Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2019

HÔM NAY 19.7: TIỄN BIỆT GIÁO SƯ HOÀNG TỤY VỀ CÕI VĨNH HẰNG


.
.
. ..
..
    

TIN BUỒN 
Chúng tôi vô cùng đau buồn báo tin:

Giáo sư Tiến sĩ
HOÀNG TỤY

Sinh ngày 7 tháng 12 năm 1927
tại làng Xuân Đài, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.

Nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam

vừa từ trần hồi 15h30 ngày 14.07.2019 
(tức ngày 12 tháng 6 năm Kỷ Hợi)
tại Hà Nội. Hưởng thọ 93 tuổi. 

Lễ viếng vào hồi 7h30 ngày thứ sáu 19/07/2019 
tại Nhà Tang lễ Quốc Gia, 5 Trần Thánh Tông, HN.

Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 9h00 ngày 19/07/2019. 

Điện táng và an táng cùng ngày 
tại Công viên Nghĩa trang Thiên Đức, 
huyện Phù Ninh, Phú Thọ.

(Gia đình xin phép không nhận tiền phúng viếng)

*****
Ông là giáo sư, nhà toán học tiêu biểu của Việt Nam. Cùng với Giáo sư Lê Văn Thiêm, ông là một trong hai người tiên phong trong việc xây dựng ngành Toán học của Việt Nam. Hoàng Tụy được coi là cha đẻ của lĩnh vực Tối ưu hóa toàn cục (Global Optimization) trong Toán học Ứng dụng.
Không chỉ là một nhà Toán học lỗi lạc, GS. Hoàng Tụy còn có những đóng góp lớn cho giáo dục Việt Nam. Ông cũng là sáng lập viên Viện Nghiên cứu Phát triển IDS mà ông là Chủ tịch Hội đồng Viện. 

Vô cùng thương tiếc một cây đại thụ của nền toán học Việt Nam, một nhân cách lớn của giới trí thức Việt Nam... Xin kính cẩn phân ưu cùng gia quyến của GS. Hoàng Tụy!


Hoàng Tụy
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Hoàng Tụy (sinh ngày 7 tháng 12 năm 1927, mất ngày 14 tháng 7 năm 2019) là một giáo sư, nhà toán học tiêu biểu của Việt Nam. Cùng với Giáo sư Lê Văn Thiêm, ông là một trong hai người tiên phong trong việc xây dựng ngành Toán học của Việt Nam. Hoàng Tụy được coi là cha đẻ của lĩnh vực Tối ưu hóa toàn cục (Global Optimization) trong Toán học Ứng dụng.

Không chỉ là một nhà Toán học, Hoàng Tụy cũng có nhiều đóng góp cho giáo dục Việt Nam. Ông cũng là sáng lập viên Viện Nghiên cứu Phát triển IDS mà ông là Chủ tịch Hội đồng Viện.
.

Tiểu sử

Ông sinh ngày 17 tháng 12 năm 1927 tại làng Xuân Đài, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, là cháu nội của cụ Hoàng Văn Bảng, đỗ Cử nhân và từng giữ chức Án sát sứ nhiều tỉnh như: Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Tĩnh. Cụ Hoàng Văn Bảng chính là em ruột của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu. Cha của ông là ông Hoàng Kỵ, từng làm quan dưới thời Duy Tân, Khải Định, được thăng chức Thị Giảng học sĩ. Các anh em ông có bảy người đỗ đạt thì 5 người làm giáo sư đại học như Hoàng Phê (ngôn ngữ học), Hoàng Quý (vật lý), Hoàng Kiệt (mỹ thuật), Hoàng Tụy và Hoàng Chúng (toán học)…

Tuy vậy, năm ông lên bốn tuổi thì cha qua đời. Cha làm quan thanh liêm, nên gia đình túng bấn lại đông anh em nên tuổi thơ của ông rất vất vả, tuy nhiên đều giữ nếp nhà trong việc học hành. Giỏi văn học Pháp, nhưng ngay từ thời trung học, Hoàng Tụy đã bộc lộ thiên hướng toán học. "Nhảy cóc" hai lớp, là thí sinh tự do, tháng 5 năm 1946, ông đỗ kỳ thi tú tài phần một và bốn tháng sau đó, đỗ đầu tú tài toàn phần ban toán tại Huế. Ông theo học Đại học Khoa học ở Hà Nội nhưng bỏ dở. Sau đó ông được mời dạy toán tại trường trung học Lê Khiết ở Liên khu V.

Năm 1951, ông theo học Trường khoa học cơ bản do Lê Văn Thiêm phụ trách.

Năm 1954, Hoàng Tụy bắt đầu dạy toán tại trường Đại học Khoa học, sau là Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tháng 3 năm 1959, Hoàng Tụy trở thành một trong hai người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ khoa học toán - lý tại Đại học Lomonosov tại Moskva.

Từ năm 1961 đến 1968 ông là Chủ nhiệm Khoa Toán của Đại học Tổng hợp Hà Nội; là Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam từ năm 1980 đến 1989.

Năm 1964, ông đã phát minh ra phương pháp "lát cắt Tụy" (Tuy's cut) và được coi là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán học mới: Lý thuyết tối ưu toàn cục (global optimization).

Vào tháng 8 năm 1997, Viện Công nghệ Linköping (Thụy Điển) đã tổ chức một hội thảo quốc tế với chủ đề "Tìm tối ưu từ địa phương đến toàn cục", được tổ chức để tôn vinh Giáo sư Hoàng Tụy, "người đã có công trình tiên phong trong lĩnh vực tối ưu toàn cục và quy hoạch toán học tổng quát" và nhân dịp giáo sư tròn 70 tuổi.

Ngày 27 tháng 9 năm 2007, ông cùng 9 nhà nghiên cứu độc lập tên tuổi khác là: Nguyễn Quang A, Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh, Chu Hảo, Tương Lai, Phan Huy Lê, Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển IDS mà ông là Chủ tịch Hội đồng Viện. Viện IDS với tư cách một tổ chức độc lập, vừa là tổ chức mở, phi vụ lợi chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan đến các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế xã hội.

Tháng 12 năm 2007, một hội nghị quốc tế về "Quy hoạch không lồi" đã được tổ chức ở Rouen, Pháp để ghi nhận những đóng góp tiên phong của GS Hoàng Tuỵ cho lĩnh vực này nói riêng và cho ngành Tối ưu Toàn cục nói chung nhân dịp ông tròn 80 tuổi.

Trong những năm của thế kỉ 21, GS Hoàng Tuỵ đã có một số bài viết phê phán, góp ý thẳng thắn về sự yếu kém, lạc hậu và tiêu cực trong ngành giáo dục Việt Nam cũng như tham gia nhiều hội nghị tham luận về cải cách giáo dục.

Tháng 9 năm 2011, Giáo sư Hoàng Tụy vinh dự là người đầu tiên nhận được giải thưởng Constantin Caratheodory do Đại hội Quốc tế Tối ưu Toàn cục đề xướng cho những đóng góp tiên phong và nền tảng của ông trong lĩnh vực này. 

Một số công trình khoa học

Trên 100 công trình đăng trên các tạp chí có uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học như: Quy hoạch toán học, Tối ưu toàn cục, Lý thuyết điểm bất động, Định lý minimax, Lý thuyết các bài toán cực trị, Quy hoạch lõm,...

Reiner Horst và Hoàng Tụy (2006 - xb lần thứ 3). 'Global Optimization - Deterministic Approaches (Tối ưu toàn cục - các cách tiếp cận tất định)'. Springer - Verlag. ISBN 3540610383. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)

Năm 1996, ông cùng Giáo sư Hiroshi Konno và nhà toán học trẻ Phan Thiên Thạch viết chung cuốn sách chuyên khảo nhan đề Optimization on Low Rank Nonconvex Structures (Tối ưu hóa trên những cấu trúc không lồi dạng thấp) dày 472 trang, đang được Kluwer Academic Publishers in đồng thời ở nhiều nơi.

Một cuốn sách khác, bộ Convex Analysis and Global Optimization, một giáo trình nghiên cứu trong ngành tối ưu toàn cục, cũng được nhà xuất bản nói trên in ở Mỹ và châu Âu trong năm 1997.

Ông là tổng biên tập của 2 tạp chí toán học tại Việt Nam (1980-1990), ủy viên ban biên tập của 3 tạp chí toán học quốc tế.

Danh dự, giải thưởng

Tiến sĩ danh dự trường Đại học Linköping, Thụy Điển (1995).
Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996).
Giải thưởng Phan Châu Trinh (2010)
Giải thưởng Constantin Carathéodory (2011)

Chính kiến

Ngày 9.12.2015 ông cùng với 126 người khác, trong đó có các nhân vật tên tuổi như Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, TS Nguyễn Quang A, GS Nguyễn Huệ Chi, GS Nguyễn Đình Cống, GS Chu Hảo, GS Tương Lai, Huỳnh Tấn Mẫm, Hồ Ngọc Nhuận, GS Trần Văn Thọ, GS Nguyễn Đăng Hưng, Đại sứ Nguyễn Trung, GS Phạm Xuân Yêm..., đã gửi một bức thư ngỏ đến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XII và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Bức thư đề nghị "đổi tên đảng (không gọi là Đảng Cộng sản); đổi tên nước (không gọi là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa); trả lại tự do cho những người khác chính kiến đang bị giam giữ; chấm dứt sự trấn áp và ngăn chặn nhân dân thực hiện quyền tự do dân chủ theo Hiến pháp" đồng thời nêu ý kiến "Thực tiễn của nước ta cũng như trải nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy rõ sai lầm và thất bại của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lênin".

6 nhận xét :

  1. Gs Hoàng Tụy là nhà toán học xuất sắc , một trí thức yêu nước tiêu biểu . Cụ cũng rất hài hước . Khi nói " giáo dục là quốc sách hàng đầu " , cụ trả vờ nói nhịu thành ra quốc sách đầu hàng .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. vĩnh biệt một nhân cách lớn, một trí tuệ của thời đại. Xin chia buồn cùng Bảo Ninh và gia đình!

      Xóa
  2. Thành kính chia buồn cùng gia đình ông. Mong ông hãy an nghỉ chốn vĩnh hằng. Rất trân trọng ông, nhà toán học lớn, một nhân cách lớn và có tấm lòng cao cả với đất nước.
    Cảm ơn chú Diện đã đăng tin này sớm

    Trả lờiXóa
  3. Kính chúc Thầy thanh thản Chốn Vĩnh Hằng!

    Trả lờiXóa
  4. Rất tiếc ý kiến các nhà khoa học nỏi tiếng đêu bị...cuốn đi theo chiều gió... . Là người thuộc lớp đàn em tôi cũng thường đọc và tham dự các buổi sinh hoạt của VIDS nhưng đáng tiếc không có những hồi âm mong đợi. Nay GS Hòang Tụy đã trở về cỏi vĩnh hằng nhưng nghĩ rằng trước khi tắt thở Ông vẫn nghĩ đến tương lai đất nước yêu dấu của Ông.

    Trả lờiXóa
  5. Vừa vào nhà tang lể cùng các bạn bè đã tham gia trong diễn đàn BOXIT và VIDS vào thắp hương đứng thước linh sàng vĩnh biệt Ông và chia buồn cung gia đình con cháu của Ông..
    Ra ngoài gặp nhà văn Nguyên Ngọc chuẩn bị vào viếng nên cùng ông trao đổi vài câu chia buồn xung quanh ngày ra đi về cỏi vĩnh hằng của GS Hoàng Tụy.

    Trả lờiXóa