Ba câu hỏi trên là ba vấn đề (issues) quan trọng, mà nếu tìm được câu trả lời, giải pháp hữu hiệu, dân chúng sẽ tiến gần chính quyền hơn, sẽ có ảnh hưởng trên việc xác định các mục tiêu chiến lược cho quốc gia, đất nước lần lần sẽ thoát khỏi “cái hộp” của chính mình… Xin đừng ai cho rằng các câu Tự Vấn trên là nhằm đá trách nhiệm về Dân mà “quên” trách nhiệm của chính quyền. Không phải vậy, chỉ là lúc này bài viết muốn nói tới dân chúng, cái nguồn của chính quyền! Chẳng phải, vấn đề chánh quyền cũng là một trách nhiệm của dân chúng đó sao?

Các đồng bào đã thiệt mạng trong đau đớn và kinh hoàng. Tôi xin thắp ngọn nến, cây nhang khóc thương. Tôi cũng cảm thấy ấm lây khi nhìn người Anh thắp nến, đặt hoa khóc thương các bạn. Được hung tin sáng ngày 25/10, tôi đợi tới hôm nay mới viết bài này. Để nước mắt lòng bớt ràn rụa, để tâm tình bớt xáo trộn mỗi khi đọc lại những dòng nhắn tin của Trà My…

Ba câu hỏi nêu trên chính là ba câu TỰ VẤN sau thảm trạng. Tôi đã làm gì, các bạn tôi đã làm gì? Thế hệ tôi đã làm gì để các bạn, tuổi con, em chúng tôi phải chết đau đớn, tức tưởi trong xe đông lạnh? Chúng tôi sắp hết tuổi hoạt động, thời gian còn sót lại chúng tôi sẽ còn làm được gì để thế hệ các em, các cháu không còn số phận bi thảm?

Xin lỗi các em. Xin lỗi các con!

Ngày 27 tháng 10 năm 2019

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét