Tác giả "Khúc hát sông quê" sống phiêu lãng, tự do tự tại, làm việc và cống hiến hết mình đến cuối đời.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo qua đời ở tuổi 72 tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Trước đó một tuần, nhạc sĩ hôn mê sâu. Dù đã chuẩn bị tinh thần, nhiều người thân với ông như nhà văn Ngô Thảo, nhạc sĩ Giáng Son... không khỏi bàng hoàng khi hay tin. Sinh thời, ông được đồng nghiệp, bạn bè yêu quý bởi tính cách hào sảng, hài hước, tốt bụng.
Lễ nhập quan diễn ra lúc 8h30 ngày 9/1 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng diễn ra từ 12h đến 13h30 cùng ngày. Linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ, Hà Nội lúc 14h. Hài cốt nhạc sĩ sẽ được đưa về quê ở Nghệ An sau khi gia đình xây dựng xong khu tưởng niệm.Nhà văn Ngô Thảo kể ông quen biết Nguyễn Trọng Tạo từ năm 1972, khi hai người cùng khoác áo lính. "Tổng thống thứ 21 của Pháp - ông Francois Mitterand từng nói: 'Phóng túng và lang bang là phẩm chất của người nghệ sĩ'. Nguyễn Trọng Tạo có cả hai tính cách ấy", Ngô Thảo nhận xét về người bạn thân thiết. Khi còn sống, ông yêu tự do, thích đi du lịch, kết giao, gặp gỡ bạn bè.
Tùng Dương - người thể hiện thành công ca khúc Cỏ và mưa phổ từ thơ Nguyễn Trọng Tạo - kể anh quen biết ông từ nhỏ, do ông kết giao với bố anh. Thế nhưng Tùng Dương không có nhiều dịp gặp gỡ ông vì nhạc sĩ "nay đây mai đó". "Thỉnh thoảng, tôi gọi điện cho chú, lúc thấy chú ở Tây Nguyên, vài hôm sau đã ở TP HCM, rồi dăm bữa ngược lên miền núi phía Bắc. Tôi cảm nhận con người nhạc sĩ tràn ngập chất 'phủi', phóng khoáng. Đó là trái tim thích lãng du", ca sĩ nhớ lại.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo hồi tháng 7 năm ngoái.
Nguyễn Trọng Tạo là tâm điểm của mỗi cuộc gặp gỡ, cà kê của giới văn sĩ. Bạn bè nhận xét ông hóm hỉnh, ăn nói có duyên, không cầu kỳ, kiểu cách. "Bạn chí cốt của Nguyễn Trọng Tạo ở khắp tứ hải. Ai cũng mến tính cách giản dị, thuần phác của ông. Đi đến đâu, ông cũng tựa như một thỏi nam châm, hút lấy mọi người", nhà thơ Bình Nguyên Trang chia sẻ.
.
Anh Thơ hát "Làng quan họ quê tôi" của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.
Nguyễn Trọng Tạo từng xây hẳn một căn nhà sàn ở bãi giữa sông Hồng để cùng bạn bè đàm đạo. Ông không nghiện rượu nhưng thích ngồi nhâm nhi với anh em. Từ những cuộc nhậu, nhiều tác phẩm của ông được bạn bè "đưa ra ánh sáng". Nhạc sĩ vốn không khoa trương, ông viết nhiều bài từ vài chục năm trước nhưng không chịu ra mắt. "Bạn nhậu" phải giục lên giục xuống, ông mới tính đến chuyện thu âm.
Trong mắt nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha, Nguyễn Trọng Tạo tốt bụng, nhiệt tình, hào phóng: "Cậu ấy cũng rất tình cảm, quan tâm đến mọi người. Tạo coi gia đình bạn bè như người thân của mình". Không chỉ đối xử tốt với anh em cùng thời, nhạc sĩ được nhiều đàn em ngưỡng mộ. Nhà văn Ngô Thảo kể ông không ngại khó khăn, dành nhiều thời gian dìu dắt các nhà thơ trẻ, giúp họ chỉnh trang câu chữ, liên hệ nhà xuất bản, rồi thiết kế bìa, viết lời đề từ. Nguyễn Trọng Tạo làm tất cả những việc ấy từ tâm, không màng danh lợi. Ông cũng dành nhiều công sức, thời gian chấm thi, tham gia nhiều hoạt động ở các trường đại học vì muốn tiếp xúc với những tài năng chớm nở.
Bản nhạc "Khúc hát sông quê" - một trong những ca khúc nổi tiếng nhất
của Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Vnguitar.
Tính tình hào sảng, phóng khoáng nhưng khi bắt tay vào công việc, ông nghiêm túc, khó tính. Nhà thơ Bình Nguyên Trang có dịp hợp tác với nhạc sĩ khi ông thực hiện liveshow Khúc hát sông quê hồi tháng 9/2017. "Nhiều người tưởng Nguyễn Trọng Tạo là người à uôm, xuề xoà, thực ra không phải. Động đến công việc, ông như biến thành người khác. Ông kỹ tính, cầu toàn, luôn muốn mọi việc chỉn chu, theo đúng ý mình. Khi ông quyết định điều gì, khó ai lay chuyển được", nhà thơ Bình Nguyên Trang chia sẻ.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Thụy Kha (phải).
Làm bạn với nhau hơn 40 năm, từng cùng làm Tạp chí Âm nhạc, Tạp chí Thơ, nhà thơ Thuỵ Kha và nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo không tránh khỏi những lúc xích mích: "Thế nhưng Tạo chẳng bao giờ để bụng, giận hờn ai lâu. Trong công việc, cậu ấy quyết liệt, không dễ dàng thoả hiệp", Nguyễn Thụy Kha nói.
Ông cũng là người ôm đồm, đa mang. Ở tuổi ngoài 70, ông vẫn làm đủ thứ việc, từ biên tập, thiết kế bìa sách, dạy học, chấm thi âm nhạc, sáng tác thơ... Trước khi bị tai biến cuối năm 2017, hầu như đêm nào ông cũng thức đêm, thậm chí đến sáng để hoàn thành "tỷ thứ việc" như vậy. Sau cơn bạo bệnh, khi hồi phục, ông vẫn dành thời gian tập thể dục, làm thơ, soạn bài phê bình, viết nhạc. "Con người tôi là vậy. Sau khi lâm bệnh, nếu không đọc sách báo hoặc làm điều gì có ích, tôi sẽ thấy buồn và trống trải", ông tâm sự khi chuẩn bị liveshow ở quê nhà Nghệ An hồi năm ngoái.
Sống một mình nhiều năm nay trong căn chung cư ở khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội, nhiều người nghĩ Nguyễn Trọng Tạo cô đơn lúc cuối đời. Thế nhưng ông hạnh phúc, hài lòng vì mình có được sự tự do. Trải qua hai lần đổ vỡ, tài sản lớn nhất ông giữ lại là ba người con hiểu chuyện, trưởng thành. Con gái lớn đã lập gia đình, sống ở tòa nhà cạnh bố nên thường xuyên thăm nom ông. Con trai thứ đã tốt nghiệp Tiến sĩ Kiến trúc ở Italy và đang làm việc ở Huế, con gái út học Tiến sĩ Kinh tế ở Italy. Cả ba đều coi bố là thần tượng nhưng không theo nghiệp ông vì sợ "con không bằng được cha". Nhà thơ Thuỵ Kha tiết lộ ngoài gia đình, bạn bè, không ít phụ nữ thầm thương trộm nhớ, ngưỡng mộ ông. Tuy nhiên, ông luôn ý tứ, chừng mực trong các mối quan hệ.
Nguyễn Thuỵ Kha hồi tưởng: "Khi Trọng Tạo còn sống, hai chúng tôi tâm đắc câu thơ của thi hào Nga - Boris Leonidovich Pastenak: 'Cứ sống, cứ sống, cứ sống đến cùng'. Vậy nên cậu ấy rong ruổi khắp nơi, kết giao với nhiều người, làm đủ việc mình thích. Tôi vẫn nói với bạn: 'Mày sống như thế là bằng ba cuộc đời của người khác rồi, chẳng có gì phải tiếc cả'. Bạn ra đi, tôi đau buồn nhưng không suy sụp, bi luỵ".
Hà Thu
Vĩnh biệt ông! Phiêu diêu trên trời cao. Nơi không có những văn nhân, thi nhân bị bỏ tù vì đã nói điều ngược lại với chính quyền.
Trả lờiXóa