Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

KÌN KÌN CÁC “CHUYẾN TÀU VÉT” TRƯỚC ĐẠI HỘI


VIẾT THEO “CHUYẾN TÀU VÉT”

Nguyễn Ngọc Dương
 
Trước thềm Đại hội Đảng các cấp tiến đến Đại hội XIII, nhiều người lo lắng về ảnh hưởng xấu của những người đứng đầu cấp ủy các cấp sắp hạ cánh, xoay sở thực hiện “chuyến tàu vét” trước “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Những khái niệm này xuất hiện do được khái quát từ hiện thực xã hội ta nhiều năm nay.

Nội hàm những khái niệm đó tập trung mấy vấn đề chủ yếu như sau:

1.Tranh thủ lúc sắp hạ cánh, nhiều người có quyền lực nhất ở các cấp các ngành gấp rút hoàn thành các dự án trong nhiệm kỳ để đánh dấu ‘thành tích’ và quan trọng hơn là vơ vét thêm nguồn lợi từ những dự án này, dù nó không hiệu quả với dân, với nước.

2. Tranh thủ dọn chỗ để sau khi nghỉ hưu vẫn có dây mơ rễ má với những dự án đó, như tham gia quản lý, tư vấn… để tiếp tục có cơ kiêm chác.

3. Khẩn trương bổ nhiệm cán bộ dưới quyền như kiểu “bán tống, bán tháo những cái ghế” trong ngành, địa phương, bất chấp tiêu chuẩn cán bộ, để kiếm thêm một khoản ‘nặng túi’, hoặc chí ít tạo mối quan hệ hàm ơn nhằm cầu lợi cho bản thân và gia đình sau khi về vườn.

4.Tranh thủ sắp xếp cho con cái, người thân “lót ổ”, tạo đà tiến thân theo cha mẹ.

5.Tranh thủ tiền ngân sách trong tay, tổ chức đi du lịch nước ngoài với danh nghĩa “tham quan, học tập kinh nghiệm” trước khi… nghỉ hưu.

Gần đây, báo Tiền phong đã có loạt bài viết với chủ đề: “Chuyến tàu vét”, được giật những cái title như sau: “Chuyến tàu vét: Không để lọt những cán bộ cơ hội”; “Chuyến tàu vét: Cảnh giác với những cuộc đổi chác”; “Chuyến tàu vét: Siết quy trình, tăng kỷ luật đảng”; “Chuyến tàu vét: Chặn mầm họa lợi ích nhóm”.

Những bài báo đó nêu hiện tượng “chuyến tàu vét” và những BIỆN PHÁP khắc phục từ Chỉ thị của Đảng, đến ý kiến của Tổng Bí thư, ý kiến của các vị lãnh đạo trung cao cấp từng công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Chỉ thị 35 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, trong đó “yêu cầu dừng việc bổ sung cấp ủy viên và ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy nhiệm kỳ 2015- 2020 trước 6 tháng tính đến thời điểm đại hội ở mỗi cấp”, cũng là một cách ngăn chặn “chuyến tàu vét”.

Ông Lê Như Tiến, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội thì đề xuất: “Các cơ quan của Đảng, Nhà nước phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ, hoàng hôn nhiệm kỳ”.

Ông Vũ Quốc Hùng, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: “Ai giới thiệu ai, cá nhân và tổ chức thì đều phải ghi vào biên bản hết. Xác định hết trách nhiệm, khi những người kia thoái hóa, biến chất thì kiểm điểm, xem trách nhiệm những người giới thiệu ở mức độ nào. Nếu làm thực sự được điều đó thì những người làm công tác cán bộ phải là những người phải biết lo lắng, giữ gìn và làm hết trách nhiệm”.

Ông Nhị Lê, cựu Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nói: “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ví von là phải “NHỐT QUYỀN LỰC VÀO TRONG CÁI LỒNG CƠ CHẾ”. Cái “lồng”, đó chính là kỷ luật của Đảng, toàn bộ hệ thống pháp luật nhà nước đó là Quốc pháp. Trong Đảng, thì Đảng cương và Quốc pháp thực thi, ngoài xã hội thì Quốc pháp toàn dụng và trung tâm là lòng dân và sự tín nhiệm của Nhân dân thẩm xét, giám sát. Như vậy thì không ai, không gì có thể lọt được cả”.

Bản thân TBT – CTN nguyễn Phú Trọng thì nói: “Dứt khoát không để lọt người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái đạo đức, chính trị, lối sống vào Ðại hội sắp tới. Nơi nào để xảy ra cái này thì kỷ luật đi! Có dấu hiệu vi phạm là phải kiểm tra. Kiểm tra có vấn đề thì không đưa vào cấp ủy”.

Tôi cho rằng, tất cả những quan điểm trên không sai, ít nhất về mặt logic là hợp lý, thậm chí có nhiều người còn cảm thấy phấn chấn vì Đảng đã “quyết tâm”, “kiên quyết”, “quyết liệt” tuyên chiến với tham nhũng, thoái hóa, biến chất, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là những người đang muốn thực hiện “chuyến tàu vét” nhằm thỏa mãn lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nhưng rất hại cho lợi ích của dân, của nước.

Song, những biện pháp nêu trên, có vẻ chỉ là những “phác đồ điều trị triệu chứng”, chứ chưa có “phác độ điều trị nguyên nhân” của căn bệnh, theo cách nói của các nhà y học. Điều trị triệu chứng có thể giảm đau tạm thời, nhưng bệnh không khỏi.

Thực ra, “CĂN BỆNH CHUYẾN TÀU VÉT” chỉ là một biến chứng của CĂN BỆNH HƯ HỎNG nói chung của ‘bộ phận không nhỏ’ đảng viên - quan chức có QUYỀN LỰC, mà nguyên nhân trực tiếp của nó là QUYỀN LỰC KHÔNG ĐƯỢC KIỂM SOÁT. Vì thế người đứng đầu Đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận: “PHẢI NHỐT QUYỀN LỰC VÀO CÁI LỒNG CƠ CHẾ”. Ông chỉ nói đến đấy thôi chứ chưa nói “cái “lồng” đó cụ thể ra sao. Nhưng ông Nhị Lê lại cụ thể hóa thêm về cái “lồng”: “Đó chính là kỷ luật của Đảng, toàn bộ hệ thống pháp luật nhà nước đó là Quốc pháp...”. Có lẽ Nhị Lê cho rằng Đảng cương, Quốc pháp bị buông lỏng? Thực ra, từ khi Đảng cầm quyền (sau Cách mạng tháng Tám), trong Đảng đã lưu truyền câu: “Kỷ luật đảng là kỷ luật sắt”. Còn “Nền pháp luật XHCN” được các nhà tư tưởng của Đảng đánh giá cao, “hơn hẳn nền pháp luật TBCN”. Hơn nữa, ngoài Đảng cương, Quốc pháp, Trung ương còn có biện pháp “Tăng cường đấu tranh phê bình và tự phê bình”, đặc biệt là “Tăng cường học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, rồi ngoài Điều lệ đảng, còn ban hành thêm “Quy định về những điều cấm đảng viên không được làm”.

Nhưng nghiêm túc soi vào thực tế thì thấy: tất cả những biện pháp trên, từ “pháp trị” đến “đức trị” về hình thức thì “rất hay, rất có lý”, nhưng lại chưa thấy có hiệu nghiệm. Căn bệnh hư hỏng, suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng vẫn tiếp tục… “ổn định”! Xem ra cái “Lò” của TBT ngày càng nhiều “củi”, không có dấu hiệu thuyên giảm…

Vậy vấn đề là ở đâu? TBT - CTN đã gợi ra một biện pháp đúng: cần có cái “Lồng cơ chế lập pháp” để “nhốt quyền lực”. Nhưng chốt lại, vấn đề là cái cơ chế chúng ta đang thịnh hành liệu có nhốt được quyền lực, một khi quyền lực còn cao hơn, mạnh hơn cả cơ chế pháp luật ?

Vì thế cần phải tìm cho được một cơ chế khả dụng. Đó chỉ có thể là cơ chế lấy DÂN CHỦ làm cốt lõi, cả trong CƠ CHẾ LẬP PHÁP, HÀNH PHÁP, TƯ PHÁP, cơ chế TUYỂN CHỌN, BẦU CỬ CÁN BỘ, CƠ CHẾ GIÁM SÁT của Quốc Hội, HĐND, của Báo chí Truyền thông và Tự do ngôn luận của người dân…

Việc này tất nhiên phải là trách nhiệm của Bộ Chính trị, của Ban chấp hành trung ương và Đại hội XIII.

3 nhận xét :

  1. Người dân chỉ biết gọi loại cán bộ đó là đồ súc sinh.Hết

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái hay là dân chửi như chửi chó nhưng thằng nào cũng nghĩ chắc họ chừa mình ra(!)

      Xóa
  2. 6. Chợ chiều 30 tết nhung nhúc đông kẻ mua kẻ bán.
    Vừa chửi vừa bán, vừa mua vừa chửi vẫn vui ghê.

    Trả lờiXóa