Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2019

Vụ Cháy ở Hà Nội: HÀNH XỬ LẬP LỜ - LẤP LIẾM - VÔ CẢM - DỐI TRÁ

Vụ cháy nhà kho Công ty Rạng Đông không chỉ là một sự cố cháy nổ thông thường, 
mà là một sự cố nghiêm trọng về môi trường

Từ vụ cháy kho Rạng Đông: 
Lộ cách hành xử lập lờ, lấp liếm và vô cảm!
 
Báo Giao thông
31/08/2019 16:48

Phản ứng của các đơn vị, cơ quan có trách nhiệm trước vụ cháy nhà kho Rạng Đông thể hiện sự chậm chạp, lấp liếm, vô cảm với sức khỏe người dân. 
 
Đến thời điểm này, có thể khẳng định, vụ cháy nhà kho Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) không chỉ là một sự cố cháy nổ thông thường, mà là một sự cố nghiêm trọng về môi trường!

Ấy vậy nhưng phản ứng của các đơn vị, cơ quan có trách nhiệm trước sự cố này khá chậm chạp, thậm chí lập lờ, lấp liếm.

Trách nhiệm đầu tiên để xảy ra vụ cháy là Công ty Rạng Đông. Hơn ai hết, Rạng Đông biết rõ khối lượng, thành phần hoá chất trong kho hàng của mình, mối nguy hại khi lượng hoá chất này bị rò rỉ ra môi trường trong và sau vụ cháy. Vậy nhưng kể từ khi đám cháy xảy ra, doanh nghiệp này không có bất cứ một khuyến cáo nào để bảo vệ cán bộ công nhân viên của mình, lực lượng tham gia PCCC, các phóng viên tác nghiệp hiện trường và người dân quanh khu vực đám cháy.

Chỉ đến chiều 30/8, sau khi truyền thông tràn ngập thông tin cảnh báo nguy cơ ngộ độc hoá chất, đặc biệt là thuỷ ngân, Rạng Đông mới có văn bản gửi quận Thanh Xuân bác bỏ lo ngại này. Tuy nhiên, văn bản của Rạng Đông được cho là lập lờ, lấp liếm khi viết rằng “đã nghiên cứu sử dụng loại Amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ 2016”. 
.
 
Các chiến sỹ PCCC không được cảnh báo nguy cơ ngộ độc hoá chất để được
 phòng hộ an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ

Trong khi đó, theo các chuyên gia, Amalgam thực chất là hỗn hợp của thủy ngân và kim loại khác, trong đó thủy ngân là thành phần chính, chiếm từ 50-70% trong hỗn hợp đó. Việc dùng viên Amalgam chỉ có tác dụng an toàn khi bóng đèn bị vỡ, thủy ngân được bọc trong kim loại nên không bay hơi còn khi đã cháy, chất kịch độc này vẫn bị phát tán ra ngoài.

Sự xem nhẹ sức khoẻ, an toàn con người của Rạng Đông cũng được thể hiện trên chính văn bản của công ty này khi cho biết: Chỉ một ngày sau vụ cháy ngày 28/8, tất cả cán bộ công nhân viên tham gia chữa cháy đã đến công ty thu dọn và chuẩn bị cho sản xuất. Ngày 30/8, các xưởng sản xuất của công ty đã bắt đầu trở lại sản xuất bình thường, công nhân lao động đảm bảo sức khỏe.

Một vụ cháy kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ với rất nhiều hoá chất bị rò rỉ, phát tán ra không khí, đất, nước, môi trường như phân tích trên, Bộ TN-MT khuyến cáo người dân có việc cần thiết (cực chẳng đã) phải đi qua khu vực xảy ra vụ cháy cần lo phòng hộ. Song Rạng Đông đã ngay lập tức cho người lao động làm việc trở lại - là hành động vội vã, phi khoa học, coi thường sức khoẻ, an toàn cho cán bộ công nhân viên của mình. 
.
 
Hàng chục phóng viên tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường vụ cháy đã phải đi khám, 
xét nghiệm sau khi xuất hiện triệu chứng đau đầu, khó thở, buồn nôn...

Phản ứng của các cơ quan chức năng khác cũng thể hiện sự chậm trễ, thụ động. Cho đến hôm qua, 30/8 - gần 2 ngày sau khi sự cố cháy nổ nghiêm trọng xảy ra, cơ quan TN-MT, Y tế mới tiến hành quan trắc môi trường, lấy mẫu xét nghiệm và đến sáng nay, 31/8, Bộ TN-MT mới có khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ sức khoẻ.

Trong vụ việc này, cơ quan đầu tiên nhìn nhận vụ cháy dưới góc độ sự cố môi trường là UBND phường Hạ Đình khi chiều 29/8 có thông báo, hướng dẫn người dân xử lý môi trường, bảo đảm sức khoẻ, an toàn. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khuyến nghị của phường Hạ Đình là cần thiết, đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của sự việc.

Nếu không có thông báo ấy, phần lớn người dân vẫn yên tâm mẹ đi làm, con tới lớp, thậm chí những phụ nữ mang thai vẫn yên tâm sử dụng rau quả, thực phẩm, nước uống được nuôi trồng quanh khu vực đám cháy.

Nếu không có thông báo ấy, các cơ quan báo chí có thể cũng chưa toả đi phỏng vấn các chuyên gia về y học, hoá học, vật lý, môi trường... về nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân và nhiều loại hoá chất độc hại khác của Rạng Đông. Hàng chục phóng viên tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường vụ cháy chưa chắc tìm đến BV Bạch Mai khám, xét nghiệm dù xuất hiện triệu chứng đau đầu, khó thở, buồn nôn...

Ấy vậy nhưng chiều qua, 30/8, UBND quận Thanh Xuân thông tin: Phường Hạ Đình đã thu hồi khuyến cáo, với lý do “văn bản này được ban hành không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở”. 
.
 
Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ hoá chất độc hại bị rò rỉ, phát tán ra không khí, đất, nước, môi trường sau vụ cháy kho Rạng Đông

Thay vào đó, quận này thông báo: Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội đã lấy mẫu nước thải, nước sinh hoạt, không khí, bụi, đất phân tích, đánh giá chất lượng môi trường và đều cho kết quả bình thường. Kiểm tra nhanh của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) về các chỉ số chì, kim loại nặng cũng cho thấy trong ngưỡng cho phép.

Nhưng thật khôi hài khi chính Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế và Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT phủ nhận cung cấp kết quả quan trắc cho quận Thanh Xuân, bởi vẫn đang trong quá trình phân tích.

Thậm chí, báo Dân Việt còn đưa tin, Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân (Hà Nội) Lê Mai Trang cho biết, UBND quận đã kiểm điểm nghiêm khắc đối với UBND phường Hạ Đình vì đã ban hành văn bản vượt quá thẩm quyền và chưa đủ cơ sở, khiến người dân hoang mang, lo lắng.

UBND phường là cơ quan quản lý hành chính, chịu trách nhiệm mọi mặt trên địa bàn quản lý, nên việc ban hành văn bản khuyến cáo, hướng dẫn như phường Hạ Đình là đúng thẩm quyền. Thông tin từ Bộ TN-MT sáng nay 31/8 một lần nữa khẳng định khuyến cáo của phường Hạ Đình là kịp thời. Tại sao quận Thanh Xuân lạị vội vã kiểm điểm cơ quan này?

Lý do kiểm điểm vì khiến người dân hoang mang, lo lắng thật vô lý.

Nguy hiểm của một thảm hoạ ô nhiễm hoá chất không phải ở chỗ hoang mang hay không, mà là bao nhiêu người có thể bị ảnh hưởng sức khoẻ.

Động thái của UBND quận Thanh Xuân cũng như của Công ty cổ phần phích nước Rạng Đông cho thấy sự lập lờ, thiếu trách nhiệm, vô cảm với sức khoẻ, an toàn tính mạng của người dân.

Nếu UBND Quận Thanh Xuân không đủ trình độ, kinh nghiệm ứng phó với sự cố nghiêm trọng này, chính quyền TP phải nhanh chóng vào cuộc, có chỉ đạo rốt ráo, không thể chậm hơn được nữa. Sức khỏe của người dân không phải là thứ có thể phản ứng chậm chạp, thờ ơ như vừa qua. 
 
Xuân Thu
 

6 nhận xét :

  1. UBNN phường hạ đình phản ứng rất đúng rất nhanh trước vụ cháy , đáng lẽ phải khen thưởng .các cấp bộ liên quan nói sau nghỉ lễ mới công bố mức đôn nhiễn độc tức là gần 1 tuần sau , 1 tuần ấy bao nhiêu người đã nhiễn độc ? chỉ trong nauwr ngày là phải xét nghiệm và công bố giải pháp để cứu giúp người dân sao phải để 1 tuần

    Trả lờiXóa
  2. Phó chủ tịch LÊ MAI TRANG nổi tiếng vụ đậu xe ở đường cấm, còn đe dọa người dân Thanh Xuân. Sao không thấy bị kỷ luạt nhỉ?

    Trả lờiXóa
  3. Bà Vương Thị Vân Khánh, Chánh văn phòng UBND quận Thanh Xuân thông báo thu hồi văn bản khuyến nghị của phường Hạ Đình. Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam bày tỏ, ông “rất bất ngờ” trước động thái thu hồi văn bản của chính quyền phường Hạ Đình vì “Thông báo phát đi rất kịp thời, không có gì sai cả. Văn bản do chính quyền phường ban hành nhưng tôi nghĩ nội dung đã được cơ quan chuyên môn tư vấn bởi các khuyến cáo đưa ra trong đó tương đối chính xác và chi tiết, thể hiện kiến thức chuyên môn. Người soạn thảo nhìn thấy rõ nguy cơ, đây không phải một vụ cháy thông thường.”

    Trả lờiXóa
  4. Thì vưỡn "đúng quy trình", và "ngưỡng cho phép" hay "chỉ số cho phép" từ hồi nẫm đến giờ. Có chết thằng tây nào chưa mà cứ la toáng hết cả lên!

    Trả lờiXóa
  5. Lũ lợn ghẻ coi đồng tiền trên trăm ngàn sinh mạng, sức khỏe người dân, trong đó có những người liều mạng chừa cháy cho công ty của chúng.
    Lũ lợn này có trong chính quyền quận và thành phố Hà Nội.

    Trả lờiXóa
  6. Thành phố đáng sống... mòn.

    Trả lờiXóa