Tuổi trẻ
09/05/2019 08:00 GMT+7
TTO - 'Ở trong thời điểm này, chúng ta đã ứng xử không xứng đáng với di sản văn hóa mà tiền nhân để lại'.
1. Bản quy hoạch khu Hòa Bình (Đà Lạt) - với kế hoạch xóa sổ những công trình mang nhiều ký ức cộng đồng, ghi dấu ấn phát triển lịch sử nhân văn đô thị, thay vào đó là các khu trung tâm thương mại dịch vụ nghỉ dưỡng cao tầng - đã tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận.
Làn sóng ấy chưa kịp dịu lắng thì những hình ảnh máy xúc áp sát, thô bạo khoét vào bờ kè hộ thành hào mặt nam Kinh thành Huế khiến chúng ta bàng hoàng.\\
Câu chuyện ở Huế chưa kịp nguội, tin tức về di tích quốc gia chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) ập đến khi hai cổng ngách cạnh gác chuông của chùa bị đập để xây dựng hai cổng mới hoành tráng.
Tiếp đó là thông tin giáo phận Bùi Chu (Nam Định) lên kế hoạch "hạ giải" ngôi nhà thờ chánh tòa Bùi Chu cổ kính, có tuổi đời 134 năm tuổi, nơi lưu dấu ấn lịch sử truyền giáo, giao thoa văn hóa Đông - Tây ở vùng Đồng bằng Bắc bộ.
Chuyện Bùi Chu chưa kịp phân giải, hình ảnh ngôi tháp Bánh Ít ở Bình Định bị chính ngành du lịch địa phương này tùy tiện đục khoét để gắn thông tin quảng bá du lịch…
Phía sau những sự việc này, dù nguyên nhân là từ sự yếu kém của phía chính quyền địa phương, sự chọn lựa lợi ích kinh tế trước mắt, sự trùng tu không đúng cách hay ở chính những quyết định ấu trĩ tự phát của những người sở hữu di sản… cũng đều cho thấy chung một điểm: nhận thức của những nhóm người nắm "quyền sinh quyền sát" di sản chưa đủ sâu sắc.
Nói như một chuyên gia văn hóa đã lên tiếng trước kế hoạch hạ giải nhà thờ cổ Bùi Chu: với nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam đang đứng ở giai đoạn báo động đỏ cho di sản.
Bởi quá nhiều thứ lợi ích cục bộ, trước mắt sẽ che mờ những nhận thức đúng đắn, bởi xã hội thị trường và cơn khát tăng trưởng; sự hiện đại hóa nhất thời, bằng mọi giá cũng dễ dàng đưa đến những chọn lựa đổi thay có hại cho bản sắc văn hóa.
Mạng lưới chuyên gia đã tạo nên một kênh giám sát cần thiết để các quyết định phương hại cho văn hóa ít có dịp trở thành hiện thực.
Có thể nhận thấy sự thiệt thòi của những người đem nhiệt huyết, hiểu biết để bảo vệ vốn liếng di sản cho cộng đồng khi không ai khác, chính họ bị coi là "những kẻ khóc mướn", thậm chí bị vu cho tội kìm hãm phát triển. Nhưng tiếng nói của cộng đồng này ngày càng mạnh mẽ, chính trực và có trách nhiệm.
Điều này cũng giúp gióng lên hồi chuông thức tỉnh rằng ở vào giai đoạn này, những giá trị tinh thần, căn cước văn hóa cần thiết được đặt lại như là nền tảng của phát triển nhất quán trên thực tế, chứ không thể là những hô hào "xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc" một cách sáo rỗng.
Chúng ta có xứng đáng với di sản tiền nhân để lại hay không? Câu hỏi đặt ra như một thách đố. Và thách đố ấy liên quan đến chính cội nguồn của nhận thức phát triển.
Có thể phát triển bền vững được không, nếu xóa dần những biểu trưng tốt đẹp được kế thừa từ lịch sử?
Tháo dỡ gấp các biển gắn trên tháp Chăm
Để treo biển "Điểm đến du lịch Bình Định" lên tháp Đôi và tháp Bánh Ít - hai di tích quốc gia ở tỉnh Bình Định, đơn vị quản lý di tích đã khoan ốc vít, lắp giá thép vào những viên gạch Chăm.
Sáng 6-5, ông Nguyễn Tuấn Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm tháo dỡ gấp các biển được gắn trên tháp Đôi (TP Quy Nhơn) và tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước).
Theo ông Thanh, những biển báo này được gắn lên hai cụm tháp hơn một năm qua nhưng không ai phát hiện cho đến khi một nhóm kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia đến thăm di tích và chụp ảnh, đưa lên Facebook.
Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Nguyễn An Pha - chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định - nói việc khoan vào di tích để treo biển là việc làm thiếu suy nghĩ, gây tổn thương cho di tích, cần phải rút kinh nghiệm nghiêm khắc để không tái diễn.
DUY THANH
Các ốc vít được khoan vào gạch - Ảnh: HOÀNG ANH
Để treo biển "Điểm đến du lịch Bình Định" lên tháp Đôi và tháp Bánh Ít - hai di tích quốc gia ở tỉnh Bình Định, đơn vị quản lý di tích đã khoan ốc vít, lắp giá thép vào những viên gạch Chăm.
Sáng 6-5, ông Nguyễn Tuấn Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm tháo dỡ gấp các biển được gắn trên tháp Đôi (TP Quy Nhơn) và tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước).
Theo ông Thanh, những biển báo này được gắn lên hai cụm tháp hơn một năm qua nhưng không ai phát hiện cho đến khi một nhóm kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia đến thăm di tích và chụp ảnh, đưa lên Facebook.
Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Nguyễn An Pha - chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định - nói việc khoan vào di tích để treo biển là việc làm thiếu suy nghĩ, gây tổn thương cho di tích, cần phải rút kinh nghiệm nghiêm khắc để không tái diễn.
DUY THANH
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét