Thứ Năm, 18 tháng 7, 2019

TÔI MONG TẤT CẢ CÁC BẠN TIẾP TỤC CON ĐƯỜNG DÙ TÔI CÓ CHẾT ĐI



Nguyễn Ngọc Chu

TÔI MONG TẤT CẢ CÁC BẠN TIẾP TỤC CON ĐƯỜNG
DÙ TÔI CÓ CHẾT ĐI

Ngày 14/7/2019, GS Hoàng Tụy - cây đại thụ của Toán học Việt Nam, đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 92. Phải dừng lại trên con đường chưa kết thúc, GS Hoàng Tụy gửi lại hậu thế lời kêu gọi thiết tha “TÔI MONG TẤT CẢ CÁC BẠN TIẾP TỤC CON ĐƯỜNG DÙ TÔI CÓ CHẾT ĐI”.

I. CẢ CUỘC ĐỜI DÂNG HIẾN CHO KHOA HỌC VÀ GIÁO DỤC

Về cống hiến của GS Hoàng Tụy đã có nhiều người đề cập. Dù nhìn ở khía cạnh nào, dù là ai đánh giá, tất cả cùng hội tụ về một điểm, rằng cả cuộc đời GS Hoàng Tụy đã dâng hiến trọn cho Khoa học và Giáo dục.


Hơn 170 công trình khoa học - phần lớn đăng trên các tạp chí quốc tế hàng đầu, 3 chuyên khảo nổi tiếng, đồng sáng lập 3 tạp chí khoa học uy tín, hàng chục giáo trình Đại học và Phổ thông… Lát cắt Tụy, Thuật toán chia nón kiểu Tụy, Định lý bất tương thích Tụy… - không thể kể hết được, tất cả cộng hưởng lại, tạo nên một nhà khoa học Hoàng Tụy cao lớn.

Không khó để nhận ra, trong hàng trăm đóng góp cho khoa học của GS Hoàng Tụy thì “ Lắt cắt Tụy” là kỳ vĩ nhất. Với nhân loại, Ông đã đi vào lịch sử toán học của thế giới trong tư cách người mở đường cho ngành toán học Tối ưu Lõm mà “Lát cắt Tụy” đã trở thành kinh điển. Đó là niềm tự hào dài lâu của Toán học Việt Nam.

Nhưng ngoài những công trình khoa học đồ sộ, ngoài những cống hiến to lớn cho giáo dục, còn nữa những cốt cách sáng ngời ngời của một Hoàng Tụy Chí sĩ.

II. KIÊN ĐỊNH CHUYÊN MÔN

Kiên định chuyên môn là tầm nhìn xuyên suốt trong sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học của GS Hoàng Tụy. Tính kiên định này đã làm cho GS Hoàng Tụy phải hứng chịu giông bão. Nhưng cũng chính tầm nhìn này đã giúp cho Ông vững tay lái vượt qua các biến cố để đi đến toàn thắng cuối cùng, minh chứng sự đúng đắn của một trí tuệ khoa học lớn.

Khoa học và giáo dục không mang tính giai cấp. Khi lãnh đạo Khoa Toán của Đại học Tổng hợp, GS Hoàng Tuỵ đã luôn tuân thủ quy luật này. Ông không ưu tiên cho giai cấp công nông. Ông không thù địch giai cấp địa chủ, tư sản. Ông chỉ lấy chuyên môn là tiêu chuẩn duy nhất.

Nhưng đây là điều đi ngược với quan điểm của lãnh đạo tối cao lúc bấy giờ. Tính không giai cấp đã làm cho GS Hoàng Tụy, GS Lê Văn Thiêm long đong trong một thời gian dài, suýt nữa thì rơi vào tình trạng tương tự “ Nhân Văn Giai Phẩm” trong toán học. Ngoài sự kiên cường trung trinh của hai Ông, may mắn còn có một Đại trí thức là cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đồng quan điểm bảo vệ. Chỉ những đại trí thức, đại sỹ phu mới đủ tri thức và bản lĩnh để đi ngược lại sự vô trí thức của độc tài cường quyền.

III. KHÔNG CHẠY THEO XU THẾ TẠM THỜI

Người có tầm nhìn không bị cuốn hút theo xu thế tạm thời. Sau mở cửa của Đại hội VI, Kinh tế thị trường sơ khai bắt đầu phát triển ở Việt Nam. Tập đoàn làm kinh tế. Công ty làm kinh tế. Nhà nhà làm kinh tế. Người người làm kinh tế. Tất cả đổ xô đầu tư ngoài lĩnh vực hoạt động của mình. Phong trào này lan sang cả lĩnh vực khoa học và giáo dục. Riêng Viện Toán học, dưới sự lãnh đạo của GS Hoàng Tụy, vẫn kiên định chuyên môn.

Giá mà Vinashin, Petro Việt Nam, Các ngân hàng, cùng hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước khác kiên định sở trường của mình, thì đâu đến nỗi mất đi cả hàng triệu tỷ đồng ngân sách đầu tư ngoài luồng, làm tan hoang nền kinh tế nước nhà.

Mới hay tri thức là điều kiện ưu tiên trước hết để nắm quyền quản lý đất nước, chứ không phải là chuyên chính vô sản.

IV. TẦM NHÌN NHÂN TÀI

Muốn ganh đua trong tốp đầu quốc tế, muốn trở thành cường quốc, thì phải có những tài năng siêu việt. Tài năng siêu việt sẽ thui chột nếu không có đất sinh sống, nếu sinh ra không đúng thời, nếu không được phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo.

Vào những năm khó khăn nhất của chiến tranh, trong hoàn cảnh thiếu thốn thông tin và cơ sở đào tạo, cũng không có nhiều thầy giáo giỏi, thì GS Hoàng Tụy đã nhìn thấy lối thoát là đào tạo năng khiếu để bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Cùng với GS Lê Văm Thiêm, được sự ủng hộ của GS Tạ Quang Bửu, Ông đã thúc đẩy sự ra đời của hệ thống trường chuyên. Nhờ đó mà Toán học Việt Nam có nhiều tài năng nổi danh. Trong số đó có GS Ngô Bảo Châu với giải thưởng Fields danh giá mà nhiều thập kỷ nữa may ra mới tái xuất hiện.

Đừng nói rằng các nước khác không có trường chuyên. Bởi vì họ đã cho học tự chọn ngay từ bậc PTCS, với các thầy giáo giỏi riêng, khắp mọi nơi trên cả nước. Đó chính là trường chuyên của họ. Họ làm được như vậy là bởi vì họ giàu có, và phát triển.

Ở thời đại ganh đua toàn cầu, không phân ban chuyên môn sớm, không phát hiện năng khiếu để đào tạo từ bé thì sẽ thua toàn diện. Không có đào tạo năng khiếu thì không có Tiger Woods. Không có học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai thì không có lớp cầu thủ Công Phượng sáng giá như hiện nay. Phát hiện năng khiếu, thiên hướng, học với thầy giỏi từ sớm - là con đường nuôi dưỡng tài năng mà nhân loại đã đi và sẽ còn mãi đi.

V. GAN GÓC PHẢN BIỆN “ẢO TƯỞNG CỘNG SẢN”

Thực ra, ông Phan Diễn dùng cụm từ “Kiêu hãnh cộng sản” chưa phản ánh đúng hết bản chất của hiện tượng. “Ảo tưởng cộng sản” mới là cụm từ sát thực hơn.

Sau năm 1975 TBT Lê Duẩn rất tâm đắc với “ Quyền làm chủ tập thể” của ông. TBT Lê Duẩn hầu như đi đâu cũng nói về “ Quyền làm chủ tập thể” như là một đóng góp lý luận mới.

Trong một khát vọng đưa đất nước vượt qua nghèo khó để bắt kịp với các nước giàu, TBT Lê Duẩn đã triệu tập một số nhà khoa học đầu ngành tại Đồ Sơn vào 7/1979 để lắng nghe ý kiến, trong đó có GS Hoàng Tụy và GS Phan Đình Diệu. Một cách tế nhị, GS Hoàng Tụy và GS Phan Đình Diệu đã đề nghị TBT Lê Duẩn giải thích về “ Quyền làm chủ tập thể” vì các nhà khoa học chưa rõ. Và nhân đó gửi thông điệp đến TBT Lê Duẩn rằng “ Quyền làm chủ tập thể” không phải là học thuyết, và không có giá trị về lý luận và thực tiễn.

Quyền lực của TBT Lê Duẩn lúc đó vô cùng lớn, “ Kiêu hãnh cộng sản” rất lớn, Và “ Ảo tưởng cộng sản” còn lớn hơn. Gạch bỏ điều tâm huyết nhiều năm của người quyền lực nhất nước khó mà tránh khỏi thịnh nộ.

Nhưng Nhân cách lớn là biết thừa nhận sai mà thay đổi. Khác xa với tiểu nhân bảo thủ giáo điều, thấy sai còn chỗi cãi và nhất quyết không đổi thay. TBT Lê Duẩn chấp nhận sự thật, và từ đó không nhắc về “ Quyền làm chủ tập thể” nữa.

Ngược lại, TBT Lê Duẩn hỏi các nhà khoa học về Định Công, vì sao không nhân rộng ra được. GS Hoàng Tụy và các nhà khoa học khác đã nêu ra lý do sự thất bại của mô hình Định Công. Rằng đó không phải là thuận theo quy luật, mà do chính quyền dồn tiền của mà xây nên mô hình giả tạo. Mô hình Định Công từ đó cũng bị xóa bỏ.

Tiếc là sự ra đi của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đã buộc TBT Lê Duẩn phải ngay lập tức trở về Hà Nội. Và không còn dịp để TBT nghe trực tiếp những lời chân thành của các nhà khoa học mà thay đổi sớm hơn. Nhưng những gì mà TBT Lê Duẩn đã tiếp nhận là “có sự thay đổi tích cực lớn” - như lời TT Phạm Văn Đồng đã điện thoại cho GS Hoàng Tụy ngay sau đó.

GS Hoàng Tụy không chỉ một lần phản biện lại “ Ảo tưởng cộng sản”. Trong số đó là nói về “Sở hữu đất đai toàn dân” đã hoàn toàn không phù hợp nữa; Và phải cắt bỏ cái đuôi “Định hướng XHCN” khỏi “ Kinh tế thị trường” (Góp ý Dự thảo Sửa đổi Hiến Pháp 1992). Một cách dứt khoát rõ ràng, GS Hoàng Tụy khẳng định “Quyền con người, quyền công dân là những quyền đương nhiên phải hiến định minh bạch, và triệt để tôn trọng, thì mới có thể có xã hội dân sự phát triển”.

Tiếc thay, những góp ý trí tuệ và chân thành của GS Hoàng Tụy đã không có những Nhân cách lớn để nghe. Từ sau TBT Trường Chinh, những người đứng đầu nhà nước nối đuôi nhau bảo thủ.

VI. KHÁT KHAO CHẤN HƯNG GIÁO DỤC

Vào những năm cuối đời, GS Hoàng Tụy dồn tâm huyết cho Chấn hưng Giáo dục. Không biết bao nhiêu lần GS Hoàng Tụy đã nói về Giáo dục, với lãnh đạo Chính Phủ, với các Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, với truyền thông và với cộng đồng. Trong số đó, “ Kiến nghị của Hội thảo về Chấn hưng, Cải cách, Hiện đại hóa Giáo dục” năm 2004 vẫn còn là minh chứng đau đáu.

Viết đến đây, lại nhớ 64 năm trước (1955) Thầy giáo Hoàng Tụy đã viết giáo trình toán phổ thông mà không có một xu thù lao, khác xa với đòi hỏi nhiều trăm tỷ đồng của thời nay. Từ đó mà thấy sự khác biệt một trời một vực về nhân cách giữa hai thời đại.

VII. KHÔNG NGỪNG HY VỌNG VÀO MỘT TƯƠNG LAI TƯƠI SÁNG CHO ĐẤT NƯỚC

Người xưa nói “ Con chim sắp chết tiếng kêu bi thương, con người sắp chết thì lời nói phải”.

Hơn một tháng trước lúc rời cõi tạm, trong lời gửi gắm cuối cùng vào ngày 07/6/2019 cho các đồng nghiệp và hậu thế, GS Hoàng Tụy bộc bạch:

“Hồi trẻ tôi tưởng đến buổi này là nước nhà hoàn toàn độc lập, nhân dân hạnh phúc, thế mà hóa ra vẫn khó khăn quá chừng.

Nhưng khó mấy thì các bạn vẫn phải làm được.

Cho nên tôi vẫn không thất vọng, vẫn hy vọng vào một tương lai tươi sáng cho đất nước”.

Vâng. Kính thưa Hương hồn Giáo sư Hoàng Tụy:

Tương lai tươi sáng sẽ đến với đất nước chúng ta. Hàng chục triệu người Việt Nam sẽ bước tiếp trên con đường Giáo Sư đã lựa chọn, đi tới đích cuối cùng mà Giáo Sư mong muốn.

N.N.C

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét