Tác giả: Phan Văn Song
Nguồn: Blog Lan Man
Những nét chính về tình hình căng thẳng
ở biển Đông từ tháng 6 tới nay
(Bản qua biên tập đăng trên TT cuối tuần 28/7/2019 hơi khác tí)
Có vẻ tình hình biển Đông căng thẳng trở lại khi tàu cá Yuemaobinyu 42212, bị nghi là tàu dân quân biển Trung Quốc (TQ), đâm chìm tàu cá Gemvir-1 của Philippines tại khu vực bãi Cỏ Rong trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines vào ngày 9/6/2019, bỏ mặc 22 ngư dân Philippines cố tìm cách tranh giành sự sống gưiữa biển khơi khi tàu họ chìm. Số ngư dân này sau đó được tàu cá TG-90983-TS của Việt Nam cứu giúp. Vụ này cho đến nay vẫn còn là vấn đề phức tạp trong quan hệ TQ-Philippines.
Thật ra, trước
đó theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch biển châu Á AMTI
và nhiều nhà quan sát khác thì vào cuối tháng 5 cho đến cuối tháng
6 tàu cảnh sát biển (CSB) TQ 35111 có thể đã cùng với ít ra là tàu
CSB46302 (phát hiện nhờ các tín hiệu AIS [hệ thống nhận dạng tự
động] mà các tàu từ 300 tấn trở lên đòi hỏi phải phát đi) đã quấy
phá quanh khu vực bãi Luconia trong EEZ của Malaysia. Các tàu này tìm cách
không cho giàn khoan Sapura Esperanza được Malaysia cấp phép thực hiện
hoạt động tại lô SK 308 trong vùng bãi này, cách bờ biển bang Sarawak
khoảng 85 hải lí. Các tàu này cũng hù doạ hai tàu tiếp tế đi lại
giữa mỏ này và bờ biển Malaysia. Vụ này do bị bưng bít kĩ truyền
thông nên công chúng ít được biết. Và cuối cùng có vẻ TQ không đạt
được kết quả như mong muốn vì có tin Sapura Esperanza vẫn tiếp tục
công việc khoan sau vụ uy hiếp này của TQ.
Bản đồ 1: đường đi các tàu
cho thấy tàu CSB 35111 quấy nhiễu giàn khoan Sapura Esperanza tại lô SK
350 trong EEZ của Malyasia từ 10 đến 27/6/2019 (nguồn: AMTI)
Tiếp đó, trong 5
ngày từ 29/6 đến 3/7 TQ cho tổ chức bắn đạn thật tại hai khu vực,
một khu giữa biển Đông nằm ngoài EEZ của VN lẫn Philippines (nhưng có
phần nằm trong thềm lục địa 350 hải lý của VN) và một khu trong EEZ
của họ và có phần thuộc lãnh hải của đảo Phú Lâm của VN mà họ
chiếm đóng từ 1956. TQ được cho là đã bắn thử 6 tên lửa chống hạm
trong cuộc diển tập này và Đô đốc Philip Davidson, Chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ
ở khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dươngđã phê phán hành động đó như là
“gửi một thông điệp đe doạ tới Hoa Kỳ”.
Bản đồ 2: Hai khu vực tập
trận có bắn tên lửa của TQ từ 29/6 đến 3/7/2019
Sau hai màn diễn trên
là màn diễn mà chúng ta rất quan tâm. Cũng theo quan sát của AMIT và
nhiều nhà quan sát khác, từ ngày 3/7 tàu khảo sát của TQ Haiyangdizhi
8 (HYDZ 8: Hải dương Địa chất 8) với sự hộ tống của các tàu cảnh
sát biển, đặc biệt là tàu 37111, kể cả tàu khủng 3901 hơn 10 000
tấn, cùng với tàu cá dân quân và cả tàu hải quân TQ theo dõi từ xa,
tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực trong bồn trũng Tư Chính
–Vũng Mây và vẫn kéo dài cho tới hôm nay. Khu vực này nằm hoàn toàn
trong EEZ của VN thuộc các lô 130- 133 và 153-157 của PetroVN và ứng
với hai lô mà TQ gọi là RJ 03, RJ 27 cùng với một phần của lô YQX 18
và của lô WAB 21 (Vạn An Bắc 21). Ba lô đầu, cùng 5 lô khác cũng trong
EEZ VN, từng được Tổng công ty dầu khí ngoài khơi CNOOC của TQ ngang
ngược kêu mời đấu thầu năm 2012, nhưng chẳng ai tham dự. Còn lô WAB 21,
TQ cũng đã liều lĩnh sang nhượng cho công ty Crestone của Mỹ với giá
chỉ $50 000 hồi năm 1992, viện cớ nó nằm trong đường lưỡi bò (ĐLB) 11
đoạn do chính quyền Tưởng Giới Thạch đưa ra năm 1947. Sau nhiều lần
sang nhượng tiếp cho đến năm 2008, công Harvest Natural
Resources nắm quyền thuê
nhượng lô này nhưng có vẻ không còn hoạt động (trong báo cáo của công
ty này năm 2014 thấy có kê khai $2,9 triệu cho lô này vào năm 2012 nhưng
là tài sản chưa xác minh). Cũng lưu ý rằng theo luật biển quốc tế
thì các hoạt động nghiên cứu khoa học biển vẫn được phép thực hiện
nhưng phải được sự đồng ý của nước ven biển liên quan, tiến hành theo
đúng dự án được chấp nhận, không được ảnh hưởng tới việc thăm dò
tài nguyên thiên nhiên... như quy định của điều 246 và những điều khác
trong UNCLOS. Theo đó, rõ ràng TQ đã không tôn trọng luật lệ khi cho
tiến hành việc khảo sát địa chấn này. Dĩ nhiên, với tình hình xâm
phạm như vậy của TQ, phía VN đã phải cho lực lượng chấp pháp theo
dõi và ngăn cản, Marine Traffic Trackers cho thấy có ít nhất hai tàu
kiểm ngư KN 468 và KN 472 làm nhiệm vụ trong khu vực này.
Xin nói
thêm rằng ĐLB 11 đoạn do chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đưa ra trong bối
cảnh chính TQ lúc đó còn đang trong cuộc chiến tranh Quốc – Cộng, còn
các nước ven biển Đông cũng chưa giành được độc lập và đặc biệt VN
còn đang trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Do đó, ĐLB này hầu như
chẳng được ai biết tới và có vẻ chính cả TQ cũng không nhớ tới (dù
vào năm 1953 thủ tướng TQ Chu Ân Lai đã từng bỏ bớt 2 vạch trong vịnh
Bắc Bộ của đường này để tỏ tình hữu nghị với VN!) cho tới khi Randall
Thompson, người sáng lập công ty Crestone, gợi ý vào năm 1991. Lúc đó,
có lẽ do tiềm lực kinh tế lẫn sức mạnh quân sự của TQ còn yếu và
có vẻ họ cũng không thật tin tưởng lắm về giá trị của cái ĐLB này, nhất là vì nó là di
sản của phe đối nghịch, nên họ đã cho Crestone sang nhượng với mức
hời như vậy. Sau này TQ chuyển nó thành ĐLB 9 đoạn (không thật trùng
khớp với đường 11 đoạn, xem bản đồ 3 so sánh 2 ĐLB) và cũng chỉ mới công
bố chính thức cho các nước biết trong hồ sơ gởi Uỷ ban ranh giới
thềm lục địa LHQ phản đối hồ sơ xác định EEZ và thềm lục địa của VN và Malaysia
vào năm 2009. Từ đó trở đi TQ đã bám khắng vào ĐLB này để biện hộ
cho các hành động sai trái của mình ở biển Đông, dù trong công hàm gởi
LHQ lúc đó họ chẳng hề cho toạ độ các vạch cũng như ý nghĩa của
ĐLB này là gì.
Bản đồ 3: ‘Lưỡi bò’ 9 vạch mơ hồ và tham lam hơn ‘lưỡi bò’ 11 vạch (tô thêm màu vàng)
[Hình 6 được tạo bằng
cách chồng bản đồ 2009 lên trên bản đồ 1947]
Do thực tế có
sự thiếu thống nhất về cách gọi
tên khu vực HYDZ 8 khảo sát, nên nhân đây cũng xin nói thêm cho rõ là
khu vực HYDZ 8 mà khảo sát chỉ cách đảo Trường Sa của VN khoảng 18
hải lý (tính từ góc phải dưới của lô RJ 03,xem bản đồ 4) và cách bãi
Tư Chính khoảng 50 hải lý và không có thể địa lý chìm hải nổi trong
đó. Nhưng có lẽ do trong khu vực bồn trũng Tư Chính – Vũng Mây, bãi Tư
Chính gần đó to nhất và dễ nhận ra nhất nên nhiều nguồn gọi nhầm
là khu vực bãi Tư Chính.
Bản đồ 4: khu vực khảo sát
địa chấn của HYDZ 8 hoàn toàn nằm trong EEZ của VN (đường đi của HYDZ từ
3-28/7/2019 do PGS Ryan Martinson, trường Đại học Hải chiến Mỹ đưa lên
Twitter)
Một màn diễn
khác đồng thời với màn diễn này là tàu CSB 37111của TQ sau màn quậy phá ở bãi Luconia trong EEZ
Malaysia đã trở về đảo Hải Nam, có thể để được tiếp liệu, sau đó
đã quay trở ngược xuống phía nam khu vực quanh lô 06-01 của PetroVN,
cách bãi Tư Chính khoảng 40 hải lý. Từ ngày 16/7, 37111 thực hiện
cùng kiểu cách như đã làm ở bãi Luconia cũng như chiến thuật TQ đã
từng làm vào 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018 (đe doạ tại chỗ cùng các
áp lực ngoại giao, kinh tế...) khiến Việt Nam phải hủy bỏ hợp đồng khoan
dầu ở mỏ Cá Rồng Đỏ thuộc lô 07-03 gần đó với Repsol Tây Ban Nha. Lần
này, 37111 và có thể cùng nhiều tàu khác, kể cả tàu cá của dân
quân (nhưng có hệ thống phát tín hiệu AIS trên tàu bị cố ý tắt nên
các áp dụng theo dõi đường đi [Marine Traffic Trackers] của tàu bè
không phát hiện được] uy hiếp dàn khoan Hakuryu-5 của Nhật đang hợp
đồng với công ty Nga Rosneft, được Việt Nam cấp phép, thực hiện việc
khoan mỏ trong lô này đồng thời cũng hù doạ hai tàu tiếp tế cho dàn
khoan này làSea Meadow 29 và Crest Argus 5.
Bản đồ 5: Đường đi các tàu
cho thấy tàu 35111 quấy nhiễu dàn khoan Hakuyyu 5
và 2 tàu tiếp tế từ
16/6-10/7/2019 (nguồn: AMTI)
Màn diễn ngắn
sau đó diễn ra ở về phía bắc, vào ngày 17/7 TQ cho tập trận bắn đạn
thật phía đông khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách mỏ Cá Voi Xanh trong lô
118 mà VN cho Exxon Mobil hợp đồng khoảng 90 hải lý. Nếu vận dụng
phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực (PCA) ngày 12/7/2016 vụ
Philippines kiện TQ, thì phần chắc không có đảo nào trong quần đảo
Hoàng Sa có thể có EEZ riêng và cả quẩn đảo này cũng không có quyền
có lãnh hải và EZZ như một thể thống nhất. Do đó, EEZ của hai phía
VN và TQ, theo thông lệ quốc tế, sẽ được chia theo trung tuyến. Theo
đó, khu vực TQ cho tập bắn đạn thật nằm gần như hoàn toàn bên phía
VN của trung tuyến, tức hoàn toàn trong EEZ mà theo luật lệ quốc tế
phần chắc sẽ thuộc VN. Dù luật lệ quốc tế không cấm hoạt động diễn
tập quận sự trong EEZ của nước khác, nhưng những hành động thế này,
nhất là không cách quá xa mỏ dầu khí mà TQ từng ngăn cản dù ngay
trong EEZ và rất gần bờ biển VN, rõ ràng mang tính đe doạ, hành động
mà điều 301 UNCLOS khuyến nghị không nên làm.
Bản đồ 6: Khu vực bắn đạn
thật của TQ ngày 17/7/2019 hoàn toàn trong EEZ của VN
Nếu quả đúng
tàu Yuemaobinyu 42212 là của dân quân TQ cố ý đâm chìm tàu cá
Philippines, thì từ đầu tháng 6 đến nay tất cả các vụ lộn xộn vừa
nêu đều do TQ đơn phương gây ra làm tình hình biển Đông trở nên căng
thẳng, đi ngược lại với các quy định về quy tắc ứng xử ở biển Đông
DOC đã thoả thuận giữa TQ và các nước ASEAN cũng như các cam kết và
hứa hẹn của lãnh đạo TQ với lãnh đạo các nước liên quan, đặc biệt
là của TBT hai nước TQ và VN.
Chắc
chắn như đã
nêu, TQ sẽ dùng ĐLB để biện hộ cho hành động của mình. Như có
nói
qua ở trên đường này hoàn toàn vô lý và không có cơ sở. Nhân
định
của PCA ngày 12/7/2019 PCA hoàn toàn sat hựp với thức tế lịch
sử như
đã điể sơ qua ở trên : “dù trong lịch sử, những người đi biển, ngư
dân từ
Trung Quốc và các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không
có bất
kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình
thực hiện
việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây”. Từ đó, PCA
kết luận
không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài
nguyên
tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn” và bác bỏ hoàn toàn
nó.
Tuy nhiên, TQ dù là một thành viên UNCLOS, hơn nữa từng tham gia
dự
thảo UNCLOS, đã không tôn trọng phớt lờ phán quyết này. Đối
với các
vụ gần quần đảo Trường Sa hay Hoàng Sa, họ có thể viện lý do
là
các khu vực họ quậy phá nằm trong EEZ của hai quần đảo này mà
theo lịch
sử là của họ. Tuy nhiên, ngay cả khi các uần đảo này của
chính họ, cũng
theo phán quyết của PCA thì quần đảo Trường Sa không thể có EEZ
như
một thể thống nhất (điều chỉ có đối với các nước quần đảo
như
Philippines, Indonesia...), hơn nữa cũng không có đảo nào ờ
Trường Sa
đủ điều kiện để có EEZ riêng. Tình hình quần đảo Hoàng Sa
phần chắc
cũng tương tự như vậy dù chưa có phán quyết riêng cho nó. Như
vậy
viện dẫn pháp lý của TQ ở đây là không có giá trị. Hơn nữa,
việc
viện dẫn lịch sử của họ thật ra cũng thiếu cơ sở. TQ khẳng
định
rằng cha ông của họ đã từng khám phá, đặt tên, tới lui, khai
thác hai
quần đảo này trước nhất từ xa xưa. Sử sách các nước liên quan,
tôn
giáo, sách sữ của chính họ, khảo cổ biển... và cả thực tế
lại cho
thấy điều ngược lại. Chẳng hạn, TQ nói tổ tiên họ từng lui
tới các
quần đảo này đàu tiên nhưng sách vở lại cho thấy nhiều nhà sư
xưa kia
của họ đi hành hương sang Ấn Độ như Pháp Hiển, Giả Đam, Nghĩa
Tịnh..., hay các sứ giả Khang Thái, Chu Ứng thời Tam Quốc đi sứ
Phù
Nam... lại phải đi nhờ tàu buôn của người Ả Rập hay tàu thuyền
của
dân xứ nước Đông Dương chứ không dùng tàu thuyền của chính họ.
Còn
sử sách của họ thì mô tả đó là nơi không tàu thuyền nào dám
đi tới
vì sẽ không thể sống sót trở về hoặc một cách hoang đường hơn
rằng
đó là chỗ nước đổ xuống địa ngục, hay chỗ nước cạn với đá
có nam
châm mà thuyền đi ngang qua đinh đóng thuyền sẽ bị hút
xuống!?... Khảo
cổ biển cũng cho thấy trong thiên niên kỷ công nguyên đầu và
trước đó hầu
như không có xác tàu thuyền nào của TQ mà chỉ có xác tàu
thuyền Ả
Rập, các nước ven biển Đông... được tìm thấy trong biển Đông mà
thôi.
Với những chứng cứ như thế thì liệu tổ tiên họ có là người
khám
phá, lui tới, khai thác biển Đông và các đảo đầu tiên hay không.
Đối
với việc đặt tên trước, chỉ cần dỡ danh sách nêu tên các đảo
ở biển
Đông của họ trước đây sẽ thấy có rất nhiều ví dụ tên các đảo
chỉ
là phiên âm hay dịch các tên do người của phương Tây đặt trước,
ví dụ
như bãi ngầm Tăng Mẫu chỉ là phiên âm của James Shoal, đảo Phú
Lâm chỉ là dịch từ Woody Island hay đá Linh Dương dịch tên
Antilope Reef của Anh...
Cuối cùng trước
các hành động ngang ngược như thế của TQ, hôm 19/7 người phát ngôn Bộ
Ngoai giao Lê Thị Thu Hằng có nêu:"Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở
khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như
cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc
tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này". Đáp
ứng lời kêu gọi này, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã nhấn mạnh “Mỹ kiên quyết
phản đối mạnh mẽ các hành động cưỡng ép và bắt nạt được thực hiện bởi bất kỳ
bên nào tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc nên ngừng ngay các thói bắt nạt nước
khác và kiềm chế, tránh các hành động mang tính khiêu khích và gây bất ổn khu vực".
Để xem TQ sẽ ứng xử như thế nào sau các phản ứng như thế này. Liệu
họ có uốn nắn lại cách hành xử của mình trong tư cách một nước
lớn biết giữ lời hứa, có trách nhiệm, tôn trọng luật lệ quốc tế,
yêu chuông hoà bình như họ từng lớn tiếng rêu rao hay không.
Như người phát
ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng xác nhận phía Việt Nam “đã tiếp xúc
nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau” như trao công hàm phản đối
yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt
Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước
và ổn định, hòa bình ở khu vực, tức đã nổ lực hết sức để giải quyết
vấn đề đầy đủ qua đường ngoại giao. Và nếu TQ cứ giữ nguyên thái
độ, với tư cách nước nhỏ và đồng thời cũng thể hiện tinh thần yêu
chuộng hoà bình và công lý, có vẻ VN không có phương cách nào khác
để giải quyết cuộc đối đầu này ngoài việc đưa TQ ra Toà Trọng tài
quốc tế theo quy định Phụ lục VII của UNCLOS mà VN hình như cũng đã
có đủ điều kiện theo các ràng buộc của UNCLOS và các thoả ước đã ký
có liên quan như vừa nêu.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét