Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

KHỞI KIỆN TRUNG QUỐC CÒN THÚC ĐẨY DÂN CHỦ TRONG NƯỚC

Biểu tình tại Hà Nội phản đối Trung Quốc năm 2011 
Khởi kiện Trung Quốc còn có tác dụng thúc đẩy dân chủ trong nước? 

Luật sư Ngô Ngọc Trai
Gửi tới BBC từ Hà Nội

Liên quan đến vụ việc tàu thăm dò dầu khí Hải Dương của Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính của Việt Nam. Đã đến lúc Việt Nam cần khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, vì nhiều lẽ.

Thứ nhất, khởi kiện là một cách thức để giải quyết tranh chấp, việc tranh biện với nhau ở tòa chẳng hơn là dùng tàu thuyền o ép rồi nổ súng ngoài thực địa hay sao.


Trong phạm vi một làng xóm hay địa phương, khi xảy ra tranh chấp người ta cũng thường hướng dẫn yêu cầu các bên khởi kiện ra tòa án, nghiêm cấm việc chửi bới xúc phạm rồi gậy gộc đánh nhau.

Bãi Tư Chính: "Đã đến lúc VN kiện TQ ra tòa quốc tế"?
Biển Đông: "Nhiều khả năng TQ sẽ trở lại Bãi Tư Chính với dàn khoan"
Quan hệ Việt - Trung: Bãi Tư Chính là thời điểm thay đổi với VN?

Cho nên ở phạm vi quốc gia hay quốc tế thì khởi kiện để giải quyết tranh chấp cũng đều là lối hành xử văn minh.

Thứ hai, tranh chấp giữa một bên là kẻ yếu và một bên là kẻ mạnh thì việc kiện ra tòa để tìm kiếm một cơ chế trung gian phân xử là điều có lợi cho bên yếu như Việt Nam.

Những nước yếu nên lấy làm mừng vì còn có tòa án quốc tế, luật pháp quốc tế, các định chế quốc tế để kiểm soát mối quan hệ giữa các nước, thay vì môi trường hoang dã mạnh được yếu thua chỉ có kẻ yếu và kẻ mạnh chung đụng với nhau.

Đối với những vụ kiện thông thường, sau khi có bản án thì lại có cơ chế thi hành án buộc các bên phải thực hiện, như thế bên yếu sẽ vẫn được đảm bảo quyền lợi khi bản án đã tuyên mà không phải lo về sức mình.

Mặc dù vậy, thực tế vấn đề biển đảo hiện nay không có một sức mạnh nào có thể ép buộc Trung Quốc phải thi hành bản án quốc tế, nhưng điều đó ko có nghĩa là Trung Quốc không bị trả giá.

Pháp luật quốc tế vẫn có sức mạnh ý nghĩa, các định chế quốc tế vẫn đang hoạt động, TQ không phải có thể bất chấp công lý lẽ phải muốn làm gì thì làm.

Sự sụt giảm uy tín quốc tế sẽ gây thiệt hại lớn hơn là thiệt hại khi thi hành phán quyết của tòa án.


Thứ ba, bản án của Tòa án quốc tế sẽ có tác dụng như là một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho Việt Nam. Cho dù Trung Quốc dùng sức mạnh mà chiếm quyền quản lý trên thực tế thì trong nhận thức quốc tế người ta vẫn xác định đó là của Việt Nam.

Bằng việc thắng kiện Việt Nam sẽ tạo lập được tiền đề thuận lợi cho mình ở hiện tại và tương lai, khi thực lực quốc gia và bối cảnh quốc tế thuận lợi hơn cho việc giành lại chủ quyền trên thực tế.

Thứ tư, năm 2016 Trung Quốc đã thua Philippin trong một vụ kiện biển đảo tương tự. Nếu nay thua thêm Việt Nam trong một vụ kiện nữa thì có thể nói đó là cú đánh gục Trung Quốc trên phương diện công lý quốc tế.

Từ đó về sau Trung Quốc sẽ chỉ có thể hành xử dựa vào sức mạnh vũ khí đe dọa hoặc lợi ích vật chất mua chuộc mà thôi.

Vì nói lý lẽ sẽ không còn ai nghe nữa.

Thứ năm, việc kiện là một lựa chọn hành động cho thấy Việt Nam chọn lối hành xử có trách nhiệm, đứng về phía cộng đồng văn minh, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Việc lựa chọn khởi kiện chưa cần biết thắng thua, tự bản thân nó đã nâng tầm quốc gia cho Việt Nam lên.

Cộng đồng quốc tế gồm các nước đã tạo lập ra khuôn khổ luật pháp quốc tế sẽ bênh vực lựa chọn khởi kiện của Việt Nam.

Vì đó cũng là cách các nước bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ các định chế quốc tế do chính họ đã ban hành, bảo vệ quan điểm, nhận thức và sản phẩm việc làm của họ.

Cuối cùng, việc khởi kiện sẽ cho thấy Việt Nam đã thấu hiểu và chấp nhận ý niệm giá trị về công lý, về những chuẩn mực đạo đức chân chính trong bang giao quốc tế, vượt lên trên những hành xử cường quyền.

Đồng nghĩa với việc kiện là sự lựa chọn lối hành xử thượng tôn pháp luật, sử dụng đến luận cứ lý lẽ chứ không dẫn dựa vào sức mạnh.

Việc khởi kiện Trung Quốc khi đó ngoài những giá trị trong mối quan hệ quốc tế bên ngoài, thì đó còn có tác dụng ảnh hưởng đến tiến trình thúc đẩy dân chủ trong nước.

Vì một khi Nhà nước đã thấy rằng cần hành xử theo luật, theo công lý, theo lý lẽ luận lý, không theo sức mạnh áp chế cường quyền, thì khi đó Nhà nước cũng nên xem lại cách cư xử của mình với người dân trong nước.

Việc khởi kiện khi đó sẽ mang lại giá trị quan trọng cho đối nội, kích thích nhận thức của Nhà nước và dân chúng về giá trị của những luận cứ lý lẽ, của giá trị công lý, luật pháp, công bằng.

Tựu chung lại, Việt Nam có đầy đủ mọi lợi điểm của việc khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế để giải quyết các tranh chấp về biển đảo.

Và có thể nhận định là Nhà nước Việt Nam cũng biết rõ những lợi điểm của việc kiện, nhưng lâu nay chưa thực hiện vì coi đó là vũ khí "vốn liếng", để cân đo đong đếm trong mối quan hệ với Trung Quốc về các vấn đề tổng thể liên quan giữa hai nước và không loại trừ khả năng sẽ sử dụng đến khi cần.

Tới nay Trung Quốc hiện đang chịu ảnh hưởng của thương chiến Mỹ Trung về thương mại, kinh tế suy giảm, người dân hoang mang bực bội, rất có thể họ sẽ xì hơi nóng giận và chuyển hướng sự chú ý của dân chúng ra bên ngoài, Việt Nam là một đối tượng hướng đến.

Thực tế trên biển những diễn biến cho thấy phía Trung Quốc đang hung hăng lấn lướt, cho nên giờ là lúc phải kiện.

Hiện nay Trung Quốc đang coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi giống như Đài Loan, Hồng Kong, MaCau, Tây Tạng cho nên ra sức chiếm giữ giành giật.

Nhưng đó cũng chỉ là phản ánh nhận thức hiện thời của thế hệ người Trung Quốc hiện nay mà thôi, còn tương lai có thể sẽ có một Trung Quốc rất khác.

Thực tế lịch sử thế giới cho thấy, ở những thế kỷ trước có những đại cường chiếm đất khắp năm châu bốn bể, nhưng đến khi văn minh nhân loại phát triển đến một giai đoạn nhất định thì đã trao trả lại chủ quyền cho người dân các vùng đất.

Ví như nước Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ, Malaysia.

Sự phát triển của nền văn minh đã làm phai màu nhận thức về các giá trị cốt lõi.

Ví như nước Đức hiện nay rất khác với một nước Đức từng khao khát mở rộng không gian sinh tồn dưới thời Hitler. Nước Nhật hiện nay cũng rất khác với một nước Nhật hiếu chiến thời trước thế chiến thứ II.

Nhưng để đi đến sự tiến bộ thay đổi nhận thức về các giá trị cốt lõi như vậy thì cần đến những hành động thúc đẩy.

Việc Việt Nam khởi kiện Trung Quốc là một việc làm có ý nghĩa góp phần phúc đẩy đi đến tương lai mong muốn ấy.

* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả, 
luật sư Ngô Ngọc Trai từ Hà Nội.

1 nhận xét :

  1. Đọc tiêu đề mà thấy chán quá, thúc đẩy được dân chủ thì đời nào chúng mới dám kiện

    Trả lờiXóa