Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

PHÂN VÙNG KHU VỰC VÀ ĐỊNH HÌNH VĂN HOÁ


PHÂN VÙNG KHU VỰC VÀ ĐỊNH HÌNH VĂN HOÁ

Luân Lê
Có một số người, mà đặc là người phía Bắc, có cái tính bảo thủ và tự ái cao ngút trời, chỉ thích xu nịnh những lời lọt tai, lời trái nhĩ là gay gắt chống lại và thậm chí tấn công nó ngay, bất cần biết đúng sai hay có hợp lý không.


Xin thưa, viết về Văn hoá người Việt, xưa cách đây 100 năm có cụ Phan Chu Trinh viết đúng đến mức kinh ngạc về thói hư tật xấu người Việt, cũng như giáo sư Đào Duy Anh tổng kết tính nết chung của người Việt tại trang 5-6 của Việt Nam Văn Hoá Sử Cương vậy.

Ông Paul Doumer người Pháp (cố toàn quyền Đông Dương) viết về dân An Nam; nhà nghiên cứu văn hoá người Nhật cách đây khoảng hơn nửa thế kỷ viết về thói sinh hoạt bẩn thỉu, ăn cay và mặn, luộm thuộm và làm việc thiếu khoa học...của dân xứ Việt ta không thể nào bác bỏ được. Nó vẫn đúng đến bây giờ.

Người Pháp nghiên cứu thổ nhưỡng và tập quán từng vùng và từ đó chia ra ba Kỳ để cai trị và mỗi Kỳ một đạo luật riêng, với cách xây dựng kiến trúc, phát triển nông lâm nghiệp riêng. Tập tính (tạo thành nhiều tầng văn hoá) người dân mỗi vùng ảnh hưởng bởi điều kiện môi trường sống (địa lý, thời tiết, thổ nhưỡng, chủng tộc, lịch sử...). Như Huntington (trong Sự va chạm giữa các nền văn minh) còn nhấn mạnh rằng các cuộc chiến tranh trên thế giới này xảy ra là do khác biệt, xung đột về văn hoá chứ không phải các vấn đề khác.

Phải nói người Bắc tính bảo thủ quá cao và tính tự ái cũng như vậy, họ tỏ ra hiếu khách nhưng lại ít cởi mở, khéo léo bên ngoài nhưng dò xét bên trong. Thành ra họ sống cảm tính (duy cảm) hơn mà ít duy lý (lý tính). Họ trọng tình cảm, nhưng thiếu lý lẽ, dễ nổi nóng nhưng cũng dễ khuất phục trước quyền uy (ảnh hưởng từ văn hoá nho giáo).

Việc thường xuyên chiến tranh với phương Bắc và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt (4 mùa khác nhau, khác cơ bản so với miền Nam chỉ có nắng và mưa), việc ảnh hưởng của khí hậu cũng được Montesquieu chỉ ra nó ảnh hưởng thế nào tới tâm tính chính trị của cộng đồng nơi đó, là những yếu tố quan trọng tạo nên văn hoá vùng, khu vực mà nó cần được xem xét.

Sau đây xin trích ra 10 điều bi ai mà cụ Phan đã chỉ ra cách đây cả trăm năm trước mà nó vẫn đúng tới bây giờ.

1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.

2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.

3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.

4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.

5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.

6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.

7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.

8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.

9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.

10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v…

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét