Nhìn sang Thái Lan: Lò hỏa thiêu nhỏ tại các Chùa một mô hình đáng quan tâm cho Việt Nam
Bài của Kami
Bữa rồi tôi đã mời bạn bè đi uống cafe tại một quán nổi tiếng nằm giữa một… cánh đồng lúa ở ngoại ô. Trong câu chuyện, một anh bạn có đưa ra một nhận xét cho rằng, ruộng lúa ở Thái Lan không có những ngôi mộ như đồng ruộng ở Việt Nam, nên rất tiết kiệm diện tích canh tác. Đồng thời anh bạn cũng gợi ý cho tôi viết về chủ đề này, với mục đích nhằm khuyến khích việc hỏa thiêu thi thể người đã khuất, thay vì tập quán mai táng chôn cất đang rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay.
Thực ra việc hỏa thiêu thi thể người chết ở các đô thị tại Việt Nam không phải là vấn đề mới, ngay từ đầu thập niên 1990 ở Việt Nam cũng đã có một vài điểm dịch vụ hóa thân “hoàn vũ”. Đa phần những lò thiêu này là ở các tỉnh phía Nam, tại Hà Nội là nơi đầu tiên ở Miền Bắc có dịch vụ này đó là Đài hóa Thân Hoàn Vũ ở Nghĩa trang Văn Điển, nơi dành cho những người có nguyện vọng được hỏa thiêu.
Ngày 27/8/2019, tại Hà Nội Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam có tổ chức Diễn đàn khoa học “Tập quán mai táng của người Việt Nam – xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra”. Được biết, Diễn đàn này có sự tham gia của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và trên 150 chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, các nhà quản lý văn hóa – xã hội, kinh tế, môi trường, đô thị thuộc các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại cuộc Hội thảo, theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng: “Tập quán mai táng của người Việt Nam gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh, tôn giáo của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ; ở mỗi vùng, miền, mỗi tộc người đều có những lễ thức mai táng khác nhau. Đây là việc hệ trọng không chỉ đối với từng cá nhân, gia đình, dòng họ, còn trở thành vấn đề lớn đối với xã hội. Ngày nay, dân số gia tăng, tỷ lệ người già ngày càng cao, khi có người qua đời, mỗi gia đình phải lo phần hậu sự cho người quá cố. Tập tục mai táng truyền thống của người Việt Nam đã, đang bộc lộ nhiều bất cập gây ảnh hưởng không nhỏ về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường khu vực đô thị, nông thôn.”
Ở Thái lan, triết lý của Phật Giáo (tiểu thừa) cho rằng, phần xác của “người ta sinh ra từ cát bụi, rồi sẽ trở về với cát bụi”, còn phần hồn sẽ tiếp tục được đầu thai trong kiếp khác hoặc lên cõi Niết bàn. Đó là có lẽ lý do người ta có tập tục hỏa thiêu.
Về chuyện hỏa thiêu người chết, tôi đã từng chứng kiến việc hỏa thiêu ở một vùng nông thôn Thái Lan mấy chục năm trước, trong điều kiện kém phát triển. Khi đó người ta chưa có các lò thiêu bằng gas hay điện như bây giờ. Thời ấy, sau một vài ngày xác người chết được để trong quan tài được làm bằng gỗ dán trong Chùa, để thực hiện các lễ nghi tôn giáo như tụng kinh, phúng viếng v.v… Đến ngày giờ đã định, người ta rước quan tài đến một bãi rộng trong Chùa, tại đó đã có một đống củi lớn xếp làm nhiều tầng. Sau khi hoàn tất lễ nghi, chiếc quan tài được đặt lên trên đống củi và người ta nổi lửa. Hình ảnh chiếc quan tài bằng gỗ dán bắt lửa nhanh chóng cháy trước và xác người chưa bắt lửa còn trơ lại trên đống lửa thật là kinh sợ, nó vẫn còn ám ảnh tôi đến bây giờ. Song có lẽ chưa ghê sợ bằng khi tiếng bụng người chết trương phình và nổ khi bị đốt nóng. Có lẽ vì lý do này đã khiến nhiều tôn giáo họ không hỏa thiêu xác người đã chết.
Cần phải thừa nhận, lễ nghi cũng như việc mai táng người quá cố ở Việt Nam từ xưa đến nay là hết sức rườm rà, lãng phí và tốn kém về tiền bạc cũng như thời gian của nhiều người. Đặc biệt là việc di chuyển của các loại phương tiện giao thông, từ nơi làm lễ đến nơi an táng thi thể hết sức phiền hà bởi quãng đường quá dài. Đây có lẽ là một trong những nguyên do chính, đã khiến người ta ngại không muốn hỏa thiêu mà vẫn giữ tập tục chôn cất như cũ.
Qua theo dõi các thông tin trong cuộc hội thảo “Tập quán mai táng của người Việt Nam – xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra”, bản thân tôi trong bài viết này xin góp ý về vấn đề này gói gọn trong vấn đề đầu tư các địa điểm hỏa thiêu cho các địa dư phường, làng, xã ở Việt Nam. Nghĩa là ở mỗi xã, phường hoặc cấp tương đương ở những khu vực có mật độ người đông, nhà nước nên có chính sách đầu tư các lò hỏa thiêu dạng nhỏ như mô hình thường thấy ở các Chùa tại Thái Lan với chi phí rất rẻ tiền nhưng đảm bảo vệ sinh.
Do đặc thù ở Thái Lan, Chùa là nơi sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng. Tại đây thường có trường học tiểu học, sân vận động và cũng là nơi diễn ra các lễ hội, đám cưới, đám tang… và điều không thể thiếu là lò hỏa táng. Nghĩa là, người chết được đưa ra Chùa bảo quản trong hòm lạnh để thực hiện các nghi lễ tôn giáo từ 2 đến 7 ngày, tùy theo điều kiện gia đình. Đến ngày thiêu, quan tài được để lên một chiếc xe đẩy đưa đến lò thiêu cách đó khoảng 200m. Tại đây sau các thủ tục cần thiết, quan tài được đưa vào lò thiêu và mỗi người dùng một bông hoa giấy màu trắng bỏ vào trước cửa lò mang ý nghĩa tượng trưng tiễn biệt người quá cố lần cuối. Sau đó việc hỏa thiêu xác trong lò thiêu bằng gas được thực hiện. Toàn bộ nghi lễ đơn giản, chóng vánh diễn ra trong vòng 60′ thì kết thúc, mọi người ra về và sáng hôm sau người nhà trở lại Chùa để nhận tro cốt của người thân.
Được biết hiện nay ở Việt Nam, xu hướng hỏa táng và tiết kiệm trong tang ma ngày càng được xã hội ủng hộ. Tuy nhiên, để xu hướng này trở thành phổ biến, vấn đề then chốt cần phải giải quyết đó là: giảm chi phí cho hỏa táng và nơi chôn cất gần và tiện lợi … Vì thế, đây là một mô hình phù hợp với điều kiện Việt Nam, chi phí đầu tư rất rẻ tiền và có thể áp dụng đại trà trên toàn quốc. Với hy vọng đề xuất này sẽ đơn giản hóa việc mai táng của người Việt, nó sẽ đơn giản, tiện lợi và tiết kiệm hơn. Do vậy sẽ khuyến khích nhiều người sử dụng phương pháp hỏa thiêu.
Ngày 28 tháng 8 năm 2019
Kami
Thì ra việc xử lý hỏa thiêu cũng khá đơn giản nhỉ ( như ở Thái Lan theo bài viết ). Nhiều đoàn đi nước ngoài tham quan ( núp danh đi học tập ) Vậy mà chả ai nghĩ ra để mà học tập , để mà làm theo một việc tưởng nhỏ mà vô cùng ý nghĩa này !.
Trả lờiXóaLiệu bài báo nội dung bổ ích , thiết thực này có được các vị chức sắc đương quyền quan tâm ?
Lãnh đạo làm gương
Trả lờiXóa