Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

LS. Ngô Ngọc Trai: ĐẶNG VĂN HIẾN KHÔNG PHẠM TỘI GIẾT NGƯỜI


Đặng Văn Hiến không phạm tội giết người

Luật sư Ngô Ngọc Trai
22-8-2019

Ngày 23/10/2016 tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông xảy ra vụ nổ súng giữ đất làm ba người chết và nhiều người bị thương, sau vài ngày lẩn trốn Đặng Văn Hiến đã ra đầu thú những mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Theo tài liệu vụ án thì từ năm 2008 Công ty Long Sơn do ông Nguyễn Văn Thành làm Giám đốc đã được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê 1079ha đất rừng tại tiểu khu 1535 để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp.

Đến tháng 6/2013 Nghiêm Xuân Thiên Sửu và vợ là Nguyễn Thị Hồng Tươi nhận chuyển nhượng công ty Long Sơn từ ông Nguyễn Văn Thành để tiếp tục thực hiện dự án, trong đó Sửu làm Phó giám đốc, vợ làm Giám đốc công ty Long Sơn.

Tài liệu tố tụng cho biết, quá trình thực hiện dự án, một số hộ dân xâm canh trồng điều, cà phê, cao su và chuyển nhượng cho người khác (trong đó có gia đình Đặng Văn Hiến) nên đã nhiều lần xảy ra tranh chấp giữa Công ty Long Sơn với các hộ dân trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương không giải quyết dứt điểm.

Từ đó dẫn đến Công Ty Long Sơn tự lên kế hoạch chiếm đất. Nghiêm Xuân Thiên Sửu đã chuẩn bị máy cày, máy ủi, áo giáp, lá chắn, gậy, quần áo bảo hộ, nhân lực gồm 30 người chia làm hai nhóm tiến vào khu đất của gia đình Đặng Văn Hiến. Trong khi đây là một công ty tư nhân không có thẩm quyền cưỡng chế và tranh chấp đất chưa được giải quyết.

Mặt khác, không giống như cơ quan nhà nước tiến hành cưỡng chế có khả năng bắt giữ đưa người chống đối đi giam nhốt, đằng này công ty Long Sơn sẽ gặp phải những người chống đối mà lại không thể bắt nhốt họ, vì không có thẩm quyền, không có nhà giam, và cũng không muốn vướng vào việc như vậy.

Khi đó điều gì sẽ xảy ra?

Điều tất yếu là chỉ có bạo lực, Công ty Long Sơn sử dụng bạo lực để chiếm đất, nếu gặp người chống đối thì họ sẽ tấn công, đánh đập, buộc người ta phải sợ hãi hay thương tích mà lui bước mà thôi. Và đó bản chất là hành vi bạo lực cướp phá, mạnh được yếu thua.

Đây cũng không phải là lần đầu trên địa bàn huyện Tuy Đức xảy ra việc công ty Long Sơn chiếm đất, không phải lần đầu xảy ra bạo lực nghiêm trọng khi công ty Long Sơn tấn công người dân giữ đất. Thực tế đang có một vụ án khác cho thấy trước đó đã xảy ra hành vi đánh chém nghiêm trọng giữa người của công ty Long Sơn gây ra cho nạn nhân giữ đất. Xảy ra ở cùng huyện Tuy Đức cho nên Đặng Văn Hiến biết sự việc này, thấy được hệ quả của việc chống không lại người của công ty Long Sơn chiếm đất. Càng nguy hiểm hơn khi bọn họ huy động cả người 16 tuổi, độ tuổi hung hãn bạo lực không có ý thức về hậu quả tham gia đoàn chiếm đất.

Bối cảnh chung trên địa bàn huyện Tuy Đức là như vậy còn riêng với gia đình Đặng Văn Hiến thì điều gì đã xảy ra trong khoảng thời gian 8 năm, từ năm 2008 khi công ty Long Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông giao đất đến năm 2016 xảy ra vụ án? Đó có phải là chuỗi ngày bình yên đối với gia đình Đặng Văn Hiến không? Thực tế đó là quãng thời gian công ty Long Sơn đã làm đủ mọi việc từ đe dọa, o ép, tấn công, phá hoại để người dân sợ hãi hòng chiếm đất.

Rạng sáng ngày 23/10 khi nhóm người của công ty Long Sơn tiến vào cướp phá, với lịch sử bạo lực như đã biết, thì gia đình Hiến gồm vợ và hai con nhỏ đã lâm vào trong tình trạng nguy hiểm.

Việc Đặng Văn Hiến nổ súng vào nhóm người cướp phá kia là hành vi tự vệ chống lại những kẻ xâm chiếm, để bảo hộ tính mạng sức khỏe và tài sản cho bản thân và gia đình mình. Hành vi đó nếu có sai trái thì nó mang dấu hiệu của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng chứ không phải là giết người đơn thuần. Và do vậy cần áp dụng xử lý theo Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1999 chứ không phải là Điều 93 về Tội giết người. Đây là hai tội danh hoàn toàn khác nhau và hình phạt cũng rất khác.

Điều 96. Tội giết người do vựơt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Giết nhiều người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm.


Nếu pháp luật có tinh thần giá trị bảo vệ chặt chẽ cho quyền sở hữu, bảo hộ chặt chẽ tính mạng tài sản công dân thì trong trường hợp của Đặng Văn Hiến phải áp dụng Điều 96 về vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Như thế mới phản ánh đúng bản chất vụ việc, do có sự tấn công cướp phá của người bên công ty Long Sơn mới xảy ra việc nổ súng chết người, chứ ko dưng ông Hiến giết người.

Việc áp dụng Điều 93 về tội giết người đơn thuần khiến cho việc giải quyết vụ án bỏ qua nguyên nhân lý do dẫn đến tội phạm, đó là cách giải quyết sai trái bất công, xem thường quyền sở hữu tài sản, xem thường quyền được tự bảo hộ tính mạng sức khỏe tài sản của công dân.

3 nhận xét :

  1. Hành vi của Đặng Văn Hiến là hành vi phòng vệ chính đáng ( đáp trả tương xứng để ngăn chặn hành vi phạm tội khi tính mạng, tài sản của mình bị xâm hại nghiêm trọng ) nên Đặng Văn Hiến HOÀN TOÀN KHÔNG PHẠM TỘI

    Trả lờiXóa
  2. Thằng địa chủ Long Sơn này tai ác không khác gì thằng địa chủ Long Sơn trước kia. Nhưng vì chúng nhiều tiền nên có quyền hiếp đấp nông dân nghèo khó và bẻ cong luật pháp? Thời nào thân phận người nông dân cũng bị cướp bóc và chịu bất công!

    Trả lờiXóa
  3. Tôi có cùng quan điểm với Ls Ngô Ngọc Trai! Không lẽ, Ông Phạm Văn Hiến ngồi nhìn lũ ăn cướp cấu kết với nhau đến cướp phá, đàn áp ... kiểu côn đồ cho tới khi chết?! Một khi phải liều mạng chống trả quyết liệt thì chuyện thương vong âu cũng là đương nhiên. Ở nước phát triển, Ông Hiến sẽ hoàn toàn Vô Tội! Hy vọng, Ông Hiến sớm được tiếp cận với công lý! Kẻ phạm tội chính là lũ lưu manh đã dùng quyền+tiền .. cướp bóc! "con giun xéo mãi cũng quằn!"

    Trả lờiXóa