Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2019

Mai Thanh Sơn: TRUNG QUỐC: "THỤC NHÂN" VÀ "SINH NHÂN"

Ảnh: Tôn Trung Sơn - người đặt nền móng cho tư tưởng Đại Trung Hoa hiện đại.
 
TRUNG QUỐC: "THỤC NHÂN" VÀ "SINH NHÂN"

Mai Thanh Sơn

Đến nay, đa số người Việt chúng ta vẫn gán cho Bắc Kinh tư tưởng "Đại Hán". Đó là một nhận định có phần sai lầm. Thực ra, ngay từ thời nhà Chu (1122 TCN–249 TCN) thuật ngữ "Trung Hoa" (xứ văn minh ở trung tâm) đã xuất hiện và ý tưởng về một "Đại Trung Hoa" đã hình thành. Nhưng lãnh thổ ngày nay thuộc về Trung Quốc lúc đó là địa bàn sinh sống của rất nhiều sắc dân thuộc những bộ lạc, liên minh bộ lạc hoặc tiểu quốc khác nhau. Để có thể hình thành nên một Đại Trung Hoa, sự áp đặt và thôn tính lẫn nhau là điều không thể tránh khỏi. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến những cuộc chiến tranh liên miên trong suốt thời kỳ cổ và trung đại Trung Quốc.

Các sử gia vẫn coi Tần Thủy Hoàng là người có công thống nhất Trung Hoa (và vì thế, tên triều đại này được quốc tế hóa thành tên quốc gia - Chin/China). Không sai. Nhưng chưa đầy đủ. Ông ta là người khởi đầu thì đúng hơn. Tiếp theo triều đại nhà Tần vẫn là những cuộc chiến tranh liên miên để thống nhất và mở rộng lãnh thổ. Quá trình đó đến nay chưa chấm dứt.

Chính trong quá trình dần dà thống nhất Trung Hoa, một siêu tộc đã được hình thành, sau này được gọi là "Hán tộc". Đó là sự hợp huyết của nhiều sắc dân khác nhau và rất khó có thể xác định được đâu là sắc dân chủ lực. Và văn hóa Hán là sự hợp lưu của nhiều dòng văn hóa Tiền Trung Hoa. Nếu như quá trình thống nhất thành một Trung Hoa phải dựa vào sức mạnh quân sự và thông qua các cuộc chiến tranh, thì chất kết dính văn hóa lại nằm ở 2 cơ sở mấu chốt khác: ban đầu là chữ tượng hình, và ngàn năm sau được củng cố bằng học thuyết Nho giáo do Khổng Khâu đề xuất và truyền bá. Tư tưởng Đại Hán dựa trên 2 nền tảng đó. Và đó cũng là những tiêu chí đầu tiên để phân biệt "thục nhân" và "sinh nhân" - một cách phân loại loài người "rất Đại Hán".

Trong trường kỳ lịch sử, siêu tộc Hán luôn lấy mình làm trung tâm và văn hóa Hán là thang đo cho sự tiến bộ. Đối lập với nó là Tứ Di: Đông Di - 東夷, Bắc Địch - 北狄, Tây Nhung - 西戎, và Nam Man - 南蠻. Thôn tính được vùng đất nào, siêu tộc Hán lập tức mang chữ viết và khuôn phép Khổng Nho đến "giáo hóa" cư dân chủ thể vùng đất đó. Trong Tứ Di, nhóm cư dân nào thuận theo văn hóa Hán và khuôn phép Khổng Nho, sẽ được coi là "thục nhân" - nghĩa là những người đã được giáo hóa (văn minh/tiến bộ), nhưng nghĩa đen là "những người đã được nấu chín". Nếu bộ phận nào kháng cự để giữ lại văn hóa riêng của mình, sẽ bị coi là "sinh nhân" - những kẻ sống sít man rợ. Cả 2 cách gọi đó đều ít nhiều thể hiện sự miệt thị.

Về bản chất, ban đầu Đại Hán là chỉ mối quan hệ đối nội. Tư tưởng Đại Hán nằm trong lòng Trung Hoa và từ thời cổ đến cận đại, nó chỉ ảnh hưởng rộng hơn đến các quốc gia lân bang ở phương Đông như Nhật Bản, Cao Ly, và Việt Nam. Và như vậy, trước khi tư tưởng Đại Hán tạo nên sự xung đột giữa Trung Hoa với các quốc gia láng giềng, nó đã tạo nên sự chia rẽ nội bộ, giữa siêu tộc Hán (chiếm hơn 91% dân số) với bộ phận thiểu số còn lại. Các sắc dân thiểu số ở Trung Quốc chỉ có chưa đến 9% dân số, nhưng lại chiếm cứ 65% diện tích lãnh thổ.

Nhận thấy nếu để tình trạng chia rẽ kéo dài sẽ dẫn đến sự suy yếu của quốc gia, ảnh hưởng xấu đến tiến trình bành trướng, từ đầu thế kỷ XX, quan niệm về "thục nhân" và "sinh nhân" dần dần được rũ bỏ. Khi thể chế được coi là "dân quốc" đầu tiên được lập ra ở Trung Quốc (1911), Tôn Trung Sơn và các đồng chí của ông ta đã dịch chuyển từ tư tưởng "Đại Hán" về lại với tư tưởng "Đại Trung Hoa" ban đầu. Nhưng Đại Trung Hoa hiện đại hoàn toàn khác về bản chất so với Đại Trung Hoa thời cổ đại. Trước đây, Đại Trung Hoa là nhằm mục tiêu xây dựng một vương quốc thống nhất rộng lớn. Ngày nay, Đại Trung Hoa là để hướng ra thế giới toàn cầu, bao gồm cả phương Tây và châu Mỹ. Sự thách thức của Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới bắt đầu từ đó. Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Binh và ngày nay Tập Cận Bình là những kẻ kế thừa xuất sắc.

Mời xem lại bài trước:
và đón đọc: Các trụ cột trong học thuyết Đại Trung Hoa hiện đại.

1 nhận xét :

  1. Xin trân trọng cảm ơn Anh Mai Thanh Sơn và Tễu Blog !

    Trả lờiXóa