Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

QUỐC HỒN CỦA HỒNG KÔNG



“Quốc hồn” của Hong Kong

Nguyễn Lương Hải Khôi
14-8-2019

Cảm phục tinh thần của người dân Hong Kong hôm nay, không thể không nhớ đến bài “Dân tộc chủ nghĩa luận” 民族主義論, một tiểu luận bằng Hán văn của cụ Nguyễn Bá Trác trên Nam Phong tạp chí năm 1917.


“Loài người không phải nô lệ cho chủng tộc của họ, không phải là nô lệ cho ngôn ngữ của họ, không phải là nô lệ cho tôn giáo của họ. Sự kết nối của đa số những con người như vậy tạo thành ý chí cao đẹp, tất yếu cấu thành nên một tâm hồn chung. Tâm hồn chung ấy làm mỗi cá nhân quên đi lợi ích cá nhân của riêng mình mà cùng nắm lấy cái vận mệnh chung của cả cộng đồng. Đó chính là giai đoạn thăng hoa cao đẹp nhất của tâm hồn. Nếu đạt đến điều đó là có thể được coi là một nước, có đặc quyền được bảo tồn, duy trì trên mặt địa cầu này như một quốc gia.”

Với cụ Nguyễn Bá Trác, cái thẩm quyền được tư lập là một quốc gia riêng, hoàn toàn không phụ thuộc vào chủng tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ… mà phụ thuộc vào “quốc hồn” của cộng đồng ấy. Cụ trích dẫn đoạn trên khi đang luận về “quốc hồn” như sau:

“Ngoài những yếu tố đa dạng có tính bề ngoài [như lịch sử, chủng tộc, ngôn ngữ, lãnh thổ…], còn có một thực thể tuyệt phẩm siêu hình, nằm trên địa hạt tinh thần, không khác gì một cơ thể thì phải có linh hồn vậy. Đó là cái gọi là quốc hồn, là cái bao phủ lên nền tri thức của quốc gia, tình cảm của quốc gia, giúp cho quốc gia tự nhận thức về nó như một quốc gia, làm cho nó có khả năng tự hồi sinh, tự quy định chính mình, để một quốc gia tự vun trồng, nuôi dưỡng sức mạnh của nó. Đó là nguyên khí, sự sống của một nước. Những thành tố khác của quốc gia có thể bị hủy diệt, nhưng chỉ cần một yếu tố ấy còn tồn tại thì sinh mệnh quốc gia sẽ vẫn còn trên địa cầu này.

Ví dụ, người Do Thái bị phân rã qua nhiều quốc gia khác nhau trong hai ngàn năm. Đất nước họ ở đâu? Tuy nhiên, quốc hồn vẫn không bị tiêu diệt. Vì vậy, họ vẫn luôn nhiều lần yêu cầu thế giới chỉ định cho họ một khu vực nào đó để họ có thể tự mình xây dựng quốc gia của họ. Rốt cục họ vẫn chưa toại nguyện. Một ví dụ khác là người Ba Lan đã từng mấy trăm năm nay. Quốc thổ bị xâu xé. Nhân dân bị phiêu tán. Thế mà trong lòng vẫn nung nấu, hoài bão tư tưởng được tự trị, tự lập. Họ lặp đi lặp lại không ngừng tư tưởng đó. Họ đã trải qua bao gian khổ nhưng vẫn không từ bỏ. Đó là chính là điểm để có thể nhìn thấy vận mệnh quốc gia của họ. Niềm trông cậy đặt vào sức mạnh thần kỳ của tinh thần là vô cùng to lớn.”


Đối với Nguyễn Bá Trác, việc “người Việt” có bộ gen khác người “China” (cứ cho là thật) thì cũng chẳng có gì quan trọng. Dân tộc của cụ bao phen chống lại China nhưng không gây dựng một quốc hồn khác biệt với nó. Đó mới là vấn đề.

Đấy chỉ là một trong nhiều topic cụ đặt ra trong bài viết. Đó là một bài viết dâng tràn khí thế “thoát Hán” nhưng Cụ phải viết bằng Hán văn vì hủ Nho đương thời quá đông, viết bằng chữ quốc ngữ họ không hiểu được!

Một trong những việc đầu tiên mà Việt Minh phải làm ngay sau khi cướp được chính quyền năm 1945, giữa lúc có vô số việc phải làm khác, là mang cụ ra pháp trường xử bắn… vì cái tội làm chủ bút Nam Phong này!


Nguồn: Tiếng Dân.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét