Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

NGHỆ SĨ TƯƠNG LAI KHÔNG CẦN "HỌC LÀM NGƯỜI"?


Hoài Hương

NGHỆ SĨ TƯƠNG LAI KHÔNG CẦN "HỌC LÀM NGƯỜI"
Văn nghệ số 30 ra ngày 27/7/2019.

Bộ Giáo dục & Đào tạo chính thức công bố quyết định phê duyệt đề án thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng hệ chính quy vào các trường khối Văn hóa - Nghệ thuật bắt đầu từ năm 2013 không phải thi môn Ngữ văn. Học văn là học làm người, là học về mỹ học- cái đẹp, nay bỏ đi, liệu các nghệ sĩ tương lai sẽ ra sao?

Thông tin bỏ môn ngữ văn không phải thi, mà chỉ cần thi môn năng khiếu vào các trường Đại học, Cao đẳng hệ chính quy khối Văn hóa - Nghệ thuật, có lẽ chỉ làm các thí sinh thi tuyển vào các trường này là vui, vì bớt được một môn thi đang thuộc về “thảm họa” với ngành giáo dục Việt Nam.


Nhưng thông báo này đã thật sự gây sốc không chỉ với những người làm nghệ thuật, những giáo viên dạy môn văn, mà còn như một cơn đau tim nặng với những ai còn có “Tâm” với môn văn.

“Văn” là đẹp

Chữ “Văn” trong đời sống thường ngày được xử dụng rất nhiều, rất phổ biến và gần như không thể thiếu vắng. Trong kho từ vựng tiếng Việt có một loạt các từ như: Văn hóa, Văn minh, Văn hiến, Văn vật, Văn miếu, Văn học, Văn chương, Văn nghệ, Văn tự, Văn kiện, Văn bản, Văn thư, Văn bằng, nhân văn… 

Theo từ điển Từ Hải, từ điển Hán - Việt, chữ “Văn” nguyên gốc từ tiếng Hán từ thời thượng cổ, được dùng để chỉ đường nét dài ngắn khác nhau tạo nên những đồ hình hài hòa, cân đối. Người ta thấy những đồ hình này đẹp, cân đối nên dần dần “Văn” đã mang nghĩa đẹp đẽ, chuẩn mực, trau chuốt, từ đó chuyển sang nghĩa chỉ sự lễ độ, đạo đức của con người. Rồi dần dần “Văn” là những đường nét cấu tạo thành chữ viết…

Qua sự phát triển của xã hội loài người, chữ “Văn” thành một từ “phái sinh”, diễn tả vẻ đẹp, được sử dụng để chỉ những chuẩn mực về đạo đức, văn hóa, phẩm cách của con người. Đó là những phẩm chất tốt đẹp, chuẩn mực, làm khuôn thước cho đạo đức con người và ứng xử trong xã hội như: Văn hóa, văn minh, nhân văn…

Chữ “Văn” cũng theo thời gian mà trở thành sự biểu đạt hệ thống ngôn ngữ mang ý nghĩa là một tác phẩm hoàn chỉnh. Và từ chỗ hình thức, người ta lại quy định những dạng khác nhau, sử dụng trong những mục đích giao tiếp khác nhau, “Văn” với tư cách là một thể tài của văn chương hình thành. “Văn” là thể tài của sáng tác nghệ thuật, văn học là cái gốc của mọi loại hình văn hóa, nghệ thuật. . Là biểu trưng của cái đẹp- Mỹ học.

Văn học là nhân học

Người xưa đã dạy thế, mà nay ai cũng hiểu như thế nếu đã từng đi học. Tác phẩm văn học đồng nhất với cái đẹp. Học văn, là bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, xây dựng đời sống tâm hồn, hình thành ý thức công dân của con người trong xã hội. 

Đặc biệt hơn, học văn là để thấu hiểu Chân - Thiện- Mỹ cuộc đời, nhất là “mỹ” - cái nôi của các loại hình nghệ thuật, để hiểu về cái đẹp, để làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bản thân, góp phần tạo nên sự hài hòa của nhân loại.

Học văn còn là một kênh để hình thành nhân cách con người, để biết nhìn nhận đúng - sai, thiện - ác, để biết yêu - ghét, biết chia sẻ, biết quan tâm, có trách nhiệm…. Để không có những hành động mang thú tính, hay những hành vi thiếu văn hóa trong các giao tiếp cộng đồng.

Học văn còn là cách để con người luôn hướng tới tương lai để ngày càng hoàn thiện hoàn mỹ, cho một cộng đồng nhân loại nói chung và bản thân mình nói riêng luôn có sự bình yên trong cuộc sống, trong tâm hồn.

Nghệ sĩ , trên lý thuyết là những người có sự cảm thụ sâu sắc về văn học. Qua văn học, họ có thể thấu hiểu những “thất tình, lục dục” của con người, biết thẩm thấu vẻ đẹp của ngôn ngữ, của giai điệu, của hình ảnh…, và sau đó truyền đạt đến công chúng bằng những cảm xúc của chính mình qua những loại hình nghệ thuật mà họ theo đuổi như nghề - nghiệp. Và bản thân nghệ sĩ cũng trở thành biểu tượng của cái đẹp trong nghệ thuật để công chúng ngưỡng mộ.

Nghệ sĩ tương lai không cần học làm người

Vậy mà, theo một quyết định của Bộ Giáo dục & Đào tạo, thì môn ngữ văn chính thức bị loại bỏ ra khỏi hệ thống môn thi vào các trường thuộc khối Văn hóa - Nghệ thuật. Không thi, có nghĩa là sẽ không cần học môn văn, chỉ cần có năng khiếu.

Không hiểu những nghệ sĩ tương lai, những nhà “văn hóa” tương lai sẽ làm thế nào mà có thể cảm thụ được vẻ đẹp của môn nghệ thuật mình theo đuổi. Khi không hiểu được vẻ đẹp của nghệ thuật thì làm sao có thể làm được nghệ thuật, một loại hình đòi hỏi sự sáng tạo rất cao, sự am hiểu về cái đẹp sâu sắc.. 

Thử nghĩ xem, một nghệ sĩ tương lai, một nhà “văn hóa học” tương lai, mà không đọc một cuốn sách văn học nào, không biết cách phân tích một tác phẩm văn học ra sao, thì làm sao họ có thể sáng tác, hay biểu diễn nghệ thuật, hay làm công tác văn hóa?

Môn Ngữ văn hiện đã như một “cái ghẻ” trong giáo dục, mỗi kỳ thi cuối cấp hay tuyển sinh Đại học - Cao đẳng, những bài thi của môn này luôn tạo nhiều bi hài kịch không chỉ riêng cho ngành giáo dục bởi những sự ghẻ lạnh, thờ ơ của cả học sinh lẫn giáo viên. Vì không coi trọng môn Ngữ văn, xem như một môn học “không lợi ích” gì mang tính thời thượng “công nghệ cao”, “toàn cầu hóa”, “kinh tế thị trường”…, quan trọng là môn học sau khi tốt nghiệp khó kiếm tiền, nên ngay trong môi trường giáo dục đã xảy ra những hệ lụy tưởng như nhỏ mà hậu quả khôn lường.

Những câu chuyện suy đồi về đạo đức học đường như trò đánh thầy, thầy “gạ tình lấy điểm”, cô dùng lời lẽ thô tục chửi học sinh, học sinh trai gái quay clip sex tung lên mạng…. thành chuyện thường ngày, không còn là cá biệt. Chưa kể đến những chuyện vi phạm pháp luật nghiêm trọng như thầy giáo có hành vi xâm hại tình dục học sinh nữ, chuyện gian lận thi cử…

Ngay trong giới nghệ sĩ, những “người của công chúng”, của showbiz Việt, mấy năm nay gần như ngày nào cũng có những scandal đủ hình thức. Từ trang phục với thẩm mỹ kém văn hóa, phản cảm hở trên, tụt dười, trong suốt đến những cuộc đấu khẩu với đủ những lời lẽ thô tục họ dành cho nhau trên các trang mạng xã hội. Từ những cuộc đua khỏa thân vì “môi trường”, “bảo vệ thiên nhiên”, … đến các màn thi nhau khoe thân bằng các hình ảnh nude lố bịch để PR cho mình. Từ các trò khoe giàu, khoe sang bằng đủ thứ vật chất hàng hiệu tiền tỉ đến những phát ngôn như kẻ thất học không có tri thức làm người. Rồi những kiểu sống phóng túng bất chấp đạo đức, nhân phẩm của một bộ phận nghệ sĩ trẻ với công thức “chân dài- đại gia”, hay làm gái mại dâm…, không kể những cuộc “đấu” của những “kẻ thứ ba” gây náo loại cả cộng đồng mạng.

Chưa hết, thời gian gần đây giới Vpop còn có trào lưu đặt những lời trong ca khúc Việt rất dung tục, không chỉ nói lái tựa để với nghĩa thô thiển, mà ngay cả trong ca từ cũng rất nhiều ngôn từ “đen”, kể cả đưa những lời chửi bậy vào ca khúc. Rồi các MC trong các gameshow thực tế trên truyền hình thì có những lời lẽ thiếu văn hóa, thiếu nhân văn với thí sinh, còn giám khảo và thí sinh thì nhiều khi như “hàng tôm hàng cá” trên sân khấu như ở giữa chợ làng. 

Không thể đổ thừa vì họ không học môn ngữ văn nên mới sinh ra thế, nhưng nó chính là hệ lụy của việc thiếu trang bị kiến thức về văn hóa, về mỹ học - cái đẹp, mà gốc là từ văn học. Thế vẫn chưa đủ để cảnh báo các nhà hoạch định chiến lược giáo dục của quốc gia hay sao, mà nay lại từ bỏ môn Ngữ văn không thi, nghĩa là triệt tiêu một khía cạnh học làm người - nhân học, trước khi làm người nghệ sĩ mang cái đẹp lan tỏa trong cộng đồng. Năng khiếu là cần, nhưng chưa đủ tư cách để làm một nghệ sĩ hay một nhà “văn hóa học”, nếu họ không có những trang bị kiến thức về văn học.

Tuyển chọn những nghệ sĩ tương lai mà chỉ cần năng khiếu, xem nhẹ văn hóa, sao đơn giản quá vậy?

Để kết thúc bài này, chỉ xin lưu ý với các nhà chiến lược ngành giáo dục Việt Nam. Ở các nước trong khối G7, bất kể thi vào trường nào, hay ngành gì đều có môn thi bắt buộc là một bài luận văn./.

1 nhận xét :

  1. Một thằng ngọng tự phong hàm giáo sư cho mình làm bộ trưởng thì chuyện học, chuyện thi cũng đến thế thôi, có gì lạ đâu

    Trả lờiXóa