Thứ Ba, 6 tháng 8, 2019

Lê Văn Sinh: TRANH CHẤP hay XÂM PHẠM CHỦ QUYỀN?


Lê Văn Sinh:

TRANH CHẤP hay XÂM PHẠM CHỦ QUYỀN?

Cuộc gặp giữa hai ông Phạm Bình Minh và Vương Nghị vào ngày 1/8/2019 tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần 52 ở Bangkok, Thái Lan được Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam loan tin như sau:

" Về vấn đề trên biển hiện nay, Phó Thủ tướng khẳng định lập trường nguyên tắc của Việt Nam, nêu rõ hai bên cần nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết thỏa đáng TRANH CHẤP TẠI BIỂN ĐÔNG (LVS nhấn mạnh) trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)."


Một câu hỏi đặt ra là có thực Việt Nam đang tranh chấp với Trung Quốc ở Bãi Tư Chính?

Bãi Tư Chính là một cụm rạn san hô, dài 63km - rộng 11km, cách tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 160 hải lý, cách đảo Hải Nam (TQ) hơn 600 hải lý.

Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc cùng ký, Bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của việt Nam.

Đường 9 đoạn do người Trung Quốc vẽ ra hồi giữa thế kỷ trước chiếm 80% diện tích Biển Đông đã bị Tòa Trọng tài quốc tế ở La Haye, Hà Lan tuyên vô giá trị. Nghĩa là Trung Quốc không có chủ quyền gì ở Bãi Tư Chính. Cũng như TQ không có chủ quyền quốc gia ở Bãi Cỏ Rong của Philippines nhưng họ đã dùng bạo lực để cưỡng chiếm vào năm 2012.

Diễn biến những ngày qua ở Bãi Tư Chính cho ta thấy Trung Quốc đang vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia của chúng ta.

Trong vòng 10 ngày, từ 16/7 đến 25/7, Việt Nam đã ba lần ra tuyên bố về tình hình ở Bãi Tư Chính. lần đầu chỉ nói tầu nước ngoài hoạt động xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam, lần thứ hai chỉ đích danh Trung Quốc, và lần thứ ba yêu cầu Trung Quốc rút ngay tầu khỏi Bãi Tư Chính.

Báo chí quốc tế gọi hành động của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính là gây rối, bắt nạt, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.

Đọc bản tin từ Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam, tôi tự hỏi liệu những người soạn thảo tin có phân biệt được sự khác nhau giữa tranh chấp và xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam?

Đưa tin như thế là có lợi cho kẻ đã, đang và sẽ chiếm biển đảo của tổ quốc.

Đưa tin như thế góp phần làm kế sách của Trung Quốc 'biến vùng không trang chấp thành vùng tranh chấp' thành hiện thực.

Việt Nam hiện thời, không thể so sánh với Trung Quốc về sức mạnh kinh tế và quân sự. Các tuyên bố của giới lãnh đạo Trung Quốc coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ. Vì vậy, sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ cưỡng chiếm biển đảo của chúng ta. Họ khiêu khích và đợi cơ hội để khai hỏa. Đối sách của ta là gì? Nếu kiên trì đàm phán với Trung Quốc, chúng ta luôn ở thế yếu, nhún nhường họ, họ càng lấn tới.

Cách tốt nhất để bảo vệ chủ quyền quốc gia không phải là đàm phán nhún nhường với Bắc Kinh. Theo cách đó là đúng ý đồ của kẻ thù, kết cục thế nào ai cũng có thể dự đoán.

Vậy thì tại sao các nhà lãnh đạo không đưa vấn đề Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam ra tòa án quốc tế? Câu hỏi này xin dành cho những ai đang nắm giữ vận mệnh đất nước trả lời.

2 nhận xét :

  1. Lũ cầm quyền luôn mê sảng bởi "4 vàng 16 tốt" với cái "đại cục" của tên cướp thế kỷ tập cận bình, đừng mong đợi gì ở chúng!

    Trả lờiXóa
  2. Tuyệt vời Lê Văn Sinh!

    Trả lờiXóa